Bộ phim “Chuyện ngày hôm qua” đã kể lại tuổi thanh xuân của không chỉ Bức Tường, Trần Lập mà của cả một thế hệ đã ôm nhau khóc và cất cao tiếng hát giữa Giảng Võ năm 2006.
“Khi xem xong Chuyện ngày hôm qua, tôi thực sự rất xúc động. Và tôi cũng vui mừng chia sẻ với mọi người rằng toàn bộ vé của các suất chiếu trong ngày 18/3 đã được đặt mua hết”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan phát biểu trong buổi ra mắt phim. Phòng chiếu vỗ tay vang dội vì lâu lắm rồi mới có một bộ phim tài liệu được quan tâm đến vậy.
Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung Ương – đơn vị đứng ra thực hiện bộ phim này không giấu tham vọng Chuyện ngày hôm qua sẽ đánh dấu bước ngoặt mới của thể loại điện ảnh tài liệu Việt Nam. Và phim về Bức Tường sẽ được công chúng đón nhận như Chuyện tử tế và Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy những năm 80 của thế kỷ trước.
Ban nhạc Bức Tường được thành lập vào năm 1995, xuất thân là một ban nhạc trong trường Đại học Xây Dựng. Ảnh: ĐPCC.
Lãng mạn, khát khao, trẻ trung, đam mê và mãnh mẽ
Chuyện ngày hôm qua dài gần 80 phút là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Đặng Linh, có sự giúp sức đắc lực của Hồng Thăng. Bộ phim như cỗ máy thời gian đưa người xem về với Bức Tường của những ngày đầu đam mê, dung dị, nhiều lửa nhưng cũng đầy thiếu thốn.
Năm 1995, những chàng sinh viên của trường Đại học Xây Dựng, theo gợi ý của Đoàn trường đã cùng nhau thành lập một ban nhạc, lấy tên The Wall, sau này được gọi chủ yếu với tên tiếng Việt là Bức Tường. Lý giải tên gọi, một thành viên cho biết họ là ban nhạc sinh viên của trường Xây Dựng, do vậy muốn đặt một cái tên gì đó gần gũi với trường.
Đúng như tên gọi, mỗi thành viên trong Bức Tường là một viên gạch, họ gắn kết với nhau và làm nên thành công chung. Trần Lập – không phải là một sinh viên của trường Xây Dựng nhưng gắn bó với ban nhạc từ những ngày đầu. Anh mang đến tố chất của nghệ sĩ chuyên nghiệp, sau cũng trở thành giọng ca và người sáng tác của ban nhạc.
Trong một đoạn tư liệu, các thành viên Bức Tường đã nói về mình với các tính từ như lãng mạn, khao khát, trẻ trung, đam mê. Riêng Trần Lập, anh chọn từ “mạnh mẽ”. Và dường như cũng không còn từ nào chính xác hơn để miêu tả về thủ lĩnh kiên cường, người góp công không nhỏ để Bức Tường trở thành “thành trì” trong lòng khán giả như ngày hôm nay.
Chính Trần Lập là người đầu tiên trong ban nhạc có ý định sáng tác những ca khúc riêng thay vì chỉ hát lại những tuyệt phẩm nổi tiếng trên thế giới. Và We are the wall ra đời, ghi dấu một chặng đường mới. Nói như nhà báo Lại Văn Sâm, đó là ca khúc mà một thế hệ sinh viên nằm lòng, đi đâu cũng nghe thấy và đi đâu Bức Tường cũng được yêu cầu hát.
Tất nhiên, khó tránh khỏi những mâu thuẫn, hợp tan
Từ album đầu tay mang tên Tâm hồn hóa đá – một sản phẩm “hand-made” không thể “hand-made” hơn. Các thành viên tự mày mò làm mọi việc. Họ bước vào phòng thu âm với toàn nhạc cụ cũ, như nhạc sĩ Thanh Phương chia sẻ là “thu một ngày, sửa đàn nửa ngày”, “được cái nọ hỏng cái kia”. Không những thế, còn cùng nhau tự làm vỏ đĩa, tự dán tem, tự xin giấy phép.
Khi thực hiện đĩa nhạc này, Bức Tường cũng xảy ra những mâu thuẫn, có thành viên trong nhóm chia sẻ thật lòng rằng “Biết có ai mua mà làm”. Thế nhưng khi Tâm hồn hóa đá xuất hiện trên thị trường, album được đón nhận nồng nhiệt và thành công ngoài sức tưởng tượng. Bức Tường bắt đầu đi lên và có vị trí vững chắc từ đó.
Bức Tường nói lời chia tay vào năm 2006 và tái hợp vào năm 2010. Ảnh: Đoàn phim cung cấp. |
Nhưng cũng như bao ban nhạc nhạc, không phải lúc nào hành trình của Bức Tường cũng thuận buồm xuôi gió. Họ cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, hợp, tan, mâu thuẫn nội bộ giữa những áp lực của cuộc sống gia đình và đời sống showbiz.
