-
“Hoang dã”, “mạnh mẽ”, “đầy sức sống”, “cuồng nhiệt”, “cháy bỏng”, “tỷ view” là những gì mà người ta nói về dòng nhạc càn quét thế giới suốt hàng thập kỷ qua và chưa bao giờ bị coi là “quê mùa”.
Chưa bao giờ trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây, nhạc Latin trở thành chủ đề được người yêu nhạc Việt Nam bàn tán dữ dội như vậy. Dù là một dòng nhạc đang “công phá” khắp các bảng xếp hạng thế giới, nhưng ở Việt Nam, nhạc Latin vẫn là một khái niệm gì đó cũ kỹ, xa xưa, từ thời… ông bà, bố mẹ với những Viva La Vida, No me ames….
Phải đến khi Sơn Tùng M-tp đưa chất nhạc Latin sôi động vào làm chất liệu chính trong bản hit vô tiền khoáng hậu “Hãy trao cho anh” của mình, người nghe nhạc mới bắt đầu chú ý lại sự ngọt ngào và phóng khoáng của dòng nhạc đến từ Nam Mỹ này. Giai điệu bắt tai, lời ca lãng mạn, nhạc Latin thật sự đang tạo ra một cú “comeback” ngoạn mục với làng nhạc Việt Nam, cú “comeback” đã nhen nhóm từ những Despacito, Havana và gần đây nhất là Senorita. Dường như, với những tai nghe nhạc, Latin luôn mang một sức hút rất riêng mà không dòng nhạc nào có được, đặc biệt là khi một điệu nhạc Latin được vang lên giữa cái nắng mùa hè…
Châu Mỹ chính là nơi khởi nguồn của nhạc Latin, sau thời điểm Christopher Columbus khai phá ra vùng đất này. Điểm nhấn của dòng nhạc này chính là các nhạc cụ hơi và bộ gõ, chịu ảnh hưởng của âm nhạc bản địa vùng Maya cổ đại. Những dòng nhạc chính có thể kể đến như Salsa, Tango, Merengue, Bachata, Bossa Nova, Samba…
Những nghệ sĩ đầu tiên của nhạc Latin chính là những kẻ được coi là “người châu Âu đổ bộ đến tân thế giới”, với ngôn ngữ chính là tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Sau này, hai thứ tiếng đó được sử dụng chính tại các nước châu Mỹ Latin. Đi cùng những người châu Âu tới vùng đất mới này là các nô lệ gốc châu Phi. Chính vì thế, tiết tấu, phong cách sử dụng bộ gõ của người da màu cũng ảnh hưởng rất nhiều tới âm nhạc Latin thời kỳ đầu, tạo nên những âm hưởng đa văn hóa, sắc tộc.
Những nghệ sĩ tiên phong trong thời kỳ đầu phát triển của nhạc Latin có thể kể đến như Xavier Cugat (thập niên 40s) và Tito Puente (thập niên 50s). Tớ giữa thập niên 50s, nhạc Latin có đỉnh cao đầu tiên tại thị trường Mỹ với nghệ sĩ Perez Prado với những tác phẩm nổi tiếng của dòng Mambo như “Mambo No.5″ hay “Mambo No.8″. Điệu nhảy huyền thoại của nhạc Latin là Cha Cha Cha cũng được bắt nguồn từ thời kỳ này và có xuất xứ từ Cuba – một quốc gia Mỹ Latin.
Trong các thập kỷ sau đó, nhạc Latin truyền thống đạt được những thành tựu to lớn về mặt chuyên môn, đặc biệt là ở dòng Salsa, với những tên tuổi nghệ sĩ lẫy lừng như Ruben Blades, Celia Cruz, Hector Lavoe hay Julio Iglesias – cựu cầu thủ bóng đá người Tây Ban Nha chuyển nghề làm ca sĩ và cũng là cha của Enrique Iglesias.
