Ca sĩ ‘Buồn của anh’: Tôi không hát ngọng, đó là phát âm kiểu Sài Gòn

Buồn của anh là ca khúc thứ ba đạt mốc 300 triệu lượt nghe sau hai hit Em gái mưa (Hương Tràm) và Phía sau một cô gái (Soobin Hoàng Sơn). Đây cũng là ca khúc Indie/Underground đầu tiên trong lịch sử nhạc Việt chạm mốc 300 triệu lượt nghe.

Sở hữu nhiều thành công về lượt nghe và thời gian trụ hạng BXH nhưng Buồn của anh vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều. Không người cho rằng ca khúc chỉ là sự ăn may nhất thời khi lời bài hát đúng “gu” giới trẻ và được ra mắt vào thời điểm nhạc Việt không có nhiều tên tuổi lớn thống trị.

Đạt G, tác giả Buồn của anh, tiết lộ anh không biết rõ lý do ca khúc phổ biến vượt mức mong đợi. Trước thành tích của ca khúc “chào sân” Vpop, Đạt G cho rằng đây là sải chân quá rộng và có thể gây hoang mang cho bản thân.

Ca sĩ ‘Buồn của anh’: Tôi không hát ngọng, đó là phát âm kiểu Sài Gòn-1Đạt G cho rằng thành công của “Buồn của anh” là sải chân quá rộng cho một nghề sĩ trẻ vừa bắt đầu sự nghiệp.

“Tôi không hát ngọng, đó là phát âm vùng miền”

– Anh có 2 bài hát là “Buồn của anh” đạt 340 triệu lượt nghe và “Buồn không em” hiện đang đứng đầu một trang nghe nhạc trực tuyến. Tuy nhiên, cả 2 ca khúc đều vấp phải những phản ứng khác biệt, có người thích và có người phê phán nặng lời. Anh suy nghĩ thế nào về những ý kiến khen chê trái chiều này?

Tôi chỉ làm nhạc cho chính mình và những người yêu thích nhạc của tôi. Về những ý kiến trái chiều, tôi nghĩ có thể do tâm trạng của họ khác biệt với mạch cảm xúc của ca khúc. Với những những người có được sự đồng cảm, họ sẽ thấy yêu thích âm nhạc của tôi.

Tôi cũng không thể tự nghe nhạc của mình vào lúc vui. Khi vui, tôi sẽ nghe nhạc của người khác, chỉ khi nào buồn mới lắng nghe ca khúc của chính mình.

Những bình luận chỉ trích tôi cũng chỉ xuất hiện trên mạng Internet. Khi gặp ngoài đời, không ai có biểu hiện tiêu cực, vì thông thường người ta chỉ hay “ném đá” trên mạng thôi. Tôi không quan tâm đến những bình luận như vậy. Nếu để tâm quá nhiều, tôi đã bị đào thải khỏi showbiz lâu rồi.

– Hai ca khúc của anh được khán giả đón nhận rộng rãi nhưng vẫn không được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong những sáng tác tiếp theo anh sẽ cải thiện kĩ năng bản thân thế nào?

Việc tôi không được những người có chuyên môn thừa nhận khá đúng. Tôi là một người vốn không ai biết đến, vô tình có được một bài Buồn của anh mà nổi lên, vì vậy không được công nhận khả năng là chuyện đương nhiên. Tôi cho rằng mình cần phải phấn đấu tiếp.

Ca sĩ ‘Buồn của anh’: Tôi không hát ngọng, đó là phát âm kiểu Sài Gòn-2Chủ nhân hit “Buồn của anh” khẳng định bản thân không hát ngọng, chỉ bị nặng tiếng địa phương. 

Tuy nhiên, tôi không biết phải làm thế nào để chiều lòng được tất cả mọi người mà chỉ biết cố gắng theo sức mình. Tôi không đặt mục tiêu phải thuyết phục được đối tượng cụ thể nào.

Thay vào đó, mục tiêu của tôi là ca khúc của tôi phủ sóng rộng rãi. Mọi người dù không thích hay không muốn nghe nhạc của tôi thì đi ra ngoài sẽ phải bắt gặp ít nhất một lần, phải nghe thấy bằng cách này hay cách khác.

