Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trả tiền bản quyền cao nhất năm 2014

Sau một năm “ồn ào” trong hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, những con số tổng kết năm 2014 của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho thấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hiện vẫn là người đứng đầu Top 10 những nhạc sĩ có tiền bản quyền cao nhất hiện nay (trên 100 triệu đồng). Tính đến tháng 1.2015 số nhạc sĩ, tác giả ủy quyền cho VCPC là 3116 người (tăng thêm 400 tác giả năm 2014). Trong đó, tỉ lệ các nhạc sĩ trẻ chiếm 50%. Con số thứ hai là hơn 67 tỉ (sau thuế) tiền bản quyền VCPMC thu về trong năm 2014. Trong đó, tỉ lệ phân phối thành công tiền bản quyền cho các tác giả là 86%. Số chưa phân phối được là những tác giả chưa đến nhận hoặc chưa đủ điều kiện phân phối (xác nhận chưa hợp lệ về thừa kế, địa chỉ liên hệ chưa chính xác.v.v.). Ngoài ra, số tiền phân phối cho các tác giả quốc tế được thực hiện thông qua các tổ chức đại diện chiếm khoảng 21% của tổng số tiền phân phối trong các năm của Trung tâm.Với những con số trên, như lời của nhạc sĩ Phó Đức Phương – giám đốc Trung tâm, thì “hoạt động năm 2014 của VCPMC dù diễn ra khá vất vả vì vẫn có những đơn vị cố tình chây ì, gây bão truyền thông, trốn tránh không trả tiền nhưng cũng rất thành công. Đặc biệt, uy tín của trung tâm được thể hiện ở sự tín nhiệm, gửi gắm của hàng trăm nhạc sĩ gia tăng tại trung tâm mỗi năm”.

Một liveshow tốn giấy mực vì tiền bản quyền

Năm 2014, nếu công chúng mới chỉ biết đến hai sự việc gây “bão” về bản quyền âm nhạc như vụ “đòi nợ” của VCPMC trong liveshow Khánh Ly hay “lùm xùm” với beat ca khúc Because I miss you của Jung Yong Hwa, trưởng nhóm Rock CNBLUE Hàn Quốc bị một ca sĩ Việt Nam lấy lại sử dụng trong ca khúc của mình thì VCPMC còn kịp tổng kết thêm các vụ việc tương tự như ca khúc Ú ủ La hay của Lê Mây bị một người lấy đem đi dự thi đoạt giải hay Bài ca núi Thúy của La Thăng bị một người lấy làm bài tỉnh ca ở Nhật Bản… Điều đó cho thấy, nguy cơ xâm hại quyền sở hữu tác phẩm của các tác giả âm nhạc hiện nay đang diễn ra một cách bất cập. Và có lẽ, bên cạnh những nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho các tác giả như trung tâm VCPMC, còn cần đến ý thức và sự tự trọng của người làm âm nhạc chuyên nghiệp nhiều hơn nữa. So với năm 2014, VCPMC hứa hẹn sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong năm 2015 khi nâng cấp phần mềm ứng dụng, tạo tài khoản riêng cho từng thành viên để các nhạc sĩ trực tiếp theo dõi, kiểm tra các tác phẩm của mình được sử dụng và trả tiền bản quyền như thế nào trên website của trung tâm. Trung tâm đã ký hợp đồng với  63 tổ chức (có phạm vi trên 153 quốc gia và vùng lãnh thổ) bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trên thế giới và đang là tổ chức đại diện quyền tác giả duy nhất của Việt Nam với gần 3 triệu tác giả âm nhạc và lời trên thế giới đối với quyền biểu diễn tác phẩm và/hoặc quyền sao chép tác phẩm.

Lam Anh

Theo Thể thao & Văn hóa