Giải Bạc Siêu mẫu Minh Trung kể về nghề và quá trình đi thi Nam vương Quốc tế.
Minh Trung sinh năm 1992 tại Vũng Tàu. Ít người biết rằng anh đã tốt nghiệp khoa Thanh nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM.
Đi diễn thời trang nhiều lúc không đồng cát-xê
– Anh bắt đầu con đường người mẫu của mình đã nhiều năm nhưng vẫn chưa tạo được nhiều dấu ấn cho đến khi được top 5 Nam vương Quốc tế?
Sau năm 2014 tôi đầu quân cho một công ty quản lý. Lúc này tôi đã hạn chế công việc người mẫu của mình và tập trung học hát. Đó là lý do vì sao công chúng không biết đến tôi nhiều.
– Anh đã chán nghề mẫu nên mới chuyển sang ca hát?
– Khi tham gia showbiz tôi bắt đầu bằng công việc người mẫu nên mọi người nghĩ khởi đầu của tôi là người mẫu. Nhưng ít ai biết sau khi học xong lớp 12 thì tôi là sinh viên khoa Thanh nhạc của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật. Nghề người mẫu đến với tôi như một cơ duyên bất ngờ. Tôi đi thi với tinh thần cho vui nhưng lại liên tục giành được giải cao nên tôi bắt đầu sự nghiệp từ đó.
– Anh thích mình là một Minh Trung ca sĩ hay người mẫu hơn?
– Tôi đam mê nhất vẫn là ca hát. Tôi sẵn sàng ngưng công việc người mẫu để dành thời gian trau dồi âm nhạc. Ban đầu, tôi thậm chí không thích công việc người mẫu. Vì lúc còn là sinh viên, nghề mẫu là để tôi kiếm thêm thu nhập.
– Cát-xê cho một show diễn không cao, vậy thì làm thế nào nghề người mẫu lại giúp nuôi sống anh?
– Đúng vậy. Tôi thấy ở nước mình nghề người mẫu không có nhiều cơ hội, đặc biệt là người mẫu nam. Nguồn thu nhập của tôi lúc đó đa phần không đến từ sàn diễn mà từ việc chụp hình quảng cáo, chụp lookbook. Tôi hạn chế diễn catwalk vì chi phí rất ít, không đủ để đi lại. Chụp hình lookbook mang lại nguồn thu nhập khá tốt.
– Cụ thể của “khá tốt” là tầm bao nhiêu?
– Một buổi chụp lookbook tôi có thể nhận được từ 5 đến 7 triệu đồng. Còn catwalk chỉ giao động từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng. Một hợp đồng quảng cáo thấp thì có thể kiếm được từ 1,500 đô la còn cao thì sẽ được 3000 – 4000 đô la (khoảng 60 – 80 triệu đồng).
– Khó khăn khi làm một mẫu nam hản không chỉ đến từ chuyện ít show?
– Với người mẫu nam mà không có đam mê thì không thể theo nghề quá một năm. Lúc đầu bạn là gương mặt mới, bạn nhận được nhiều show. Nhưng một năm sau sẽ có những gương mặt mới hơn xuất hiện, lúc đó, người mẫu nam nếu không có sự nỗ lực thì họ sẽ bị đào thải.
Nếu tôi chọn nghề người mẫu làm công việc chính mà gặp những khó khăn như vậy tôi cũng phải suy nghĩ chọn lựa vì rất khó sống với nghề. Có nhiều lúc tôi đi diễn không cát-xê.
Một show diễn người mẫu nữ có thể diễn 5 màn 4 màn nhưng người mẫu nam chỉ diễn tầm 1 màn, cao lắm là 2 màn. Người mẫu nam giống như phụ trợ cho người mẫu nữ thôi.
Minh Trung từng giành giải bạc Siêu mẫu Việt Nam 2013.
– Giờ không đi diễn nhiều và cũng không phải là ca sĩ, vậy anh lấy tiền đâu để trang trải cuộc sống?
– Nguồn đầu tư trong vài năm trở lại đây của tôi là từ việc kinh doanh của gia đình. Đặc biệt, chị hai là người hỗ trợ tôi rất nhiều. Chị là người duy nhất trong nhà ủng hộ tôi đi theo con đường này. Ba tôi là sĩ quan quân đội, mẹ là công nhân viên chức. Ban đầu họ phản đối nhưng đến bây giờ cũng chưa hoàn toàn ủng hộ (cười).
– Để tôi đoán, ba mẹ anh phản đối do showbiz có quá nhiều cạm bẫy?
– Bước vào showbiz đã nhiều năm và cũng có nhiều lần tôi đứng trước cám dỗ. Tất cả đều cùng 1 “kịch bản”. Họ sẽ đưa ra những đề nghị làm cho mình thăng tiến nhanh, đổi lại mình sẽ mất đi sự tự do, sẽ bị phụ thuộc và phải làm những việc mình không muốn.
– Đó là chuyện đánh đổi tình với tiền?
– Có những lời đề nghị khiếm nhã. Cũng có khi là những lời đề nghị tế nhị. Với những kẻ khiếm nhã thì tôi chỉ mặc kệ. Còn những lời đề nghị tế nhị tôi rất khó xử, bởi vì nhận lời thì chắc chắn không được mà từ chối thì có thể mất đi một mối quan hệ từng rất tốt. Giới người mẫu mà nói mình chưa bao giờ gặp những tình huống này là sai.
Minh Trung từng thể hiện khả năng ca hát trong chương trình Cặp đôi hoàn hảo 2014 khi bắt cặp với ca sĩ Minh Thư. Năm 2016, anh cũng thử sức ở cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ.
