Tranh cãi ca từ trong ‘Mình thích thì mình yêu thôi’

Việc ca từ bài hát “Mình thích thì mình yêu thôi” của Hà Hồ và Noo được lấy cảm hứng từ câu nói là xu hướng của giới trẻ đang bị nhận xét là quá dễ dãi đối với tác phẩm nghệ thuật.

Sau lần đầu tiên được trình diễn trong live show Noo Phước Thịnh, ca khúc Mình thích thì mình yêu thôi do nam ca sĩ sinh năm 1988 cùng đàn chị Hồ Ngọc Hà trình diễn gây ra nhiều luồng sóng ý kiến.

Có người khen ca khúc do Dương Khắc Linh viết nhạc, Hà Hồ viết lời này có giai điệu bắt tai, dễ thành hit, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng phần lời Mình thích thì mình yêu thôi được lấy cảm hứng từ câu nói là xu hướng của giới trẻ là quá dễ dãi trong một tác phẩm nghệ thuật.

Tuy nhiên, với các nhạc sĩ trẻ tại Việt Nam lại có cái nhìn hoàn toàn khác.

Mình thích thì mình viết thôi

Mình thích thì mình yêu thôi được dựa trên xu hướng “Mình thích… thì mình… thôi” của giới trẻ. Đây cũng là câu nói có nguồn gốc từ câu trả lời của Sơn Tùng M-TP trong một buổi phỏng vấn. Cũng chính vì có liên quan đến nam ca sĩ gốc Thái Bình nên nhiều nghi vấn cho rằng Dương Khắc Linh sáng tác ca khúc này nhằm “đá đểu” đàn em. Tuy nhiên, Dương Khắc Linh đã lên tiếng bác bỏ.

Về phía Hồ Ngọc Hà, cô chia sẻ rằng việc mình lựa chọn ca từ này cũng không nằm ngoài lý do đây là “hot trend”, sẽ thể hiện sự gần gũi, mang hơi thở cuộc sống, đặc biệt là giới trẻ. Và không quá bất ngờ khi trong vòng 3 ngày đăng tải trên trang Youtube, bài hát đã có hơn 300.000 lượt nghe.

nguyen_ba_ngoc_zing9458
Mình thích thì mình yêu thôi gây tranh cãi vì ca từ. Ảnh: BNNC.

Cách giải thích của Dương Khắc Linh và Hồ Ngọc Hà phần nào làm dịu cơn “thịnh nộ” của các Sky (tên gọi chung cho fan Sơn Tùng), nhưng với nhiều khán giả khó tính, họ lại có cái nhìn khắt khe hơn.

Khán giả L.T chia sẻ: “Nhạc bây giờ hầu như khó in sâu. Ca từ tầm phào, lắm khi vô nghĩa .Chẳng qua trào lưu mà thôi”. Còn khán giả T.Q.Đ bức xúc hơn: “Những ca từ kiểu ‘Mình thích thì mình yêu thôi’ sẽ khó tồn tại trong tâm trí của đa số người yêu nhạc. Ở đây không phân biệt bình dân, sang trọng nhưng âm nhạc cần có tiếng nói trữ tình, nét riêng nếu không muốn nói đừng tầm thường quá. Nếu dễ dãi thì tuổi thọ ca khúc ấy rất ngắn”.

Đây không phải lần đầu vấn đề ca từ của các ca khúc Vpop được đem ra mổ xẻ. Một trong những hit lớn nhất năm 2015 là Vợ người ta cũng được cho có lời quá bình dân như “giờ em đã là vợ người ta, áo trắng cô dâu cầm hoa”. Hay trước đó là Forever Alone, Anh không đòi quà, Phiếu bé ngoan… cũng tạo những làn sóng tiêu cực vì lý do tương tự.

‘Miễn đừng phô là được’

“Miễn đừng phô là được” – đó là nhận định chung của hai nhạc sĩ trẻ đang có tiếng hiện nay và được giới chuyên môn đánh giá cao là Khắc Hưng và Mew Amazing.