Nhạc Latin bắt đầu “đánh chiếm” ngành công nghiệp âm nhạc và tạo ra các giá trị thương mại khổng lồ có lẽ là từ cuối thập niên 90s, khi kết hợp với nhiều thể loại nhạc khác. Không còn là những giai điệu cổ truyền với tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nữa là thay vào đó là tiếng Anh, ngôn ngữ quốc tế, kết hợp giữa âm hưởng Latin với Pop, Dance, Rock, Hip Hop… Nếu như ngày trước, khán giả của nhạc Latin toàn những người hơi “đứng tuổi” thì khi bước sang kỷ nguyên mới cuối thế kỷ 20, càng lúc càng có nhiều người trẻ tìm đến thể loại nhạc này vì nó quá lôi cuốn.
Đến năm 1999, năm cuối cùng trước khi bước sang thiên niên kỷ mới, âm nhạc thế giới bị khuynh đảo bởi các nghệ sĩ Latin. Dòng nhạc này thời bấy giờ có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các ca sĩ có thể hát Pop, hát Rock hay các thể loại khác nhưng nếu họ là người gốc Latin, âm nhạc của họ chắc chắn sẽ có pha chút âm hưởng Latin.
Ngoài Ricky Martin, những cái tên đình đám không kém khiến cả thế giới phải quay cuồng theo những giai điệu nóng bỏng, hoang dại, cuồng nhiệt còn có Enrique Iglesias, Shakira, Marc Anthony, Jennifer Lopez, Laura Pausini, Gloria Estefan. Ngay như Christina Aguilera, thời mới xuất hiện đi theo dòng Teen-pop như Britney Spears nhưng album thứ hai trong sự nghiệp lại là một sản phẩm bằng tiếng Tây Ban Nha – “Mi Reflejo” – do bản thân cô cũng là người gốc Ecuardo, một quốc gia Nam Mỹ.
Cùng sự bùng nổ của nhạc Latin pop, người Việt cuối thập niên 90s còn được “chiêu đãi” văn hóa Latin bằng rất nhiều bộ phim truyền hình dài cả trăm tập của Nam Mỹ. Những ai sống qua thời kỳ này chắc chắn không thể quên được những cái tên như “Người giàu cũng khóc”, “Đơn giản tôi là Maria”, “Cuộc đời cô bé Chabelita”, “Nhật ký của Daniela” của Mexico hay đặc biệt là “Ba cô em gái” của Venezuela với bản nhạc phim làm tan chảy bao con tim thời ấy – “Purest of Pain” (nhóm Son by Four).
Ai cũng quen với việc là nghe nhạc Latin là cứ phải lắc hông, ngoáy mông để “phiêu” theo tiết tấu bùng nổ, đầy năng lượng của thể loại nhạc. Tuy nhiên, liệu nhạc Latin có phải chỉ có mỗi vậy?
Câu trả lời là KHÔNG!
Bạn có còn nhớ những bản tình ca ngọt ngào như “No Me Ames” (Jennifer Lopez & Marc Anthony), “Hero” (Enrique Iglesias), “Spanish Guitar” (Toni Braxton) hay “Besame Mucho”??? Tất cả đều được coi là nhạc Latin.
Salsa hay Bolero là những dòng nhạc khác nằm trong thể loại Latin và đều là những ca khúc rất nhẹ nhàng, trữ tình với tiếng guitar Tây Ban Nha. Nội dung thì xoay quanh chủ đề tình yêu với những ca từ “sến rện” kiểu “Anh yêu em, anh không thể xa em” rồi là “Anh có thể trở thành người hùng của em không?”. Những bản nhạc Latin kiểu này thường pha với Pop Ballad hay R&B và dù êm đềm, chúng vẫn có thể được dùng khi khiêu vũ theo kiểu đôi lứa dập dìu.
Số lượng fan của nhạc Latin trữ tình đông đảo không kém Latin truyền thống hay Latin pha trộn nhạc hiện đại. Chắc chắn ai cũng từng ít nhất một lần bị hút hồn vào những bản nhạc ngọt ngào, lãng mạn kể trên mà không hay biết đó cũng là nhạc Latin.
