Ơn giời, cậu đây rồi lên sóng VTV3 vài số, quảng cáo lũ lượt “kéo vào” chương trình. Khán giả nói “hài gì mà cười gượng, nhạt thếch!”. Các sao Việt nói gì?
“Ý là vậy, nhưng diễn chưa thỏa mãn người xem…” Ơn giời, cậu đây rồi! phát vào 21h thứ 7 hàng tuần. Nhiều bạn đọc cho rằng khung giờ vàng cho chương trình này chưa phù hợp, nhất là với trẻ em. Hàng loạt khán giả cũng đánh giá, chương trình được xây dựng với ý đồ tạo kịch tính, gây bất ngờ, nhưng thực tế lên sóng không được như vậy. “Ý là vậy, nhưng diễn chưa thỏa mãn người xem…” – bạn đọc K.L. nói. Ngoài ra, bởi tính chất không lường trước được của các tình huống khiến câu chuyện đôi khi đi đến những vấn đề mang tính nhạy cảm. Chị Nguyễn Ngọc Thảo Trâm (ngụ xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) phân tích về cách xử lý tình huống của người chơi: “Ấn tượng nhất là tiết mục của Hoàng Phi. Tôi thấy rất hấp dẫn, Hoàng Phi xoay sở rất hay, tình tiết hấp dẫn. Tôi thấy tiết mục của Phi Thanh Vân diễn hơi quá lố, làm cho khán giả thấy như làm màu chứ tiết mục không hấp dẫn. Ở phòng 5, ngay tập Phi Thanh Vân, hóa trang cũng làm hơi quá, chưa được hài lòng với tôi lắm…”. Đồng quan điểm với chị Thảo Trâm, anh Nguyễn Tuấn Huy (ngụ P.14, Q.11, TP.HCM) cũng cho rằng người chơi cần có cách xử lý khéo léo hơn để chương trình trở nên trọn vẹn. Riêng anh Võ Thành Công (ngụ huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) nhận xét: “Tên chương trình là Ơn giời, cậu đây rồi! làm người miền Nam như tôi nghe xa lạ, kém thu hút”. Ca sĩ Trang Nhung giải thích thêm về việc người chơi không được phủ nhận lời yêu cầu của trưởng phòng mà chỉ được tìm cách để khéo léo chuyển vấn đề. Vì lẽ đó, nhiều trường hợp người chơi ngập ngừng, lúng túng khiến khán giả xem đài đánh giá chương trình tẻ nhạt, nhàm chán. Chỉn chu kịch bản để không phải cười gượng, phát ngượng Là một trưởng phòng của chương trình, nghệ sĩ hài Việt Hương tự nhận thấy vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp tới sự thành công hay thất bại của chương trình chính là khâu kịch bản. Việt Hương nói: “Kịch bản cần phù hợp với người trưởng phòng để chương trình hay lên, vì không thể nào biết người chơi sẽ giải quyết như thế nào.” Anh Nguyễn Tuấn Huy đề nghị: ” Để chương trình ngày càng hoàn thiện cần xây dựng kịch bản với nhiều cách xử lý linh hoạt để tránh tình trạng khán giả phải ‘cười gượng’ hay ‘phát ngượng’ trước những tình huống khó đỡ”. Chị Nguyễn Ngọc Thảo Trâm gửi gắm: “Mong các nghệ sĩ tiết chế hơn để đáp ứng được nhiều đối tượng khán giả, kể cả trẻ em”. Chị Trâm cho rằng, hiện tại đa phần các tình huống của chương trình chỉ đơn thuần là tiếng cười, chưa mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một đề xuất nữa được chị Trâm đưa ra là người trưởng phòng cần tạo ra nhiều tình huống để người chơi có đất diễn và phát huy được cách xử lý của mình.
Theo nhóm PV/ Tuổi Trẻ