Con số gây sốc: Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang dư thừa hơn… 300 nhóm nhạc nữ

  • Những gì chúng ta đang nhìn thấy ở KPOP vốn dĩ chỉ là bộ mặt xa hoa và lung linh đến mức không thật.

Nếu bạn vẫn cho rằng, cuộc sống của một thần tượng KPOP chỉ xoay quanh những lịch trình dày đặc như biểu diễn, chụp ảnh, đi show, phỏng vấn, luyện tập.v.v.. thì đã đến lúc bạn nên suy nghĩ lại.

Hiện tại, có khoảng 300 nhóm nhạc nữ ở Hàn Quốc hầu như không thể duy trì cuộc sống. Một số trong 300 nhóm đó phải làm việc cả ngày lẫn đêm chỉ để có tiền trang trải nhu cầu ăn uống, cư trú. Trong khi số còn lại không thể rời khỏi ký túc xá bởi họ không có tiền đi lại, hoặc thậm chí là đi ăn một nữa hay mời cà phê bạn bè.

Được quảng bá trên truyền hình tương đương với việc trúng xổ số cho những cô gái trẻ này. Sân khấu sẽ giúp nhiều người biết đến họ, cơ hội biểu diễn cũng nhiều hơn và quan trọng nhất là, họ có hy vọng về việc sẽ có tiền. Dù không ai biết thời điểm đó chính xác là khi nào.

Con số gây sốc: Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang dư thừa hơn... 300 nhóm nhạc nữ - Hình 1

Những nhóm nữ chúng ta “nhớ mặt gọi tên” chỉ chiếm một con số rất nhỏ trong giới girlgroup nói chung.

Các hợp đồng và thỏa thuận giữa các công ty quản lý với các nhóm nhạc nữ cũng rất có vấn đề. Công ty thường nhận được 70% lợi nhuận trong khi 30% còn lại sẽ được chia cho các thành viên trong nhóm. Đừng tưởng 30% là con số cao, mỗi thành viên còn phải dùng số tiền đó để trả lại phí đầu tư từ công ty. Khoản phí đó bao gồm tiền sản xuất sản phẩm âm nhạc, chi phí làm tóc, trang điểm – trang phục, một số trường hợp còn bao gồm cả khoản nợ đã chi cho phẩu thuật thẩm mỹ. Trung bình, nếu thành viên trong một girlgroup kiếm được 3.000 USD một tháng, cô ấy chỉ còn lại khoảng 70 USD sau khi trả nợ.

Điều này dẫn đến hệ lụy và cũng là mặt trái xấu xí của KPOP, các cô gái trẻ buộc phải tìm đến các “nhà tài trợ”. Họ là những người nổi tiếng, giàu có hoặc có thế lực, có thể chu cấp tiền và các lợi ích thiết thực cho những idol trẻ tuổi. Đổi lại, các cô gái phải trở thành người yêu, thậm chí là “bồ nhí” cho các “nhà tài trợ”. Sự “nhúng chàm” này là nguy cơ hủy hoại triệt để tương lai của các thần tượng, dù sau này họ có đủ sức trở nên nổi tiếng hay không.

Ngành công nghiệp giải trí bạc bẽo và khắc nghiệt là vậy nhưng mỗi năm vẫn có hàng chục, thậm chí hàng trăm gương mặt mới xuất hiện. Đôi khi, những nhóm nữ bị gọi là flop vẫn còn may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp, cơ bản là vì sự tồn tại của họ còn có người biết tới. Trong khi, số khác thì cơ hội đó hoàn toàn bằng không, debut – quảng bá rồi tan rã, tất cả đều diễn ra trong thinh lặng.

Theo Tinnhac