5 bộ phim có màn báo thù đỉnh cao nhất trong lịch sử điện ảnh

Những nhân vật trong các bộ phim dưới đây đều có những màn trả thù thần thánh với phương châm ‘Quân tử 10 năm, trả thù chưa muộn’, khiến kẻ thù sống không bằng chết.

1. Oldboy (2003)

“Đừng để miệng đi chơi xa” có lẽ là thông điệp phù hợp nhất mà Oldboy – một trong bộ ba phim về đề tài báo thù nổi tiếng của đạo diễn Park Chan Wook muốn truyền tải đến người xem. Dựa theo bộ truyện tranh Nhật Bản cùng tên của hai tác giả Nobuaki Minegishi và Garon Tsuchiya, Oldboy đã chinh phục cả công chúng lẫn giới chuyên môn với kịch bản quá đỗi xuất sắc, dựng lên một màn trả thù hoàn hảo và dài nhất lịch sử điện ảnh, mà xem chừng chỉ có những ai sở hữu bộ óc vừa thông minh, vừa quái kiệt như Park Chan Wook mới có thể nghĩ ra.

Chỉ vì không biết giữ mồm giữ miệng, nam chính Oh Dae Su đã gây ra một sự hiểu lầm nghiêm trọng, khiến chị gái của Woo Jin phải tìm đến cái chết để thoát khỏi tủi hổ, để rồi về sau, ông phải trả một cái giá quá đắt. Vào đúng sinh nhật cô con gái 3 tuổi của mình, Dae Su đã bị Woo Jin sai người bắt cóc. Sau đó, hắn nhốt Dae Su trong một căn phòng kín, không thể trốn thoát. Suốt 15 năm trời sống trong ngục tù, Dae Su còn phải đối mặt với cú sốc lớn khi hay biết vợ mình đã bị sát hại và kẻ sát nhân cố tình vu vạ cho ông. Cô con gái bé nhỏ thì được một gia đình bên Thụy Điển nhận nuôi và bặt vô âm tín.

Những tưởng cuộc đời của ông sẽ kết thúc trong chốn địa ngục trần gian bốn bức tường này. Nhưng bất ngờ vào một ngày bình thường như bao ngày khác, Dae Su được kẻ chủ mưu thả ra, ông tỉnh dậy trong sự bàng hoàng khi phát hiện mình đang nằm trên tầng thượng của một tòa nhà lớn. Vào giờ phút đó, Dae Su quyết tâm tìm hiểu lý do vì sao ông phải chịu hình phạt quá đỗi tàn khốc này, đồng thời trả thù kẻ đã cướp mất gia đình và 15 năm cuộc đời của ông.

Tuy nhiên, Dae Su đã nhầm. Đây mới chỉ là màn dạo đầu trong kế hoạch báo thù rợn người của “sát nhân giết người không cần dao” Woo Jin. Cú plot twist ở cuối phim đã khiến toàn bộ khán giả lẫn Dae Su phải vỡ òa trong căm phẫn, nhận ra rằng hóa ra từ đầu đến cuối, ông và những người khác chỉ là con cờ bị thao túng dưới tay Woo Jin. Sự trả thù mà Woo Jin dành cho Dae Su còn ghê tởm và đáng sợ hơn cả cái chết, đem đến sự ám ảnh rùng rợn không chỉ cho nạn nhân mà còn tác động lớn đến người xem.

Woo Jin không phải là nhân vật chính của câu chuyện, nhưng lại là nhân vật chủ chốt, là chủ cuộc chơi đầy ám ảnh mà Oh Dae Su tham gia. Hắn là một giám đốc tài hoa với vẻ ngoài đẹp trai, bảnh bao và lịch thiệp. Hắn giàu có, sống trong một căn hộ hạng sang, là một cậu ấm ngậm thìa vàng từ nhỏ. Tuy nhiên, ẩn sau cái vẻ ngoài hào hoa phong nhã đó là bản chất của một kẻ biến thái bị dồn vào đường cùng, tồn tại cho đến ngày hôm nay chỉ vì mục đích trả thù. Để báo thù cho cái chết của người chị gái mà hắn trót nảy sinh tình cảm nam nữ từ thuở nhỏ, Woo Jin đã không tiếc thời gian và công sức lên hẳn một kế hoạch dài đằng đẵng 15 năm trời mà, không gây đau đớn về mặt thể xác cho kẻ thù, Woo Jin vẫn đủ sức khiến cho Dae Su phải sống trong day dứt.

