Gia đình giọng ca “Đập vỡ cây đàn” sang Mỹ từ năm 1991. Đây là lần đầu anh quyết định về Việt Nam biểu diễn và đón Tết Nguyên đán.
Ký ức của Quang Lê về Tết là những ngày vui, ấm cúng vì cả gia đình quây quần sắp xếp nhà cửa, gói bánh chưng. Những ngày ở Huế, cậu bé Lê thích thú khi được mua quần áo mới, nhận bao lì xì. Anh không quên hình ảnh ông ngoại lọm khọm đến xông nhà lúc 4h sáng và đưa cho mẹ anh gói trầm hương.
Quang Lê lần đầu về nước đón Tết. Ảnh: NVCC |
Chuyển sang Mỹ sống đúng vào ngày mùng Một
Năm Quang Lê 10 tuổi, đúng vào ngày mọi người chuẩn bị đón Tết, gia đình anh phải lên máy bay sang Mỹ. Người ra đi đến vùng đất mới, mang theo bao hy vọng, háo hức nhưng không giấu được nỗi buồn man mác, lưu luyến khi tạm biệt nơi chôn rau cắt rốn.
Đúng ngày mùng một Tết, gia đình ca sĩ đáp máy bay tới đất nước cờ hoa. May mắn thay, nơi gia đình anh định cư là một khu có nhiều người Việt, thuộc tiểu bang Missouri. Đồng hương gặp nhau ở nơi đất khách quê người nên tình thân mến thương, ai cũng vui mừng, nhiệt tình với gia đình anh. Mọi người mang bánh, đồ ăn và quần áo tặng cả nhà Quang Lê. Nhờ đó, nỗi trống trải của cậu bé nhạy cảm vơi bớt phần nào.
Sáng hôm sau, Quang Lê cùng mọi người đi lễ chùa. Nơi đây diễn ra một chương trình văn nghệ, cậu bé Quang Lê đã hát một bài tặng mọi người. Giọng hát ngọt ngào, luyến láy khiến anh nhận được tràng pháo tay lớn cùng nhiều bao lì xì từ khán giả. Về nhà, mở từng bao, cậu bé giật mình vì tổng số tiền quá lớn – 700 USD. Kể từ đó, Quang Lê là cậu bé nổi tiếng trong cộng đồng hải ngoại.
Quang Lê tích cực đi hát vào dịp Tết vì theo anh đó là lộc đầu năm. Ảnh: NVCC |
Nghệ sĩ thì phải đi diễn Tết
Cũng từ năm 1991, Quang Lê không còn đón những cái Tết đông vui và ý nghĩa như ở Việt Nam dù năm nào ba mẹ anh cũng chăm chút nhà cửa, mua hoa và bánh chưng. Nhắc đến Tết ở Mỹ, giọng anh cảm xúc vì nhớ tới bố: “Bố tôi là người chăm chút cho gia đình nhiều nhất mỗi khi Tết đến. Cứ đến ngày 27, bố đã mua hoa cúc, lay ơn về trưng. Bây giờ, bố đã đi xa, không khí chuẩn bị cũng không còn như trước”.
Sau 25 đón Tết ở xứ người, đây là lần đầu tiên Quang Lê quyết định ở lại Việt Nam mừng xuân Bính Thân cùng khán giả. Giọng ca Mái tóc người thương dí dỏm: “Tết ở Mỹ chán chết. Về nước, dù không có người thân nhưng tôi vẫn thấy ấm cúng”.
Với Quang Lê, ngày Tết anh không có khái niệm nghỉ ngơi. Nhiều người cho rằng, cả năm mệt mỏi, căng thẳng với công việc thì Tết chính là dịp để xả hơi, nạp năng lượng nhưng anh lại quan niệm: “Nghệ sĩ sinh ra là để phục vụ khán giả. Những ngày Tết khắp nơi tổ chức chương trình. Vì thế, Tết không nên ở nhà. Nhận được lời mời là có lộc đầu năm, tuy phải xa gia đình cũng phải chấp nhận. Ngày xuân không đi hát mới là điều đáng buồn”.
Niềm vui của Quang Lê khi về nước trong dịp Tết cổ truyền không chỉ được sống trong không khí đón xuân mới rộn ràng, mà còn được thưởng thức những món ăn đậm hương vị quê hương như bánh chưng, giò lụa… Đối với anh, những món này có thể mua được ở nước ngoài nhưng không ở đâu ngon như ở Việt Nam.