Tại sao ca khúc ‘Ông bà anh’ trở thành hiện tượng?

“Ông bà anh” xuất hiện mang một làn gió mới trong bối cảnh làng nhạc Việt không hiếm gặp những bài hát có ca từ vô nghĩa, quẩn quanh chuyện yêu đương, chia ly, phản bội, giận hờn.

Ông bà anh được chàng trai chuyển giới Lê Thiện Hiếu giới thiệu ở tập 1 Sing My Song – Bài hát hay nhất, phát sóng tối 20/11. Giai điệu đậm chất reggae cùng với ca từ dung dị, văn minh ngay lập tức gây “bão” cộng đồng mạng và trở thành bài hát được quan tâm nhất trong hơn một ngày qua.

Tình yêu hiện đại qua những giá trị cũ

Chàng trai sinh năm 1995 đến từ Thái Nguyên cho biết anh viết Ông bà anh cách đây khoảng 4 tháng trong tâm trạng của người đang gặp rắc rối chuyện tình cảm.

“Lúc đó tôi rất mệt mỏi. Tôi nhớ lại câu chuyện tình yêu của ông bà mình. Tôi nảy trong đầu một thắc mắc là tại sao ngày xưa ông bà yêu nhau như vậy, còn bây giờ mình lại yêu bằng một cách khác. Ông bà anh ra đời trong sự khác biệt đó” – Lê Thiện Hiếu bật mí.

Chàng trai chuyển giới cũng cho biết thông qua sáng tác, anh muốn gửi thông điệp tình yêu chân thành luôn bắt nguồn từ những điều chân thật. Mọi người nên dành thời gian cho thế giới thật thay vì không gian ảo. Và công nghệ hiện đại không thể thay thế những phút giây gần gũi bên nhau.

Thông điệp văn minh qua ca từ dung dị như “lời ăn tiếng nói” hàng ngày của Lê Thiện Hiếu đã chinh phục được dàn huấn luyện viên. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho biết: “Thông điệp rất hay và tôi rất thích” trong khi Đức Trí nhận xét: “Bài hát rất tuyệt vời, tôi không thể không bấm cần. Đỉnh cao của giải trí là biết cách đặt vấn đề và truyền tải cảm xúc đến với người nghe, và bạn đã làm rất tốt điều đó”.

Ông bà anh yêu nhau thời chưa có tivi/ Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi/ Ông thường đưa bà anh đi dạo quanh trên con ngựa sắt Thống Nhất màu xanh/ Ông có một tình yêu tươi xanh và em ơi em có hiểu lòng anh, anh muốn có một tình yêu xanh ngát xanh” – chàng trai 21 tuổi đã nhìn tình yêu hiện đại bằng lăng kính của giá trị cũ.

Nhưng điều quan trọng là giá trị ấy không lỗi thời thậm chí còn là niềm mong ước của nhiều người trẻ. Mặc dù “Anh và em yêu nhau thời xe máy ô-tô/ Anh và em yêu nhau thời Facebook, Zalo”.

Nhưng “tình yêu ngát xanh” mà Lê Thiện Hiếu hướng đến không có sự giận hờn vô cớ kiểu “không reply inbox” mà chỉ có sự chân thành của “những dòng thư tay viết vội” và “những lời ngây ngô đầu môi”.

lethienhieu7660x440_2
Lê Thiện Hiếu sinh năm 1995, tên trước đây là Lê Phương Thảo. Ảnh: BTC. 

Giai điệu hồn nhiên, đậm chất reggae

Ông bà anh là một sáng tác thuộc thể loại reggae. Đặc trưng của thể loại âm nhạc này là sự pha trộn của nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau, từ dân gian đến R&B, jazz. Các ca khúc reggae thường mang đến cho người nghe tâm trạng thoái mải với giai điệu hồn nhiên và ca từ ý nghĩa. Sáng tác của Lê Thiện Hiếu cũng không ngoại lệ.

Chàng trai chuyển giới cho biết khi ra mắt cách đây vài tháng, Ông bà anh có ca từ chưa đậm chất reggae. Nhưng khi chính thức tham gia cuộc thi Sing My Song, Thiện Hiếu quyết định sửa vài đoạn lời và làm đậm phần phối rất bắt tai của thể loại này.

Ngay sau khi Lê Thiện Hiếu trình diễn, Lê Minh Sơn nhận xét: “Âm nhạc không cần nói nhiều. Cách đặt vấn đề của bạn đã thuyết phục tôi rồi. Tôi biết rằng mình không sai. Ca khúc của bạn là điều mà người trẻ bây giờ rất cần. Ngoài ra, giọng hát run run của bạn cũng rất đặc biệt. Tôi nghĩ bạn cần phải phát huy 2 điều này”.

Tuy nhiên, Lê Minh Sơn cũng thẳng thắn Ông bà anh là một ca khúc có ca từ tương đối dài. “Tôi nghĩ ca khúc có thể ngắn hơn mà vẫn sâu, chỉ cần 3 dòng, không cần nhiều” – tác giả Ôi quê tôi nói.

Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhận định Ông bà anh là một sáng tác có ý tưởng hay. Giai điệu và ca từ của ca khúc khiến người nghe dù là người có chuyên môn hay người bình thường đều cảm thấy thú vị.

Reggae là một thể loại âm nhạc có nguồn gốc từ Jamaica. Mặc dù đôi khi được sử dụng trong nghĩa rộng để đề cập đến hầu hết các loại ca múa nhạc của đất nước Jamaica, thuật ngữ “Reggae” thường được sử dụng để thể hiện lối chơi nhạc đặc biệt phát triển vào cuối những năm 1960. Đại diện tiêu biểu của Reggae là Bob Marley với những ca khúc đề cao tự do và tình yêu.

Lệ Thiện Hiếu không có phong cách giống những nghệ sĩ của dòng nhạc reggae với mái tóc dreadlock tết hình rễ cây và trang phục ba màu chủ đạo. Nhưng qua sáng tác của anh, người nghe vẫn có thể dễ dàng liên tưởng đến những nghệ sĩ reggae theo đuổi phong trào Rastafari khuyến khích con người sống khiêm tốn, công bằng, yêu hòa bình và yêu thương lẫn nhau.

Ông bà anh mang đến sự tự do, vui vẻ, phóng khoáng – đó cũng là điều mà các nghệ sĩ reggae hướng đến trong các sáng tác của mình.

Quang Đức

Theo Zing