Có những câu chuyện kỳ lạ nhưng lại thường xảy ra ở Hàn Quốc – cường quốc phẫu thuật thẩm mỹ số 1 châu Á. Văn hóa xứ kim chi có một số điểm khá bảo thủ nhưng lại vô cùng thoáng trong quan điểm về sắc đẹp nhân tạo. Nhan sắc đặc biệt được coi trọng trong xã hội Hàn Quốc. Dựa trên quan điểm đó, người dân xứ Hàn coi phẫu thuật thẩm mỹ là điều rất đỗi bình thường và “dao kéo” không chỉ là công cụ thay đổi nhan sắc mà còn là thứ giúp cuộc đời bước sang trang mới. Tại cường quốc phẫu thuật thẩm mỹ này cũng tồn tại nhiều câu chuyện kỳ lạ xoay quanh việc thay đổi nhan sắc. Cha mẹ ép con chỉnh sửa nhan sắc Có những thời điểm mà những thiếu nữ, chàng trai Hàn Quốc luôn mong chờ, đó là thời điểm nghỉ đông, Ngày của cha mẹ (tháng 5) và thời điểm tốt nghiệp trung học hoặc đại học (tháng 6). Vào những giai đoạn này, cha mẹ họ thường tặng cho con món quà, không phải ô tô hay xe máy mà đó là một dung nhan mới. Món quà này có giá khoảng vài chục đến vài trăm triệu, tùy vào mức độ cần chỉnh sửa nhưng phổ biến nhất vẫn là nâng mũi và cắt mắt. Theo một bác sĩ thẩm Mỹ ở Seoul tên là Kim Huyn Ho, vào tháng 5 và đặc biệt là tháng 6, trung tâm thẩm mỹ của ông luôn chật kín lịch. Hầu hết là các phụ huynh tới đặt lịch thay đổi nhan sắc cho con em họ. Tại Hàn Quốc, xấu xí đồng nghĩa với thất bại, hầu hết các bậc cha mẹ đều không muốn con mình bị khinh thường. Nếu con cái thất bại trong công việc hay không có bạn trai thì thường đều bị đổ lỗi cho khuôn mặt không xinh đẹp. Theo Tiến sĩ ngành phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc là Shim Hyung Bo: “Cha mẹ cho con mình phẫu thuật thẩm mỹ được xem như hành động đầu tư tiền cho học tập. Họ cho rằng dung mạo rất quan trọng để thành công”. Bởi thế chính các phụ huynh lại là người yêu cầu con mình lên bàn phẫu thuật và tất nhiên họ cũng là người rút hầu bao trả tiền. Nhiều trường hợp từ chối “dao kéo” còn bị cha mẹ kiên quyết ép buộc. Con cái tặng cha mẹ món quà sắc đẹp
Một trường hợp “vịt hóa công” nhờ dao kéo
Sắc đẹp là thứ mà những người trong gia đình Hàn Quốc thường xuyên tặng lẫn nhau. Những người con trưởng thành, kiếm được tiền thường tặng lại cha mẹ, ông bà mình cơ hội cải tạo lại vẻ ngoài đã bị thời gian ăn mòn. Một người phụ nữ tên là Park Sun Woo cho biết bà được các con trả tiền cho việc phẫu thuật căng da mắt nhân Ngày của cha mẹ. Tại Hàn Quốc, sắc đẹp là một thứ tài sản không gì sánh bằng. Trong khi người trẻ muốn đẹp lên thì người già cũng muốn níu giữ tuổi xuân. Bởi thế cơ hội phẫu thuật thẩm mỹ là món quà ý nghĩa mà người ta tặng nhau trong những dịp đặc biệt. Tỷ lệ nam giới phẫu thuật thẩm mỹ tăng nhanh vì trào lưu “mỹ nam” Theo thống kê, hiện nay 15 – 20% số khách hàng tìm tới những trung tâm thẩm mỹ là nam giới. Theo một khảo sát trên tờ Korea Herald cho biết, 44% sinh viên nam từng có dự định chỉnh sửa khuôn mặt.
