– Nam ca sĩ Hồ Trung Dũng là cái tên quen thuộc với thị trường âm nhạc Việt trong suốt 10 năm qua. Là một người nghệ sĩ đồng thời là một giảng viên Đại học, hãy cùng lắng nghe những tâm sự của anh về sản phẩm âm nhạc mới nhất cũng như về công việc giảng dạy mà anh đang theo đuổi!
Chào anh Hồ Trung Dũng, anh vừa cho ra mắt album “Hồ Trung Dũng Meets Võ Thiện Thanh – Saigon Feel”, anh lấy ý tưởng từ đâu để thực hiện album lần này?
Hồ Trung Dũng: Album “Saigon Feel” có một nửa là sáng tác cũ, còn lại là những ca khúc hoàn toàn mới, được phối theo phong cách nhạc jazz mới mẻ mà nhạc sĩ Võ Thiện Thanh thực hiện riêng cho tôi. Tôi muốn bắt đầu album của mình bằng những sáng tác quen thuộc để khán giả sẽ thấy sự thú vị với bản phối của một ca khúc đã cũ được làm mới lại sẽ như thế nào. Với album này, tôi muốn tái hiện một phần ký ức của những người ở thế hệ như tôi để gửi đến khán giả yêu nhạc. Còn những ca khúc mới là để mọi người làm quen và hứng thú hơn với style nhạc jazz đúng chất.
Tại sao anh chọn nhạc jazz cho album lần này, đây vốn là dòng nhạc khá kén người nghe?
Đa số mọi người khi nhắc về jazz thì luôn mặc định là khó nghe, nhưng thật ra khán giả nghe nhạc họ không quan trọng là dòng nhạc gì, chỉ đơn giản cảm thấy hay thì nghe. Mục tiêu lớn nhất trong album lần này là tôi muốn chứng minh cho khán giả thấy nhạc jazz hoàn toàn không khó nghe như một số người vẫn nghĩ. Nhạc jazz cũng có khá nhiều thể loại, cách mà tôi và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh làm là cố gắng để nhạc jazz gần gũi nhất với khán giả khi kết hợp với những dòng nhạc khác như pop, R&B hay hip hop để jazz mang tính đương đại hơn. Cũng may mắn là từ khi phát hành album đến nay, tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực.
Nam ca sĩ Hồ Trung Dũng hợp tác cùng nhạc sĩ Võ Thiện Thanh trong album mới nhất |
Thị trường âm nhạc hiện nay rất hiếm ca sĩ phát hành CD album vì thị hiếu khán giả hiện không chuộng đĩa nhạc, anh có thấy là mình liều lĩnh không?
Đầu tư vật chất là chuyện nhỏ, giá trị tinh thần mới là chuyện lớn. Một sản phẩm âm nhạc là công sức, chất xám của nhiều người tạo nên. Với album “Saigon Feel”, đến giờ phút này gần như tôi đã lấy lại vốn. Sau 2.000 bản đầu tiên cho ra mắt, mới đây, tôi vừa quyết định cho tái bản tiếp 1.000 bản nữa. Đây là một tin tốt vượt ngoài sự mong đợi của tôi và là tín hiệu đáng mừng cho những người nghệ sĩ muốn làm nhạc đĩa đàng hoàng. CD album bây giờ trở thành một thứ xa xỉ hơn, sang trọng hơn, đó là món quà tinh thần dành cho nhau. Bây giờ cho ra một CD hoàn chỉnh, phải có nội dung, âm nhạc phải hay, âm thanh phải thật tốt, hình ảnh đẹp để khác biệt hoàn toàn so với nhạc online.
Đây là một dự án mà tôi cho rằng nó thoả mãn rất nhiều yếu tố mà thị trường âm nhạc đang cần. Với sản phẩm lần này, tôi muốn mang đến một cái gì đó mới mẻ hơn và được làm đủ tốt để gửi đến khán giả yêu âm nhạc chân chính.
Trong lần phát hành CD album “Saigon Feel”, anh có gặp áp lực hay khó khăn gì không? Anh mất bao lâu để hoàn thành việc thu âm cho các ca khúc trong album?