Dù không đoạt giải Cành cọ vàng – giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 2004, tuy nhiên nhờ kịch bản sáng tạo, bứt phá và màn diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên thực lực, nổi bật là nam tài tử Choi Min Sik trong vai nam chính Oh Dae Su, Oldboy vẫn vinh dự nhận được giải Grand Prix do Ban giám khảo bầu chọn cùng hàng chục giải thưởng lớn từ các liên hoan phim danh giá khác. Không chỉ gây được tiếng vang ở khu vực Châu Á, Oldboy còn làm chấn động toàn thế giới, khiến những nhà phê bình điện ảnh khó tính nhất cũng phải gật gù tán thưởng tuyệt phẩm báo thù đầy rẫy sự điên loạn, bạo lực và máu me này.

Biên kịch Jamie Russell khi đưa ra lời phê bình cho tác phẩm này trên BBC đã không tiếc lời khen ngợi Oldboy là “một kiệt tác đầy tính bạo lực, là bằng chứng cho thấy Hàn Quốc xứng đáng là một trong những nền điện ảnh xuất sắc và vĩ đại nhất thế giới”. Trong khi đó, nhà phê bình James Berardinelli của tờ ReelViewsnhận định “Oldboy không phải là bộ phim mà bất cứ ai cũng có thể thưởng thức, nhưng nó mang đến hơi thở mới, có thể cứu rỗi những ai đang chết ngộp trong làn khói mù mịt tràn lan từ các bộ phim thuộc dòng kịch tính gay cấn điển hình của Hollywood”.

Tờ Empire đã xếp Oldboy đứng thứ 64 trong danh sách 500 bộ phim hay nhất mọi thời đại. Tác phẩm này cũng vinh dự là một trong 10 phim châu Á hay nhất mọi thời đại, bình chọn bởi CNN. Oldboy nhận được 8,4 điểm từ trang web IMDB và 80% từ Rotten Tomatoes.

2. The body (2012)

Không gây ám ảnh với những tình tiết bạo lực và đẫm máu như Oldboy, The body – siêu phẩm điện ảnh của xứ sở Tây Ban Nha “đánh gục” công chúng và các chuyên gia điện ảnh với cốt truyện trinh thám ly kỳ đan xen nhiều tình tiết kinh dị với những cú dọa ma dựng tóc gáy, khiến người xem phải đến những phút cuối cùng mới ngỡ ngàng nhận ra những gì mình vừa xem không phải là một cuộc điều tra tội phạm giết người hay một bộ phim ma nữ báo thù tầm thường, mà thực chất là một màn trả thù quá đỗi tinh vi đã được kẻ chủ mưu dàn dựng cả một thập kỷ với cú knock-out ở đoạn kết đảm bảo sẽ khiến các mọt phim thể loại kịch tính cảm thấy phấn khích và bất ngờ tột độ không kém cạnh những trải nghiệm mà Oldboymang lại.

Diễn biến The body bắt đầu từ việc quý bà Mayka, một doanh nhân trung niên thành đạt, kết hôn với Álex, một giáo viên trẻ hơn bà đến chục tuổi. Cuộc hôn nhân của họ có dấu hiệu rạn nứt khi Mayka ngày càng trở nên già nua và hay ghen bóng ghen gió, thích kiểm soát chồng vì lo sợ Álex sẽ thay lòng đổi dạ. Những gì mà Mayka lo sợ không ngờ đều trở thành sự thật. Álex không chỉ cặp kè với cô bồ nhí trẻ đẹp Carla mà còn nung nấu kế hoạch thủ tiêu máy bay bà già của mình để chiếm đoạt khối tài sản kếch xù đồng thời có thể công khai lấy nhân tình bé nhỏ.

