– Không chỉ là âm nhạc, K-Pop hiện đang là một trong nhiều ngành công nghiệp có sức phát triển vào hàng nhất nhì của Hàn Quốc. Nếu như trong những năm đầu thế kỷ 21, làn sóng Hàn Quốc Hallyu tạo nên một hiện tượng thì ở giai đoạn trước và sau 2010 trở đi, K-Pop trở thành một hiện tượng có sức ảnh hưởng tương đương, tự biến thành một biểu tượng mạnh mẽ cho ngành công nghiệp giải trí của xứ sở kim chi.
K-Pop trong mắt khán thính giả
K-Pop, cách nói khác của nhạc Pop đến từ Hàn Quốc, xuất hiện một cách mơ hồ vào trong giai đoạn 2009-2010. Lúc này, K-Pop vẫn chưa thành một biểu tượng chính thức. Thay vào đó, nó là sản phẩm nhỏ trong làn sóng văn hóa Hallyu mà Hàn Quốc đang cố khuếch trương ra nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ban đầu, chữ Pop đơn thuần đại diện cho dòng nhạc ‘popular’, đúng hơn thể loại nhạc hướng tới phần đông khán giả, chứ không theo thể loại cụ thể nào. Vì lý do này nên nhạc Pop trở thành dòng nhạc có đối tượng khán thính giả lớn nhất thế giới.
Sao chép kèm sáng tạo
Trước khi có thể sáng tạo thứ của riêng mình thì hầu hết sẽ sao chép, mô phỏng những gì đã có. Đối với K-Pop cũng vậy. Trong những ngày đầu, các ca sĩ K-Pop sao chép gu thời trang từ các đồng nghiệp ở những nước Phương Tây: nhuộm tóc vàng, ăn mặc những bộ trang phục biểu diễn mà nhìn chung làhết sức xa lạ so với văn hóa truyền thống của châu Á.
Trong số những nghệ sĩ đi đầu phải kể đến dấu ấn của Seo Taiji – nam ca sĩ dẫn đầu trào lưu ăn mặc theo kiểu phương Tây và tạo nên phong cách quý ông lịch lãm trên sân khấu. Ở Hàn Quốc, nhiều người còn gọi ông là ‘chủ tịch văn hóa’. Seo Taiji nằm trong những người tiên phong đưa âm nhạc phương Tây vào Hàn Quốc trong thập niên 90 – những ngày đầu của K-Pop.
Phong cách nhạc của ông rất đa dạng, có cả Pop, New Metal (Rock hiện đại), Hip hop, nhạc Swing… Những gì Seo Taiji hát cũng đúng như tinh thần của nhạc Pop, hòa trộn mọi thứ lại với nhau để phục vụ nhiều người.
Tiến ra sân khấu thế giới
Tuy nhiên, để tạo được thương hiệu như ngày hôm nay thì K-Pop đã có một hành trình dài, vất vả. Lứa ca sĩ đầu tiên mang khái niệm K-Pop ra trường quốc tế có các tên tuổi DBSK, BoA, Girl’s Generation, Super Junior, Big Bang, 2NE1, Wonder Girls… Đây là những ca sĩ và nhóm nhạc rất được lòng người hâm mộ ở Hàn Quốc, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á vào những năm đầu 2000.
Đáng tiếc, cuộc tiến công của họ ra trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ lại không như mong đợi. Và mãi tới thời gian gần đây, khi thế hệ tiếp theo với những Psy, BTS, Black Pink… lên ngôi thì K-Pop mới khẳng định được chỗ đứng của họ ở sân khấu thế giới.
Giải thích cho kết quả không mong đợi của các anh chị đại diện K-Pop đời đầu: có lẽ họ đã quên mất một điều trong khái niệm chiếm dụng văn hóa là biến sản phẩm của người khác thành của mình. Dẫn chứng như Wonder Girls, Girl’s Generations, BoA… Tuy đã có những ca khúc ăn khách (hit) ở quê nhà nhưng khi ‘Mỹ tiến’, họ lại thu âm một phiên bản tiếng Anh khác cho ca khúc đại diện, đó cũng là lúc họ đánh mất đi K-Pop, buộc phải nói tiếng Anh như một cách thỏa hiệp cho người nghe nước ngoài.
Trở lại hiện tại, Gangnam Style của Psy, DNA của BTS… đều rất nổi tiếng trong và ngoài Hàn Quốc, thậm chí cả toàn cầu. Hãy để ý, phần lớn những người thích các ca khúc này đều chẳng để ý tới ca từ hay hiểu hết nội dung bài hát. Đơn giản là chúng làm được những cái mới. Gangnam Style trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho cộng đồng chế ảnh và điệu nhảy cưỡi ngựa độc quyền. BTS thì lĩnh hội mọi tinh hoa từ ngoại hình, vũ điệu, âm nhạc của đàn anh trước đó… và hơn hết, họ không cố gắng thay đổi ca từ hay tạo ra phiên bản tiếng Anh cho ca khúc của mình.
Những ví dụ khác có Black Pink với ca khúc “Ddu-Du Ddu-Du”, lọt ngay vô bảng xếp hạng Billboard ngay từ lúc phát hành. Ca khúc hòa trộn những âm thanh điện tử hạng nặng, những cú ‘thả bass’ không phanh, gu thời trang đậm chất đường phố của Mỹ… nhưng vẫn còn đó phong cách lòe loẹt, tương phản không lẫn vào đâu được của người châu Á. Tiếp đến có Super Junior với ca khúc “Lo Siento”, vay mượn rất nhiều từ ngữ Latinh vào trong lời hát.
Tóm lại, sự thành công của K-Pop có thể được gói gọn trong hai chữ: sao chép và sáng tạo. K-Pop rất thông minh trong việc dùng lại những thành quả tốt nhất của âm nhạc thế giới, thay đổi để phù hợp với thị trường nội địa, sau đó giới thiệu hẳn một sản phẩm mới toanh không giống ai. K-Pop là một ví dụ liên đới, đúng với nhiều ngành công nghiệp, nhiều quốc gia trong một thế giới phẳng, nơi mọi người bình đẳng trong sáng tạo và tận dụng những nguồn vốn sẵn có.
Huỳnh Ngọc Trung/SGTT