Mỗi thời đều có gu âm nhạc sở thích âm nhạc riêng. Ở thời điểm hiện tại, khán giả đang yêu thích gu âm nhạc và cách hát của tôi, nhưng có thể 2-3 năm tới dòng này không còn được mọi người lắng nghe nữa. Khi không còn được phổ biến như hiện tại, tôi sẽ có hướng đi mới cho riêng mình.

– Bên cạnh đó, anh cũng bị chỉ trích nhiều về việc hát ngọng?

Tôi từng bị chỉ trích là phát âm ngọng, nhưng tôi đã đi hỏi nhiều thầy cô luyện thanh và được biết đó thực chất là phát âm vùng miền. Tôi là người Sài Gòn, vì vậy khi hát tôi bị vướng phải một số lỗi phát âm quá địa phương, không đúng chuẩn tiếng phổ thông.

Việc hát ngọng tôi đã cố gắng khắc phục nhiều dù ban đầu khá khó khăn. Trước kia, tôi phải vừa hát vừa nhớ trong đầu các chữ đó phải phát âm thế nào cho đúng. Khi tôi hát, nếu hát sai cả ê-kíp cùng nhắc nhở. Hiện nay tôi đã quen, việc phát âm đúng như “ăn” vào máu rồi.

Cái ngọng của tôi là ngọng xấu, không phải là kiểu ngọng duyên để tạo điểm nhấn nên phải cố sửa. Tôi sửa phát âm nhưng vẫn giữ được cái màu, cái đặc trưng riêng của mình.

Hạn chế diễn ở bar vì muốn được khán giả tôn trọng

– Sự phổ biến của hai ca khúc trên đã có tác động gì đến cuộc sống của anh? 

Tôi nhận được nhiều lời mời chạy show hơn, nhưng tôi nhận lời có chọn lọc và hạn chế diễn ở bar. Tôi chỉ muốn hát ở những không gian giàu tính nghệ thuật để cảm thụ và thưởng thức âm nhạc, không muốn bài hát của mình chỉ để mua vui.

Tôi nghĩ diễn ở bar sẽ có nhiều kiểu khách khác nhau, có thể sẽ có người không để tâm đến ca sĩ đứng trên sân khấu. Tôi cần sự tôn trọng khán giả. Nếu hát ở bar, tôi cũng chỉ hát ca khúc của chính mình, không remix hay chạy theo dòng nhạc quen thuộc ở quán bar, vũ trường.

Ca sĩ ‘Buồn của anh’: Tôi không hát ngọng, đó là phát âm kiểu Sài Gòn-3Nam ca sĩ 23 tuổi muốn nhận được sự tôn trọng của khán giả. 

Thu nhập chính của tôi không nằm ở việc đi hát, vì vậy tôi không cần chạy show cật lực. Thu nhập của tôi đến từ việc làm nhạc. Nguồn thu khá này ổn định và giúp tôi thử thách bản thân ở việc giúp nâng tên tuổi của một ca sĩ khác lên.

Trước đây, khi ở công ty cũ, tôi còn chập chững không hiểu biết nhiều và thường được công ty chọn show hát bar. Tôi không hát được dòng nhạc thịnh hành ở các quán bar và cũng không thấy được sự tôn trọng khi đi diễn. Khi đó, mặc cho tôi đứng hát, họ vẫn cứ uống rượu.

– Khán giả thường chuộng hình tượng thư sinh, đẹp trai, nhưng ngoại hình của anh lại đi theo hướng bụi bặm và có phần “ngông”. Điều này liệu có trở thành trở ngại trong quá trình chinh phục khán giả?

Tôi nghĩ ngoại hình của bản thân không phải trở ngại, mà đó là hình ảnh gần gũi công chúng nhất có thể. Tôi là người ca sĩ mà khán giả tầng lớp sang trọng cũng có thể yêu thích mà khán giả bình dân cũng cảm thấy quen thuộc khi nhìn vào.

Tôi đi theo xu hướng hình ảnh có chất riêng hơn là ngoại hình chăm chút quá bóng bẩy. Trong tương lai, khán giả sẽ quen dần với phong cách ăn mặc hay những hình xăm trên người tôi.

