– Cô trò cưng của ca sĩ Ngọc Sơn – thừa nhận rất yêu và hâm mộ thầy của mình.
Được đào tạo dòng nhạc thính phòng, duyên nợ khiến Nhã Thanh đi thi Thần tượng Bolero để rồi cô chuyển hướng sang dòng nhạc trữ tình – Bolero và ra mắt CD đầu tay “Chuyện tình yêu” ở tuổi 30.
Nhã Thanh chia sẻ, khi chuyển sang hát Bolero cô cảm thấy rất khó khăn và áp lực. Nhiều người thường nói nhạc thính phòng sang trọng trong khi Bolero lại bình dân và theo xu hướng. Chính vì cách nghĩ này mà Nhã Thanh thấy cần phải ra mắt CD với dòng nhạc trữ tình – Bolero.
“Tôi muốn khẳng định rằng Bolero không có nghĩa là dòng nhạc không sang trọng, dòng nhạc ủy mị. Trong Bolero nếu khai thác sâu thì có nhiều bản nhạc làm con người ta thấy thư thái và sảng khoái, sang trọng chứ không bi lụy như mọi người vẫn nghĩ. Vẫn là Bolero nhưng tôi học hỏi thêm cách hát của người Cuba, nó sẽ khác. Tôi hy vọng mọi người sẽ đón nhận sản phẩm này của mình”, Nhã Thanh chia sẻ.
Ở tuổi 30 Nhã Thanh ra mắt CD đầu tay nhưng lại không phải dòng nhạc thính phòng được học mà là sản phẩm âm nhạc đậm chất Bolero. |
Là học trò cưng của ca sĩ Ngọc Sơn, buổi ra mắt CD của Nhã Thanh, Ngọc Sơn cũng vội vàng bay từ Sài Gòn ra Hà Nội chúc mừng cô học trò nhỏ. Nhã Thanh đã khóc vì xúc động tấm chân tình của thầy giáo mình, cô chia sẻ: “Đi thi Thần tượng Bolero, được thầy Ngọc Sơn chỉ dẫn quả là điều đáng quý đối với tôi. Điều đầu tiên thầy dạy tôi chính là hiếu và nghĩa.
Thầy là thần tượng của tôi từ nhỏ và nếu ai đã có dịp nghe thầy hát trên sân khấu hay biểu diễn thì chỉ có yêu. Vì thầy hát nhiệt tình. Tôi chỉ thấy thầy “bị” đáng yêu quá thôi. Tôi yêu cả tính nói nhiều của thầy.
Lúc nào thầy cũng vui tính, có những lúc mời bọn tôi về nhà ăn cơm, tự tay nấu tướng cho lũ trò nhỏ ăn. Món ăn tuy đơn giản nhưng được thầy nấu cho ăn thật tôi thấy ý nghĩa. Thầy Sơn cũng là người sạch sẽ, kỹ tính lắm”.
Nhã Thanh dành những lời có cánh cho ca sĩ Ngọc Sơn. |
Nói về tin đồn “chịu chi” nên mới được ca sĩ Ngọc Sơn cưng tới vậy, Nhã Thanh cho hay, cô còn phải đi ở nhà thuê, bố mẹ vẫn đi cày ruộng gặt lúa thì đài các gì, tiền đâu mà chịu chi.
“Bố mẹ tôi vẫn đang ở quê, vẫn làm ruộng và ra đồng gặt lúa mỗi vụ. Nhà tôi nghèo, nghèo tới độ chị và em tôi phải nghỉ học giữa chừng. Nhà có mỗi tôi được đi học. Năm cuối lớp 12, bố mẹ tôi khuyên đi làm công nhân ở công ty điện tử gần nhà. Tôi vận động, khóc như mưa hứa với bố mẹ rằng nếu đỗ tôi sẽ tự làm thêm để trang trải học phí. Với âm nhạc, tôi thực sự đầu tư, có bao nhiêu tiền tôi dồn hết cho trang phục, âm nhạc”, Nhã Thanh chia sẻ.
Nhã Thanh bảo, giờ đã 30 tuổi và có chút danh tiếng, đó cũng là nhờ sự nỗ lực của bản thân cô, thầy cô dìu dắt và cả đại gia đình “chống lưng” cho mình. Lấy chồng và sinh con trước 30 tuổi, với nghệ thuật Nhã Thanh đã bị gián đoạn ở thời kỳ thanh xuân nhất nhưng cô lại tiếc nuối.
“Ngay từ khi trưởng thành, tôi luôn mong muốn có cuộc sống bình thường, có gia đình nhỏ để yêu thương, vun vén. Nên chuyện lập gia đình với tôi khi làm nghệ thuật cũng không phải đặt lên cân đo đong đếm gì. Tình yêu chín muồi thì chúng tôi cưới thôi.
Chồng tôi luôn là người động viên tôi. Anh ấy luôn nói tự hào vì tôi. Khi đi Sài Gòn thi hát, ông bà ngoại và chồng là người luôn bên cạnh động viên, chăm sóc con tôi mà không kêu ca phàn nàn gì cả”, Nhã Thanh tâm sự.
CD “Chuyện tình yêu” của Nhã Thanh gồm 8 bài: Đừng xa em đêm nay (sáng tác Đức Huy); Mùa đông của anh ( sáng tác Thiện Thanh); Bài không tên số 8 ( sáng tác Vũ Thành An); Chuyện tình yêu (Nhac nước ngoài, lời: Phạm Duy); Giọt nước mắt ngà và Chiều nay không có em ( sáng tác Ngô Thụy Miên); Tình bơ vơ và Chờ người ( sáng tác Lam Phương). |
Tình Lê/Vietnamnet