Tác giả Thật bất ngờ cho hay đây là chuyện khá bình thường và đi đúng với chiều hướng âm nhạc hiện đại. Tức là người viết đem những điều gần gũi vào âm nhạc để đại chúng thưởng thức.

Theo anh, trong nghệ thuật không có điều gì gọi là “tiêu chí” nên nghệ sĩ thoả sức sáng tạo. Tuy nhiên, bài toán của mỗi nhạc sĩ chính là có thể biến những câu nói bình dân đó trở thành âm nhạc một cách mượt mà và không bị “phô”. Dĩ nhiên, đây không phải điều đơn giản.

Tranh cai ca tu trong 'Minh thich thi minh yeu thoi' hinh anh 2
Mew Amazing: “M ang ca từ bình dân vào bài hát không hề đơn giản “.

Mew Amazing nhấn mạnh nhiều người nghĩ mang ca từ bình dân vào bài hát tưởng chừng đơn giản, nhưng sự thật lại khác.

“Phải dung hoà được bình dân và cái đẹp của ngôn ngữ mới thực sự viết ra được những bài hát có ca từ hot đồng thời không làm âm nhạc bị rẻ tiền. Nhưng theo tôi ở Việt Nam số lượng người thực sự giỏi việc đó không nhiều, nếu không muốn nói là không có”.

Tương tự, nhạc sĩ trẻ Khắc Hưng cho biết anh không phản đối việc mang những lời nói đang là xu hướng của cư dân mạng vào các bài hát, miễn sao đừng khiến người nghe cảm thấy quá phản cảm và khó chịu.

Tuy nhiên, cả Khắc Hưng và Mew Amazing cho biết họ không chọn hướng đi này vì thích thử thách bản thân với những điều khó hơn.

“Tôi thích giải quyết những bài toán khó trong âm nhạc, trong đó bài toán ca từ khó nhưng thú vị nhất, vì được thử sức với những câu chữ mới, viết lời cho thú vị hơn, thu hút hơn, đời hơn, bình dân hơn, nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ của âm nhạc”, Mew Amzing nói.

Tranh cai ca tu trong 'Minh thich thi minh yeu thoi' hinh anh 3
Vợ người ta của Phan Mạnh Quỳnh được đánh giá là có ca từ bình dân, quê mùa nhưng là ca khúc hit nhất của năm 2015.

Trong khi đó, tác giả Vợ người ta, Phan Mạnh Quỳnh, cho biết anh không buồn khi bị gắn mác “bình dân, quê mùa”.

“Nhạc của tôi không viết theo quy tắc nhất định nào đó mà chỉ xuất phát từ trái tim. Nhận xét nhạc Phan Mạnh Quỳnh bình dân, tôi thấy rất bình thường vì thật chất đó là điều tôi muốn hướng đến. “Quê thì quê hẳn, thành thị thì thành thị hẳn”. Ví dụ Vợ người ta, mọi người thích và nghe nó cũng vì tính chân thật như bài văn tả thực”.

Xét cho cùng, câu chuyện “mình thích thì mình viết thôi” của các nhạc sĩ dù được mang ra mổ xẻ từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể. Bởi lẽ có cung ắt có cầu, không khó để tìm ra những ca khúc chỉ cần nghe qua tựa đề cũng thấy “rợn người” như Yêu người cùng giới, Chốt lại em muốn chia tay… vẫn có lượt view không hề khiêm tốn dù ca sĩ không ”tên tuổi”.

Không chỉ ở Việt Nam, các thị trường âm nhạc lớn thế giới, những ca khúc như kể trên có chỗ đứng khá rộng. Cụ thể là ca khúc táo –bút (PPAP) của nhạc sĩ kiêm ca sĩ Piko-Taro, đến từ Nhật Bản với phần lời hoàn toàn vô nghĩa nhưng lại trở thành trào lưu trên toàn thế giới.

Phương Giang

Theo Zing