Á hậu Diễm Trang khóc ‘tức tưởi’ trong những ngày đầu làm mẹ

Đã có lúc Trang thấy đau đến kiệt sức sau mổ đẻ và thất vọng vì không đủ sữa cho con.

Hơn một tháng sau khi xuất viện, cuộc sống của Á hậu Diễm Trang “thay đổi xoành xoạch” xoay quanh việc cho con bú, ngủ, dỗ con khóc, chơi với con… Cô thậm chí chẳng còn thời gian để chăm sóc bản thân, bỏ mặc những “vết tích” thâm rạn trên cơ thể. Người đẹp cảm thấy “như vẫn không tin và chưa quen với việc mình đang có một ‘cục thúi’ trước mặt”.

Nghĩ lại thời gian bầu bí và hành trình “vượt cạn”, Diễm Trang đã chia sẻ nhiều điều xúc động trong nhật ký của mình. Với cô, mang thai con gái đầu lòng là một sự thử thách lòng kiên nhẫn, càng sát ngày sinh càng cảm thấy nôn nao, có hôm cả đêm không ngủ được.

Bước sang tuần thai thứ 38, Trang đã mong con hơn bao giờ hết vì cô thường nghe mọi người bảo sinh con đầu lòng hay sớm hơn ngày dự kiến. Vì thế, công việc hàng ngày lúc bấy giờ của Trang là chờ… đau đẻ. Nhưng mỗi ngày trôi qua, cân nặng của em bé nhích dần lên, Trang vẫn chịu khó tập luyện yoga và đi bộ mà vẫn chẳng thấy có dấu hiệu đau đớn nào.

Quá ngày dự sinh, đều đặn một tuần 3 lần, Trang đến bệnh viện khám thai và phải nhịn đói để sẵn sàng sinh mổ nếu cần dù cô cứ lần lữa chờ vì biết đâu có cơ may sinh thường. Nhung cuối cùng, sau rất nhiều cố gắng, Trang vẫn phải chuyển sang sinh mổ.

a-hau-diem-trang-khoc-tuc-tuoi-trong-nhung-ngay-dau-lam-me

Tấm ảnh kỷ niệm duy nhất sau khi nhập viện và chờ sinh mà Trang có được.

Khi chiếc giường được đẩy vào khu phẫu thuật, tim Trang đập thình thịch, người căng như dây đàn. Phòng mổ lạnh “kinh khủng” mà người cô đầm đìa mồ hôi. Các y tá ra sức động viên, còn Trang thì “mở mắt trơ trơ hồi hộp, cố gắng tìm một âm thanh gì để bấu víu vào cho quên đi cảm giác mình đang bị ‘ăn dao mổ'”. Cô cảm nhận thấy tất cả mọi thứ đang diễn ra vì chỉ có phần thân dưới tê cứng.

Một lúc sau, khi thấy động tác đẩy bụng, Trang đang cố gắng cảm nhận xem liệu đó có phải là con dao không thì bất ngờ nghe thấy tiếng khóc “Oe oe” chào đời của con. Bác sĩ thông báo bé nặng gần 3,5 kg, dài 50 cm. Bà ngoại “vui tít mắt” xem cháu, chụp ảnh gửi ra ngoài cho bố xem. Còn Trang nằm yên để hoàn thành nốt ca mổ và nước mắt cứ tự nhiên chảy ra.

“Chẳng hiểu sao tự nhiên nước mắt tuôn rơi! Mẹ vẫn không kịp phản ứng với việc con đến với thế giới này. Hai khoé mắt cay mà nước mắt không ngừng rơi. Mẹ nhoẻn miệng cười hạnh phúc khi con được đặt trên ngực mẹ da kề da. Lần đầu tiên nhìn thấy con đến với thế giới này, cảm giác đó lạ lắm, sự kết nối một cách kinh khủng. Bác sĩ bảo may mắn đã chỉ định mổ, vì nước ối của mẹ đã dần chuyển sang màu xanh, chậm trễ hơn sẽ gây nguy hiểm. Mẹ thở phào nhẹ nhõm. Cảm ơn trời đã cho hai mẹ con được vuông tròn”, Diễm Trang gửi những lời tâm sự cho con qua trang nhật ký.

a-hau-diem-trang-khoc-tuc-tuoi-trong-nhung-ngay-dau-lam-me-1

Trang bảo, cô sinh mổ nên con gái thiệt thòi nhiều. Vì thế, cô hay bế bé da kề da để con khỏe mạnh và tăng sự kết nối giữa hai mẹ con.

