Con gái của NSND Thanh Tòng cho biết ông nằm liệt giường nhiều tháng nay. Đến cuối đời, tình cảm ông dành cho bộ môn nghệ thuật cải lương vẫn vẹn nguyên như ngày nào.
Sau ca sĩ Minh Thuận, làng giải trí Việt lại nhận tin dữ và mất mát lớn khi NSND Thanh Tòng qua đời vào sáng 22/9. Vốn là một trong những cây đại thụ cải lương – đặc biệt là cải lương tuồng cổ, sự ra đi của ông khiến gia đình, đồng nghiệp lẫn công chúng không khỏi bàng hoàng, tiếc thương.
NSƯT Quế Trân – con gái NSND Thanh Tòng đã chia sẻ về tình trạng bệnh tình cùng những tâm huyết, cống hiến của ông trước lúc mất.
Cha con NSND Thanh Tòng – NSƯT Quế Trân. Ảnh: Thanh Hiệp. |
Ra đi đột ngột nhưng… thanh thản
– Chào NSƯT Quế Trân, bệnh tình ba chị trước lúc mất ra sao?
– Bệnh của ba tôi là do di truyền từ ông nội. Ba tôi mắc phải căn bệnh này lâu rồi và kéo dài đến lúc mất, tình trạng ngày một nặng thêm.
Ba tôi cũng chữa trị lâu năm. Trước đây khi lưu diễn ở Mỹ hay Pháp, ba có đến bệnh viện khám nhưng bác sĩ không thể chữa dứt điểm. Ông chỉ cố gắng uống thuốc để cầm cự những cơn đau nhức. Sau này, bệnh của ba nặng hơn rồi ảnh hưởng qua tim và thận.
Ngày 1/6, ba tôi bắt đầu nhập viện. Từ đó đến lúc mất, ba trải qua mấy lượt ra rồi lại phải vào bệnh viện.
Từ bệnh viện Pháp Việt rồi sang Vinmec, các bác sĩ dù kiểm tra và chụp hình kỹ lưỡng song họ không tìm thấy bất kỳ bệnh nan y/ác tính nào của ba. Đó chắc hẳn chỉ là do tình hình sức khỏe của ông cũng cao tuổi nên sức chống chọi không đủ.
– Những ngày cuối đời của NSND Thanh Tòng thế nào?
– Khoảng thời gian gần đây, ba tôi không muốn vào bệnh viện tiếp vì bản thân ông cũng biết được tình trạng sức khỏe của mình.
Từ xưa tới nay, ba tôi nói gì, gia đình đều nghe theo và không làm khác ý được nên lúc ông bảo muốn ở nhà thì mọi người cũng chấp nhận. Mặc dù các bác sĩ khuyên ba ở lại bệnh viện để theo dõi, chăm sóc tốt hơn nhưng ông nhất quyết không đồng ý.
Ba tôi nói: “Sống chết gì cũng muốn ở nhà!”. Những ngày sau, ba không ăn được nhiều. Sáng 22/9, mẹ làm vệ sinh cho ba như mọi ngày. Vừa xong, mẹ vẫn còn ở bên ba để lau sơ lại thì ông nhắm mắt như ngủ rồi ra đi luôn.
Trước đây, ông bị gút nên đi lại khó khăn, khi ở bệnh viện về, ba nằm suốt và không đi đứng được.
Mấy năm qua, ba tôi nhiều lần chết hụt. Những lúc ba bị bệnh gút hành cảm thấy đau nhức hay mệt trong người, ông liền kêu mẹ con tôi đến rồi trăn trối. Thế nhưng, ba cũng qua được.
Lần này, cả nhà tôi không nghĩ ba lại đi đột ngột vậy. Lúc ba đi, căn bệnh không hành, chẳng hề đau nhức gì.
Từ trước đến giờ, ba tôi vốn sống khép kín. Ông không muốn ai biết mình bệnh, già yếu gì. Ba lúc nào cũng muốn hình ảnh và mọi thứ của ông giống như các nhân vật từng biểu diễn trên sân khấu.
– Chị có thể chia sẻ về những tâm huyết, lời trăn trối NSND Thanh Tòng để lại chứ?
– Năm 1975, bộ môn cải lương tuồng cổ ra đời – trước đây là cải lương hồ quảng. Cô Bạch Tuyết quý ba vì công trình nghiên cứu đó. Từ cải lương hồ quảng nhưng khi chuyển thành cải lương tuồng cổ, đồng thời có kết hợp những chi tiết vũ đạo từ hát bội, tích tuồng lịch sử Việt Nam mà vẫn thu hút khán giả.
