Ca sĩ Việt mải vay mượn, chắp vá đến đáng cười

Ca sĩ Hoài Lâm vừa tung ra sản phẩm âm nhạc mới nhất của anh: ca khúc “Như những phút ban đầu”. Chưa kịp vui mừng với sản phẩm gắn mác “không bắt chước” của thần tượng, những ai trót mến mộ Hoài Lâm đã không khỏi hụt hẫng khi nghe những lời ca đầu tiên… Cách luyến láy, nhả chữ của quán quân “Gương mặt thân quen 2014” khiến người nghe liên tưởng ngay đến giọng hát của “hoàng tử tình ca” Bùi Anh Tuấn. Bước ra từ những màn bắt chước quá “đỉnh” trong chương trình “Gương mặt thân quen”, Hoài Lâm đã không thể trở về là chính mình. Tên tuổi của anh “nóng rẫy” ở các tụ điểm giải trí, chương trình talk show; show diễn của anh dày đặc ở các sân khấu, phòng trà cũng chỉ bởi khán giả vẫn còn tò mò, hứng thú chuyện anh hóa vai thành Sơn Tùng M-TP, nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, ca sĩ Nguyễn Hưng, cố NSƯT Thanh Nga… Phải chăng vì con người thật, tài năng thật của Hoài Lâm không có gì hay ho? Nếu nghe Hoài Lâm hát nhạc dân ca, quê hương, trữ tình – sở trường bấy lâu nay của anh – hẳn nhiều người sẽ… ngao ngán. Bởi chất giọng không có gì đặc biệt gây ấn tượng. Nó dễ nghe, mượt, nhưng thiếu chất riêng, thiếu cảm xúc để bài hát làm run rẩy khán thính giả. Hào quang của “Gương mặt thân quen” càng khiến nó lu mờ, lẫn vào hàng trăm giọng hát khác.

Ca sĩ Việt mải vay mượn chắp vá đến đáng cười

Hoài Lâm

Một trường hợp cũng trở nên nổi tiếng nhờ chiêu trò bắt chước là ca sĩ, diễn viên Don Nguyễn. Cách đây hai, ba năm, những clip chế, nhại tiểu phẩm hài, bài hát vui của Don Nguyễn như: “Vọng cổ geisha”, “Tập đếm”, “Tiết mục thảm họa của thí sinh thi vòng thử giọng Vietnam Idol”… đã được đông đảo giới trẻ hưởng ứng và chia sẻ với nhau một cách nhiệt tình. Ngay lập tức, Don Nguyễn nổi như cồn. Nhưng dù anh bắt chước có thú vị đến đâu thì cũng chỉ “mua vui được vài trống canh”. Khi nhận thấy trò “chế, nhại” trở nên nhàm chán, Don Nguyễn nhanh chóng tung ra các bài hát hài hước của riêng mình như: “Ông xã em number one”, “T”, “Bà xã tôi number one”… Tiếp sau đó, Don Nguyễn tiếp tục khẳng định mình qua một vài bộ phim truyền hình, điện ảnh. Rõ ràng, về tài bắt chước, có lẽ Hoài Lâm vẫn nhỉnh hơn Don Nguyễn bởi khả năng nhại giọng, làm bộ rất giống. Thế nhưng, dùng nội lực để “thoát xác” nhân vật mình vay mượn trước đó, khẳng định giá trị bản thân, Don Nguyễn lại là người thành công. Còn nhớ, ngày trước Hoài Lâm từng góp mặt trong một tiểu phẩm hài. Anh vào vai một thanh niên nhại giọng của ca sĩ Lam Trường, Tuấn Hưng, Hồng Ngọc để tham gia cuộc thi tuyển chọn ca sĩ. Hoài Lâm nhại rất đạt từ giọng ca cho đến điệu bộ. Mặc dù được khán giả vỗ tay thích thú nhưng anh vẫn bị nghệ sĩ Hữu Lộc – ban giám khảo trong vở kịch- đánh rớt vì: “Toàn bắt chước người khác, không có tố chất riêng”. Tên vở kịch được đặt là “Hoang tưởng” nhằm gửi thông điệp: Đừng hoang tưởng rằng có khả năng bắt chước giống y người khác là mình tài năng, sáng tạo. Vậy mà sự hoang tưởng đó bây giờ nhan nhản trong làng nhạc trẻ Việt.

Ca sĩ Việt mải vay mượn chắp vá đến đáng cười

Sơn Tùng M-TP và nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay là “bản sao” Việt của K-pop.

Không chỉ hình thức biểu diễn, ngoại hình, cách ăn mặc, đi đứng, ý tưởng MV (clip ca nhạc)… của nghệ sĩ xứ ta giống y nhạc Hàn mà chuyện sáng tác luôn dính nghi án vay mượn, bắt chước nhạc nước ngoài (đại đa số là nhạc Hàn). Nhắc đến đây, hẳn nhiều người sẽ nhớ đến vụ ầm ĩ “mượn” beat (nhạc nền) nhạc Hàn của ca sĩ Sơn Tùng M-TP xảy ra cách đây không lâu. Sơn Tùng M-TP còn bị báo chí Hàn Quốc phanh phui chuyện bắt chước cách ăn mặc, để tóc, kẻ mắt và phong cách biểu diễn của nam ca sĩ đình đám xứ kim chi G-Dragon. Hàng loạt các bài hit của Sơn Tùng và nhiều ca khúc của âm nhạc đại chúng Việt na ná nhạc Hàn. Bắt chước thể hiện sự lười biếng trong lao động sáng tạo, một kiểu khoe mẽ và ăn sẵn của nghệ sĩ. Các show diễn dày đặc của họ đang biến trò sao chép trở thành một món mồi béo bở đậm mùi tiền cho những tay bầu show. Sự tung hô, tôn vinh những “ngôi sao bắt chước” như Hoài Lâm, Sơn Tùng M-TP… là thần tượng đang cho thấy trình độ thưởng thức và cảm quan nghệ thuật của một bộ phận công chúng trẻ. Họ đang lầm lẫn giữa nghệ thuật và giải trí, đánh đồng giữa sáng tạo và sao chép. Christopher Columbus, người phát hiện ra châu Mