-
Những giọng ca thính phòng – opera hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam đương đại ‘bỗng dưng’ thể hiện những ca khúc trái dòng trong các hoạt động âm nhạc trọng điểm của mình là điều khá thú vị cho đời sống âm nhạc năm qua.
Sau ba năm không ra mắt album nào, cuối tháng 10, NSƯT Quốc Hưng bất ngờ tung ra sản phẩm âm nhạc mang cái tên khá “sến”: “Biển tình”. Đây là một album với 9 ca khúc viết về đề tài biển cả và tình yêu đôi lứa. Buổi ra mắt khá rầm rộ tại Phòng hòa nhạc nhỏ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với phần âm thanh ánh sáng hiện đại, có thêm cả phần khói lạnh, một điều ít thấy trong các cuộc họp báo liên quan đến các sự kiện âm nhạc. Không những thế, chương trình ra mắt album Biển tình còn có sự tham gia của các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp với 4 phần trình diễn là 4 trong tổng số 9 ca khúc nằm trong album được biên đạo múa, NSƯT Đỗ Hiền thực hiện.
Từ giọng bass hàng đầu hát nhạc tình
Sân khấu khá hoành tráng và mang dáng dấp của một minishow âm nhạc được đầu tư, khiến người dự lại càng chú ý tới phần âm nhạc của dự án. Và có lẽ khán giả đã không khỏi bất ngờ khi giọng bass hàng đầu của nền nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam, đương kim Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, một tên tuổi gắn liền với những bản aria trong các vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới, một gương mặt hầu như không thể thiếu trong các đêm nghệ thuật Opera quy mô được tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM những năm qua, lại thể hiện những ca khúc trữ tình, thiên về tự sự nội tâm.
Bất ngờ hơn, khi giọng bass hàng đầu Việt Nam hiện nay thể hiện ca khúc Biển nỗi nhớ và em (nhạc Phú Quang, thơ Hữu Thỉnh) cùng phần đệm đàn piano của NSND Phạm Ngọc Khôi, gần như sự hào sảng của giọng hát, âm thanh vang rền, lợi thế âm thanh của âm khu trung trầm… vốn là lợi thế, là nét riêng không trộn lẫn của NSƯT Quốc Hưng đã không được anh khai thác trong phần trình diễn này. Thay vào đó, NSƯT Quốc Hưng sử dụng kỹ các kỹ thuật nén hơn, nén âm thanh, giọng giả để dẫn dắt người nghe vào thế giới âm nhạc gắn liền với những cảm xúc dạt dào. Phần thể hiện khá độc đáo, nhưng nó còn quá lạ lẫm với khán giả yêu giọng hát opera trầm dầy với sự ngân vang có thể làm rung cửa kính của một căn phòng rộng. Không những thế, nhìn toàn bộ 9 tác phẩm trong album sẽ thấy tương đối đa dạng về phong cách âm nhạc, từ những bản nhạc trữ tình Biển đêm, Sao biển… cho đến những bài mang hơi hướng nhạc nhẹ như Biển cạn, Biển khát… Điều này cho thấy tư duy chọn bài và thể hiện âm nhạc của NSƯT Quốc Hưng khá “mở”.
Đến giọng soprano hàng đầu hát bolero
Chuyện giọng bass hàng đầu của nghệ thuật Opera Việt Nam hát nhạc tình tự sự vẫn chưa lắng xuống thì giọng nữ cao hàng đầu của nghệ thuật ca hát thính phòng opera Việt Nam, nữ ca sĩ Lan Anh, giảng viên khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam bất ngờ hát một bài bolero trong liveshow “Ánh trăng tình yêu” của mình tổ chức hồi đầu tháng 11 năm vừa qua.
Bất ngờ không chỉ bởi Lan Anh là một giọng ca thính phòng – opera hàng đầu Việt Nam mà chị còn là một trong những giọng ca nổi bật của dòng ca khúc cách mạng trong hơn hai thập niên vừa qua và vẫn còn nguyên vị trí của mình trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ có thế, đây là liveshow đầu tiên trong sự nghiệp ca hát đã gặt hái được nhiều thành công của Lan Anh. Hơn nữa, với liveshow của một nghệ sĩ thính phòng không thể thiếu những khúc aria, những bản romance nổi tiếng thế giới, cùng những ca khúc thuộc hàng kinh điển của âm nhạc Việt Nam; trong khi phần âm nhạc có sự tham gia của cả một dàn nhạc giao hưởng lớn với sự tham gia của nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine của nhiều nghệ sĩ trong nước và quốc tế.
Ca sĩ Lan Anh
Nhạc phẩm bolero mà Lan Anh chọn là một sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Trang mang tên Không bao giờ quên anh, chị thể hiện cùng với tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và dàn nhạc giao hưởng Mặt trời. Trên thực tế, Lan Anh thể hiện ca khúc này khá thú vị, nhuyễn vào cùng với saxophone và dàn nhạc giao hưởng. Và điều này đã tạo sự ngạc nhiên thú vị, chị đã lấy được tiếng vỗ tay của khán giả ngay sau khi thể hiện câu hát đầu tiên của nhạc phẩm và kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt.
