NSND Quang Thọ: Tiếng than rơi trong mỗi giấc mơ về

– Ở tuổi “thất thập cổ lai hi” xưa nay hiếm, NSND Quang Thọ vẫn miệt mài trên hành trình âm nhạc như một phần mệnh của cuộc đời. Với ông, khoảnh khắc tuyệt vời của cuộc sống đến từ những điều bình dị mà ở đó âm nhạc và gia đình trở thành những giá trị vô viễn thiêng liêng.

NSND Quang Thọ của ngày hôm nay là một người đàn ông không còn trẻ nữa. Ông không có tướng mạo của một lãng tử hào hoa, nhưng ẩn chứa bên trong là sự lóng lánh của đá ấm. Trong từng hơi thở, vẫn ngạt ngào thức cảm tiếng mỏ Quảng Ninh.

PV báo Người Đưa Tin đã có dịp nghe người thầy, người nghệ sĩ tài ba này trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề…

PV: Nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật, điều gì làm ông thấy tự hào nhất?

NSND Quang Thọ: Nhìn lại, tôi thấy mình đã được những gì, được khán giả mến mộ ra sao. Nếu không có những gian khó của buổi đầu làm nghề, có thể tôi đã không trưởng thành được như ngày hôm nay. Khi ấy, ở bất cứ đâu, trong những căn hầm hay giữa công trường, tôi đều có thể hát phục vụ mọi người.

Sau hơn nửa thế kỷ cống hiến cho đời, bắt đầu đi lên từ vùng mỏ, đại diện cho tiếng hát giai cấp công nhân lao động, tôi vẫn bồi hồi xúc động như thuở đầu tiên hát với thợ lò. Tôi vẫn thường mơ những giấc mơ dài. Trong những giấc mơ ấy, đều nghe có tiếng than rơi…

Với tôi, đó là cả một sự tự hào!

PV: Nửa thế kỷ của một người nghệ sĩ nhân dân có khi nào ông thấy mệt mỏi?

NSND Quang Thọ: Hơn 50 năm trôi qua, nửa thế kỷ và nửa đời người, biết bao thăng trầm in dấu nơi hoài niệm, tôi vẫn muốn hát, hát đến khi nào khán giả chán nghe thì thôi.

PV: Ông có thể chia sẻ một chút về ý tưởng của mình ở đêm nhạc “Hãy đến với anh”?

NSND Quang Thọ: Nói là “Hãy đến với anh” thì có vẻ trẻ quá. Chính xác phải là “Hãy đến với tôi” bởi các bạn già, bạn trung niên, bạn yêu dòng nhạc đỏ, các bạn trẻ, hãy đến với tôi. Nhưng sau khi bàn bạc lại với ban tổ chức thì thống nhất chọn cái tên trẻ “Hãy đến với anh” bởi đêm nhạc được diễn ra vào một tối mùa thu quyến rũ, thơ và yêu đến vậy.

“Hãy đến với anh” không chỉ là lời tri ân sâu sắc dành cho khán giả, mà còn là lời tự tình về cuộc sống, tình yêu và sự nghiệp qua những bài hát đi cùng năm tháng. Hơn nữa, đó còn là dịp thầy trò ngồi lại tâm sự với nhau bằng những ngôn từ được khắc họa bằng âm thanh.

PV: Di sản mà NSND Quang Thọ cống hiến cho âm nhạc không chỉ là giọng ca đi cùng năm tháng mà còn là sự nghiệp trồng người đáng tự hào khi đào tạo ra một thế hệ nghệ sĩ vàng. Để ngày hôm nay, âm nhạc chính thống và đương đại có một lớp “ngôi sao” trưởng thành từ sự dìu dắt của thầy như Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Tùng Dương, Khánh Linh, Lan Anh, Tân Nhàn,…Trên cương vị của một người thầy, phương pháp đào tạo ông đã sử dụng có thể khích lệ thế mạnh cá nhân của từng học trò ấy là gì?

NSND Quang Thọ bên cạnh những người học trò của mình. Tính từ trái sang: Nhạc sĩ Lưu Hà An, ca sĩ Khánh Linh, ca sĩ Tùng Dương, TGĐ VietArt, NSND Quang Thọ, ca sĩ Lan Anh, ca sĩ Tân Nhàn, ca sĩ Đăng Dương. (Ảnh: Minh Anh)

NSND Quang Thọ: Tôi thật tình chẳng có phương pháp gì đặc biệt!

Mỗi một học sinh đều có điểm mạnh riêng, một sắc màu riêng không một người nào giống người nào. Học thanh nhạc không phải muốn là được, phải thật sự dày công khổ luyện. Trong lúc hướng dẫn, tôi thường hát lại những bài hát của các học sinh đã hát sai, thậm chí nhiều lần để thị phạm và sửa lại cho đúng.

Hơn nữa, tôi chỉ hướng trò của mình phải làm sao để hoàn thiện tốt nhất sở trường, thế mạnh cá nhân của mình, và định hướng trò đi theo sở thích mà trò theo đuổi. Bởi phải yêu thích và đam mê mới có thể thành công được.

Thứ hai, đã là người nghệ sĩ thì không thể buông lơi cảm xúc của mình, yêu nhiều, rung động và biết lãng mạn mới làm nên chuyện. Điều quan trọng là nghệ sĩ phải có kiến thức, tinh thần học hỏi và tình yêu ca hát, như vậy mới có thể sống với nghề và tỏa sáng.

Xin cảm ơn NSND Quang Thọ với những câu chuyện đáng trân trọng!

Theo Nguoiduatin