Sang tới thập niên 2000s, nhạc Latin vẫn tiếp tục bùng nổ một cách thịnh vượng. Xu hướng trong giai đoạn này là dòng Reggaeton – phong cách âm nhạc bắt nguồn từ Puerto Rico vào cuối những năm 90s, pha trộn và chịu ảnh hưởng từ văn hóa Hip Hop, Mỹ Latin và cả khu vực Caribbean. Các bài hát Latin sẽ có thêm các đoạn Rap bên cạnh giai điệu sôi động, nóng bỏng thường thấy.
Daddy Yankee và Don Omar là hai cái tên nổi bật của dòng Reggaeton. Bên cạnh đó, những ngôi sao Latin pop thế hệ vàng như Enrique Iglesias, Shakira hay Jennifer Lopez vẫn giữ được sức nóng ở mỗi sản phẩm âm nhạc mới.
Latin pop lúc này ngoài phần nhạc thì còn đầu tư mạnh ở phần nhìn. Các MV sẽ luôn luôn có biển xanh cát trắng hoặc sa mạc nắng vàng đậm chất nhiệt đới, các đường cong nóng bỏng của dàn người đẹp sở hữu làn da nâu vàng olive khỏe khoắn, những điệu nhảy da chạm thịt – thịt xoắn quanh da sexy hết cỡ và cả những siêu xe, du thuyền đắt tiền.
Đỉnh cao của Latin pop trong thập niên vừa qua có lẽ là “Despacito” của Luis Fonsi và Daddy Yankee. Ra mắt vào đầu năm 2017, bài hát này trở thành cơn sốt trong suốt cả năm và đến nay đã trở thành sản phẩm âm nhạc được xem nhiều nhất trong lịch sử với gần 6,3 tỷ lượt view trên Youtube. Danh sách “câu lạc bộ tỷ view” của ngành công nghiệp âm nhạc còn có “Bailando” (2014) của Enrique Iglesias với 2,74 tỷ view, “Mi Gente” của J Balvin và Willy William với 2,41 tỷ lượt xem, “Chantaje” của Shakira và Maluma với 2,4 tỷ lượt xem.
Với sức sống mạnh mẽ từ âm hưởng, giai điệu lại gần gũi với đại chúng, nhạc Latin lan tỏa đi khắp thế giới và thống trị làng nhạc. Bản chất thị phần của dòng nhạc này – dân số Mỹ Latin chiếm 9% (gần 660 triệu người) dân số thế giới – cũng đã đủ lớn. Tuy nhiên, sức quyến rũ của nhạc Latin đã tạo nên tầm ảnh hưởng lớn đến văn hóa đại chúng.
Một tờ báo nước ngoài từng nhận định: “Thế giới nghe nhìn dần thu nhỏ lại bởi mạng xã hội và các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, biến nhạc Latin trở thành sản phẩm âm nhạc mang lại doanh số nhiều nhất tại Mỹ”. Thành công của “Despacito” thậm chí còn góp phần thúc đẩy cho kinh tế Puerto Rico vốn đang ở giai đoạn khó khăn năm 2017. Chỉ trong một mùa hè, lượng khách du lịch tới quốc gia này tăng tới 45%.
Cũng trong năm 2017, khi cơn sốt “Despacito” vừa tạm lắng được một chút thì đến lượt nữ ca sĩ gốc Cuba – Camila Cabello – tung “chiêu”. “Havana” là nhạc ca khúc nhạc Pop nhưng mang âm hưởng Latin rõ rệt, kèm theo cả một MV lấy cảm hứng từ các phim truyền hình tình cảm dài tập kiểu Mỹ Latin. “Havana” tiếp tục thổi bùng “ngọn lửa” Latin trên khắp toàn cầu. Đến cựu Tổng thống Mỹ – Barrack Obama – còn phải bày tỏ đây là một trong những bài hát ông yêu thích nhất. Sự gợi cảm từ giọng hát đến phong cách của Camila Cabello, các nhạc cụ như kèn, trống, piano kết hợp hài hòa đã đưa “Havana” trở thành bài hát hot bậc nhất năm 2018.
