Phim “Sống chung với mẹ chồng” ngoài tính giải trí, còn mang đến cho chúng ta những kinh nghiệm hôn nhân thực tế và đắt giá.
Chỉ còn 2 tập nữa, phim Sống chung với mẹ chồng sẽ kết thúc, khép lại hoàn toàn chuỗi ngày đau khổ của Vân cũng như sự trừng phạt thích đáng dành cho bà Phương. Đồng thời cũng đem lại cho chị em gái các bài học kinh nghiệm sâu sắc mà không ít người chưa từng có cơ hội trải qua. Vậy quyết định đi đến hôn nhân thì nên ở thời điểm nào? Liệu rằng có câu trả lời chính xác cho câu hỏi trên không? Bao nhiêu kinh nghiệm hôn nhân đã được đúc kết qua bộ phim này?
1. Trước khi góp công, thì nên có của đã!
Rõ ràng hôn nhân là một điều thiêng liêng dành cho các cặp đôi khi họ quyết định về chung một nhà. Một đám cưới đơn giản cần bao nhiêu tiền là đủ? Thật ra kinh tế là một điều cực kì quan trọng, bạn có thể dựa vào kinh tế gia đình, nhưng đừng quên ánh mắt của gia đình dòng họ hai bên sẽ phải sáng lên rực rỡ khi biết bạn đóng góp ít nhất 70% trong chuyện này.
Đừng nghĩ phụ huynh hai họ thương con là sẽ cho tất cả, chuyện gì cũng vậy, có một ít của riêng mình thì sau này có chuyện gì xảy ra, bạn cũng có căn cứ để chứng mình khả năng của mình. Như chuyện của Vân chẳng hạn, Vân có hẳn 300 triệu, khi mẹ chồng xem thường, nghi ngờ Vân, cô đã ngẩng cao đầu bước ra khỏi căn nhà ấy không sợ hãi, âu lo. Khi bạn góp công góp của, thì bạn sẽ có chỗ đứng.
2. Tâm thế sẵn sàng sống chung với người chẳng cùng máu mủ
“Dâu là con, rể là khách” – Câu nói này đã truyền từ đời này sang đời khác và không ít bà mẹ chồng dùng câu này làm châm ngôn sống để đối xử với con dâu. Mẹ chồng là người đã sinh ra chồng, đã cho chồng hình hài vóc dáng để vợ được yêu thương chăm sóc. Vì vậy, một chút nhẫn nhịn, một chút quan tâm mẹ chồng, giảm bớt cái tôi của mình sẽ làm cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu được hoà hợp và bớt căng thẳng.
“Một người nịnh, một người lừa” thì tự khắc mẹ chồng, nàng dâu sẽ hoà hợp. Nhưng làm được điều đó phải thật sự cố gắng, và quan trọng là thật lòng.
3. Làm mẹ chồng cũng là có thêm một đứa con!
“Mẹ ơi, để đủ tuổi làm mẹ chồng thì ít nhất mẹ phải 38 tuổi. Nếu như có một ngày con trai của mẹ đem người phụ nữ nào khác về, mẹ hãy cố gắng yêu thương cô gái ấy. Con xin mẹ! Những gì mẹ làm hôm nay sẽ là tấm gương của cô ấy ít nhất 20 năm nữa đấy.” – Tưởng tượng mà lão Thanh sến súa sẽ viết được ra nhưng lời này thì bi kịch đã không xảy ra rồi.
Chưa có ai định nghĩa được mẹ chồng đúng nghĩa là như thế nào, và cũng chưa có sách vở nào chỉ bảo một người mẹ chồng sẽ phải làm gì mới đúng. Nhưng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” – lùi một bước mà gia đình yên ấm, còn hơn vì cái tôi của mình, vì tình yêu to lớn dành cho con trai mà không xem vợ mình ra gì, để rồi con trai theo vợ là mẹ mất con như chơi nhé!
Con mình cưới vợ, mình đón dâu về nhà tức là gia đình có thêm một người cùng san sẻ, đồng cam cộng khổ. Các bà mẹ chồng cũng đã từng trải qua thời làm dâu thì hẳn phải biết mục đích mình về ở nhà chồng là vì thương chồng chứ đâu phải để cướp con. Thế nên khi là mẹ chồng rồi, đừng đem những uất ức ngày xưa hay sự nghi kị để đối đãi với con dâu. Vừa làm người khác không vui, vừa khiến mình mệt người. Thà xem như có thêm một người con, sau này có thêm một người báo hiếu.