Nam giới cũng đam mê thay đổi nhan sắc
Các khách hàng nam giới không chỉ thực hiện những tiểu phẫu như cắt mắt hay nâng mũi mà còn ưa chuộng những hình thức phức tạp hơn như gọt mặt, nâng trán… Ngoại hình dễ coi đối với đàn ông xứ Hàn cũng là tấm vé để tìm công việc dễ dàng hơn, để kiếm được người bạn đời lý tưởng vả thậm chí còn nhằm thay đổi số phận theo quan niệm về nhân tướng học. Trào lưu phái mạnh đua nhau đi làm đẹp tại xứ Hàn có nguyên nhân lớn gắn với trào lưu “mỹ nam” đang rất phổ biến trong làng giải trí. Những chàng trai có vẻ ngoài đẹp long lanh như nhóm EXO hay nam diễn viên Lee Min Ho từng được cho là đã từng phẫu thuật thẩm mỹ. Không thể trở về nhà vì phẫu thuật thẩm mỹ quá đẹp Phẫu thuật thẩm mỹ là một ngành công nghiệp ăn nên làm ra ở Hàn Quốc. Với sự phát triển như vũ bão của ngành này cộng thêm những màn lăng xê của vẻ đẹp “trăm người như một” của làng giải trí xứ kim chi, ngày càng có nhiều khách du lịch tìm tới đây để thay đổi diện mạo. Từ đó dịch vụ du lịch thẩm mỹ đã phát triển tại Hàn Quốc từ năm 2000.
Những gương mặt hoàn toàn thay đổi nhờ “dao kéo”
Chính phủ Hàn Quốc đã chi 4 triệu đô la mỗi năm để tăng cường thúc đẩy hình thức du lịch kết hợp cùng dịch vụ y tế, trong đó chủ yếu là phẫu thuật thẩm mỹ. Theo tiến độ, tới năm 2020 tại Hàn Quốc sẽ đạt con số 1 triệu khách đi du lịch kết hợp dịch vụ y tế. Năm 2013 con số này là hơn 200 ngàn người, trong đó người Trung Quốc chiếm chủ yếu. Một tour du lịch kèm dịch vụ thẩm mỹ bao gồm đi mua sắm, ngắm cảnh và “dao kéo”. Nếu bạn chọn loại tour cao cấp thì hàng ngày bạn sẽ được đưa đón bằng xe Limo từ khách sạn tới trung tâm phẫu thuật. Dịch vụ du lịch thẩm mỹ phát triển quá nhanh cũng kéo theo nhiều câu chuyện hài hước. Kết quả của việc phẫu thuật khiến một số bệnh nhân người nước gặp khó khăn khi không thể qua cổng kiểm tra hộ chiếu để trở về nhà sau cuộc phẫu thuật. Trong nhiều trường hợp, gương mặt của họ quá xinh đẹp so với ảnh chụp trong hộ chiếu.
Tay nghề phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc đứng hạng 1 ở châu Á
Vào năm 2009, 23 phụ nữ Trung Quốc sau khi “dao kéo” đã bị chặn lại ở cổng kiểm tra hộ chiếu vì gương mặt không giống với ảnh trong giấy tờ tùy thân. Một số người còn bị băng bó khắp mặt nên không thể nhận diện được. Sau khi trải qua cuộc kiểm tra cẩn thận, những phụ nữ này đã được phép trở về Trung Quốc nhưng đều được khuyên nên làm lại hộ chiếu ngay lập tức. Trước chuyện phiền toái này, một số bệnh viện đã phải cung cấp giấy chứng nhận “dao kéo” bao gồm số hộ chiếu của bệnh nhân, tên bệnh viện thời gian lưu trú… cho bệnh nhân để họ có thể dễ dàng trở về nhà.
Thu Hương
Theo Dân Việt