Vì sao các show truyền hình mua bản quyền Hàn Quốc được yêu thích?

– Nếu để ý sẽ thấy, vài năm gần đây, xu hướng show truyền hình trong nước dù vẫn ở trạng thái “mua bản quyền”, nhưng đang dịch chuyển theo hướng: Thay vì mua bản quyền các nước Âu – Mỹ, nhà đài chọn cách mua bản quyền của Hàn Quốc, thậm chí Trung Quốc.

Thay vì những cuộc thi có tính cạnh tranh thực sự, các show mua của Hàn thiên về giải trí nhiều hơn, phải chăng vì thế, dù không được quảng bá rầm rộ, khán giả Việt cũng vẫn ưu ái các show này.

Những bản Việt hóa giành được cảm tình

Đầu tiên phải kể đến “Giọng ải giọng ai” – Đây được coi là chương trình đầu tiên dành cho những giọng ca “thảm họa” có cơ hội thể hiện năng lực của bản thân dẫu sau đó nhận được là tràng cười không dứt từ khán giả và các khách mời. Tất nhiên, để tìm được những thí sinh “mù âm nhạc” và loại dần qua 3 vòng thi là Hóa thân, Siêu diễn và Lộ diện, rất cần sự phán đoán chính xác và một chút may mắn từ phía giám khảo. Cũng nhờ đó mà không ít tình huống “dở khóc dở cười” đã diễn ra tại sân khấu này hay khán giả cũng tìm được khá nhiều gương mặt triển vọng với giọng hát hay không kém ca sĩ.

“Giọng ải giọng ải” là chương trình được mua bản quyền từ “I Can See Your Voice” – một trong những show truyền hình ăn khách nhất Hàn Quốc và hiện tại đã phát sóng đến mùa 5. Tại đây, rất nhiều tên tuổi nổi tiếng của showbiz Hàn tham dự và họ không ngại hát với “giọng ca thảm họa” nào hết. Theo format chuẩn, chương trình sẽ đưa ra một nhóm người chơi, trong đó có một số người hát hay và có người không thể hát, thậm chí hát dở không tưởng tượng nổi. Những ca sĩ được mời tới sẽ xem xét thí sinh và có những gợi ý để tìm ra đối tượng thực sự có chất giọng tốt. Nếu người được chọn không thể hát, họ sẽ thắng giải thưởng trị giá 5.000.000 won (khoảng 100.000.000 VNĐ). Ngược lại, người được chọn mà hát tốt sẽ được song ca cùng ca sĩ đó và ra mắt một single.

Tại Việt Nam, “Giọng ải giọng ai” cũng lên sóng đến mùa thứ 3, ít được quảng cáo nhưng vẫn có lượng khán giả riêng ổn định. Sự ít quảng bá ấy thể hiện qua việc ít bài báo review, ít từ khóa gắn vào chương trình. Nếu gõ thanh công cụ tìm kiếm về những gì liên quan đến show ở mùa thứ 3 này, đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của Cát Phượng – Kiều Minh Tuấn sau lùm xùm tình tay ba vừa chiếm nhiều sóng báo giới giải trí 2 tuần vừa qua. Theo chia sẻ từ phía nhà sản xuất “Giọng ải giọng ai”, chương trình có sự tham gia của Cát Phượng và Kiều Minh Tuấn được ghi hình vào ngày 22-8, tức chỉ 2 tuần trước khi nam diễn viên xuất hiện trong một live stream và công khai tình cảm với bạn diễn trong “Chú ơi đừng lấy mẹ con” là An Nguy.

Thực tế là “Giọng ải giọng ai” bản Việt đã được Việt hóa khá nhiều so với format Hàn Quốc và khán giả yêu mến K-pop cho rằng bản Việt không thể nào bằng bản chính được, nhưng họ vẫn dành cho ê-kíp sản xuất chương trình này ở Việt Nam mời khen ngợi khi có dàn khách mời hài hước, phù hợp, với hai “đội trưởng” chính là Trấn Thành, Trường Giang và MC Đại Nghĩa.