Álex đã thành công trong việc đầu độc Mayka bằng một ly rượu vang, khiến bà lên cơn đau tim và chết trong tức tưởi. Tuy nhiên, mưu sự tại nhân, hành sự lại tại thiên, cái xác của Mayka bất ngờ biến mất khỏi nhà xác trong một đêm mưa bão, khiến phía cảnh sát phải vào cuộc điều tra để tìm kiếm tung tích. Hàng loạt bằng chứng dấy lên khiến nhiều người nghi ngờ Mayka chưa thực sự chết và đang tìm cách báo thù Álex và Carla bằng chiêu thức “mèo vờn chuột”. Trong khi lo lắng nơm nớp sẽ bị bà vợ già đội mồ về trả thù, Álex còn phải đối đầu với viên thanh tra Jamie để lấp liếm tội trạng giết người của mình.

Không tập trung nhiều vào những cảnh hành động gay cấn, The body được dàn dựng với bối cảnh chính là khu nhà xác và phòng thẩm vấn tại trụ sở cảnh sát. Bộ phim tập trung khai thác tình tiết và cảm xúc của nhân vật, dần dần tháo gỡ từng mảng bí mật qua những đoạn hội thoại diễn ra giữa Álex và thanh tra Jamie tại phòng hỏi cung, qua những cuộc điện thoại lén lút giữa kẻ tội đồ với cô tình nhân và những trường đoạn hồi tưởng của hắn khi sống cùng một mái nhà với Mayka.

Tuy nhiên, hầu như những chi tiết diễn ra trong phim đều được đạo diễn dựng lên chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng khán giả, khiến chúng ta không hề nghi ngờ kẻ chủ mưu thực sự đứng sau toàn bộ vở kịch này. Để rồi đến khi kết thúc, khi đối tượng làm chủ cuộc chơi, một kẻ “xa tận chân trời, gần ngay trước mắt” xuất đầu lộ diện, tất cả mới ngớ người hiểu rằng: “À, thì ra mình đã bị lừa!”. Nhưng đây thực sự là một cú lừa ngoạn mục mà chẳng ai cảm thấy phẫn nộ khi bị lừa hết, thậm chí còn khiến người xem phải trầm trồ thảng thốt: “Lừa hay lắm! Phim như thế này mới là tuyệt phẩm!”.

The body không chỉ nhận được sự đón nhận của khán giả trong nước mà còn làm nên dấu ấn to lớn ở thị trường quốc tế. Kịch bản của The body từng được Hàn Quốc làm lại với cái tên khác là The vanished. Tuy nhiên, so sánh với bản gốc quá đỗi xuất chúng của Tây Ban Nha, tác phẩm remake của xứ củ sâm thực sự vẫn còn non kém với hàng loạt nhược điểm và lỗ hổng về mặt kịch bản lẫn cách dàn dựng, triển khai tình tiết.

3. Now you see me (2013)

Nội dung tuy có phần khác biệt nhưng cách thức trả thù trong Now you see me có nhiều điểm tương đồng với The body khi đến phút chót, cú hạ màn của kẻ báo thù đều khiến tất cả phải sửng sốt bởi hắn là đối tượng mà chẳng ai có thể nghĩ tới, gần như không có sự liên quan đến động cơ và hàng loạt tình tiết của bộ phim.

Thuộc dòng phim thể loại hành động, điều tra tội phạm điển hình của Mỹ, Now you see me mang đến một kèo trả thù đúng chuẩn “treo đầu dê bán thịt chó” với sự góp sức của những ảo thuật gia hàng đầu Mỹ, đem đến một phi vụ báo thù được dàn dựng công phu, tỉ mỉ và gần như không có lỗ hổng dưới lớp ngụy trang là những màn ảo thuật “vi diệu”. Phim không đi theo hơi hướng kỳ bí, bạo lực hay u ám, mà ngược lại khá hài hước, vui vẻ và sống động, đem đến những phút giây vừa phấn khích, tươi mới và giải trí cho khán giả.

