Khi được hỏi về những kỷ niệm tình yêu với ông xã hiện tại, danh ca Thanh Tuyền cho biết: “Trời ơi, giờ này già rồi thì còn hỏi mấy chuyện đó nữa. Bây giờ nên hỏi tôi là chừng nào nghỉ hát đi tu”.
Trong lần về Việt Nam lần này sau 4 năm xa cách, danh ca nổi tiếng một thời Thanh Tuyền dành nhiều thời gian gặp gỡ với khán giả và báo chí.
Danh ca Thanh Tuyền từng tâm sự về cuộc hôn nhân đầu tiên của mình đầy xót xa. Ngày đó, người chồng đầu tiên bỏ bà sang Mỹ, để lại Thanh Tuyền với ba đứa con thơ dại. Sau nhiều sóng gió, bà và các con mới đến được nước Mỹ thì phát hiện ra người chồng khi xưa đã có duyên mới. Những đắng cay trong cuộc đời riêng được Thanh Tuyền chuyển tải vào câu hát, cũng chính vì thế, bà luôn hát những ca khúc buồn da diết, nhiều tâm trạng.
GIờ đây, khi ổn định cuộc sống với người chồng hiện tại, Thanh Tuyền cho biết, bà theo đạo Phật, không còn quan tâm đến chuyện tình cảm và cảm thấy cuộc sống thanh thản hơn rất nhiều.
Tôi đã quên hết cảm giác yêu đương
Xa Việt Nam 4 năm, lần này trở về bà có cảm xúc như thế nào?
Dù ở đâu thì Việt Nam lúc nào cũng ở trong tim tôi. Lúc ở bên Mỹ, tôi vẫn nhớ Việt Nam. Tôi nhớ nhất những ngôi nhà cũ đã ở ngày xưa ngay Hàng Xanh mà mỗi lần đi ngang không vào được.
Món ăn nào của Sài Gòn mà bà nhớ nhất?
Tôi nhà quê, bình dân lắm. Tôi không quan trọng, cầu kì ăn uống. Mình con nhà nghèo mà. Ăn thì cũng nhớ những món kỉ niệm. Có những kỉ niệm hồi trẻ không bao giờ quên, như lúc nào trong nhà cũng phải có ba khía, rau luộc nên bây giờ lúc nào dọn trên mâm của tôi cũng có món này.
Một ngày bình thường ở bên Mỹ của bà như thế nào?
Ngày thường tôi liên hệ với gia đình ở Đà Lạt, Sài Gòn để làm từ thiện, những lúc rảnh thì tôi sắp xếp đi giúp cho nhà thờ, chùa chiền. Ai cần gì thì tôi giúp. Cuối tuần tôi mới đi hát. Tôi không để trống lúc nào hết, tôi quý từng ngày từng giờ. Ngay cả khi ngồi nói chuyện như thế này tôi cũng quý ngày hôm nay vì tôi không biết mình có còn hát được ngày mai không. Không phải tôi bi quan mà tôi thấy rõ cuộc đời này không thể nào biết trước được điều gì.
Mặc dù nhiều năm rồi nhưng phong cách thời trang của bà vẫn rất đẹp, thanh lịch, phù hợp lứa tuổi. Bà có dành nhiều thời gian để đầu tư mua sắm quần áo, trang phục hay không?
Từ “shopping” là điều mà tôi đã quên hơn mười năm nay rồi. Quần áo tôi mặc đơn giản lắm. Tôi không sắm nhiều, chỉ chừng mực thôi. Tôi đi qua nhiều nơi, thấy nhiều mảnh đời sống dưới địa ngục. Bây giờ tôi thay đổi nhiều lắm. Hễ ăn còn dư là tôi đều để dành chứ không đổ bỏ. Dù ngày mai không ăn nhưng tôi vẫn để dành lại. Tôi quý từng hột cơm, từng cái áo.
Ngày xưa thì bà tiêu xài nhiều lắm hay sao?
Nghệ sĩ mà. Nhưng bây giờ thì mọi thứ không cần thiết, không có gì quan trọng hết. Mỗi ngày sau khi tôi hát mà được khán giả thương là về nhà tôi được ngủ một giấc ngon. Tôi phục vụ được khán giả, người ta đến xem thì mình có thể đáp lại bằng từng hơi thở của mình thì hạnh phúc rồi.
