Sau khi đổ vỡ hôn nhân ở Việt Nam, Hoa hậu Ngọc Khánh đã quyết tâm làm lại từ đầu bằng cách đi du học ở Mỹ. Tại đây, chị đã gặp lại người đàn ông gốc Mỹ từng si mê mình và cả hai nên duyên vợ chồng.
Hoa hậu Ngọc Khánh sinh năm 1976 , đăng Hoa hậu Việt Nam năm 1998. Chị từng là trải qua khá nhiều nghề: tiếp viên hàng không, nhân viên quan hệ công chúng (PR), người dẫn chương trình ( MC ), người mẫu, tiếp đến là làm việc tại Ban Thể thao Đài Truyền hình TP.HCM.
Chị tái hôn với chồng gốc Mỹ năm 2013 sau khi qua đây du học và định cư ở Mỹ cho đến tận bây giờ. Mới đây, chị được mời về Việt Nam làm khách mời đặc biệt trong đêm Chung khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam 2018 tổ chức tại Cửa Lò – Nghệ An.
Cuộc sống mới với chồng Tây trên đất Mỹ
Cuộc sống của chị như thế nào kể từ khi tái hôn với doanh nhân người Mỹ và định cư ở trời Tây?
Năm 2010, khi tôi quyết định qua Mỹ du học ngành Kinh doanh Thời trang, tôi vẫn nghĩ sau khi kết thúc khóa học, tôi sẽ quay lại Việt Nam để tiếp tục công việc. Bởi dù sao công việc của tôi ở Việt Nam thời điểm đó vẫn rất tốt. Trong những năm tháng làm nghề, tôi đã tạo cho mình được những nền tảng vững chắc và những mối quan hệ tốt đẹp.
Ngọc Khánh đang có cuộc sống hạnh phúc bên người chồng Tây là chủ xưởng sản xuất rượu vang.
Nhưng khi tôi qua đây học thì lại vô tình gặp lại anh bạn “người lạ cũ” (cười). Từ chỗ chỉ là bạn bè dần dần tình cảm được bồi đắp và chúng tôi quyết định đến với nhau.
Sau khi kết hôn, chúng tôi về tiểu bang Virginia, nơi gia đình anh Attilla – chồng tôi có một xưởng sản xuất rượu vang để tiếp quản công việc của gia đình theo đề nghị của bố chồng. Bố chồng tôi lúc đó đã 89 tuổi và ông muốn một vài người con trong số 5 người con tiếp quản nghề truyền thống của gia đình. Thực ra, khi quyết định về đây, vợ chồng chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều.
Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ tôi thấy đây là một cơ duyên rất tuyệt bởi khi ở Việt Nam tôi cũng rất thích rượu vang nhưng chưa có cơ hội để tìm hiểu về quy trình sản xuất của nó. Và những ngày tháng tiếp quản công việc của gia đình, tôi khám phá ra rất nhiều thứ mới lạ. Tôi nghĩ đây là cơ hội hiếm ai có được trong đời.
Thị trấn nhỏ nơi chúng tôi sống thuộc tiểu bang Virginia ở bờ Đông nước Mỹ có trường đại học khá danh tiếng nên rất vui vẻ. Cùng đất này cũng là nơi mà nhiều nhân vật “khai quốc công thần” của nước Mỹ sinh sống. Chẳng hạn như hai vị cựu tổng thống Thomas Jefferson và James Monroe.
Chúng tôi sống ở đây từ năm 2013 cho đến nay. Chồng tôi hàng ngày điều hành dây chuyền sản xuất rượu vang mà gia đình đã có sẵn, còn tôi hỗ trợ anh ấy một số công việc trong phòng thử rượu. Ngoài ra, tôi cũng làm thêm ở phòng ngôn ngữ của một tổ chức hỗ trợ người tị nạn.
Tại sao chị lại gọi ông xã của mình là “người lạ cũ”?
Thực ra, khi tôi quen Attilla là tôi vẫn chưa kết hôn với anh Lê Công Định. Chúng tôi quen nhau lần đầu tiên qua một sự kiện và chỉ với tính chất công việc. Thời điểm đó, Attilla mới qua Việt Nam và vẫn còn rất trẻ nên muốn dồn mọi sự tập trung cho sự nghiệp. Còn tôi lúc đó đang đứng trên đỉnh cao với rất nhiều mối quan hệ. Vì thế, dù sau này Attilla có thiện cảm với tôi nhưng cũng không bao giờ chủ động hẹn gặp.
Đến khi tôi lập gia đình, Attilla có mời tôi đi ăn trưa để tặng quà cưới. Trong lần gặp đó, Attilla thu hết can đảm nói với tôi rằng, anh ấy thích tôi nhưng nghĩ là chưa phải thời điểm thích hợp để tỏ tình vì anh ấy vẫn còn quá trẻ. Bên cạnh đó, Attilla cứ sợ tôi không thích người nước ngoài. Nói đúng ra là thời điểm đó tôi không thích có bất kỳ mối quan hệ tình cảm nào với người nước ngoài.
Ngọc Khánh ngẹn ngào khi trải lòng về những biến cố đã qua trong cuộc đời.
