Ngay cả các chương trình ca nhạc đầy ngôi sao được xưng tụng đương thời dường như cũng vắng người xem. Tại sao?
Chương trình Heart beat của Mỹ Tâm – một trong những sô nhạc hiếm hoi gần đây kín khán giả, nhưng là chương trình phát vé miễn phí. – Ảnh: Gia Tiến
Như những gian hàng được bày ra trong một hội chợ showbiz, âm nhạc luôn là nơi náo nhiệt và màu sắc nhất, nhưng cũng là nơi người ta nhận ra âm nhạc Việt Nam lúc này chỉ ầm ĩ hơn là đem lại một giá trị, một cảm giác hoan hỉ cho con người.
Mất dần vị trí Hiện nay, nếu như mua một vé xem phim (thường luôn rẻ hơn một vé sân khấu ca nhạc), người xem có thể theo dõi một cách hứng thú một chương trình diễn xuất đầy ấn tượng, không gian lịch sự, âm thanh dolby surround 7.1 tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng khi mua một vé xem ca nhạc, người ta luôn dễ rơi vào cảm giác hụt hẫng: lúc thì sân khấu thiếu mỹ thuật, chương trình nhàm chán và lê thê, lúc thì âm thanh không hoàn hảo. Mà điều đáng buồn nhất là một chương trình âm nhạc điện tử thì thường âm thanh không hoàn hảo, tức thiếu tính chuyên nghiệp. Ðó là chưa nói đến sự lặp lại đơn điệu của các chương trình ca nhạc. Với số vốn chuẩn bị khoảng 10 bài hát trong một, hai tháng đi sô, phần lớn ca sĩ từ danh hiệu “trẻ” đến “ngôi sao” vẫn mang đi biểu diễn xoay vòng ở các sân khấu, có nơi chỉ cách nhau chưa đến một cây số. Khán giả đã xem ở điểm A, ngày mai lại có thể gặp lại nội dung đó ở điểm B, mà đôi khi phần trình diễn có thể không may còn tệ hơn. Rồi khi các biên tập viên truyền hình thiếu chương trình, những bài hát đó được đưa vào phát sóng – có thể lặp lại nhiều lần. So với sân khấu kịch, âm nhạc đang ngày càng mất dần tính nghệ sĩ. Ở các sân khấu định kỳ hoặc nhiều chương trình truyền hình định kỳ, ca sĩ nhiều khi chỉ có nhiệm vụ may một bộ đồ đẹp và (nhép miệng) lip-sync theo đĩa ghi âm thu sẵn. Rất nhiều nhóm nhạc nữ hoàn toàn múa và nhép miệng theo nhạc nhưng một đêm có thu nhập gấp nhiều lần một nhóm diễn viên kịch. Teen-pop hóa Trong một nền âm nhạc mạnh và cân bằng, người ta có thể nhìn thấy về mặt xã hội có đủ các hình thái âm nhạc đang phát triển. Nhưng ở Việt Nam bị xoay chuyển bởi những nhà tổ chức hoặc quá thương mại, hoặc quá kém cỏi chuyên môn, âm nhạc trở thành những loại hàng giải trí theo mùa, theo trào lưu. Âm nhạc Việt Nam chính vì vậy cái gì cũng có, nhưng cái gì cũng nhàn nhạt, có tên gọi nhưng không có gì đọng lại. Hôm nay, mặt bằng nhạc Việt đang tràn ngập thể loại teen-pop như món ăn chính của quốc gia. Rất nhiều người nói rằng họ không thể chịu nổi loại âm nhạc của giới trẻ hôm nay, nhưng đó không phải là lỗi ở âm nhạc. Sự xuất hiện của dòng nhạc teen-pop với ca từ ngôn tình kiểu tiểu thuyết mạng của Trung Quốc là một nhu cầu riêng của một lớp trẻ, tuy nhiên việc quảng bá để câu view, ăn theo “ngôi sao” hay hot girl, hot boy của báo chí đang vô hình trung trở thành món ăn cưỡng bức trên hệ thống truyền thông. Và nếu để bỏ tiền vé đi xem những chương trình ca nhạc teen-pop ngôn tình như vậy, chắc chắn chỉ có các câu lạc bộ riêng của các ca sĩ, nhóm nhạc đó. Còn nếu muốn thưởng thức cái gì đó sâu sắc, liệu bạn sẽ đủ quyết tâm để bỏ ra một tuần tiền lương mua vé đi xem?
