Hoa hậu Đặng Thu Thảo hiện đang tích cực vận động tìm phương án hỗ trợ cho thầy giáo Trần Bình Phục và các em học sinh nghèo ở đảo Hòn Chuối, Cà Mau.
Mới đây trên trang cá nhân của mình, Hoa hậu Đặng Thu Thảo đã có những chia sẻ về câu chuyện thầy giáo Trần Bình Phục và lớp học 0 đồng nằm giữa biển gây xôn xao cộng đồng mạng suốt thời gian qua. Cụ thể, Hoa hậu Việt Nam 2012 viết: “Mấy ngày qua Thảo có rất nhiều suy nghĩ về câu chuyện thầy giáo Trần Bình Phục mà vô tình đọc được khi theo dõi WeChoice năm nay. Lớp học 0 đồng cho các trẻ em nghèo ở đảo Hòn Chuối, Cà Mau và căn bệnh ung thư máu của thầy thật sự làm Thảo nghẹn lại”.
Cùng với cảm xúc, Thu Thảo cũng chia sẻ quyết định tìm phương án hỗ trợ cho thầy giáo Phục và các em học sinh nghèo. Hoa hậu nói thêm: “Hiện Thảo đang tìm kiếm phương án xây dựng một phòng học, 1 tủ sách hoặc một sân chơi cho các em nhỏ ở đây, Thảo đã liên hệ với BTC WeChoice năm nay để tìm hiểu thêm thông tin về thầy, kế hoạch cụ thể Thảo sẽ update trên FB để tất cả mọi người có thể chung tay cùng Thảo làm một điều có ý nghĩa cho các em nhỏ ở đây”.
Gần như là Hoa hậu Việt Nam được yêu thích nhất trong lịch sử không phải bởi vì nhan sắc mà còn ở cách sống, xây dựng hình ảnh và đặc biệt là các hoạt động thiện nguyện nên lời kêu gọi lần này của Thu Thảo tiếp tục nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả và cư dân mạng. Nhiều khán giả và tổ chức đã chủ động liên lạc với Thu Thảo, cũng như BTC WeChoice với mong muốn tham gia ủng hộ cho thầy Trần Bình Phục và lớp học đặc biệt của thầy.
Đặng Thu Thảo được yêu mến không chỉ bởi vẻ ngoài mà còn qua những hoạt động xã hội đầy ý nghĩa.
Câu chuyện của thầy giáo Trần Bình Phục và lớp học 0 đồng nằm giữa biển những ngày qua nhận được rất nhiều sự quan tâm sau khi được giới thiệu trong Top 20 đề cử Nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2016. Thượng úy Trần Bình Phục (1972) sinh ra tại Trà Vinh, hiện anh đang công tác tại Đồn biên phòng Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Năm 2008, một lần bị chấn thương, anh Phục được đưa vào viện chữa trị, tại đây bác sĩ đã phát hiện anh bị ung thư máu do làm việc trong môi trường nhiễm phóng xạ. Nhờ tuân thủ theo liệu pháp điều trị, sau một năm các tế bào ung thư đã ngăn chặn phát triển. Anh Phục được xuất viện, nhưng cảm thấy mình không còn phù hợp với nhịp sống xô bồ nơi thành thị. Anh tâm sự: “Tôi quyết định viết đơn xin ra đảo Hòn Chuối để công tác, vì trước đây đã từng có dịp ghé đảo. Khi tiếp xúc với những đứa trẻ hồn nhiên nơi đây, tôi cảm nhận được sự bình yên từ chúng”. Nơi đảo xa, không đường, không điện, không nước sạch, thế nên quyết định của anh Phục bị gia đình và cơ quan ngăn cản. 5 lần nộp đơn đều bị thủ trưởng từ chối. Không nản chí, anh viết lá đơn thứ 6 và cuối cùng cũng được chấp nhận.
Tại đảo Hòn Chuối, anh Phục xin ban chỉ huy cho phép mở một lớp học tình thương để dạy cho lũ trẻ con chữ. Vì theo anh chỉ có học mới giúp chúng thay đổi tương lai của mình. Ấy thế mà chuyện thuyết phục phụ huynh cho con em đi học không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều lần anh Phục bị người dân xua đuổi, nặng lời, nhưng anh vẫn kiên nhẫn. Người lớn gật đầu rồi, anh lại quay sang thuyết phục tụi nhỏ. Tụi con nít suốt ngày quen với cuộc sống mây trời, nay phải đi học thì chẳng khác nào cực hình.
Lớp học ban đầu chỉ có 5 em nhỏ theo học. Cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, trò phải ngồi học trên những chiếc bàn ghế nhựa cũ mèm, thầy phải chia thời gian dạy một lúc 5 lớp. Lớp học được dựng tạm bằng mấy thang gỗ và vài miếng tôn cũ. Ngày nắng thì nóng như đổ lửa, ngày mưa thầy trò phải dắt nhau chạy như chuột chạy đồng vì mưa dột. Khó khăn là thế nhưng thầy trò vẫn cùng nhau vượt qua, dần dần lớp học có thêm nhiều bạn mới, đến nay đã có 22 em theo học. Đều đặn mỗi buổi thầy Phục đi xuống gành đón học trò, đếm đủ số lượng rồi anh dắt các em leo lên 303 bậc thang để tới lớp học…
Hễ có dịp vào đất liền công tác hay về thăm nhà, là thầy Phục lại tranh thủ đi xin đồng phục, sách vở, cặp sách cho tụi nhỏ. Rồi may mắn anh được trung ương Đoàn hỗ trợ kinh phí để xây trường. Tiền thì có rồi, nhưng ở nơi đảo xa xôi này, việc dựng lên một ngôi trường trên núi đá là điều không hề đơn giản.
“Người dân và các chiến sĩ bộ đội biên phòng Hòn Chuối phá đá, chặt cây, rồi thay nhau vác gần 500 tấn nguyên vật liệu lên núi để dựng trường, tất cả đều làm bằng sức người. Sau 5 tháng trời ròng rã, mồ hôi và cả máu đã đổ xuống để xây nên ngôi trường. Cho đến bây giờ chúng tôi cũng không tin rằng mình đã làm được điều đó” – anh nhớ lại.
WECHOICE AWARDS
Theo Tri Thức Trẻ