Ca sĩ Lê Tuấn từng được xem là ‘hoàng tử’ của showbiz Việt với ngoại hình và gương mặt điển trai ‘hớp hồn’. Nhiều người hâm mộ vẫn còn nhớ mãi hình ảnh chàng ca sĩ có chiếc răng khểnh hát cùng Thủy Tiên bài Mong đợi ngậm ngùi.
Lê Tuấn (giữa) cùng Bảo Yến (trái) và Nhã Phương
Tình cờ gặp lại “hoàng tử” khi anh được nhạc sĩ Phạm Đăng Khương mời tham gia liveshow thứ ba của ông chủ đề Như cơn gió vô tình (sẽ diễn ra lúc 19 giờ ngày 13.5 tại Nhà Văn hóa Thanh niên, TP.HCM). Khác với vẻ hào nhoáng ngày xưa, ca sĩ Lê Tuấn giờ giản dị, chân chất. Tuy nhiên, cách trò chuyện của anh vẫn hóm hỉnh, tươi vui như thời của 20 năm trước.
Từng lớn tiếng cãi khiến Phương Thảo tránh mặt
* Rất vui được gặp lại anh Lê Tuấn, một người được xem là hiện tượng của sân khấu ca nhạc thập niên 1980 bởi anh nổi tiếng quá nhanh khi còn là sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Đến giờ, điều anh còn nhớ mãi về thời mới vào nghề là gì thưa anh?
– Ca sĩ Lê Tuấn: Nhớ nhất là tháng 5.1985 khi tôi rời Đoàn Ca nhạc nhẹ Sài Gòn đúng lúc mùa mưa bắt đầu rớt hột. Các ca sĩ có tên tuổi đang lên kế hoạch đi show tỉnh hát kiếm tiền. 6-7 sân khấu ca nhạc tại Sài Gòn lúc đó đang nhức đầu biên tập lại chương trình và kiếm ca sĩ. Nhờ những chỗ trống đó, tôi được thế vào. Cộng thêm thời kỳ ấy dàn sao nữ ca sĩ phần lớn tài sắc hùng hậu lại hay “kèn cựa” nhau. Họ không chịu đứng cùng sân khấu đã trở thành điểm thuận lợi cho tôi có thêm cơ hội được chạy nhiều show.
Thời ấy tôi đã dám “phá vỡ” công thức chọn ca sĩ nhiều năm ở các sân khấu. Nghĩa là biên tập chương trình hằng đêm thường chọn theo công thức 7 nữ + 3 nam. Vì hồi đó đa số nam ca sĩ đều ít chú trọng phong cách và ngoại hình trên sân khấu nên sức hấp dẫn không bằng các sao nữ. Nam ca sĩ chỉ chạy 3 show là hết giờ, trong khi sao nữ có thể chạy một đêm 4-5 show khá dễ dàng. Và từ một ca sĩ lĩnh lương hạng 2 kha khá, tôi đã được hầu hết các sân khấu lớn muốn mời về. Các anh chị ca sĩ và biên tập, nhạc công các sân khấu đã dự báo Lê Tuấn sẽ tỏa sáng sau 1, 2 năm nữa.
Lê Tuấn (trái) cùng nghệ sĩ Minh Phụng
* Nhưng không phải đợi 1, 2 năm đúng không anh? Tôi nhớ ngày đó cuối năm 1985 Lê Tuấn đã nổi lên như một ngôi sao trẻ?
– Đúng như bạn nói. Tôi đã không phụ lòng các anh chị đồng nghiệp, bầu show sân khấu để cuối năm 1985 trở thành một ngôi sao phòng vé mới của hầu hết các sân khấu Sài Gòn thời ấy. Cứ thế mãi cho đến những năm đầu 2000, Lê Tuấn vẫn giữ được phong độ mỗi đêm hát 5 show vòng vòng Sài Gòn.
* Trước khi trở thành một ngôi sao tự do, được biết anh đã trải qua khá nhiều đoàn nghệ thuật?
– Nghe kể thì có vẻ quá dễ dàng thời hoàng kim nhưng thật ra Lê Tuấn đã ẩn mình trải qua biết bao sân khấu lớn, nhỏ của ca nhạc. Ví như năm 1981 được tuyển vào Đoàn Bông Sen chỉ có 5 ca sĩ được chọn trên 1.000 thí sinh. Sau đó được tuyển vào Đoàn Nghệ thuật Nhà văn hóa Thanh niên cuối năm 1982 với điểm cao nhất. Tôi đã hát trong 3 ban nhạc pop và rock, đã là ca sĩ Đoàn Nghệ thuật Hương Miền Nam cùng năm 1983. Năm 1984 khi được giải nhất Đơn ca Mùa xuân TP.HCM thì tôi lại được Đoàn Ca nhạc nhẹ Sài Gòn tuyển vào ký hợp đồng. Bạn thấy đấy, 4 năm hát qua bao nhiêu sân khấu đã giúp tôi trưởng thành và bước ra làm ca sĩ tự do cũng khá đúng câu “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” (cười).