Ngay cả bây giờ trong cuộc đời này, trong giới nghệ sĩ đâu phải ai cũng thương mình hết đâu nhưng tôi không quan tâm, những việc đó không ảnh hưởng gì tới tôi hết. Tôi chỉ biết mình làm đúng. Tuổi của tôi bây giờ như vậy rồi. Tôi không làm gì sai. Dĩ nhiên không ai chắc chắn rằng mình không sai. Nhưng tôi làm gì cũng rất cẩn thận, 24/24, vì tôi lớn rồi, tôi không muốn cái gì sai cả.
Tuy nói không mua sắm nhiều nhưng bà luôn đầu tư ngoại hình như một cách thể hiện sự tôn trọng khán giả?
Đúng. Bước ra cửa là tôi chuẩn bị thật đẹp chứ. Tôi ăn mặc theo phương tiện, thời gian, địa điểm. Ví dụ đi tập thể thao, máy bay, tập nhạc..thì khác nhau. Mình tôn trọng khán giả chứ đâu thể bê bối, xuề xòa được. Dù mình lớn tuổi thì khán giả cũng phải nhìn mình đẹp theo kiểu lớn tuổi.
Lúc còn đi học, bà đối diện với sự nổi tiếng thế nào?
Khi đang học Đệ Tứ ở trường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt thì tôi chuyển về Sài Gòn học Lê Văn Duyệt, một trong bốn trường nữ thời bấy giờ. Lúc đó tôi đi học không ai biết vì tôi tên khác, Như Mai. Trong văn nghệ khi nổi tiếng thì tôi lại càng không muốn ai biết đến mình. Tôi chỉ muốn đi học cho tốt thôi. Người bạn ngồi kế bên còn không biết tôi đi hát nữa.
Bà sợ sự nổi tiếng à?
Tôi không muốn người ta biết mình là ca sĩ. Năm 1967 bắt đầu có đài truyền hình đen trắng thì khán giả bắt đầu biết mình, còn trước đó thì không biết.Đến khi báo chí bắt đầu đăng hình tôi lên bìa là tôi đã học xong rồi.
Khi nổi tiếng, bà có “chảnh” không?
Mấy chục năm nay tôi chưa hề thấy mình “xuống”, bởi vì tôi chưa bao giờ thấy mình “lên”. Tính tôi trước sau như một với những người làm việc chung, bạn bè. Tôi không biết “chảnh”, mà muốn làm cũng không được, nhất là đến giờ, sau bao nhiêu thăng trầm rồi. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thi, con của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đặt cho tôi biệt danh là “nữ ca sĩ không xuống tông”, tức là tôi trước giờ vẫn vậy. Ngay cả lúc lên cao tận cùng thì tôi vẫn vậy.
Bà từng gây xôn xao khi chia sẻ cuộc hôn nhân đầu đầy trắc trở khi vượt mọi khó khăn để sang Mỹ thì chồng đã có vợ mới. Còn cuộc hôn nhân hiện tại thì sao? Ông xã có mất nhiều thời gian chinh phục bà không?
Trời ơi, giờ này già rồi thì còn hỏi mấy chuyện đó nữa. Bây giờ nên hỏi tôi là chừng nào nghỉ hát đi tu. Chứ còn chuyện đó mấy chục năm rồi, tôi đã quên hết cảm giác đó rồi. Tôi đã “ngộ” theo đạo Phật nên tôi không để ý những chuyện đó nữa. Tôi và chồng tu tại gia nên mọi chuyện rất bình an.
Bây giờ tôi muốn nhắc tới tương lai là không biết mình có thể sống được bao lâu, làm được những gì. Bây giờ đối với tôi mọi chuyện không có gì tồn tại hết. Ngày nay và ngày mai không biết có chuyện gì xảy ra. Giây phút hiện tại là quý trọng nhất.
Từng cấm em gái Sơn Tuyền đi hát
Với vai trò chị cả của 14 người em thì bà có phải cáng đáng lo cho gia đình nhiều không?
Điều đó là bắt buộc rồi. Năm 17 tuổi, tôi về Sài Gòn. Lúc đó là mùa hè năm 1964. Đến năm 1965 thì tôi nổi luôn. Trong nghề hát, tôi là người may mắn nhất, sau một đêm ngủ dậy giống như một giấc mơ vậy. Tôi đi hát từ ngày còn nhỏ, cũng được gọi là thần đồng nhưng Đà Lạt chỉ là tỉnh lẻ thôi. Nhưng không bao giờ tôi nghĩ một sớm một chiều mà nổi tiếng ở Sài Gòn. Bao nhiêu đó cũng khiến tôi phải nghĩ rằng mình sinh ra là để đi hát.