Theo thời gian, mọi người cũng quen dần với cải lương tuồng cổ của gia đình bầu Thắng – Minh Tơ – Thanh Tòng. Tôi nghĩ đây là đều ba tâm huyết nhất và được công nhận như vậy đã là mãn nguyện. Ông từng sợ mọi người không hiểu rồi cho nó giống của nước này, nước kia.
Năm 2009-2010, ba tôi có tổ chức các chương trình cho cả dòng tộc. Ba chỉ nghĩ cho mọi người chứ không tính gì cho riêng mình nên thông tin về live show dang dở là không đúng. Nếu muốn, ba tôi đã tổ chức live show hay thành lập đoàn hát từ lâu.
Lần cuối ông đứng trên sân khấu là tham gia Vầng trăng cổ nhạc cách đây vài tháng. Ba tôi còn tâm huyết, còn ham hát lắm! Cứ nhắc đến cải lương là ông khí thế, nhiệt huyết lại bừng bừng. Chỉ có điều chân của ông bị gút nhiều năm nên đi lại hơi bất tiện.
Cách đây 3-4 năm, ba tôi đi hát trở lại. Trong vai diễn mà ba chạy ngựa, ông thể hiện trên sân khấu rất sung và thần sắc oai phong lắm nhưng vì mải mê diễn nên bị trẹo cột sống. Sau đó, tôi và mẹ khuyên ba đừng nên đi diễn nhiều vì ông lên sân khấu là quên hết mọi thứ.
Ba thường vừa ca vừa múa/diễn vì đó là truyền thống gia đình. Lâu lâu, ba cũng nhớ sân khấu nên tham gia một số chương trình trực tiếp như Vầng trăng cổ nhạc hay làm giám khảo, đi trao giải thưởng…
Trước khi ra đi mãi mãi, NSND Thanh Tòng vẫn còn tâm huyết với nghề và rất mê hát. |
Cây đại thụ nghiêm khắc nhưng luôn hết lòng với nghề, với mọi người
– Đâu là những vai chị nhớ nhất khi diễn cùng ba?
– Thực ra khi tôi lớn lên, ba không còn hoạt động sân khấu nhiều. Lúc 18 tuổi, tôi dự thi giải thưởng Trần Hữu Trang. Ba mới dạy tôi vai Thiên Kiều công chúa. Từ vai diễn đó, tôi mới đi diễn thường xuyên. Còn trước đây, tôi hát gián đoạn – chỉ đi học và dịp hè hoặc Tết mới đi diễn.
Sau đó, tôi được hát với ba một số trích đoạn vì thời điểm đấy, các sân khấu gần như không hát những vở dài nên chưa có dịp học thêm ở ba nhiều hơn như thế hệ các cô chú, anh chị trước mình.
Hai ba con cũng chạy đi hát ở những sân khấu, công viên văn hóa, đại nhạc hội và một số chương trình truyền hình trực tiếp.
Tôi hát được với ba nhiều nhất là vai Triệu Thị Trinh, còn ba đóng vai người anh Triệu Quốc Đạt. Ở vở Hoa Mộc Lan tùng chinh, cả hai đóng vai cha con. Tiếp theo là Điêu Thuyền bái nguyệt, rồi chuỗi chương trình giao lưu với sinh viên, ba đều đi theo với tôi.
– Tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật cải lương trong chị phải chẳng đến từ ba?
– Gia đình tôi có truyền thống theo nghề hát. Ai cũng yêu và sống chết với nghề. Tôi nhìn thấy những tấm gương đó, không chỉ ba tôi mà các cô chú cũng vậy. Sau này, các cô chú đều 60 tuổi hoặc hơn, đồng thời chân tay yếu hết rồi nhưng khi ra sân khấu cũng vẫn nhiệt huyết dù rằng những kỹ thuật biểu diễn trong tuồng cổ rất cực.
Mọi người hay hát ở mấy dịp cúng tổ hay lễ. Những dịp đó, tôi trong cánh gà xem là đứng một góc rồi khóc. Bản thân có lúc tự hỏi sao mà mọi người lăn xả với nghề như vậy.
Tôi âm thầm khóc, không dám để ai thấy. Những lúc đó, tôi nghĩ nghề của mình thật thiêng liêng và trải qua biết bao đời nên tự nhủ bản thân phải cố gắng gìn giữ. Tôi thấy bản thân chưa làm được gì. Nhiều khi, tôi cũng rất xấu hổ với cha, chú mình.
Bây giờ ba tôi đi, nhiều người thương tiếc cho ông – một cây đại thụ của cải lương tuồng cổ. Như cô Bạch Tuyết vừa động viên và nhắc nhở tôi cố gắng tiếp nối, cô Lệ Thủy cũng vậy. Mấy cô chú trong nhà đều quý, nể và kính trọng ba tôi.
