Trọng Tấn: ‘Cục Nghệ thuật Biểu diễn làm thiếu bài bản’

Theo Trọng Tấn việc cập nhật danh sách 300 ca khúc nhạc đỏ đã phổ biến rộng rãi là cần thiết nhưng vì Cục Nghệ thuật Biểu diễn làm thiếu bài bản nên công chúng hiểu lầm, chỉ trích.

Ngày 19/5, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó chủ yếu là sáng tác nhạc đỏ nổi tiếng như Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Ca ngợi Hồ Chí Minh, Như có Bác trong ngày vui đại thắng…

Nhiều bài báo và công chúng hiểu lầm rằng những ca khúc trên đã được cấp phép để lưu hành trở lại. Trước vấn đề này, ngày 21/5, Cục đã gửi thông cáo báo chí để đính chính thông tin. Cục khẳng định không phải cấp phép mới đối với 300 bài hát nói trên mà là “cập nhật thêm 300 bài hát này vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi”.

Tuy đã lên tiếng đính chính nhưng công chúng vẫn tiếp tục bày tỏ quan điểm trái chiều trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng 300 ca khúc này đều nổi tiếng, được người dân yêu thích, do vậy, việc cập nhật vào danh mục phổ biến là không cần thiết, thậm chí bị coi là “thừa giấy vẽ voi”.

Trước sự hỗn loạn của thông tin xoay quanh động thái của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ca sĩ Trọng Tấn – một trong những giọng ca nổi bật của dòng nhạc đỏ hiện nay gửi  bài viết  bày tỏ quan điểm về vấn đề này dưới góc nhìn của một nghệ sĩ.

Trọng Tấn là giọng ca nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng.

‘Cập nhật danh mục phổ biến rộng rãi là cần thiết’

Từ trước đến nay, cơ quan quản lý văn hóa vẫn thiếu một danh sách nghiêm chỉnh về những ca khúc nhạc đỏ đã phổ biến trong nhân dân. Vì thiếu nên bây giờ phải làm. Do vậy, tôi cho rằng việc cập nhật danh mục 300 ca khúc nhạc đỏ được phổ biến rộng rãi là cần thiết.

Nếu không có danh sách thì rất khó quản lý dẫn đến tình trạng nhiều Sở Văn hóa không giám sát được hết các ca khúc trong những chương trình nghệ thuật tổ chức tại địa phương. Trước đây, khi tổ chức chương trình, nhiều đơn vị tổ chức chỉ xin phép nội dung chương trình mà bỏ qua vấn đề liên quan đến ca khúc.

Nhưng khi danh mục ca khúc phổ biến rộng rãi đã được cơ quan quản lý cập nhật thì những câu hỏi như: “Đó là ca khúc nào?”, “Ai sáng tác?”, “Ban tổ chức đã đóng tác quyền âm nhạc chưa?”… sẽ được giải quyết. Vấn đề tổng duyệt sẽ suôn sẻ hơn thay vì hỗn độn như nhiều năm qua.

Việc cập nhật này không những thừa thãi mà còn có ý nghĩa đối với nghệ sĩ, nhạc sĩ. Cập nhật vào danh mục phổ biến rộng rãi chứng tỏ các ca khúc này đang tồn tại, giấy trắng mực đen rõ ràng. Do vậy, các đơn vị tổ chức không thể tiếp tục sử dụng miễn phí và quên câu chuyện bản quyền tác phẩm.

Trước đây, nhiều nhạc sĩ cảm thấy vui khi sáng tác của mình được hát trên sân khấu. Họ không hề biết rằng đó là công sức, là chất xám, là sự sáng tạo, hay nói ngắn gọn đó là “bản quyền”. Và họ phải được hưởng quyền lợi khi ca khúc được biểu diễn trên sân khấu.

Chất xám của nghệ sĩ sáng tác, nghệ sĩ diễn xướng bị ăn cấp rất nhiều trong một thời gian dài. Thế nên, tôi cho rằng khi dư luận quan tâm, cơ quan quản lý nên ngồi lại kiên trì lập một danh sách đầy đủ các ca khúc phổ biến rộng rãi và giải quyết vấn đề bản quyền.

Quốc hội cũng cần đưa ra luật rõ ràng về quản lý văn hóa, trong đó có văn đề này. Khi đã có luật, tôi tin rằng, quyền lợi của nghệ sĩ và cách giám sát của cơ quan quản lý cũng sẽ trật tự hơn thay vì nhiễu loạn thông tin như những ngày gần đây.

Trong Tan: 'Cuc Nghe thuat Bieu dien lam thieu bai ban' hinh anh 2
Trong 300 ca khúc được cập nhật vào danh mục đã phổ biến rộng rãi có bài hát nổi tiếng Như có Bác trong ngày đại thắng.

‘Công chúng phản ứng vì Cục NTBD thiếu bài bản’

Rõ ràng, việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn cập nhật 300 ca khúc nhạc đỏ phổ biến rộng rãi là không sai. Nhưng tại sao công chúng vẫn phản ứng, thậm chí chỉ trích? Tôi cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ hành động không khéo và thiếu bài bản của Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

Ngay từ đầu, Cục đã không làm rõ thuật ngữ “cập nhật” và “cấp phép”, dẫn đến báo chí và người dân hiểu lầm. Tại sao cơ quản quản lý lại không tổ chức một buổi họp báo để cung cấp đầy đủ thông tin?

Nếu họp báo, Cục sẽ có cơ hội giải thích rằng đây là danh sách những ca khúc kinh điển. Cục cập nhật vào danh phục phổ biến rộng rãi là để thống nhất lại cho dễ quản lý, dễ giải quyết vấn đề bản quyền, chứ không phải “cấp phép” cho những ca khúc này.

Nhưng tiếc là cuộc họp báo cần có đã không được tổ chức, thế nên mọi người mới tranh cãi về mặt “lý” với Cục.

Tôi tin rằng Cục Nghệ thuật Biểu diễn không hề có ý “cấp phép Quốc ca” như một số người bàn luận. Hơn ai hết, Cục hiểu rằng họ không có quyền ấy. Quốc hội đã phê chuẩn Tiến quân ca là Quốc ca, đó đã là một tài sản của quốc gia.

Ngoài Tiến quân ca, những ca khúc nói về truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, chắc chắn cũng sẽ luôn được phổ biến và yêu thích, như một thực tế không phải tranh cãi.

Nhưng vì không làm rõ thông tin, câu chữ từ đầu nên mọi người đã hiểu sang vấn đề cấp phép và chỉ trích Cục Nghệ thuật Biểu diễn như mọi người đều biết.

Thực chất, sự nhiễu loạn thông tin những ngày gần đây không ảnh hưởng đến công chúng, không ảnh hưởng đến giá trị tác phẩm, cũng không ảnh hưởng đến việc diễn xướng của nghệ sĩ.

Thế nhưng, dư luận vẫn sục sôi và không thể ngồi im vì Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã thiếu sót một cách đáng tiếc.

Là một nghệ sĩ, tôi tin rằng những phản ứng của công chúng là bài học kinh nghiệm để cơ quan quản lý văn hóa làm tốt hơn, bài bản hơn công việc của mình trong thời gian tới.

Ca sĩ Trọng Tấn

Theo Zing