Ngày đầu tiên bà đi hát ở Sài Gòn như thế nào? Bà có nhớ những kỉ niệm khi mình may mắn nổi tiếng sau một đêm?
Thầy của tôi là Nguyễn Văn Đông đã viết hồi kí khá rõ rồi đấy. Hồi đó thầy đưa tôi về đất Sài Gòn này, khoảng bảy tháng sau thôi thì chỗ mấy góc đường Sài Gòn đều treo hình của tôi. Thời đó chưa có truyền hình nên tôi có đi ăn bò kho, uống nước mía lề đường thì cũng không ai biết tôi nổi tiếng.
Lúc tôi được biết đến thì tôi chưa hề biết phấn son, mọi thứ đến quá nhanh. Đến nỗi bây giờ nghe lại những đĩa thâu hồi đó tôi thấy sao mà non nớt quá. Quá non như trái còn xanh. Nhưng vậy mà nổi tiếng. Mà nổi tiếng vậy thôi chứ khi phòng trà Quốc tế Bồng Lai mời đi hát, tôi không biết đánh son phấn thế nào. Thầy tôi phải giúp tôi trang điểm. Thầy chưa từng đánh son phấn cho người đàn bà mà lại đánh son cho tôi. Nghe những câu chuyện về cuộc đời tôi nên nhạc sĩ Thanh Sơn đã tặng bài Nỗi Buồn Hoa Phượng cho tôi. Thời đó, bài hát thâu cho hãng đĩa Sóng Nhạc bán khắp miền Nam đắt khách kinh hồn.
NSND Lệ Thủy từng kể vào thời hoàng kim của các gánh hát có những lúc nhận tiền từng bao tải. Điều này có rơi vào trường hợp của bà không?
Tôi hát cho đoàn Kim Cương không có bao tải tiền đâu. Chỉ có mỗi tuần nhận được 1 kí đường, 1 bịch bột ngọt, 2 lon sữa. Tôi, Thái Châu, Họa Mi, Lệ Thu, Phương Hồng Quế hát xong là lãnh nhu yếu phẩm nhưng mà vui vì một bản nhạc mà tôi hát nguyên cả năm.
365 ngày, ngày nào cũng hát có một bản mở màn cho vở kịch thôi. Ví dụ kịch của đoàn Kim Cương làm bài Lá Sầu Riêng thì tôi hát Nổi Lửa Lên Em. Qua năm sau hát Khúc Tâm Tình Người Hà Tĩnh. Ngày nào tôi cũng đến hát đúng một bài rồi đi về. Hát mỗi đêm mà sao cũng có người coi hoài. Mà sao cũng kì ghê. Có một ca khúc với vở kịch đó mà khán giả cứ xem hoài không chán. Đó là năm 1976.
Thanh Tuyền và em gái Sơn Tuyền
Bà và Sơn Tuyền có những kỉ niệm ấu thơ nào đáng nhớ không?
Sơn Tuyền, em thứ tám của tôi, sợ tôi lắm vì hay bị tôi đánh đòn. Khi em ấy đi hát thì bị ba mẹ và thôi phản đối. Thời đó tôi đi hát cũng đã bị đòn rồi. Ba tôi là người xưa, quan niệm “xướng ca vô loại”, không hiểu sao ba tôi lại có thành kiến như vậy. Tôi còn nhớ nhà ở số 92 Duy Tân, Đà Lạt. Tôi ở trên gác. Mỗi lần đi hát là phải để đồ đi hát ở dưới nhà. Tôi mặc quần áo đồ bộ ở nhà thường thường thôi. Canh lúc ba không để ý là tôi tuột xuống nhà rồi nhờ cậu chở đi đến chỗ hát mới thay đồ. Lúc đó tôi mới 10 tuổi. Mê hát lắm.
Đến lúc nào thì ba bà mới chấp nhận con gái đi hát?