Tôi hoàn thành album này trong vòng 6 năm. Thời gian thu âm từng bài cũng khác nhau như ca khúc “Con đường anh mơ” thì thu âm chỉ trong một buổi nhưng có những bài như “Tình 2000” lại phải mất đến 3 năm, bài “Từ khi anh đến” là 5 năm. Bản phối của từng bài cũng phải làm đi làm lại cho phù hợp với thời đại. Ý tưởng của tôi là tạo ra một album nhạc jazz mang hơi thở của thời đại, của Sài Gòn ngày nay. Tôi và anh Võ Thiện Thanh vì quá đam mê với nhạc jazz nên phải vừa làm vừa học, đó là lý do mất nhiều thời gian để hoàn thành album lần này.
Nam ca sĩ Hồ Trung Dũng vừa là một người nghệ sĩ lại vừa theo đuổi công việc làm giảng viên |
Nói một chút về công việc giảng dạy của anh, cơ duyên nào anh trở thành một giảng viên?
Tôi đi hát 9 năm nhưng đi dạy đã 15 năm. Cơ duyên đến với nghề là có lần tôi phải dạy tiếng Đức cho một người bạn vào năm lớp 12. Bạn tôi thấy tôi rất phù hợp với công việc giảng dạy và khuyên nên suy nghĩ, nhưng tôi thì lại khá nhát khi đứng trước đám đông. Cuối cùng, tôi mê tiếng Đức và thi vào khoa tiếng Đức của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM với mong muốn sẽ được ở lại khoa giảng dạy. Đến năm thứ ba thì tôi được khoa chính thức giữ lại làm giảng viên.
Làm giảng viên đối với anh có phải chỉ là nghề tay trái?
Trước hết, tôi vẫn khẳng định đi hát mới là công việc chính của tôi. Một tuần tôi cũng chỉ dạy một buổi vì không đủ thời gian. Nhưng tôi vẫn rất yêu thích công việc giảng dạy. Tôi quan niệm mình không chỉ là một người nghệ sĩ, mà sứ mệnh của tôi phải là một người truyền cảm hứng. Trong âm nhạc, cách tôi làm nhạc, con đường tôi chọn để đi, cách tôi giao lưu với khán giả, tôi đều muốn truyền động lực để khán giả của mình có niềm tin vào cuộc sống và thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn. Làm giảng viên cũng vậy, tôi cũng vì mục tiêu đó.
Nam ca sĩ mang sứ mệnh của một người nghệ sĩ đi truyền cảm hứng đến khán giả |
Nghệ sĩ đi dạy sẽ có thuận lợi và khó khăn gì?
Thuận lợi là tôi học được những kỹ năng trong nghề hát để áp dụng khi đi dạy. Môn tôi dạy là môn phiên dịch thì rất cần sự tự tin về ngoại hình, nghề hát giúp tôi có kinh nghiệm và kỹ năng để truyền đạt cho sinh viên tốt hơn, tôi cũng “đọc” tâm lý sinh viên giỏi hơn. Nghề giảng dạy giúp tôi có thể gặp gỡ được nhiều người trẻ và tác động đến họ.
Trong quá trình giảng dạy tại trường Đại học, anh có kỷ niệm nào đáng nhớ không?
Đi dạy 15 năm, tất nhiên sẽ có rất nhiều kỷ niệm. Đáng nhớ nhất là những lần sinh viên tìm mọi cách để bắt tôi hát cho bằng được nhưng tôi nhất quyết không hát vì tôi có nguyên tắc “thầy Hồ Trung Dũng trên lớp sẽ khác một ca sĩ Hồ Trung Dũng trên sân khấu”. Ý nghĩa hơn, có những bạn sinh viên ra trường rất nhiều năm gửi thư về cảm ơn làm tôi rất cảm động. Đối với tôi, điều này vô cùng ý nghĩa và là lý do tôi theo đuổi công việc giảng dạy.
Cám ơn anh với những chia sẻ chân thành!
Trúc Phạm – Ảnh: NVCC/NTD