Lam Trường – ca sĩ thành công của thời kỳ đầu Làn sóng xanh. Ảnh tư liệu
Những phiên bản mờ nhạt Thập niên 1960-1970 ở Sài Gòn, khi một nhạc sĩ có sáng tác mới, họ đem đến nhà xuất bản và hãng băng để giới thiệu. Nếu đó là một bài hát hay – không cần biết là thể loại nào, thì lập tức tác phẩm được ký hợp đồng và chỉ 1-2 tuần sau đã phát hành. Ðời sống âm nhạc lúc đó sôi động và thi vị làm sao. Trong thời kỳ đầu Làn sóng xanh cũng vậy, hằng tuần người ta vẫn nghe thấy các bài hát mới và những giọng ca mới. Xã hội chọn lựa bài hát yêu thích theo thể loại của mình, chứ không bị ám thị bởi truyền thông, để chịu đựng cái không phải của mình. Nhưng vào lúc này, khi nền công nghiệp ghi âm và phát hành ở Việt Nam đã rầm rộ, chuyện làm sao để ra mắt một tác phẩm mới thật nhiêu khê. Giới ca sĩ dặn nhau làm album nên lựa bài hát quen, chọn thứ khán giả đã thích… để nhanh chóng được nhìn nhận. Những người làm nghệ thuật mất dần tính nghệ sĩ, không dám đương đầu với thách thức, không dám giới thiệu mình như một điều mới mẻ, mà chỉ xin góp mặt vào đời như một phiên bản mờ nhạt. Mới đây, trên một chương trình truyền hình, một ca sĩ được giới thiệu như là Duy Khánh 2. Khán giả đã vỗ tay rầm rộ và hưởng ứng với nhau sau đó rất nhiều. Thoạt đầu nghe thì có vẻ vui, nhưng nếu chọn con đường là nghệ sĩ, việc là phiên bản của ai đó thật sự chỉ là ngõ cụt. Hãy hình dung thói quen đó, dẫn đến chuyện ra đời Khánh Ly 2, Tuấn Ngọc 2, Duy Quang 2… đời sống âm nhạc sẽ cùn mòn với những món đồ hộp – mà chất bảo quản không biết sẽ kéo dài được bao lâu. Với tư duy đó, hãy tự hỏi bao lâu rồi sân khấu Việt không có được một giọng hát có tố chất riêng, khiến khán giả phải tìm đến? Nhiều tin tức cho hay các đêm nhạc đầy ngôi sao, thậm chí live show của các ngôi sao cửu đỉnh đương thời vẫn ế ẩm, vé bán không hết, phải ấn vào tay cho khán giả qua đường để giữ sĩ diện. Cái gọi là live show ở nhiều nơi phần lớn chỉ là gom lại những bài hát cũ, hòa âm cũ, kiểu trình diễn cũ… với mục đích là doanh thu chứ không có gì mới. Và loại live show đó vẫn được đưa đi khắp đất nước, không có gì khác biệt. Bất kỳ khán giả nào không may gặp lại lần hai, hiểu rằng đó là một hình thái gánh hát của đầu thế kỷ 20 nhưng vé thì bán theo giá thế kỷ 21.
Đức Tuấn (phải) là một trong những ca sĩ biết đầu tư cho những đêm nhạc chất lượng – Ảnh tư liệu.
Không phải lúc nào người ta cũng coi được một chương trình bolero được hòa âm công phu như của Ðàm Vĩnh Hưng hay một sân khấu sang trọng như của Ðức Tuấn. Ngay cả một chương trình đơn giản như Nghe mưa của Bảo Chấn – Dương Thụ, giờ đây mỏi mắt tìm cũng không có. Sân khấu ca nhạc đầy những chương trình lắp ghép công thức hoặc trào lưu của tuổi mới lớn. Là một khán giả âm nhạc, bạn có bao giờ phân vân trước một lời mời mua vé ca nhạc vào thời buổi này chưa?