Nếu những năm trước hiếm hoi ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca và truyền thống cách mạng thì năm nay được xem là mùa bội thu. Năm nay, có nhiều sản phẩm, chương trình ra đời nhằm khuyến khích bảo tồn và phát triển giá trị truyền thống thông qua âm nhạc. Vì vậy, dòng nhạc âm hưởng dân ca và truyền thống cách mạng có điều kiện phát triển sôi nổi hơn trước. Đa sắc màu Sự tươi mới cho dòng âm hưởng dân gian là hiện tượng trẻ hóa giọng ca. Nguyễn Đình Thanh Tâm là một ví dụ điển hình cho phong cách âm nhạc dân gian đương đại, vừa dân tộc vừa hiện đại. Ca khúc Gặp tôi mùa rất đông được thể hiện với phong cách có phần “quái” của Thanh Tâm lại được đông đảo công chúng yêu thích. Trong khi đó, Nguyễn Trần Trung Quân – giọng ca trẻ triển vọng bước ra từ cuộc thi Sao Mai 2011 và Sao Mai – Điểm hẹn 2012, với biệt danh “hoàng tử V. Pop”- cũng có Hồ nước, Nghiêng hay Lửa ít nhiều mang âm hưởng dân gian được xử lý khá tinh tế trong các ca khúc phong cách pop nhẹ nhàng. Điều này giúp Trung Quân có một vị trí khá tốt trong đời sống âm nhạc với sự ủng hộ của khán giả và thừa nhận của giới chuyên môn. Trúc Nhân bước ra từ chương trình Giọng hát Việt đã có ngay ca khúc quá hay là Bốn chữ lắm, mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ của Phạm Toàn Thắng. Thành công của ca khúc này khiến cái tên Trúc Nhân được công chúng biết đến nhiều hơn.
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua những giọng ca gắn liền với dòng âm hưởng dân ca Nam Bộ đã định hình phong cách trong đời sống âm nhạc nhiều năm qua. Trong đó, ca sĩ Đan Trường tiếp tục tạo “sốt” người nghe với ca khúc Anh ba khía, đậm chất Nam Bộ, dễ đi vào lòng người. Ca sĩ Cẩm Ly cũng có ca khúc Sầu đâu quê ngoại (song ca cùng giọng ca nhí Thiện Nhân). Uyên Trang gần như chuyển hẳn sang mảng âm hưởng dân ca và trong album mới nhất vừa phát hành của mình, cô đang ghi dấu bằng ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn. Làm mới ca khúc cũ được xem thành công còn phải kể đến Uyên Linh với Ngẫu hứng sông Hồng mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ của nhạc sĩ Trần Tiến. Sức sống mới So với dòng nhạc âm hưởng dân ca, dòng nhạc truyền thống cách mạng năm nay đúng nghĩa được mùa khi rất nhiều ca sĩ phát hành các sản phẩm âm nhạc khai thác dòng nhạc này. Nhất là khi có cả 2 chương trình Giai điệu tự hào và Những bài hát còn xanh ra mắt khán giả truyền hình trên VTV1, VTV6 những ca khúc truyền thống cách mạng quen thuộc của nhiều thế hệ khán giả, được làm sống lại qua phần thể hiện của ca sĩ thế hệ hôm nay. Những chương trình này tạo nên sự phong phú cho các sản phẩm âm nhạc dòng truyền thống cách mạng được lan truyền rộng hơn qua các trang mạng âm nhạc trực tuyến. Ca sĩ Anh Thơ, giọng ca nổi tiếng của dòng nhạc âm hưởng dân ca khu vực phía Bắc, đã có một Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của Nguyễn Văn Tý mới mẻ. Ca sĩ Quang Linh cũng góp vào dòng chảy truyền thống cách mạng ca khúc Tình ta biển bạc đồng xanh của Hoàng Sông Hương. Tuy nhiên, góp phần tạo nên sắc thái mới cho dòng nhạc truyền thống cách mạng thời gian qua là những giọng ca nhạc pop hàng đầu của Việt Nam. Mỹ Tâm với Biển hát chiều nay của Hồng Đăng, Hồ Quỳnh Hương với Lên ngàn của Hoàng Việt, Trần Thu Hà với Bài ca hy vọng của Văn Ký… tạo nên sự hứng khởi nhất định cho công chúng yêu nhạc và yêu những giọng ca tên tuổi này. Chất giọng bán cổ điển của Đức Tuấn cũng cho ra đời loạt ca khúc quen thuộc: Tàu anh qua núi, Nơi đảo xa, Đất nước tình yêu…, đặc biệt nổi bật là ca khúc đầy ý nghĩa Tổ quốc gọi tên mình (nhạc Đinh Trung Cẩn, phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai). Tùng Dương cũng tung ra loạt ca khúc truyền thống cách mạng: Tạm biệt chim én, Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến)…; đặc biệt, ca khúc Nơi đảo xa (Thế Song) để lại ấn tượng mạnh nhất. Giọng ca nhạc truyền thống cách mạng của phía Nam Thanh Thúy cũng đang tạo sốt trên các trang nhạc trực tuyến với ca khúc Tôi yêu biển Việt Nam (Khánh Hồng).
Thùy Trang
Theo Người Lao Động