Những ngày đầu tiên làm mẹ của Trang là những ngày vật vã đau đớn vì vết mổ, đau đớn kích những dòng sữa mẹ đầu tiên cho con bú, đau đớn khi bị căng sữa mất ngủ liên tục, lóng nga lóng ngóng… Người mẹ vốn nhạy cảm và cảm nhận sâu sắc những gì xảy ra với mình nên Trang từng phải bật khóc “tức tưởi” với bà ngoại vì kiệt sức và thất vọng không đủ sữa cho con. Nhưng rồi cô cũng phải tự trấn an rằng bà mẹ nào cũng trải qua như vậy và mình phải cố gắng nhiều hơn. Động lực lớn nhất với cô chính là bé Julia ăn ngon ngủ ngoan. Mỗi lần nhìn sang con, cô thấy mình đã làm được một điều tuyệt vời là mang con đến thế giới này.

Nhật ký sinh con của Á hậu Diễm Trang

Mẹ được đẩy vào phòng mổ mà tim đập thình thịch, người căng như dây đàn, toát đầy mồ hôi trong khi phòng mổ thì lạnh kinh khủng.

Đã được hơn một tháng sau khi xuất viện, cuộc sống cũng như thế mà thay đổi xoành xoạch xoay quanh việc con bú mẹ, ngủ, khóc, chơi với con… Mẹ chẳng còn thời gian chăm sóc bản thân sau sinh dù chịu nhiều “vết tích” thâm rạn, cơ thể sồ sề. Có những lúc nhìn con, mẹ như vẫn không tin và chưa quen với việc mình đang có một “cục thúi” trước mặt.

9 tháng mang thai con gái đầu lòng là sự thử thách của lòng kiên nhẫn, là sự chờ đợi của tất cả những cảm xúc. Càng sát ngày sinh, mẹ như nôn nao, có hôm cả đêm không ngủ được, may mà bố ở bên cạnh trấn an vỗ về. Người ta thường bảo con đầu lòng hay sinh sớm hơn ngày dự sinh thế nên bước sang tuần thứ 38 là mẹ đã hóng con hơn bao giờ hết. Công việc hàng ngày lúc đấy là chờ…đau đẻ. Mỗi lần đi khám thai, nghe tin con tăng cân đều và to là mẹ thích lắm, lúc nào bác sĩ cũng bảo con khá nặng kg làm mẹ cũng hơi run sợ nhưng dù sao thì mẹ luôn thích sự tự nhiên nên kiên quyết chuẩn bị cho kế hoạch sinh thường.

Từng ngày quan sát cơ thể, mẹ vẫn cố gắng duy trì tập luyện yoga, vẫn đi bộ cho dễ sinh, vậy mà cứ “phây phây”, chẳng thấy dấu hiệu đau đớn nào. Kế hoạch sinh thường của mẹ lụi dần. Rồi đến sinh nhật bố, tổ chức bữa tiệc nho nhỏ ăn cùng nhau, mẹ cứ thấp thỏm biết đâu con gái lại ra đời cùng ngày với bố thì ý nghĩa biết mấy. Nhưng con cũng vẫn không “nhúc nhích”, ngày nào cũng có người trong họ hàng, bạn bè nhắn tin, gọi điện cho bố mẹ chỉ với một câu: “Trang đẻ chưa?” và bác sĩ gặp cũng đùa: “Gặp Trang quài chán quá Trang ơi”.

Cứ như thế một tuần 3 lần khám thai khi quá ngày dự sinh, lúc nào cũng trong tình trạng đói meo dự định mổ, nhưng mỗi lần siêu âm, bác sĩ cũng kiên nhẫn chờ đợi theo ý mẹ lỡ có cơ may có dấu hiệu sinh thường. Đến cuối tuần, kế hoạch sinh thường sụp đổ hoàn toàn, mẹ làm hồ sơ nhập viện trong tình trạng đói lả người (do cứ nghĩ sẽ nhập viện nên không ăn sáng), vớt vát lắm cô y tá mới cho 2 viên kẹo để đỡ mệt và truyền nước biển. Vì thế, các sản phụ lưu ý chỉ nhịn ăn trước khi mổ 6 tiếng để đảm bảo đủ sức khoẻ cho người mẹ.