Ngoài ra, chương trình “Mặt nạ ngôi sao” hay “Ca sĩ giấu mặt” cũng là những show được mua bản quyền từ Hàn Quốc, dù vướng vào một số ồn ào như: Mua giải, khách mời thái độ … thì vẫn được khán giả ưu ái dành thời gian xem chỉ đơn giản là vì… chương trình không nặng thi thố, chỉ giải trí, gây cười đơn thuần mà thôi.

vi sao cac show truyen hinh mua ban quyen han quoc duoc yeu thich
Chương trình “Giọng ải giọng ai” qua 3 mùa ở Việt Nam dù không được quảng bá nhiều, khán giả vẫn thấy thích thú. Ảnh: BTC

Nhưng đừng đơn giản quá hóa nhạt

Sở dĩ các chương trình mua bản quyền Hàn Quốc được khán giả trong nước ưu ái chấp nhận, có lời ngợi khen là bởi vài yếu tố: Bản gốc chương trình hay, chất lượng nhưng quan trọng hơn là sự gần gũi về văn hóa hai nước. Chưa kể, lượng fan hâm mộ K-pop ở Việt Nam không nhỏ, chính lượng fan này là những người “chịu khó” xem show Hàn bản gốc nhất, và sau đó, là những người xem show Việt để có sự đối chiếu, so sánh.

Các chương trình mua bản quyền Hàn, khác hẳn “The Voice” hay “Việt Nam Idol” nặng về thể hiện, đánh giá thí sinh, loại thí sinh… mà chỉ đơn thuần là giải trí: Hát vui vui, chơi chơi, tìm ra người chiến thắng mỗi tập, thế là xong, nên tính cạnh tranh hơn thua gần như không có, giảm bớt áp lực… thứ mà khán giả truyền hình hiện nay rất cần, họ đơn thuần muốn xem một show giải trí, phù hợp văn hóa mà thôi.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng: Các chương trình ở Việt Nam khi Việt hóa, phần nhiều chưa được như trông đợi của khán giả, khi đều mắc phải một lỗi là… để khách mời nói quá nhiều và có khi là đem thí sinh ra làm trò cười.

Hơn nữa, dẫu giải trí, nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ cười xong rồi thôi. Nếu để ý sẽ thấy bản gốc của “gọng ải giọng ai” bên Hàn có những giá trị hết sức nhân văn. Một là họ tạo điều kiện cho người chơi là người nước ngoài, vì thích Hàn Quốc, thích tiếng Hàn mà hát. Hai là, người có giọng hát tốt, chiến thắng trong mỗi tập sẽ được ra single và có trường hợp như của nam ca sĩ Hwang Chi Yeol – một người 10 năm làm huấn luyện viên thanh nhạc, có thực tài, ngoại hình đẹp nhưng không thể bước chân vào showbiz Hàn. Khi trở thành thí sinh của chương trình “I Can See Your Voice” mùa 1, anh không phải người thắng cuối cùng, nhưng được để ý và giờ, sau 5 năm chương trình lên sóng đã trở thành một ngôi sao âm nhạc thực thụ, trong đó, có có đông đảo fan châu Á và thế giới.

Trong khi “I Can See Your Voice” tập trung vào phần phân tích giọng hát của thí sinh thì “Giọng ải giọng ai” đôi khi đôi khi sa đà vào những trò cười nhàm chán của Trấn Thành và Trường Giang. Dẫu được khen ngợi, nhà sản xuất cũng nên có điều chỉnh, để ngoài giải trí, các chương trình thực sự có thêm những giá trị sâu sắc khác tôn vinh người chơi, thay vì chỉ đem người chơi ra mà “cười cho hả” rồi thôi. Có như thế, chương trình Việt hóa mới được yêu mến lâu dài.

Nam Dương