Trong phim, Trần Tuấn Hùng – người gắn bó với ban nhạc từ khi thành lập năm 1995 đã lần đầu tiết lộ việc Bức Tường chia tay vào năm 2006, xuất phát từ những tranh luận giữa anh và thủ lĩnh Trần Lập.
Sau khi tan rã, Tuấn Hùng cạo trọc đầu thay vì để tóc dài như trước. Các thành viên khác, mỗi người đi làm một công việc riêng. Trần Lập vẫn theo đuổi âm nhạc, từ hát solo, làm MC đến hát cho các nhóm khác. Đến khi tất cả đều nhận ra, Bức Tường cần trở lại và Bức Tường return ra đời vào năm 2010.
Các thành viên khác trong nhóm hay trêu Trần Lập và guitar Tuấn Hùng là “cặp vợ chồng già”, thường xuyên cãi vã nhưng cũng chóng làm lành và chẳng thể bỏ được nhau. Sau mỗi buổi tranh luận căng thẳng, hai người vẫn nhắn tin và gọi điện rủ nhau đi cà phê. “Có lẽ tôi và anh Lập là đứng lên, ngồi xuống với nhau nhiều nhất”, Tuấn Hùng thật thà nói.
Khoảnh khắc Tuấn Hùng đệm đàn để Trần Lập gác chân nghêu ngao hát trong phòng ở một khách sạn. Sau đó, Trần Lập nhỏ nước tra mắt cho Tuấn Hùng khiến người xem thực sự xúc động.
Tình anh em, tình bằng hữu, có lẽ cũng chỉ cần những điều đơn giản như vậy. Cũng như Tuấn Hùng chia sẻ cách đây không lâu “Trần Lập mãi mãi là thủ lĩnh của chúng tôi”.
Thiếu một câu chuyện để đủ đầy và trọn vẹn
Chuyện ngày hôm qua là bộ phim để lại nhiều dư âm trong lòng khán giả, có cả tiếng cười và không thể thiếu những giọt nước mắt. Phim đã kể lại cả một thời thanh xuân, không chỉ của Bức Tường mà còn của một thế hệ người yêu rock Việt – những người đã ôm nhau khóc và cất cao tiếng hát tại Giảng Võ vào năm 2006, khi Bức Tường tuyên bố tan rã.
Tuy vậy, phim vẫn thiếu một câu chuyện để trở nên trọn vẹn. Bước ra khỏi rạp, nhiều khán giả đồng quan điểm rằng phim thiếu một điều gì đó về thủ lĩnh Trần Lập.
Chị Mai Hoa – vợ cố nghệ sĩ Trần Lập – người xuất hiện và gây không ít xúc động cho người xem cho biết chị hài lòng với Chuyện ngày hôm qua nhưng vẫn thấy phim thiếu một chút về tinh thần và nghị lực của người chồng quá cố.
Đó cũng là cảm nhận của nhiều người xem. Hành trình đối diện với bệnh tật của Trần Lập là một hành trình mạnh mẽ, đầy tinh thần chiến binh và đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Do vậy, nếu đạo diễn khắc họa trọn vẹn và sâu sắc hơn điều đó, có lẽ khán giả sẽ không tiếc nuối.
Cố nghệ sĩ Trần Lập là thủ lĩnh của Bức Tường, cũng là người sáng tác và hát chính trong ban nhạc. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Kết thúc buổi công chiếu đầu tiên, đạo diễn Đặng Linh chia sẻ rằng từ thời sinh viên chị đã có ý định làm phim về Trần Lập và Bức Tường. Khi ra trường, bận bịu với cơm áo gạo tiền nên chưa có cơ hội. Nhưng khi biết thần tượng của mình mắc bạo bệnh, Đặng Linh quyết tâm thực hiện bằng được bộ phim.
Nữ đạo diễn cũng bật mí là chị và ê-kíp thực hiện đã phải mạnh dạn cắt bỏ nhiều cảnh quay, dù rất hay nhưng không phù hợp với câu chuyện mà bộ phim hướng đến.
“Tôi đã quay 4T dữ liệu và mấy ổ cứng tư liệu. Nhưng đúng là thiếu cái gì đi tìm cái đó thì dễ hơn là mình phải chắt lọc và cắt đi. Nhiều đoạn phỏng vấn nhân vật, tôi rất thích nhưng cuối cùng vẫn chấp nhận không sử dụng để câu chuyện của phim không bị ảnh hưởng. Tác phẩm đầu tay nên tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi không muốn nói nhiều về điều đó vì quan trọng là mình đã vượt qua”, Đặng Linh nói thêm.
Trả lời về việc “Trong phim, nhà báo Lại Văn Sâm nói câu Trông mặt mà bắt cành dong thay vì Trông mặt mà bắt hình dong, tại sao đoàn làm phim không quay lại để tránh những thắc mắc từ khán giả?”, nữ đạo diễn cho biết ê-kíp thường cố gắng quay một lần vì phim tài liệu nếu quay nhiều lần sẽ làm mất cảm xúc của nhân vật.
“Trong phim tài liệu, cảm xúc rất quan trọng và tôi tôn trọng cảm xúc của mọi người”, Đặng Linh nhấn mạnh.