– Nằm trong số ít nghệ sĩ đồng ý trả phí bản quyền ca khúc “Độ ta không độ nàng”, Khánh Phương cho rằng khoản phí đó là hoàn toàn xứng đáng.
Sau một tháng “làm mưa làm gió” thị trường âm nhạc Việt, những tưởng Độ ta không độ nàng đã lắng thì mới đây, sau thông tin một đơn vị tại Việt Nam mua bản quyền khiến ca khúc này lại “dậy sóng” trở lại.
Đơn vị này yêu cầu các ca sĩ cover phải trả phí bản quyền. Cụ thể, ca sĩ đóng phí 5 triệu đồng cho một lần sao chép hay sử dụng và 33% doanh thu từ sản phẩm. Nếu không chấp nhận trả phí, ca sĩ phải gỡ bỏ sản phẩm.
Trong đó, bản cover của Anh Duy – chàng trai gốc Tiền Giang góp phần đưa Độ ta không độ nàng vào thị trường nhạc Việt và trở nên nổi tiếng rầm rộ cũng bị xóa khỏi Youtube.
Nói về việc không hợp tác đóng tiền tác quyền, chấp nhận để bản cover bị gỡ, Anh Duy chia sẻ, anh từng tìm hiểu và tìm cách liên hệ với tác giả Trung Quốc để làm thủ tục mua tác quyền, song chưa kịp làm thì đã xảy ra sự việc trên. Bù lại, nhờ hiệu ứng từ bản “cover” mà mình tạo ra, Anh Duy nhận được nhiều lời mời hợp tác và có cơ hội .
Tuy nhiên, bản cover Tự thân nàng hãy độ nàng sửa lời theo tinh thần Phật pháp của Phương Thanh cũng bị gỡ bỏ khiến nữ ca sĩ tỏ ra không hài lòng cho rằng đây là trò chơi “dơ” đánh sập bài hát của người Việt.
Khánh Phương là một trong số ít ca sĩ còn giữ được bản thu trên mạng vì đã trả phí cho đơn vị nắm giữ bản quyền. Hiện bản cover của nam ca sĩ đang đạt gần 16 triệu lượt xem trên Youtube.
Liên hệ với nam ca sĩ về việc “đi ngược” với các đồng nghiệp, Khánh Phương bày tỏ: “Quan điểm của nghệ sĩ khác như thế nào tôi không biết nhưng cá nhân tôi không thích ‘xài chùa’ bất kỳ ca khúc nào.
Ngay từ đầu, khi bản thu âm của tôi được tung lên mạng và trở nên hot thì tôi đã tìm cách liên hệ với bên Trung Quốc để mua bản quyền. Nếu sản phẩm đưa lên mà không được ai chú ý thì không sao nhưng đã hot thì tốt nhất nên mua bản quyền để đảm bảo quyền lợi về sau. Tôi đã chủ động từ đầu chứ không phải đợi ai đến đòi hay nhắc”.
Bản cover gần 16 triệu lượt xem của Khánh Phương được giữ lại trên Youtube
Tuy nhiên, nam ca sĩ cũng cho biết, mặc dù thế việc liên hệ không đơn giản nên anh đã nhờ Cục tác quyền Việt Nam – đại diện đàm phán tác quyền nhưng cũng không liên hệ được. Đến khi có đơn vị việt Nam nắm bản quyền thì họ chủ động liên hệ và anh đồng ý trả phí.
“Việc một số nghệ sĩ phản đối khi bị đơn vị đòi bản quyền có thể do họ cảm thấy lợi ích không xứng đáng với số tiền bỏ ra thì không mua thôi. Đối với tôi thì cảm thấy hợp lý nên đồng ý trả”, Khánh Phương nhấn mạnh.
Chia sẻ về mức phí 5 triệu đồng khi sử dụng và 33% doanh thu từ ca khúc, có ý kiến cho rằng chi phí khá cao. Đánh giá về điều này, Khánh Phương cho rằng: “Nếu so với bài hát bình thường, chưa tung ra thì nói thẳng chi phí đó cao và không ai mua. Vì tung một ca khúc không ai biết nó sẽ ra sao, hot đến mức nào và đem lại doanh thu bao nhiêu?
Ví dụ tôi chưa thu bài ‘Độ ta không độ nàng’ mà nói tôi đóng mức phí đó thì có thể tôi sẽ suy nghĩ lại. Mức giá cao so với bài hát bình thường. Nhưng đối với ca khúc đang hot thế này thì mức phí đó không đắt.
Có thể có những nghệ sĩ khác đưa sản phẩm lên nhưng view không quá cao, hiệu ứng không quá tốt thì họ cảm thấy mức phí không đáng. Đó là điều dễ hiểu”.
Quay trở lại với trường hợp phản ứng gay gắt của Phương Thanh cho rằng việc đơn vị này mua bài hát khi đang hot thay vì thời điểm nó mới ra mắt là hành động không văn minh, vụ lợi, cướp giật.
Nam ca sĩ phân tích: “Xét dưới góc độ của nghệ sĩ: muốn hát một bài nào đó vì cảm hứng, vì đam mê, vì sự yêu thích, đề nghị của khán giả,… là cái tâm, tình cảm. Nhưng đặt vị trí vào công ty kinh doanh, sở hữu bản quyền thì lại khác. Họ đầu tư thì phải nhìn thấy tiềm năng, tiềm lực, lợi nhuận chứ không ai lại đầu tư chỗ “chôn tiền”, lỗ vốn. Công ty B(*) cố gắng mua được bản quyền của bài hát này vì nó đang hot và có khả năng sinh lời từ đó”.
Về mức chi phí, Khánh Phương cũng cho rằng nên nhìn nhận một cách khách quan vì khi bài hát đang hot thì việc công ty liên hệ mua bản quyền có thể khó hơn, mức chi phí bỏ ra sẽ cao hơn rất nhiều so với ca khúc bình thường. Cái gì cũng có giá của nó.
Trước ý kiến cho rằng việc ca khúc của Phương Thanh đã được sửa lời hoàn toàn nhưng vẫn bị “đánh đồng” với những bản cover Độ ta không độ nàng là chưa thỏa đáng, Khánh Phương phủ nhận: “Sửa lời thì tất cả bản thu ở Việt Nam đều sửa lời, cải biên từ ca khúc nhạc Hoa. Còn sửa lời theo góc độ tình yêu hay góc độ Phật pháp thì đơn vị bản quyền không quan tâm. Vấn đề là bạn đã sử dụng giai điệu của họ thì phải trả tiền”.
Nam ca sĩ cho rằng, nếu một số bạn trẻ không chuyên, cover cho vui thì không cần bàn cãi nhưng đã là nghệ sĩ chuyên nghiệp, thậm chí thu nhập cao từ đó thì nên nhìn nhận bản quyền nghiêm túc, công bằng.
“Thậm chí bạn Tuyên Chính – người được cho là dịch lời đầu tiên cho ca khúc‘Độ ta không độ nàng’ tôi cũng đã trả quyền tác quyền khi thu âm – dù không biết bạn là ai, ở đâu? Đó là quan điểm của cá nhân tôi, còn nghệ sĩ khác quan niệm thế nào tôi không bình luận”.
(*) – thông tin được giản lược.
Theo Gia đình & Xã hội