Lê Tuấn sau khi rời hẳn showbiz
* Ngày đó đi đâu cũng nghe Lê Tuấn hát cùng Thủy Tiên bài Mong đợi ngậm ngùi. Hẳn anh và Thủy Tiên thân thiết hơn cả tình bạn?
– Tôi và Thủy Tiên đã song ca từ năm 1994 đến 1999. Hồi ấy chúng tôi còn đóng giả làm vợ chồng son đi trăng mật mỗi khi đi hát xa nữa. Chuyện này đã gây cho khán giả ái mộ hiếu kỳ phải bận tâm phát sốt về cả hai một thời gian (cười). Với tôi Thủy Tiên cũng như Y Phụng và Hoàng Thơ đều là những cô em gái dễ thương nhất đã gặp trong nghề ca hát.
* Còn các ca sĩ khác cũng thân thiết với anh như Phương Thảo, Nhã Phương? Có dạo người ta nói anh và chị Phương Thảo giận nhau rất lâu?
– Nhã Phương thì tôi đã mê giọng hát chị từ hồi mới vào đại học và luôn xem là “Bà chị kiếp trước của mình” (cười lớn). Tôi không thể giận được chị bao giờ cũng vì quá yêu mến chị. Lúc mới nổi tiếng tôi vẫn giữ thói quen cả năm trời là đêm diễn nào cũng phải tranh thủ gặp cho được chị để nhìn xem hôm nay chị trang điểm ra sao, nói vài câu với Nhã Phương rồi mới chịu về nhà.
Còn ca sĩ Phương Thảo và tôi từng được báo giới bình chọn Ca sĩ nổi bật nhất năm 1990. Tuy cả hai đều là vedette của Nhà hát Hòa Bình, Vũ trường Caravelle (tại TP.HCM) nhưng tôi với Thảo chỉ chào hỏi qua loa và dường như không thân lắm.
Một dạo thấy Thảo có vẻ buồn, tôi cố nói chuyện nhiều với Thảo hơn để hiểu nhiều. Dần dần tôi và Phương Thảo đã thành cặp song ca qua các bài Nguời tình trăm năm, Một tình yêu, Tuần trăng mật, Right here waiting for you… Chúng tôi có lên tivi hát bài Within you’ll remain và video Xuân đã về nổi đình đám khắp nơi. Chúng tôi đã hát cùng nhau 2 năm trời đến năm 1993. Ngày ấy Thảo đã không chọn tôi tiếp tục vì một lần tôi có hơi lớn tiếng với cô tại phòng thu. Lúc đó có anh nhạc sĩ Từ Huy can ngăn. Phương Thảo đã tránh mặt tôi khá lâu. Thời gian sau, một hôm tôi đang hát bài Xe đạp ơi thì bỗng nghe từ trong sân khấu có giọng của Phương Thảo hát bè đệm theo. Lúc đó nước mắt tôi muốn rơi theo điệp khúc của bài ấy. Sau đó tôi và vợ chồng Phương Thảo – Ngọc Lễ từng hát tam ca nhiều lần những khi đi diễn ngẫu hứng. Bạn bè gọi vui là nhóm hai ông một bà (Táo) (cười). Đến giờ chúng tôi vẫn là bạn đồng nghiệp tốt của nhau.
* Riêng về em gái anh Hồng Ngọc sau một thời gian múa minh họa cho anh cũng chuyển qua hát song ca. Nhưng sao anh lại không tiếp tục cùng Hồng Ngọc thành cặp anh em đi hát? Hồng Ngọc giờ thế nào rồi thưa anh?
– Hồng Ngọc nhỏ hơn tôi đến 12 tuổi, nhưng từ nhỏ anh em đi đâu cũng có nhau như đôi bạn. Lắm khi đồng thanh nói lên câu gì đó lúc nhìn thấy một chuyện, một nhân vật xuất hiện. Chúng tôi gần giống như cặp sinh đôi. Lúc nhỏ thì Ngọc theo múa minh họa và ca đệm điệp khúc cho tôi. Đến đầu năm 1995 Ngọc mới chính thức hát song ca với tôi. Hồi ấy không biết hay dở ra sao nhưng chúng tôi đã có rất nhiều show và lên tivi cả chục bài. Đến năm 1998 khi phong trào các nhạc sĩ và trung tâm tìm ca sĩ độc quyền thì Ngọc cũng được mấy chỗ ngắm nghía. Nhưng em tôi đã có kế hoạch riêng. Cô ấy chuẩn bị lấy chồng cuối năm 1998 và giã từ nghề hát, chọn nghề cô giáo Anh văn. Cô ấy luôn rất hạnh phúc với ông xã và 3 đứa con đã lớn, ơn Trời.
Ca sĩ Lê Tuấn những năm 80 của thế kỷ trước
Chưa bao giờ tuyên bố đã giải nghệ
* Nhưng một câu hỏi lớn đến giờ quá nhiều người thắc mắc tại sao Lê Tuấn lại từ bỏ sân khấu. Một nơi mà tất cả mọi người cho rằng Lê Tuấn đã là ngôi sao?