4. Yêu là chuyện hai người, nhưng kết hôn là chuyện cả hai gia đình!
“Nhà tôi vô phúc, vô phúc mới có con dâu như chị”. Tất nhiên ai nghe câu nói ấy mà chẳng từ đau lòng đến phát điên. Nhưng tâm lý của những người sống trước chúng ta một thế hệ là như thế. Không chỉ bà Phương mà cả bà Điều, mẹ chồng Trang, cũng xem con dâu như là phúc trong nhà. Thế nên khi có điều gì đó không đúng trong mắt các bà, tất nhiên cái phúc sẽ bị méo mó.
Đừng nghĩ đơn giản lấy nhau về rồi chỉ biết có nhau. Nếu đã chấp nhận sống chung thì phải hiểu hết người trong nhà. Biết mẹ chồng tính tiết kiệm thì mua quà tặng bà làm ơn tháo tem giá ra trước đã, như thế thì đâu có chuyện gì. Cũng do Vân muốn thể hiện mình có thể mua cho mẹ chồng món quà đắt tiền nên mới phản tác dụng mà thôi.
Còn chuyện gì mẹ không đúng thì cứ nói lại, nhưng phải nói sao cho khéo. Không phải mẹ bảo đừng làm việc ở nhà, tốn điện thì dằn mặt lại mẹ bằng cách nói “tháng sau tiền điện để con trả”. Tự ái lắm chứ! Cả chuyện giặt giũ dọn dẹp cũng thế, biết mẹ ngăn nắp sạch sẽ thì mình cũng ngăn nắp hơn một chút, gọn gàng hơn một chút, mẹ thấy không cần phải can thiệp thì tự khắc sẽ “rút lui khỏi lãnh địa” hai vợ chồng thôi.
Hay như chuyện của nhà Trang. Trang không muốn làm dâu, nên tìm mọi cách để đẩy mẹ chồng đi càng xa càng tốt. Trong khi bản thân Trang lại có những cách cư xử khéo hơn Vân, cô có thừa cách để dĩ hoà vi quý với mẹ chồng nhưng vì định kiến mà không chấp nhận chung chạ. Một khi còn gọi tiếng mẹ chồng, thì cả đời vẫn phải dính với nhau ở một đoạn nào đó mà thôi. Phải mà Trang từ đầu chấp nhận mẹ chồng, cả hai hiểu nhau nhiều hơn là ngại nhau thì đã chẳng phải nghi kị cho mệt mỏi.
5. Làm chồng: Mẹ là nghĩa, vợ là tình, không thể thiếu quan tâm bên nào
Bên nào cũng là tình cả, mẹ là nghĩa nhưng không có tình thì nghĩa liệu có quan trọng? Con trai yêu mẹ và yêu vợ, hai người phụ nữ cứ như cơm trắng và muối trong một bữa cơm. Thiếu một trong hai đều lạc lõng.
Tất nhiên, mọi sự phân vân trên đời đều do có quá nhiều sự lựa chọn. Ở một bậc đơn giản chỉ có chọn một trong hai thì hãy tham lam một chút, giành cả hai người phụ nữ ấy về mình. Tình mẫu tử và tình yêu đôi lứa phải luôn đi cùng nhau chứ đừng xem đó như sự lựa chọn. Để trở thành người chồng như vậy, thì phải công tư phân minh nhưng không kém phần nhường nhịn và nhỏ nhẹ. Là trung tâm của hai người phụ nữ, anh vẫn là người có quyền quyết định hơn cả.
Tạm kết
Mối quan hệ mẹ chồng – nàng đâu thì thời nào cũng có. Ngày nay hiện đại rồi, đổi mới rồi, các mẹ chồng hãy nghĩ thoáng hơn, các con dâu cũng nên tinh tường một số lễ giáo mà đã bước chân vào mối quan hệ nào cũng gặp phải. Hơn 30 tập phim như cú tát trời giáng vào thực tại, các anh chị hãy chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ khi bước thêm một bước tiến quan trọng của cuộc đời mình.
Mỹ Mỹ – Phúc Du
Theo Trí Thức Trẻ