Nếu Hà Trần muốn hát ‘Anh cứ đi đi’ thì chẳng ai có quyền phán xét!

Nhân chuyện Hà Trần hát “Anh cứ đi đi” gây tranh cãi trong những ngày qua, hãy nhìn rộng hơn một chút về câu chuyện âm nhạc với những nhãn mác lạ kì.

Những ngày qua, người ta bất ngờ khi Trần Thu Hà đã hát “Anh cứ đi đi” của Hari Won trên một sân khấu hải ngoại. Nếu như ban đầu khán giả cảm thấy việc này thật lạ lùng, rồi so sánh giữa hai giọng hát thì càng về sau sự việc càng đi xa hơn khi có những ý kiến cho rằng diva hát nhạc thị trường là tự phá huỷ “đền đài”.

Ai có quyền cấm diva hát một ca khúc của đại chúng?

Có thể khi nghe Hà Trần hát “Anh cứ đi đi”, phản xạ đầu tiên của người nghe bật ra chính là sự so sánh với bản gốc. Sẽ có người khen kĩ thuật của Hà Trần tốt hơn Hari Won, fan của Hari thì cảm thấy Hari hát ngọt hơn. Những nhận định hay tranh cãi này không có vấn đề, bởi hay và dở luôn là đánh giá ở mức độ cá nhân, là một tính từ hoa mỹ hơn của việc nghe bài hát đó có hợp tai hay không.

Giọng của Hà Trần kĩ thuật, nội lực nhưng nhiều khán giả cho rằng cô ấy hát “Anh cứ đi đi” không thật sự hợp. Bởi giai điệu lẫn ca từ của ca khúc này đều đơn giản, không hóc búa, không có những quãng, nhịp được tính toán để phô diễn kĩ thuật, cũng không có những câu chữ mang nhiều trải nghiệm về cuộc đời, chỉ đơn giản là những cảm xúc yêu đương.

Bởi nó được “đo ni đóng giày” cho Hari Won, cô ca sĩ gốc Hàn không có nhiều kĩ thuật trong giọng hát. Bởi nó được sáng tác từ một người trẻ, và hướng đến những người trẻ. Do đó, không khó hiểu khi Hà Trần hát ca khúc này không hợp. Nhưng vẫn sẽ có người thích cách hát kĩ thuật ấy, cho rằng nó làm bài hát “sang” hơn.

Nếu Hà Trần muốn hát Anh cứ đi đi thì chẳng ai có quyền phán xét! - Ảnh 1.

Và sự việc chỉ nên dừng lại ở đây là đủ, xoay quanh những vấn đề mang tính chuyên môn và thị hiếu thay vì bị đẩy lên thành một vấn đề mang tính đẳng cấp hay ranh giới. Chẳng có một luật lệ nào cho rằng những diva thì không được hát một ca khúc như “Anh cứ đi đi”. Cũng chẳng có một nguyên tắc nào bắt diva chỉ được hát những ca khúc được cho là đẳng cấp, phải thể hiện nhiều kĩ thuật.

Đơn giản thôi, vì không có biên giới nào tồn tại giữa âm nhạc. Chúng ta nghe nhạc bằng tai, và bằng tâm hồn, con tim chứ không nghe bằng sự phán xét. Những diva cũng có xuất phát điểm là ca sĩ, họ hát vì đam mê, vì muốn kể những câu chuyện bằng âm nhạc. Có trở thành diva thì họ vẫn là ca sĩ, vẫn có quyền hát những thứ họ muốn vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Chúng ta nhân danh điều gì để ép ca sĩ hát bài này, không hát bài nọ, được đứng chung sân khấu với người này, không được với người kia!?

Có hơi quá không khi Hà Trần hát “Anh cứ đi đi” lại khiến mọi người phản ứng mạnh như vậy, phải đem cả những danh hiệu “diva”, “đền đài” ra để phán xét một hành động đơn giản của người nghệ sĩ? Đâu phải mới lần đầu những người được cho là đẳng cấp hát những ca khúc bị đánh giá là thị trường.

Nếu Hà Trần muốn hát Anh cứ đi đi thì chẳng ai có quyền phán xét! - Ảnh 2.

Đừng biến âm nhạc thành một trận địa thành tích và danh hiệu trong khi nhiệm vụ của nó chỉ đơn giản là phục vụ người nghe. Nhà báo Chu Minh Vũ, một người yêu mến giọng ca Hà Trần đưa ý kiến của anh về việc này: “Tôi nghĩ câu chuyện Hà Trần – Hari Won thể hiện những định kiến mà chúng ta quá khắt khe với các nghệ sĩ. Những rào cản mà chúng ta đã tự dựng lên quanh các Diva, nó cũng khắt khe hệt như những định kiến dành cho nghệ sĩ mới, nghệ sĩ trẻ.

Những định kiến này sẽ bó buộc người nghệ sĩ trong những vòng an toàn của nghệ thuật và nghề nghiệp. Điều quan trọng nhất là bản thể nghệ sĩ của họ có thay đổi hay không? Một ca sĩ thị trường khi có khán giả muốn hướng đến sự sáng tạo nghệ thuật và đặt dấu ấn cá nhân như những diva là điều quá cần ủng hộ. Ngược lại, một tượng đài nào đó muốn từ chối tất cả dấu ấn của riêng mình để làm rẻ tiền bản thân đi thì mới là điều đáng lên án.

