Người mẫu Việt ra nước ngoài: Có tiếng mà không có miếng?

Hoàng Thùy có lẽ là chân dài biết tận dụng “tiếng” để tạo ra “miếng” nhất trong số những người mẫu Việt bước ra quốc tế gần đây.

Vài năm trở lại đây, chuyện người mẫu Việt hoạt động ở thị trường quốc tế không còn mới. Có người làm việc theo từng mùa (tuần lễ thời trang), có người hoạt động đều đặn. Một số gương mặt có thể kể ra như Trang Khiếu, Hoàng Thùy, Chà Mi, Thùy Trang, Kha Mỹ Vân, Mâu Thủy, Lê Thúy, Đỗ Hà…

Sau mỗi lần xuất ngoại, điều họ nhận được là danh tiếng, cát-xê cao hay cơ hội được quốc tế công nhận? Mới đây, người mẫu Cao Thiên Trang, thí sinh Vietnam’s Next Top Model mùa All stars, gây chú ý với phát ngôn “Người mẫu Việt ra nước ngoài có tiếng mà không có miếng”. Vậy thực hư chuyện “tiếng” và “miếng” như thế nào?

Tiếng – nhiều vô số kể

Rõ ràng một điều với ngành thời trang Việt Nam, câu chuyện người mẫu ra nước ngoài diễn luôn là đề tài được quan tâm, có lẽ chỉ sau chuyện người đẹp Việt đi thi chính ngạch và thi chui.

Có lẽ cũng bởi tâm lý sính ngoại một phần và nhược tiểu phần nữa nên hễ cứ người mẫu Việt ra được nước ngoài diễn là người ta xôn xao bàn tán. Thực hư câu chuyện diễn ở nơi như thế nào, quy mô ra sao, đẳng cấp hay xóm chợ, thu nhập nhiều hay ít là chuyện tính sau.

Nhiều gương mặt thuộc thế hệ mẫu 9X của Việt Nam từng sải bước trên sàn diễn quốc tế.

Cũng chính bởi thế mà một số người mẫu trở về Việt Nam với cái mác “siêu mẫu quốc tế” đã nhanh chân bước lên hàng ngôi sao dù thực tế bao năm diễn như thế nào chỉ có chính người trong cuộc biết.

Hay cách đây 3 năm, Minh Tú thủa còn chưa nổi tiếng như bây giờ, gây chú ý khi đi diễn ở Singapore. Minh Triệu sau một show tại New York cũng được báo chí quan tâm, săn đón. Nói thế để thấy hễ cứ bước chân ra khỏi Việt Nam là mọi thứ khác đi nhiều, dẫu rằng “tiếng” đó có thể chưa chuẩn lắm hoặc quá nhiều tạp âm… rè rè.

Người mẫu Việt ra nước ngoài diễn mà ít “tiếng” nhất có lẽ là Trang Phạm. Từng chinh chiến tại 2 tuần lễ thời trang lớn là Milan và London, nhưng cô chọn cách im lặng hoặc chỉ chia sẻ ảnh trên Facebook cá nhân. Milan Fashion Week 2015 là chuyến xuất ngoại đầu tiên của cô và thất bại hoàn toàn khi chỉ có vài xuất diễn. Tiền đi lại, ăn ở hoàn toàn tự túc và chuyến đi đó Trang Phạm “lỗ cả chì lẫn chài”.

Không nản chí, Trang Phạm tiếp tục đến với London Fashion Week 2016 và có được 15 xuất diễn – một con số không nhỏ. Nhưng cô chỉ tham gia 10 show bởi công ty quản lý không muốn cô diễn cho những nơi không chất lượng.

Trang Phạm luôn khiêm tốn và hiếm khi khoe về chiến tích dẫu dân trong nghề nhìn cô với sự thán phục cả về tính cách và kỹ năng nghề.

Trong khi đó, cũng có trường hợp mẫu Việt diễn được dăm ba show quốc tế nhưng có ê-kíp truyền thông hậu thuẫn nên thông tin tràn ngập mặt báo.

Miếng được mấy đồng?

Cát-xê là câu chuyện nhạy cảm, luôn được né tránh khi nhắc tới với các người mẫu. Câu trả lời sẽ chỉ luôn luôn là “đủ sống”. Theo thông tin từ những người trong cuộc thì mỗi show, mỗi người mẫu được trả khoảng 200-500 USD. Tức là, người mẫu Việt có thể sinh sống bằng nghề tại nước ngoài nhưng chật vật.

Trên thế giới, số lượng người mẫu sống trù phú bằng nghề chắc chắn rất ít và họ đều chuyển sang lĩnh vực khác khi đã thành công với sàn catwalk.

Thực tế một chút thì khắp châu Á chỉ có vài ba người mẫu thành công thực sự trên sàn diễn quốc tế như Liu Wen, Sui He, Ming Xi, Fei Fei Sun, Tao Okamoto… Họ mang quốc tịch Trung Quốc và Nhật Bản – hai nền kinh tế và thị trường lớn nhất châu Á. Điều đó giải thích một phần lý do họ được nhiều nhãn hàng chọn, bên cạnh tài năng. Đơn giản vì quê hương của những người mẫu đó là thị trường quá lớn mà các nhãn hàng muốn nhắm đến.

Xác định được điều này nên đa số mẫu Việt ra nước ngoài là để “nâng tầm” vị trí của mình khi trở về nước. Trong số đó, Hoàng Thuỳ có lẽ là cô gái thông minh và khôn ngoan nhất, bên cạnh sự may mắn và năng lực bản thân.

Nguoi mau Viet ra nuoc ngoai: Co tieng ma khong co mieng? hinh anh 2
Hoàng Thùy trình diễn nhiều mùa London Fashion Week.

Thời điểm cô đăng quang Vietnam’s Next Top Model 2011 cũng là năm siêu mẫu Tyra Banks sang Việt Nam nên được truyền thông trong và ngoài nước hậu thuẫn. Với sự giúp đỡ của đơn vị sản xuất và nỗ lực của bản thân, Hoàng Thùy từng bước đến với các sàn diễn lớn để rồi nhanh chóng… quay về nước.

Quay về nước không phải vì thất bại mà quay về khi danh tiếng ở nước ngoài đã gom đủ. Với danh tiếng đó, chân dài gốc Thanh Hóa biết cách nâng cao thu nhập của mình với các hợp đồng KOL, những lần dự sự kiện và cuối cùng là làm giám khảo The Face (Gương mặt thương hiệu).

Với sự cố gắng, kiên trì theo đuổi, cuộc đời cô gái này bước sang một trang mới. Hoàng Thuỳ không phải người mẫu đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài nhưng lại tận dụng “mác” quốc tế rất tốt.

Giữa một nền công nghiệp giải trí còn “tranh tối tranh sáng” như Việt Nam, những giá trị đôi khi không nhất thiết phải quá lớn, mà chỉ cần biết kể những câu chuyện xung quanh giá trị đó để lôi kéo được đám đông.

Vẫn biết rằng, bước ra quốc tế không dễ và còn khó hơn nhiều lần nếu tồn tại được. Nhưng cũng thực tế với nhau một điều là, ra nước ngoài để quay về trong nước làm nghề và nâng cao mình là một quyết sách khôn ngoan khi biết “sức mình sức người” không thể khuynh đảo được sàn diễn thế giới của người mẫu Việt.

Đức Thành

Theo Zing