Việc “thả nổi” cho nhà sản xuất đã khiến các show thực tế ngày càng nhiều vụ lùm xùm. Việc xã hội hóa truyền hình đã tạo cơ hội cho các công ty tư nhân liên kết với các đài truyền hình để sản xuất các chương trình truyền hình thực tế (THTT). Nhờ đó, người xem truyền hình có nhiều sự lựa chọn trong hoạt động giải trí. Tuy nhiên, việc thả nổi cho các nhà sản xuất đã khiến một số chương trình THTT ngày càng vướng vào nhiều vụ lùm xùm không đáng có. Nhiều mà vẫn thiếu Bắt kịp xu thế phát triển của truyền hình thế giới bằng phương thức hợp tác với các đơn vị sản xuất truyền hình tư nhân, đã giúp truyền hình Việt Nam, từ các đài Trung ương đến địa phương ngày càng khởi sắc. Bằng chứng là ngày càng có nhiều chương trình THTT phục vụ một cách thiết thực nhu cầu giải trí và học tập dành cho nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Tính đến thời điểm hiện tại, gần như trên thế giới có chương trình gì thì Việt Nam cũng ngay lập tức có chương trình đó. Từ các chương trình được Việt hóa đến những chương trình “made in Vietnam” đều được các nhà đài phát vào khung giờ vàng – là thời điểm có nhiều người xem nhất trong ngày. Nhìn vào danh sách dài dằng dặc này, nhiều người sẽ nghĩ khán giả truyền hình đang sướng hơn “thượng đế” nhưng kỳ thực, “thượng đế” đang phải khổ sở khi nhìn đâu cũng thấy THTT “nhái” lại của nước ngoài một cách cứng nhắc. Trong khi các nhà sản xuất và nhà đài đang mải chạy theo lợi nhuận được đong đếm bằng các con số thì chất lượng các chương trình đang là dấu hỏi. Thậm chí có chương trình cố vin vào scandal để tăng rating nhằm thu lợi.
Trong chương trình Nhân tố bí ẩn tạo, ca sỹ Anh Thúy đã đóng giả thí sinh Huyền Minh, dựng nên vở kịch thương tâm hòng lấy nước mắt của khán giả.
Cụ thể, trong 3 mùa phát sóng của Vietnam’s next top model, không mùa nào mà các “host” (giám khảo chính) của chương trình không bị dư luận lên tiếng. Hết Hà Anh bị chê ở mùa đầu vì ăn mặc kệch cỡm khi lên sóng, lại đến Xuân Lan bị “ném đá” vì mắng thí sinh… Rất nhiều chương trình nếu không dính đến các thị phi từ “vạ miệng” của giám khảo thì cũng liên quan đến những câu chuyện đau lòng ở hậu trường, rồi kết quả bình chọn. Gần đây nhất là ồn ào liên quan đến chuyện BTC chương trình Nhân tố bí ẩn tạo điều kiện cho ca sỹ Anh Thúy đóng giả thí sinh Huyền Minh dựng nên vở kịch thương tâm hòng lấy nước mắt của khán giả, nhưng cuối cùng đã bị lộ tẩy. Có thể nói, việc “thả rông” cho các THTT hoành hành trên sóng truyền hình, bất chấp sự phản ứng của dư luận đã khiến các chương trình “hot” đang dần bị giảm nhiệt. Nhiều “thượng đế” có cảm giác mình đang bị lừa khi mất cả buổi ngồi xem TTHT nhưng cuối cùng lại phải ôm cục tức vào mình hoặc trót dại khi tham gia các chiêu trò nhắn tin bình chọn. Vì sao “lọt sạn”? Theo quy định, các nhà đài không được phép bán sóng mà chỉ được liên kết để sản xuất các chương trình. Còn về nguyên tắc, khi một đài truyền hình ký hợp đồng với các đơn vị tư nhân sản xuất một chương trình truyền hình nào đó thì nhà đài phải chịu trách nhiệm về nội dung. Nghĩa là nhà đài phải có đại diện tham gia vào quá trình sản xuất chương trình này. Ngoài ra, trước khi lên sóng, nhà sản xuất phải gửi băng đến để nhà đài kiểm duyệt. Quy trình này được thực hiện khá chặt chẽ và khoa học ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc này lại diễn ra có phần lỏng lẻo, thậm chí, có chương trình do nhà sản xuất quyết định. Đó là lý do giải thích tại sao một số chương trình “lọt sạn” và bị dư luận phản đối.
Nhiều show truyền hình thực tế ngày càng nhạt.
Ở nước ngoài, khi chương trình có sự cố, trách nhiệm thường được phân chia rạch ròi giữa ba bên: hạ tầng, sản xuất và thương mại. Khi có khủng hoảng, các bên vẫn có trách nhiệm liên đới nhưng rơi vào bên nào thì bên đó phải chịu trách nhiệm. Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Cát Tiên Sa, một trong những “cha đẻ” của rất nhiều chương trình THTT cho rằng, chưa có luật nào quy định về việc kiểm soát một cách nghiêm ngặt nội dung của các chương trình THTT. Do đó, khi một chương trình nào đó bị khán giả quay lưng, đồng nghĩa với lỗ thì các nhà sản xuất sẽ tự động rút lui. Tuy nhiên, dưới góc độ là khán giả, ông Minh cũng thừa nhận cần phải có việc kiểm soát và sàng lọc các chương trình THTT để không bị hỗn loạn và khán giả không bất đắc dĩ trở thành “nạn nhân”. Nghệ sỹ Đức Hải, Phó tổng giám đốc Smedia chia sẻ, khi anh đưa ra một sản phẩm mà cách làm là để người xem quen với sự lừa dối… thì phải cần có một cơ quan kiểm chứng. THTT mà càng đi theo xu hướng lá cải, câu khách, giải trí hời hợt… sẽ chẳng khác gì biến truyền hình thành chợ. Mà chợ ở ngoài đời còn có ban quản lý thì không hà cớ gì nhà đài lại thả nổi mãi như thế được. Tất nhiên, cái đó phải có sự kiểm soát của cơ quan quản lý văn hóa – truyền hình nữa. Về phía các nhà đài, đại diện truyền thông Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cho rằng, trong tất cả các chương trình nhà đài sản xuất hoặc phối hợp sản xuất, trước khi đưa lên sóng đều có các ban kiểm duyệt để thẩm định. Quy trình thực hiện này luôn chặt chẽ và nghiêm túc. Tuy nhiên, có những việc nằm ngoài sự kiểm soát của nhà đài nên khi xảy ra sự cố họ phải trao đổi với đối tác sản xuất. Và trong tất cả các sự cố liên quan đến các chương trình truyền hình thực tế của VTV gần đây đều có sự giải quyết triệt để và không bao giờ nhà đài đứng ngoài cuộc.
Khánh Toàn
Theo GiadinhNet