‘Nhạn trắng gò công’ Phương Dung và chuyện đời tư chưa từng hé lộ

Danh ca Phương Dung có tới 8 người con nhưng vẫn duy trì đam mê ca hát và sự nghiệp chưa từng đứt đoạn thời gian nào. Lần đầu, nữ danh ca “Nỗi buồn gác trọ” chia sẻ chuyện “điều binh khiển tướng” trong gia đình đông con.

Để “điều binh khiển tướng” trong một gia đình đông con nhưng vẫn duy trì địa vị của một danh ca hàng đầu, danh ca Phương Dung cho biết, cô luôn khắc ghi lời dặn của ba: “Ba thường nói, trong gia đình, người mẹ phải vừa là người bạn, một người thầy thuốc, y tá, một cô giáo, một “người ở” cho 8 đứa con của mình”.

“Tôi rất yêu gia đình và rất thích trẻ em. Ông bà ta thường nói ca sĩ phải bay bướm. Không, hoàn toàn không. Đương nhiên với chồng, đôi lúc, tôi cũng có những xích mích. Nhưng tôi hiểu rằng, cái tên mình không dễ có.

Một người nghệ sĩ đằng sau có gia đình đàng hoàng thì thường thường, người ta mến mình nhiều hơn. Hơn nữa, tính tôi đi con đường nào phải đi cho hết con đường đó. Mặc dù vợ chồng tôi cũng có lúc giận hờn, gây gổ, nhưng sau đó, có nhiều khi tình yêu lại cao hơn rất nhiều”, danh ca Phương Dung chia sẻ chuyện đời tư trong talkshow Chuyện của sao.

“Một người nghệ sĩ đằng sau có gia đình đàng hoàng thì thường thường, người ta mến mình nhiều hơn”, danh ca Phương Dung nói.

Có lẽ chính nhờ tình yêu mà nữ danh ca mới duy trì được một sự nghiệp thăng hoa như vậy. Qua bao năm tháng, sắc vóc và giọng hát của Phương Dung vẫn được gìn giữ, đặc biệt là giọng hát không thay đổi theo năm tháng.

Danh ca Phương Dung sinh ra và lớn lên ở Gò Công (Tiền Giang). Cô bắt đầu nổi tiếng từ năm 17 tuổi sau khi trình bày thành công ca khúc “Nỗi buồn gác trọ” của Mạnh Phát – Hoài Linh (1962), sau đó tiếng hát của cô càng được biết đến qua những ca khúc như “Những đồi hoa sim” (1964), “Tạ từ trong đêm” (1965)…

Phương Dung từng được trao giải Huy chương Vàng dành cho nữ ca sĩ năm 1965. Nữ danh ca còn nổi tiếng với biệt danh Nhạn trắng Gò Công do thi sĩ Kiên Giang đề tặng. Trong suốt khoảng hai thập niên 1960-1970, cô cùng với Hoàng Oanh là cặp danh ca nổi tiếng nhất của dòng nhạc trữ tình quê hương.

Sau khi kết hôn, cô định cư tại Úc và thỉnh thoảng vẫn tham gia hoạt động văn nghệ tại Mỹ. Thời gian gần đây, Phương Dung đã trở về Việt Nam phục vụ cho khán giả và tham gia làm giám khảo cho một số cuộc thi ca hát.

Điều xúc động nhất với danh ca Phương Dung là mỗi lần trở về Gò Công, khán giả gặp cô, hay nghe băng của nhà hàng xóm phát ra lại hỏi: “Chị là Nhạn trắng Gò Công hả?”. Danh hiệu đó luôn đi trước tên thật của cô.

Cô rất biết ơn thi sĩ Kiên Giang đã dùng hình ảnh bầy chim nhạn trắng Gò Công để tặng cho người con gái sinh ra nơi đó, người con gái quê hương mang tiếng hát trình làng với đời.

Nhớ lại những ngày đầu bước vào con đường nghệ thuật, Phương Dung cho biết, cô may mắn gặp được người thầy lão làng đó là nhạc sĩ Mạnh Phát, nhạc sĩ Hoài Linh,,… đã mang đến cho cô nhiều ca khúc.

Nhạc sĩ Mạnh Phát chính là người đã tới nhà Phương Dung để tập cho cô những bài hát đầu tiên. Một người thầy khác là ông Lê Trung Quân. Ông đã nói với cô rằng: “Con bây giờ mới 11 tuổi, nếu con đi hát thì quá sớm và có thể con sẽ bỏ không học nữa”. Cô bé Phương Dung khi ấy đã đáp rằng: “Cậu dạy con đi, con hứa với cậu rằng, con không bỏ lỡ sự học hành này đâu”.

“Người ca sĩ cũng như sáng tác phải có trình độ tối thiểu để biết mình sai như thế nào. Đó là điều rất khó. Chính vì vậy khi chấm thi tôi muốn thí sinh tôn trọng người thưởng thức”, danh ca Phương Dung trả lời khi MC Minh Đức chia sẻ, nhiều khán giả cho rằng, cô khá khó tính và nghiêm khắc khi ngồi trên ghế nóng các cuộc thi ca hát.

Phương Nhung

Theo Dân Trí