Trong trường hợp Hà Trần trên, tôi thấy nó đơn giản như một cuộc dạo chơi và tôi thấy vô cùng đáng yêu. Tôi biết Hà là nghệ sĩ quan tâm sâu đến thị trường âm nhạc trong nước và đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ. Có thể cô ấy cũng thích Hari Won hoặc có kỷ niệm riêng nào đó với bài hát này, hoặc đơn giản là hát theo yêu cầu người hâm mộ… Chả có gì cần lên án cả, khi cô ấy đã hát hay và rất… Trần Thu Hà với bài hát Anh cứ đi đi”.

Nếu Hà Trần muốn hát Anh cứ đi đi thì chẳng ai có quyền phán xét! - Ảnh 3.

Âm nhạc không có ranh giới và những nhãn mác kì lạ

Sở dĩ chuyện Hà Trần và “Anh cứ đi đi” ầm ĩ như vậy cũng là bởi những nhãn mác được phân loại trong âm nhạc Việt Nam. Âm nhạc là gì? Là một loại hình nghệ thuật phổ biến mà con người ta sử dụng hằng ngày. Có khi để thư giãn, có khi vì công việc, cũng có khi là để tự cứu chính mình trong những ngày khó khăn nhất với mớ cảm xúc hỗn độn.

Thế giới phân biệt âm nhạc bằng thể loại như Pop, Rock, R&B, Dance, Jazz… hoặc đôi khi là một bài hát có nhãn explicit vì ca từ hơi “người lớn”. Khán giả USUK phân biệt Taylor Swift, Katy Perry, Rihanna, Beyoncé, Adele, Madonna, Mariah Carey bằng dòng nhạc họ đeo đuổi, đơn giản thế thôi.

Nếu Hà Trần muốn hát Anh cứ đi đi thì chẳng ai có quyền phán xét! - Ảnh 4.

Thế tại sao ở Việt Nam, ngoài nhạc trữ tình, dân ca, nhạc pop, nhạc dance… ta lại có thêm những nhãn mác mang tính phân biệt văn hoá như nhạc “chợ”, nhạc “thị trường”!? Ai là người đã đặt tên cho những khái niệm đó hay đơn giản là chúng ra đời trong sự phẫn nộ của đám đông trước những bài hát có ca từ bình thường, được nghe và thuộc bởi một đám đông khác?

Cũng vì khái niệm này tồn tại một cách hiển nhiên mà dần dà những người nghe nhạc càng ngày càng nhạy cảm hơn với việc “đánh giá tính chất nghệ thuật” của một ca khúc, nghiễm nhiên vạch ra những ranh giới giữa các bài hát và những người ca sĩ. Khái niệm ca sĩ tuổi teen, ca sĩ giới trẻ, ca sĩ thị trường dần hình thành để phân biệt và đứng ở vị trí “chiếu dưới” so với những ca sĩ hạng sang, đẳng cấp, những diva.

Điều này dường như đã trở thành một định nghĩa trong làng âm nhạc Việt Nam. Những nhận định về sự khác biệt giữa những ca sĩ trẻ và diva đồng thời đã kéo theo những nhãn mác thừa thãi gắn lên âm nhạc của họ. Rằng những ca khúc dễ nghe, giai điệu ca từ đơn giản là dễ dãi còn những bài hát khó hơn, sâu hơn mới xứng đáng được ngợi khen. Cũng từ đó mà chúng ta mới sinh ra cái ý tưởng “cấm cản” những ca sĩ đẳng cấp như diva hát các ca khúc thị trường.

Nếu Hà Trần muốn hát Anh cứ đi đi thì chẳng ai có quyền phán xét! - Ảnh 5.

Âm nhạc không phức tạp như thế. Nó chỉ đơn giản là thứ cầu nối giữa cảm xúc và cảm xúc, giữa người viết nhạc, người hát và người nghe. Áp lên đó những phân định sang- hèn, đẳng cấp cao- thấp chỉ làm nó trở nên rắc rối và khô khan hơn thôi. Hãy xem những việc đôi khi được đặt không đúng chỗ là một cuộc dạo chơi ngẫu hứng, bởi “chỗ” mà chúng ta đặt ra đó đáng lí cũng không cần tồn tại.

Suy cho cùng, vũ khí của ca sĩ là giọng hát, cách hát còn vũ khí của một bài hát chính là cách nó chạm đến tâm hồn người nghe. Âm nhạc mà ta gọi là nhạc “thị trường” vẫn có hằng hà người nghe và thuộc, hằng ngày được vang lên khắp mọi nơi. Làm sao chúng ta biết được những bài hát đó không chạm vào cảm xúc của những diva, khiến họ muốn hát nó một lần?

Thay vì phải lên tiếng cảnh tỉnh, bắt người ta vạch rõ ranh giới giữa đẳng cấp và thị trường thì hãy hỏi Hà Trần xem cô ấy có muốn hát bài ấy hay không? Nếu cô ấy muốn thì chẳng ai có quyền phán xét. Vì âm nhạc là nghệ thuật, mà nghệ thuật thì đừng phán xét, nó chẳng đúng hay sai bao giờ.

Phúc Du

Theo Tri Thức Trẻ