Xem phim, công chúng sẽ phải choáng ngợp và thán phục trước những màn kết hợp hết sức ăn ý của những kẻ láu cá tham gia vào phi vụ lừa đảo thế kỷ này, đồng thời mãn nhãn trước những phân cảnh hành động rượt đuổi, đua xe đậm chất Hollywood. Những màn ảo thuật “lừa người” của các nhân vật chính đều khiến người xem đã mắt và được giải thích cặn kẽ sau đó, khiến chúng ta càng thêm nể phục sự đầu tư và nghiên cứu nghiêm túc của các nhà làm phim trong lĩnh vực ảo thuật để đem đến một kịch bản vừa chặt chẽ vừa sáng tạo, biến Now you see methành một trong những bộ phim mang tính giải trí hiếm hoi được giới phê bình đánh giá cao.

Nhờ cốt truyện lôi cuốn và đề tài độc đáo, mới lạ, Now you see me từ khi ra rạp vào tháng 5/2013 đã nhận được sự yêu mến nhiệt liệt của khán giả. Tổng doanh thu của bộ phim tính đến thời điểm này đã vượt mốc 315,7 triệu USD, một con số khá cao so với chi phí làm phim khiêm tốn là 75 triệu USD. Bộ phim cũng từng nhận được giải “Phim thể loại kịch tính được yêu thích nhất” tại People’s Choice Awards2014.

4. Kenja no Ai (2016)

Nếu cho rằng màn trả thù kéo dài 15 năm của nhân vật Woo Jin trong Oldboy là đỉnh cao của sự thù dai thì nữ chính Mayuko Takanaka trong Kenja no Ai với màn ủ mưu tính kế suốt 20 năm để trả đũa cô bạn thân có lẽ xứng đáng được tôn thành “Chúa tể của sự kiên nhẫn”.

Mayuko và Yuri trở thành bạn thân với nhau từ thời trung học sau khi Yuri chuyển đến gần nhà cô nàng sinh sống. Mayuko có cuộc sống gia đình giàu có, hạnh phúc bên những người yêu thương, chiều chuộng cô hết mực trong khi Yuri phải sống trong một ngôi nhà không có tình yêu thương của bố mẹ. Vì lẽ đó, Yuri nảy sinh cảm giác ghen tị với Mayuko và quyết tâm cướp hết những gì mà cô bạn mình có. Ban đầu những thứ mà Yuri nhắm đến chỉ là những con búp bê, sợi dây chuyền hay những món đồ chơi trẻ con, rồi dần dần lòng tham của Yuri ngày càng lớn và đạt đến đỉnh điểm khi cô nàng có giã tâm chiếm đoạt bố rồi đến vị hôn phu của Mayuko.

Cay đắng khi nhận ra cô bạn thân bấy lâu nay mà mình hết mực nhường nhịn và yêu mến là kẻ đã gián tiếp hại chết người cha đáng kính và cướp đi mối tình đầu của mình. Mayuko đã lên một kế hoạch trả thù theo mô típ “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Cô nàng nhận làm mẹ nuôi của Naomi, cậu con trai kháu khỉnh của Yuri và kẻ bội bạc Ryoichi. Mục đích của Mayuko là gần gũi với cậu bé Naomi, nuôi nấng cậu trở thành mẫu đàn ông lý tưởng của mình, khiến Naomi mê đắm rồi trở thành tình nhân bé nhỏ phục tùng và nghe theo lời cô, rồi dần dần cướp đi hoàn toàn cậu con trai bé bỏng của Yuri, khiến cậu và mẹ mình phải đoạn tuyệt tình mẫu tử.