– Đó là năm 2005 khi các sân khấu tại TP.HCM như Bách Diệp không được hoạt động, sân khấu 126 nghỉ 6 tháng sửa chữa, các sân khấu Trống Đồng, Champa đã dành 3 ngày hai, tư, sáu riêng cho nhóm tấu hài… tôi thấy nản. Vì nản lòng trước tình hình đó nên đã dần rút lui, muốn nhường sân khấu lại cho những anh chị em nào cần cho cuộc sống hơn. Nghĩ lại đã nổi tiếng ở đỉnh cao tròn 20 năm rồi còn gì mà tiếc nuối. Hơn nữa tôi muốn sống cuộc sống của chính tôi. Tôi muốn học, muốn làm những gì mình yêu thích đã lâu chưa làm được. Cuộc đời đâu phải chỉ loanh quanh danh vọng và tiền bạc. Thế là tôi âm thầm rút lui không lời giã biệt. Tôi đổi số điện thoại, hạn chế nghe số người lạ, nhưng tôi vẫn theo dõi mọi người đó thôi. Có điều là tôi chưa bao giờ tuyên bố là đã… giải nghệ. Tôi chỉ quy ẩn giang hồ thôi.
* Từng thấy anh xuất hiện trong phim Sóng tình, lẽ ra anh có thể tiếp tục theo điện ảnh. Tại sao anh lại dừng?
– Tôi được nhiều đạo diễn khen là biết diễn tốt và khá ăn ảnh, đó là hồi trẻ thôi. Không thể tiếp tục theo điện ảnh bởi lúc đó tôi quá bận rộn với nhiều hợp đồng ca hát trước hàng tháng nên không thể theo đoàn phim. Hơn nữa cũng không có lời mời nào làm tôi hứng thú với vai diễn.
* Cuộc sống của anh từ ngày rời sân khấu thế nào? Anh làm gì để sinh sống đến hôm nay thưa anh. Có người bảo Lê Tuấn giàu rồi nên không phải đi hát tiếp?
– Tính từ năm 2005 khi rời sân khấu tôi còn không biết mình có bao nhiêu tiền. Lúc đó má tôi mới lấy ra đếm cho tôi thấy. May quá tôi thử thời vận mua bất động sản rồi chốt lời sớm nên cũng sinh lợi được chút ít đủ để sống đàng hoàng cho đến giờ. Nói thật, tôi không quen ăn những món ăn mới du nhập vào nước mình, nó cứ rờn rợn sao đó. Tôi cũng không xài hàng hiệu đắt tiền trong khi chung quanh còn nhiều người khó khăn. Có lẽ nhờ vậy đến bây giờ tôi mới bắt đầu… cạn tiền (cười). Cuộc sống hưởng thụ xa hoa dường như không phải là thế giới của tôi. Mặc dù tôi đã đặt chân đến những nơi đó từ hồi còn rất nhỏ trước năm 1975. Tôi đã cảm thấy rất bình yên với cuộc sống không danh vọng mà tôi đã chọn hơn 10 năm qua. Nực cười, người thì không tiếc nuối danh vọng, kẻ thì bằng mọi giá phải đạt được, nhất quyết không nhường người dưng. Tôi luôn quan niệm đừng sai lầm ảo tưởng mình sẽ có khả năng làm cho vạn người mê kiếp kiếp đời đời.
* Thông tin ca sĩ Lê Tuấn trở lại trong liveshow nhạc sĩ Phạm Đăng Khương vào tháng 5 tới hẳn sẽ làm người hâm mộ anh cực kỳ phấn khích. Tại sao anh quyết định trở lại?
– Nhiều người đã mời tôi không biết bao lần, nhưng tin nhắn của anh Phạm Đăng Khương (người đã gắn bó một thời cùng Lê Tuấn với nhiều bài hát của ông, nhất là thời Lê Tuấn hát cho Nhà Văn hóa Thanh niên nơi nhạc sĩ công tác) đã làm tôi suy nghĩ cả đêm. Và sáng sớm ra tôi quyết định nói đồng ý. Hiện tôi đang bận chuyện riêng gia đình nên chỉ tập trung cho đêm diễn 13.5 của anh Phạm Đăng Khương mà thôi. Trước mắt sẽ hát bài Như cơn gió vô tình của anh Khương. Tôi cũng chưa quyết định thế nào sau show diễn này và có nên tiếp tục hay không. Thôi việc gì đến sẽ đến vậy (cười).
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
***
Ca sĩ Lê Tuấn nổi tiếng qua hàng loạt các ca khúc như: Tháng năm học trò, Mong đợi ngậm ngùi, Áo trắng sân trường, Như cơn gió vô tình, Trường xưa lối cũ, Cô bé u sầu, Người yêu nhỏ xinh, Xe đạp ơi, Phượng hồng, Nhánh lan rừng… Thời gian qua Lê Tuấn vẫn sống tại TP.HCM nhưng dường như “mất tích” khỏi showbiz.
Dạ Ly (thực hiện)
Ảnh: NVCC