Sau thời điểm ba mất, các báo vừa đăng bài thì khắp nơi nhắn tin rồi gọi điện chia sẻ. Tự nhiên, tôi cảm thấy thương và ngưỡng mộ ba nhiều về đời sống lẫn cách đối nhân xử thế.
– Điều gì từ nghề chị ảnh hưởng từ ba?
– Lúc nào ba tôi cũng nói rằng cái nghề của mình là phải tôn sư trọng đạo – luôn quý những người thầy đã dạy và truyền nghề cho ta. Những bậc cha chú dù dạy cho mình ít hay nhiều cũng nên ghi nhớ. Sống phải lễ phép, chan hòa với mọi người.
Những khi nào ghi nhớ được mình cần đền đáp. Với bạn bè hay đồng nghiệp lẫn các em, tôi biết gì cũng chia sẻ lại. Nói chung, cũng không có gì quá to tát nhưng nó có sự giản dị, chân thành trong đó.
– Nhiều ý kiến nhận xét NSND Thanh Tòng rất nghiêm khắc. Trong mắt chị, ông là người bố thế nào?
– Không chỉ riêng tôi, mọi người đều thương quý ông. Đối với bản thân, ba là người cha, người thầy và thần tượng trong nghề. Mọi thứ tôi có thể học và lớn lên được đều nhờ cái gương của ba mẹ.
Ba tôi rất nghiêm khắc, nhưng sự nghiêm khắc này là đời nối đời. Từ thời ông nội, ba kể ông còn nghiêm khắc hơn.
Xưa ông nội truyền dạy cho thế hệ ba tôi ở đoàn Đồng ấu, Minh Tơ. Khoảng 4-5 tuổi, ba tôi đã lên sân khấu và hát những vai quan trọng. Chỉ cần chểnh mảng, lơ là một chút trong lúc thoại tuồng hoặc biểu diễn là ông nội dùng cái dùi đang đánh trống trầu phang lên nhắc nhở.
Lúc mất, ba tôi vẫn còn cái theo trên cổ tay. Ông thường nhắc nhở con cháu về sự nghiêm khắc của ông nội. Ba tôi cũng dạy nghề nghiêm khắc. Nhiều khi trên sàn tập, ba cũng la các cô chú đến bật khóc. Nhưng tới tôi cùng các cháu, sự nghiêm khắc đó giảm đi nhiều.
Ngoài sự nghiêm khắc, ba cũng giảng dạy để chúng tôi hiểu, nhận thức và làm sao cho đúng. Ông không áp đặt mà để chúng tôi tự hiểu rồi yêu nghề và ý thức được bản thân là thế hệ tiếp nối, qua đó làm thế nào không gây xấu mặt gia đình.
NSƯT Quế Trân khóc nức nở khi chia sẻ về sự ra đi của cha trong đêm 22/9. Chị cho biết thuở còn sống NSND Thanh Tòng nghiêm khắc nhưng không áp đặt con cái. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc. |
– Trong thời điểm cải lương khó khăn như hiện tại, chị giữ nhiệt huyết dành cho nghề bằng cách nào?
– Ba tôi cũng hay động viên – nhất là trong tình hình sân khấu khó khăn hiện nay. Ông động viên các con, các cháu theo được nghề lúc nào thì nên theo để gìn giữ.
Hoạt động cải lương lúc này khó khăn nhiều thứ vì nó không còn giữ được vị thế như xưa. Bây giờ, chúng tôi phải tìm cách kéo khán giả đến với mình. Ở bất kỳ chương trình nào bản thân tham gia – từ ca nhạc, dẫn chương trình, đến hội nghị khách hàng – tôi vẫn hát một vài câu vọng cổ/cải lương nhằm nhắc nhớ về loại hình này với mọi người.
May mắn là hình ảnh của tôi cũng được khán giả thương và sau đó họ nghe rồi dần yêu thích cải lương. Đi hát nhiều năm rồi, tôi thấy mọi người vẫn yêu thích cải lương chứ không hẳn bỏ nó.
Theo ý nguyện của ba trước khi mất, ông không muốn tổ chức ca hát gì ở đám tang, mọi thứ giữ yên tĩnh và không kèn trống. Dẫu vậy, gia đình có mở một số bài hát của ba để mọi người đến viếng có thể nghe, tưởng nhớ về ông.
***
Lễ viếng NSND Thanh Tòng bắt đầu từ 21h ngày 22/9 tại nhà riêng (số 12, đường 26, Khu dân cư Himlam – Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Lễ động quan lúc 6h15 ngày 24/9. Sau đó, linh cữu của ông được an táng tại Nghĩa trang Gò Đen (khu vực giáp ranh địa phận TP.HCM nằm trên trục Quốc lộ 1A thuộc đoạn giữa Chợ Bình Chánh – TP.HCM và Chợ Gò Đen – huyện Bến Lức, Long An).