Tới lúc tôi 15 tuổi được đài phát thanh ở Đà Lạt đến nhà xin cho đi hát, vì họ cần những giọng hát mới. Lúc đó ba tôi nể những ông trưởng ty nên cho phép tôi đi hát. Cũng nhờ đài phát thanh mà chú Nguyễn Văn Đông mới tìm ra tôi vì chương trình phát về Sài Gòn. Từ đó tôi về TP HCM và nổi tiếng. Điều này đã thay đổi hoàn cảnh gia đình tôi. Trước đây gia đình không khá giả, không đến nỗi nghèo nhưng không dư dả vì quá đông con. Nhưng ba tôi dứt khoát không cho đi hát. Sau này em tôi theo về Sài Gòn làm cho hãng đĩa của chú Đông. Hai ba tháng sau hát bài Má Hồng Đà Lạt thu đĩa xong rồi thì đi Mỹ luôn. Sau này em sang Mỹ mới bắt đầu đi hát chính thức.
Tại sao bà ngăn cản em gái mình đi hát?
Tôi không muốn Sơn Tuyền làm ca sĩ mà phải đi học, ohải có căn bản, kiến thức. Dính vào hát thì đâu có thể học hành gì được vì ham hát lắm. Tệ nhất thì cũng phải có bằng trung học.
Khán giả chỉ thích tôi hát nhạc xưa
Tại sao bà có nghệ danh Thanh Tuyền?
Tôi tên thật là Như Mai. Lúc đó có rất nhiều ca sĩ tên Mai nên mọi người muốn đặt tên khác. Thầy Nguyễn Văn Đông nói rằng tôi ở Đà Lạt có suối, thác, thông reo nên đặt là Tuyền nghĩa là suối, Thanh là cao nguyên xanh. Từ đó có tên Thanh Tuyền.
Ba đêm diễn sắp tới đánh dấu sự trở lại của bà trên sân khấu trong nước sau bốn năm vắng bóng. Bà sẽ hát khoảng bao nhiêu ca khúc trong mỗi đêm nhạc?
Tôi có thói quen không bao giờ đặt ra con số bài hát. Khi lên sân khấu thì tôi hát theo yêu cầu của khán giả, theo cảm xúc của tôi. Có nhiều khi những bài đã tập thì tôi lại không hát, mà hát những bài được yêu cầu. Chủ yếu tôi hát những bài cũ, nhưng có một vài bài mới mà mấy chục năm chưa hát. Tôi có rất nhiều bài mà thời gian mỗi đêm diễn không nhiều nên phải theo yêu cầu của khán giả lúc đó.
Sau lần trở lại này, bà dự định sẽ thực hiện tour xuyên Việt ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ. Các ca khúc cho từng chương trình có khác nhau không?
Có lẽ dòng nhạc của tôi ở ăn sâu vào khán giả ở cả nước nên đi đến đâu hát cũng thấy đã lắm. Nhưng tôi cũng có một số thay đổi tùy theo địa phương. Mình phải dung hòa cho khán giả chứ không thể các chương trình đều giống nhau. Mỗi đêm diễn ở phòng trà tôi cũng hát những bài khác nhau mà.
Bà lựa chọn ca khúc hay có ai hỗ trợ biên tập chương trình?
Tôi là chính nhưng một cái đầu làm sao mà thành công được. Tôi cũng cần nhiều người cho tôi ý kiến. Theo kinh nghiệm đi hát nhiều năm của tôi thì khán giả thích nghe tôi hát những bản nhạc quen thuộc đã theo tôi mấy chục năm, mặc dù những bài đó nhiều người hát rồi. Nhiều người nói với tôi không nên hát các bài mới vì khán giả chờ đợi mỗi đêm diễn của tôi để họ được quay về với kỉ niệm. Khán giả muốn nghe lại những lời nhạc, bài hát đã nghe mấy chục năm trước. Tôi không thể nào mà không hát lại, dù tủ nhạc qua nhiều bài nhưng mình cũng phải theo tình cảm của khán giả.
Nghệ sĩ thường sống thiên về cảm xúc. Làm sao bà có thể giữ cảm xúc tròn đầy suốt mấy mươi năm đứng trên sân khấu hát vẫn trẻ trung, vẫn đầy lửa như vậy?
Tôi nghĩ trời sinh tôi ra để hát. Định mệnh trong máu tôi rồi. Hễ nhạc nổi lên là cảm xúc đầy ắp trong tim. Tôi lớn rồi, không trẻ trung như các em trẻ nữa. Sân khấu đã cho mình quá nhiều điều, nhờ đó mà mình mới có được tình cảm của mọi người nên ca sĩ không bao giờ dám nói bỏ sân khấu. Nếu ơn trên còn cho tôi hát thì tôi vẫn tiếp tục cho đến khi không thể nữa thì thôi. Tôi đã được lời nhiều quá rồi. Mọi thứ với tôi bây giờ là cộng thêm. Chính vì điều đó nên tôi giữ gìn sức khỏe thật tốt và sống bằng cái tâm.