Sau chương trình, Lan Anh chia sẻ, việc thể hiện một ca khúc bolero gần như chị giữ bí mật cho tới khi đêm nhạc chính thức diễn ra, vì ngại có những ý kiến khác nhau nếu công khai thông tin này. Dẫu thế, Lan Anh vẫn âm thầm cùng ê kíp chuẩn bị rất kỹ phần trình diễn này bởi chị cũng xác định đây là tác phẩm có thể sẽ gây sự chú ý nếu mình thể hiện. Có thể nói, không những đã làm tròn vai, Lan Anh còn thổi một hơi thở mới vào phần trình diễn này và trở thành người đầu tiên ở Việt Nam hát bolero cùng dàn nhạc giao hưởng.
Chỉ là cuộc “dạo chơi”?
Rõ ràng việc hai trong số những nghệ sĩ hàng đầu của nhạc thính phòng – opera thể hiện những bản nhạc tình và nhạc bolero trong các chương trình của mình cho thấy các nghệ sĩ thuộc dòng âm nhạc vẫn được coi là kinh viện đã có cái nhìn thoáng hơn với nhạc tình và thân thiện với bolero. Thậm chí, không phải tới thời điểm này họ mới thể hiện nhạc tình, bolero, mà trước đó trong thời gian dài, các nghệ sĩ đã có những hoạt động âm nhạc gắn liền với những dòng nhạc này.
Trong số những ca khúc được NSƯT Quốc Hưng chọn thể hiện trong các album đã phát hành, nhiều ca khúc tự sự, trữ tình. Thậm chí những người biết giọng bass đặc biệt từ lâu sẽ không thể không biết anh từng thể hiện những ca khúc nhạc tình lãng mạn khá ấn tượng, chẳng hạn như Nỗi lòng người đi (Anh Bằng), Lệ đá (Trần Trịnh). Trong khi, nữ ca sĩ Lan Anh cũng từng có thời gian đầu khi bắt đầu theo học thanh nhạc thường xuyên đi hát và hát khá ấn tượng những ca khúc tiền chiến, nhạc xưa với nội dung nói về tình yêu lãng mạn.
Trong cuộc trò chuyện với Lan Anh, nữ ca sĩ khẳng định: “Dòng nhạc nào cũng có điểm hay và phải thích nó thì mới hát hay được”. Lan Anh cũng cho rằng, việc nhiều người coi dòng nhạc này cao hơn dòng nhạc kia là không nên. Với bolero, theo Lan Anh, đây là những ca khúc rất gần gũi, tình cảm và người hát như đang kể chuyện. Cũng chính vì thế, có thể về mặt kỹ thuật thanh nhạc thì bolero không quá cao, nhưng để hát cho khán giả chấp nhận lại là một điều rất khó khăn. “Mỗi dòng nhạc có những yêu cầu riêng, có độ tinh tế riêng, nghệ sĩ phải đủ tinh tế để cảm nhận được sự khác biệt đó thì mới có thể thể hiện ra được đặc trưng của dòng nhạc đó″, Lan Anh khẳng định. Nữ ca sĩ cho biết thêm, bên cạnh điều đó, mỗi nghệ sĩ đều phải có cá tính riêng, cá tính đó được thể hiện trong tác phẩm mình trình bày để sao cho khi mình hát một ca khúc thuộc dòng nhạc nào thì khán giả một mặt vừa nhận ra dòng nhạc đó một mặt khác vẫn nhận ra nét riêng của ca sĩ thể hiện.
Đối với NSƯT Quốc Hưng, việc thể hiện những ca khúc trữ tình là cách anh giãi bày tâm tư, tình cảm của mình, cũng là cách để giọng hát của anh có thể đến được gần hơn tới công chúng. Nam ca sĩ giọng bass còn cho biết thêm, việc thể hiện những ca khúc trữ tình còn giúp cho các học trò của anh ở Khoa Thanh nhạc thấy rằng, các thầy cô tuy là những nghệ sĩ hát thính phòng – nhạc kịch nhưng cũng hết sức gần gũi và bắt nhịp với đời sống âm nhạc, chứ không quá xa vời. Anh cũng cho biết thêm, với đặc điểm và điều kiện của Việt Nam hiện nay, âm nhạc đại chúng vẫn là con đường đi hiệu quả nhất để ca sĩ đến được với công chúng nên gần như những người học thanh nhạc đều có thiên hướng hướng đến nhạc đại chúng, việc đào tạo thì vẫn phải giữ vững những nguyên tắc cơ bản song cũng có những lối mở dành cho những sinh viên muốn hướng đến những dòng nhạc khác sau khi bước ra khỏi giảng đường học viện. Vì thế, bản thân những thầy cô giáo thể hiện những dòng nhạc khác nhau gần gũi với công chúng yêu nhạc cả nước cũng là một thông điệp mà các thầy cô gửi tới cho học trò của mình.
Tuy nhiên, cả Quốc Hưng và Lan Anh đều có chung một quan điểm đã là nghệ sĩ cần phải biết điểm mạnh của mình là gì để phát huy nó. Như vậy thì việc Lan Anh thể hiện một ca khúc bolero với dàn nhạc giao hưởng trong liveshow lớn đầu tiên của sự nghiệp âm nhạc hay NSƯT Quốc Hưng thể hiện nhạc tình, nhạc xưa không phải là điều gì quá to tát ảnh hưởng tới cục diện nền nghệ thuật thanh nhạc chuyên nghiệp nói chung, thính phòng – opera nói riêng.
Theo văn hoá