Mẹ được đẩy vào phòng mổ mà tim đập thình thịch, người căng như dây đàn, toát đầy mồ hôi trong khi phòng mổ thì lạnh kinh khủng. Các cô y tá động viên mẹ rằng chẳng đau đớn nhưng thật sự lúc này, mẹ rơi vào “trạng thái đơ”, phần thân dưới tê cứng bởi mũi thuốc tiêm vào sống lưng, mở mắt trơ trơ hồi hộp, cố gắng tìm một âm thanh gì để bấu víu vào cho quên đi cảm giác mình đang bị “ăn dao mổ”. Đủ thứ âm thanh văng vẳng bên tai, nhạc vang lên từ đầu đến cuối ca mổ như phục vụ cho bác sĩ “relax” lúc mổ vậy, tiếng nói chuyện của cả ekip, tiếng bà ngoại thì thầm bên tai để trấn an… mẹ nó cảm nhận được tất cả những gì diễn ra trong phòng mổ. Bác sĩ nói chuyện với sản phụ để đỡ căng thẳng nhưng lúc đó mẹ cứ đơ ra, chỉ biết “dạ dạ vâng vâng”. Rồi thì cảm nhận được động tác đẩy đẩy bụng, cố gắng cảm nhận liệu đó có phải là con dao không thì bất ngờ con “Oe Oeeee” tiếng khóc chào đời đầu tiên!

Mẹ được thông báo con nặng gần 3,5 kg, dài 50 cm. Bà ngoại hí hửng vui tít mắt xem cháu, chụp hình cho bố xem, còn mẹ thì nằm bất động cho bác sĩ hoàn thành nốt ca mổ. Chẳng hiểu sao tự nhiên nước mắt tuôn rơi! Mẹ vẫn không kịp phản ứng với việc con đến với thế giới này. Hai khoé mắt cay mà nước mắt không ngừng rơi. Mẹ nhoẻn miệng cười hạnh phúc khi con được đặt trên ngực mẹ da kề da. Lần đầu tiên nhìn thấy con đến với thế giới này, cảm giác đó lạ lắm, sự kết nối một cách kinh khủng. Bác sĩ bảo may mắn đã chỉ định mổ, vì nước ối của mẹ đã dần chuyển sang màu xanh, chậm trễ hơn sẽ gây nguy hiểm. Mẹ thở phào nhẹ nhõm. Cảm ơn trời đã cho hai mẹ con được vuông tròn.

Được đưa vào phòng hồi sức, mẹ yêu cầu được da kề da với con một lần nữa vì mẹ hiểu, khi sinh mổ, mẹ con mình đã khá thiệt thòi so với sinh thường. Nằm bất động mất sức, mẹ vẫn cố gắng ngoái đầu xuống thật nhiều để ngắm nhìn Julia trên ngực. Bản năng làm mẹ của người phụ nữ trỗi dậy mạnh hơn bao giờ hết khi thấy con cựa quậy loay hoay tìm ti mẹ, lúc đấy chỉ mong thời gian trôi qua thật nhanh để mẹ được gần con nhiều hơn bao giờ hết.

Những ngày đầu tiên là những ngày vật vã đau đớn vì vết mổ, đau đớn kích những dòng sữa mẹ đầu tiên cho con bú, đau đớn khi bị căng sữa mất ngủ liên tục, lóng nga lóng ngóng. Người mẹ vốn nhạy cảm nên mẹ thường cảm nhận rất sâu sắc những gì xảy ra với mình. Mẹ còn nhớ mẹ khóc tức tưởi với bà ngoại rằng mình kiệt sức và thất vọng vì không đủ sữa cho con khi sinh mổ, nhưng rồi cũng phải tự trấn an rằng bà mẹ nào cũng trải qua như vậy và mình phải cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn nữa. Rồi những lúc ấy chỉ cần nhìn sang con, thấy con ngủ ngoan là mẹ vui lắm rồi vì thấy mình đã làm được một điều tuyệt vời là mang con đến thế giới này.

Hà Nhi

Theo Ngôi Sao