Mặc dù đi hát thường xuyên và nhiều năm trôi qua nhưng bà vẫn giữ được chất giọng rất tốt, có thể nói là không khác so với lúc mới nổi tiếng. Bà có thể tiết lộ bí quyết giữ giọng hát của mình?
Tôi chỉ biết trả lời là vì đam mê quá nên lúc nào tôi cũng giữ giọng hát như là báu vật. Chẳng hạn trước mỗi buổi diễn, tôi luôn lo lắng mình sẽ bệnh bất ngờ, cho nên giữ gìn từ ăn uống, giấc ngủ. Mọi chuyện đều có thể bỏ qua hết để tập trung trên sân khấu. Tôi còn học hỏi nhiều lắm. Cái gì cũng học. Học ca sĩ Mỹ, Hoa, nhiều nước khác…
Tôi đã có chất giọng rồi thì tôi xem những rung cảm của họ diễn như thế nào. Nhưng nói chung nếu chỉ học hỏi mà không yêu nghề thì cũng không đi đến đâu. Tôi hát một bài giống như là Thiền vậy chứ không phải chơi chơi. Khi hát tôi không cần biết khán giả ngồi dưới là những ai. Tôi chỉ đắm chìm trong từng lời ca. Sống phải có âm nhạc thì tôi mới sống được.
Bà hy vọng mình sẽ gặt hái được điều gì sau lần quay trở về quê hương?
Tôi chỉ muốn sau chuyến đi tour thì khán giả thương tôi hơn, cũng như tôi thương họ. Tôi không đặt ra mục tiêu gì cả. Khán giả lạ lắm, không thể diễn tả hết được. Họ thương mình từ ngày còn tóc xanh, cho đến bây giờ đã già lụm cụm. Phải dùng chữ “nặng tình” để nói về những tình cảm đó.
Đợt này về nước bà có tiếp tục các hoạt động từ thiện thường xuyên của gia đình không?
Từ đó đến giờ tôi có bao nhiêu thì cho bấy nhiêu. Mình mang nợ cuộc đời thì mình phải đi trả. Cuộc đời cho tôi quá nhiều rồi. Bây giờ hễ có thời gian là tôi và gia đình đều đi làm từ thiện. Mà chúng tôi làm từ những người mình có, chứ không kêu gọi, xin xỏ ai vì như thế là mắc nợ thêm. Tôi đi làm từ thiện để trả ơn cuộc đời vì mình quá sung sướng, may mắn. Không phải bây giờ về đây đi hát rồi tôi mới làm từ thiện.
Hồi năm 1990 khi chưa được hát thì tôi đã về làm từ thiện rồi. Tôi đã từng ở trên cao và cũng từng lọt xuống dưới hố sâu rồi. Tôi đã thấm rồi thì tôi nghĩ đối với mình không có gì quan trọng hết. Bây giờ tôi phải, nói theo tâm linh vì tôi là Phật tử, thì tôi phải làm nhiều thứ trước khi không còn được ở trong kiếp người này nữa để nhẹ bớt vì thế gian này quá nhiều đau khổ. Tôi nghĩ các bạn trẻ rất may mắn vì được sinh ra trong thế kỉ mọi thứ đều văn minh. Tôi mong tương lai thế hệ trẻ sẽ tốt đẹp hơn.
Những hoạt động từ thiện của bà và gia đình có nhắm vào một đối tượng cụ thể không hay chỉ thấy cần giúp thì hỗ trợ thôi?
Từ xưa đến giờ tôi tự động đi kiếm và âm thầm giúp đỡ họ. Nhiều người không biết tôi giúp, không biết Thanh Tuyền giúp, chỉ biết có người tên Nguyễn Mai giúp đỡ thôi. Tôi làm từ thiện không phải vì danh tiếng, nói thẳng là như vậy. Tôi đã từng ở trên cao chót vót, có đầy đủ mọi thứ rồi bất chợt tuột xuống tận cùng. Khi ở tận cùng tôi mới nhìn nhận được nhiều việc, những chuyện đó giúp tôi trưởng thành theo thời gian, năm tháng. Những điều đó làm tôi cảm thấy cuộc đời chỉ còn chữ “tình” “tâm” chân thành là quý. Chòn danh vọng, tiền tài vật chất không còn quan trọng nữa.
Xin cảm ơn danh ca Thanh Tuyền!