Tôi thích trên người có những hình xăm, và tôi muốn trở thành người đầu tiên có thể giúp công chúng có cái nhìn thoáng hơn về việc xăm mình. Xăm mình không ảnh hưởng gì tới tính cách hay cuộc sống, tôi vẫn làm việc, viết nhạc, kiếm tiền từ chất xám của bản thân.

Ca sĩ ‘Buồn của anh’: Tôi không hát ngọng, đó là phát âm kiểu Sài Gòn-4Đạt G tiết lộ anh không thích vẻ ngoài chau chuốt bóng bẩy. “Tôi không hiểu tại sao nhạc của mình phủ sóng thị trường”

– “Buồn của anh” có thể xem là một tiền đề thuận lợi để anh tiến bước nhanh chóng trong showbiz?  

Ngược lại, Buồn của anh thậm chí có thể xem như một thất bại của tôi. Tôi may mắn khi với ca khúc đầu cũng là bước chân đầu tiên đã nhận được sự đón nhận to lớn của công chúng.

Nhưng, bước đi đó lại trở thành một sải chân quá to và không an toàn. Một bước đi quá lớn và vội vã khiến tôi phải chịu những điều tiếng không hay.

Tôi phải có trong tay thêm vài bài khác để chứng minh năng lực. Với những bình luận công kích, tôi không đáp trả mà chỉ lấy đó làm thử thách cho bản thân, mong công chúng chờ đợi những điều tôi sẽ làm tiếp theo.

– Anh từng vướng vào tranh cãi đạo nhạc Kpop và khiến nhiều người nghi ngờ về năng lực sáng tạo?

Tôi cảm thấy khá buồn cười khi bị fan Kpop “tấn công” ở thời điểm vướng vào tranh cãi. Sau đó, tôi phải đi tìm bằng chứng để minh oan. Tôi gửi email tới người sáng tạo bản nhạc gốc đó và xem xét lại ngày giờ phát hành mới phát hiện ra beat nhóm nhạc Hàn Quốc ra sau của tôi 1 năm.

Khi tôi đăng tải bằng chứng về ngày giờ phát hành và nội cuộc trò chuyện với người bán nhạc gốc, không ai trong số những người từng chỉ trích và tấn công tôi lên tiếng xin lỗi, cũng không có bài báo nào đính chính giúp.

Trong thời gian chưa chứng minh được bản thân không đạo nhạc, tôi cảm thấy bức xúc. Tôi nghe nhạc khá nhiều, nhưng cũng chỉ nghe nhạc Âu Mỹ, không nghe nhạc Hàn.

Ca sĩ ‘Buồn của anh’: Tôi không hát ngọng, đó là phát âm kiểu Sài Gòn-5Anh không lý giải được nguyên nhân âm nhạc của mình trở nên phổ biến trong thị trường âm nhạc. 

– Anh thừa nhận nguồn thu nhập chính đến từ việc sáng tác và sản xuất nhạc. Vấn đề tài chính có làm ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng các ca khúc do anh sáng tạo ra? 

Tôi đã có mức giá nhất định từ ban đầu và cũng không thích chuyện trả giá. Hơn nữa, tôi làm việc khá tuỳ hứng, không phải ai tôi cũng đồng ý viết nhạc. Giá một bài của tôi là 30 triệu đồng, nếu đó là ca khúc có cấu trúc khó hơn tôi sẽ tăng giá thêm.

Đây là mức giá khá cao so với mặt bằng chung các nhạc sĩ trẻ. May mắn là vẫn có nhiều anh chị tin tưởng.

Tôi không làm nhạc sẵn, không coi ca khúc của mình là trò chơi hay công cụ kiếm tiền. Mỗi bản nhạc của tôi đều là đứa con tinh thần, tôi gửi đứa con đó cho những người nghệ sĩ phù hợp để nuôi.

Hiện tại, tôi không tưởng tượng nhiều hơn về tương lai, chỉ cảm thấy may mắn khi được đón nhận rộng rãi. Nhưng thực lòng, tôi cũng không hiểu và không giải thích được tại sao nhạc của tôi phủ sóng thị trường.

Theo 2sao