Lúc đó tôi đang làm tiếp viên hàng không và làm công việc truyền hình nên có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với người ngoại quốc. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ kết duyên với đàn ông nước ngoài. Tôi vẫn thích lấy chồng Việt Nam hơn bởi nói gì thì nói, sự tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa sẽ dễ gần gũi lẫn thấu hiểu nhau hơn.
Tuy nhiên, khi chúng tôi gặp lại nhau ở Mỹ, tôi đã thay đổi hẳn suy nghĩ. Attilla trong bên ngoài rất Tây nhưng tâm hồn lại có nhiều điểm khá gần với tôi. Có lẽ vì thế mà chúng tôi đã rất dễ dàng đồng cảm và chia sẻ với nhau mọi thứ trong cuộc sống.
Vậy trong lần gặp lại nhau ở Mỹ, Attilla đã nói gì với chị?
Ngày gặp lại, anh Attilla không nói gì với tôi hết vì anh ấy biết được hoàn cảnh của tôi đã đổ vỡ gia đình và tôi qua bên này theo học để mở ra một trang mới của cuộc đời. Lúc đó, Attilla đang ở Tây Ban Nha và quay về Mỹ gặp tôi chỉ với tư cách gặp lại người bạn cũ thôi. Sau đó, tôi không biết Attilla suy nghĩ làm sao mà anh ấy rời hẳn Tây Ban Nha về Mỹ. Và thời gian đó, Attilla đã giúp đỡ tôi rất nhiều để vượt qua những khó khăn khi mới sang đây du học. Nhất là thời điểm đó, độ tuổi của tôi cũng không còn trẻ như những sinh viên khác.
Trước sự chăm sóc rất chân thành, ý nhị và đầy cảm thông của Attilla, tôi đã thực sự siêu lòng. Với hoàn cảnh của tôi lúc đó không phải người đàn ông nào cũng đủ dũng cảm để tính chuyện lâu dài.
Nói thật, lúc đó tôi cũng không nghĩ mình sẽ lập gia đình nữa đâu bởi tôi đã trải qua những tổn thương quá lớn. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ mình sẽ học để có được thật nhiều kiến thức, sau này trở về nước làm nghề và gầy dựng một cuộc sống độc lập. Nhưng chính sự ân cần của Attilla đã khiến tôi cảm động và đi đến hôn nhân.
Mất hai năm để vượt qua khủng hoảng khi đổ vỡ hôn nhân
Chị có nghĩ rằng, chính những tổn thương sau đổ vỡ hôn nhân đã khiến chị phải ra nước ngoài để du học bằng được?
Đúng là khi biến cố ập đến với chồng cũ, tôi đã phải đối diện với không ít phiền toái. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những chuyện đang xảy đến với mình. Tôi nghĩ rằng, nếu mình cứ ngồi đây mà khóc và đau khổ thì cũng không giải quyết được việc gì. Bạn bè có thương cũng chỉ thương ngày một ngày hai thôi, ai cũng có mối lo riêng của họ. Nếu mình không găm lại trong lòng đau thương và tự đứng dậy sẽ không ai đỡ được mình đứng dậy được.
Nhan sắc của Ngọc Khánh sau 20 năm đăng quang Hoa hậu Việt Nam.
Thực ra, khi tôi và chồng cũ chia tay, chúng tôi cũng có nhiều day dứt. Nhưng anh ấy bảo với tôi rằng, anh ấy đã không mang đến cho tôi hạnh phúc thì cũng không muốn cản bước tương lai của tôi. Khi chúng tôi đến với nhau cũng vì yêu, vì nể và vì tương đồng suy nghĩ… lúc chia tay cũng trên cơ sở hiểu biết, văn minh. Tất nhiên, cuộc chia tay nào cũng có những đớn đau, luyến tiếc và tổn thương. Nhưng cái gì đã đến thì cũng không thể thay đổi được.
May mắn là đến bây giờ tôi với chồng cũ vẫn là bạn tốt của nhau. Tôi rất mừng là chồng cũ đã ổn định cuộc sống, có gia đình mới và có hai con rồi.
Chị mất bao nhiêu thời gian để vượt qua những khủng hoảng sau khi ly hôn?
Chắc khoảng 2 năm đấy. Trong khoảng 2 năm đó, nhiều khi tôi phải tự thôi miên mình. Tôi tự nhủ với lòng là phải mạnh mẽ, phải quên đi buồn đau và ngủ một giấc thật sâu để hôm sau ngủ dậy sẽ bắt tay làm lại từ đầu.
Tôi nghĩ, người phụ nữ nào cũng cần có sự chủ động và độc lập. Mọi việc không có gì là dễ dàng, kể cả với hoa hậu. Tôi nghĩ, trong cuộc đời mỗi con người sẽ có “đận” này, “đận” kia. Cái khổ của tôi là vì mình là người của công chúng nên sẽ bị mọi người chú ý hơn. Nhưng không vì thế mà mình cho phép mình dừng lại hoặc đứng yên. Số phận của mình là do mình quyết định và mình cũng là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Có một câu tôi không thích lắm nhưng vẫn phải hành động theo đó là “Muốn vượt qua đau khổ là phải đi xuyên qua nó”.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
(Còn tiếp)
Hà Tùng Long
Theo Dân Trí