Đúng như những gì Mayuko tính toán, sau khi trưởng thành, Naomi đã sa vào lưới tình với người mẹ nuôi hơn mình đến hai chục tuổi và răm rắp nghe theo cô, có phần chống đối lại bố mẹ mình. Rồi đến cái ngày mà Mayuko chờ đợi cũng tới, Yuri đã phát hiện ra chân tướng sự việc và tìm đến cô để đối chất. Màn ân oán dưới lớp vỏ bọc tình bạn kéo dài 30 năm giữa hai người phụ nữ cuối cùng cũng đến ngày kết thúc. Tuy nhiên, cái kết dành cho các nhân vật trong phim có phần khiến người xem chưng hửng.

Mạch phim của Kenja no Ai chậm rãi, nhẹ nhàng với những đoạn hội thoại dài lê thê đậm chất drama Nhật Bản, sẽ gây khó chịu cho những ai là mọt phim của thể loại hành động gay cấn. Điểm cộng của tác phẩm truyền hình dài 4 tập này là kịch bản đột phá, xoắn não và cách kể chuyện “tình tiết lồng tình tiết” được dàn dựng khéo léo, giúp khán giả từng bước từng bước khám phá ra những câu chuyện quá khứ đã làm nên mối thâm thù từ đời này sang đời khác giữa hai cô bạn tưởng chừng như “thân chết đi sống lại” này qua dòng hồi tưởng của cặp nữ chính Mayuko – Yuri.

Ngoài khâu kịch bản mới lạ và các tình tiết có phần “cẩu huyết”, Kenja no Ai còn gây chú ý với cách xây dựng nhân vật phải nói là vô cùng đặc biệt. Nếu như Yuri, kẻ châm ngòi cho hàng loạt chuỗi sự kiện bi thương xảy đến với những người xung quanh đại diện cho những mảng nội tâm đen tối nhất và xấu xí nhất trong mỗi con người, thì Mayuko, cô tiểu thư hiền lành và được gia đình bao bọc quá mức chính là biểu tượng của một thiên sứ sa ngã, là minh chứng cho thấy sự tàn nhẫn của con người có thể đạt đến đỉnh điểm khi bị dồn đến bước đường cùng.

Yuri khôn lanh, sắc sảo và giảo hoạt trong khi Mayuko tâm cơ, bí ẩn, thâm sâu khó lường. Sự tương phản của hai người phụ nữ trung tâm trong câu chuyện hại não này đem đến một màn tung hứng xuất sắc trên màn ảnh, giúp khán giả chiêm nghiệm được nhiều ẩn ý sâu xa, đầy tính nhân văn mà các nhà làm phim muốn truyền tải đến. Không cần đến những thước phim cao trào đầy bi thương hay các cảnh hành động cơ bắp, máu me, Kenja no Ai vẫn đủ sức khiến người xem ám ảnh với cuộc nội chiến đầy mưu mô toan tính suốt ba thập kỷ của phái yếu.

5. Gone girl (2014)

Nhân vật cuối cùng chốt lại danh sách các trùm cuối có màn báo thù bá đạo nhất trên màn ảnh chính là bà nội trợ Amy Elliott Dunne, ác nữ từng làm mưa làm gió các rạp chiếu phim trên thế giới với siêu phẩm đạt 8,4 điểm trên IMDB – Gone girl. Không tốn quá nhiều thời gian để chuẩn bị cho kế hoạch trả thù, “cô gái mất tích” Amy bằng trí thông minh và óc sáng tạo của một nhà văn đã vạch ra một chiến lược trừng phạt gã chồng nhu nhược, vô dụng và trăng hoa của mình bằng thủ đoạn tàn độc nhất mà chẳng cần ra tay trực tiếp.

Amy là con gái của cặp nhà văn nổi tiếng nước Mỹ. Bố mẹ cô nàng từng chung tay viết nên một tác phẩm để đời lấy cảm hứng từ chính cô con gái cưng của mình và đặt tiêu đề là Amazing Amy. Nhờ sự thành công của cuốn sách, Amy trở thành nhân vật nổi tiếng tại Mỹ và có một lượng fan đông đảo. Cô nàng xinh đẹp, thông minh, có học thức nhưng tâm cơ khó lường, cực kỳ nguy hiểm.