Nhận thấy dòng nhạc tỷ view này là xu thế trong thời đại 4.0, nhiều ca sĩ vốn hát các thể loại nhạc khác cũng phải chuyển sang thử sức. Mới đây nhất, chàng ca sĩ trẻ Shawn Mendes đã kết hợp với Camila Cabello cho ra đĩa đơn “Senorita” thuộc thể loại Latin. Ca khúc này nhanh chóng trở thành sản phẩm âm nhạc hot nhất tháng 6 – giữa mùa hè nóng bỏng. Chỉ sau một tuần, “Senorita” đã đạt gần 150 triệu lượt xem trên Youtube, lọt Top 1 Trending ở nhiều nơi, dẫn đầu các bảng xếp hạng âm nhạc ở nhiều nơi trên thế giới ngay trong tuần đầu tiên ra mắt.
Không nằm ngoài xu hướng thế giới, tại Việt Nam, Sơn Tùng M-TP cũng chọn nhạc Latin cho sản phẩm âm nhạc mới nhất – “Hãy trao cho anh” – đang gây sốt và lập nên các con số kỷ lục không chỉ ở châu Á mà còn tại Mỹ, Canada và nhiều nơi trên thế giới. Giai điệu Latin cháy bỏng, các đường cong rám nắng, siêu xe, du thuyền, biển xanh, sa mạc, biệt thự, tiệc tùng… tất cả những hình ảnh điển hình nhất của Latin thời đại mới đều được Sơn Tùng M-TP đưa vào “Hãy trao cho anh” để đưa V-Pop “hội nhập” thế giới.
Cho đến bây giờ, các chỉ số của “Hãy trao cho anh” đã chạm mức kỷ lục khi liên tiếp trở thành no1 Top Trending tại nhiều quốc gia. Và điều đó không hề là may mắn. Giai điệu catchy, sôi nổi đặc trưng của Latin không yêu cầu sự thấu hiểu về ngôn ngữ. Bạn hoàn toàn có thể nói một thứ tiếng khác nhưng vẫn lắc lư thoải mái theo điệu nhạc hoang dã, vui tươi, dễ nhớ, dễ thuộc. Đó cũng là công thức thành công của Despacito, của Havana, của Sevà ít nhất đến thời điểm này – là “Hãy trao cho anh”.
Có vô vàn lý do để mổ xẻ về độ “hot” của nhạc Latin nhưng có một thứ dễ nhận thấy nhất là không hiểu vì sao, bất cứ ai hát dòng nhạc này, đều là trai xinh, gái đẹp. Nếu không có ngoại hình rực rỡ thì cũng vẫn rất thu hút, quyến rũ. Dường như nguồn năng lượng dồi dào, sức sống mãnh liệt, độ cháy bỏng của nhạc Latin đã đi vào cả “thần thái” của bất kỳ nghệ sĩ nào đến với nó.
Hãy cứ nhìn Jennifer Lopez, Shakira, Enrique Iglesias, Luis Fonsi hay Camila Cabello để thấy họ sở hữu một ngoại hình “cực phẩm” như thế nào. Jennifer Lopez sẽ bước sang tuổi 50 trong tháng 7 này nhưng hãy cứ nhìn thân hình như thể 20 ấy xem. Shakira có chiều cao khiêm tốn nhưng “vòng nào ra vòng đấy” và mỗi lần lắc hông thì hàng triệu con mắt cứ phải kinh ngạc bị hút vào. Enrique Iglesias thì thể hiện phong độ “gừng càng già càng cay” trong mỗi lần xuất hiện.
Một thập niên mới chuẩn bị bắt đầu, thế giới vận động không ngừng và những xu hướng mới liên tục thay đổi thị trường. Thế nhưng đã tròn ba thập kỷ từ khi nhạc Latin bước vào giai đoạn hoàng kim và vẫn chưa có dấu hiệu thoái trào. Sự sôi động, quyến rũ và đa văn hóa của thể loại nhạc này dường như lại rất phù hợp với thời đại mới – nơi con người luôn muốn giải phóng bản thân để hòa mình vào một thứ âm nhạc tự do, phóng khoáng và gần gũi, xóa tan các rào cản về ngôn ngữ cũng như chuyện giàu – nghèo.
Theo Trí Thức Trẻ