Mượn nợ để đi thi Nam vương Quốc tế
– Cơ duyên nào khiến anh được chọn là đại diện tham gia Nam vương Quốc Tế 2018?
– Khi công ty của anh Ngọc Tình giữ bản quyền cuộc thi Nam vương Quốc Tế 2018, anh có đề nghị tôi vài lần. Nhưng vì lúc đó thời gian chỉ có 2 tháng chuẩn bị, còn tôi chưa bước ra đấu trường quốc tế bao giờ, mà lúc đó đang dồn sức cho việc học nhạc nên gần như tôi không tham gia các hoạt động mẫu nữa. Đột nhiên nhận được lời đề nghị đó, tôi phải suy nghĩ rất nhiều.
Thời điểm năm ngoái, tôi gặp vài khó khăn trong chuyện gia đình, chuyện cuộc sống nên đã bỏ bê công việc. Sau một năm tôi thấy tiếc, cảm thấy mình bỏ mất một khoảng thời gian dài. Trong lúc loay hoay thì may mắn được anh Tình ngỏ lời, dù đắn đo lúc đầu nhưng tôi nghĩ đây có thể là một cơ hội tốt để quay lại.
– Thời gian chuẩn bị quá gấp có phải lý do khiến anh không đạt giải cao như mong đợi?
– Nói không ngoa là chuẩn bị bằng niềm tin. Trong cuộc thi, các thí sinh nước khác đã chuẩn bị từ rất lâu, có người chuẩn bị cả năm, còn mình chỉ có thời gian 2 tháng.
Tôi nói với anh Tình cho tôi thời gian 1 tháng trước cuộc thi để đưa mọi thứ vào guồng. Tôi nhờ những mối quan hệ của mình để giúp chuẩn bị đồ đạc, quần áo, hình thể, kĩ năng… Cam go nhất là trang phục dân tộc. Ở những cuộc thi hoa hậu, trang phục có rất nhiều từ đầm váy áo, nhưng cuộc thi nam vương thì quan trọng nhất chỉ có trang phục dân tộc thôi.
Tôi phải “cầu cứu” NTK Lê Thanh Hòa. Bộ đồ dân tộc đến gần ngày đi tôi mới nhận được. Lúc chụp hình chỉ là ráp lên tạm thôi chứ chưa hoàn chỉnh. Ngày ra sân bay chỉ có 1 mình tôi với 4 thùng hành lí, chỉ riêng bộ trang phục dân tộc đã nặng gần 40kg rồi.
Một cuộc thi nam vương cũng có nhiều khó khăn, thậm chí nhiều hơn cả một cuộc thi hoa hậu.
– Đó là về “sức” còn về chi phí thì thế nào?
– Tôi đã phải mượn nợ để đi thi vì lúc đó kinh tế gia đình tôi đang bất ổn mà khi đi thi cần đầu tư rất nhiều thứ. Chi phí ban đầu phải chuẩn bị tầm 5000 đô la tức là hơn 100 triệu. Thí sinh phải nộp chi phí cho BTC, để lo về các vấn đề về ăn ở, di chuyển. Sau đó phát sinh thêm tiền trang phục. Kể cả có người hỗ trợ thì mình cũng phải trả tiền vật liệu làm trang phục. Sau khi qua đó thì mình phải bỏ chi phí cho nhiếp ảnh gia, truyền thông, chi phí có thể đội lên 4-5 lần con số 100 triệu đồng.
– Đi thi một thân một mình, anh có gặp nhiều khó khăn trong nhà chung không?
Tôi phải phải tự thân vận động như khiêng vác đồ, tự chọn quần áo, địa điểm chụp ảnh. Các bạn nước ngoài rất kinh nghiệm, sáng nào họ cũng chuẩn bị sẵn sàng tươm tất trong khi tôi vừa mới ngủ dây. Ví dụ như tôi nghĩ 8 giờ sáng mới chụp hình nên tôi thong thả đi ăn sáng, nhưng đang đi thì nhận được tin lịch trình thay đổi thì phải lập tức chạy về chuẩn bị.
Ở những cuộc thi hoa hậu, có trường hợp chơi xấu như giấu trang phục hay phá đồ của nhau nhưng bên cuộc thi nam vương thì ít phức tạp hơn. Tôi cũng từng bị kéo vào các cuộc tranh luận, nhưng tôi vốn là người dễ chịu và ít nói nên không đưa ra quá nhiều ý kiến vào những cuộc họp tập thể.
Minh Trung có phần nuối tiếc vì chỉ đạt được top 5 của Nam Vương Quốc tế 2018.
– Anh nói đi thi Nam vương Quốc tế để “trở lại”, vậy anh đã trở lại chưa?
– Tôi khá bận rộn. Hiện tại tôi đã nhận được 3 lời mời tham gia các cuộc thi quốc tế khác nhưng vẫn đang suy nghĩ chưa nhận lời. Công việc của tôi bây giờ trở lại sôi nổi hơn. Tôi được nhiều lời mời diễn catwalk nhưng tôi vẫn không nhận (cười).
– Khi đã có danh hiệu anh có thể đòi hỏi cát-xê cao hơn vậy tại sao anh vẫn không nhận lời diễn catwalk?
– Tôi muốn tập trung vào việc học hát. Những nhà thiết kế hỗ trợ tôi trong lúc đi thi dù không trả cát-xê nhưng nếu cần tôi vẫn sẽ diễn.
Thanh Hằng
Theo Dân Việt