Sau này, Amy quen biết với Nick và kết hôn với anh chàng. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của họ dần đi vào bế tắc khi Amy để lộ bản chất thích kiểm soát chồng còn Nick lộ rõ là một gã đàn ông lười nhác, chỉ biết ăn sẵn, thậm chí còn lén lút “ăn vụng” sau lưng vợ. Quá thất vọng khi biết được Nick ngoại tình, Amy đã lóe lên suy nghĩ phải trả thù và tống ông chồng bội bạc của mình vào tù bằng cách mất tích rồi dựng nên cái chết của mình, tạo bằng chứng giả để đổ tội danh giết vợ lên đầu Nick. Lợi dụng truyền thông và sự nổi tiếng của mình, cô nàng đã kéo cả cánh phóng viên lẫn cảnh sát vào cuộc và khiến mọi người tin chắc rằng chính Nick là kẻ đã sát hại Amy và thủ tiêu cái xác của cô nàng.

Dù kế hoạch dồn Nick vào chỗ chết không thành công bởi chính Amy đã thay đổi suy nghĩ và quyết định cho Nick một cơ hội thay đổi. Song cái giá phải trả của Nick vẫn thực sự quá đắt. Sự quay về đoàn tụ của Amy chẳng khác nào bắt Nick phải sống trong địa ngục, ngày ngày luồn cúi và khép nép bên cô vợ “quá nhanh quá nguy hiểm” của mình, cả đời phải sống trong nơm nớp sợ hãi lỡ chẳng may làm nàng giận thì xong đời. So với việc đưa Nick lên ghế điện hành hình để trả giá cho cái tội danh mà thực sự hắn không mắc phải, việc nằm ngủ bên Amy hàng đêm cho đến hết kiếp chính là sự trừng phạt thích đáng nhất cho những lão chồng tệ bạc, chán cơm thèm phở như Nick Dunne.

Màn trả thù mưu lược, được tính toán kỹ càng từng chi tiết nhỏ nhất của Amy đã khiến khán giả phải kinh ngạc và khiếp đảm trước trí tuệ, bản lĩnh và mức độ đáng sợ của nhân vật này. Vẻ bất cần, phũ phàng và tàn nhẫn đến mức coi việc trả thù Nick là sứ mệnh quan trọng cuối cùng của cuộc đời mình không khiến Amy bị ghét bỏ, mà thậm chí còn nhận được sự đồng cảm của mọi người, nhất là cánh bà mẹ bỉm sữa. Sự vùng dậy của Amy chẳng khác nào lời tuyên ngôn của phái đẹp, rằng: “Phụ nữ là những thiên thần, khi ai làm gãy cánh của họ, họ sẽ vẫn bay, nhưng là trên một cây chổi”. Gone girl không chỉ là một bộ phim tâm lý gay cấn về sự báo thù, mà còn là một lời cảnh tỉnh dành cho cánh đàn ông và một bài học đáng suy ngẫm dành cho bất cứ ai đã, đang và sẽ bước vào hôn nhân.

Ngoài phần kịch bản và cách dựng phim tài tình, diễn xuất tuyệt vời của đóa hồng nước Anh – Rosamund Pike trong vai “cô vợ quái thai” Amy chính là yếu tố chính làm nên thành công cho tuyệt phẩm của đạo diễn David Fincher. Với màn nhập vai xuất thần, cô đào U40 đã nhận được một đề cử cho hạng mục “Nữ chính xuất sắc nhất” tại Oscar 2015. Bàn về khả năng diễn xuất của Rosamund Pike trong Gone girl, nhà phê bình điện ảnh Todd McCarthy đã đưa ra nhận xét: “Từ vẻ ngoài cho đến cách diễn đạt nội tâm, cảm xúc của cô ấy đều toát lên sự mạnh mẽ, uy quyền… Pike đã thực sự chìm đắm trong vai diễn này, hóa thân hoàn toàn vào nhân vật Amy mưu mô, gian xảo và đem đến cho khán giả một màn trình diễn hết sức tuyệt vời”.

Alexandra V

Theo IOne/VnExpress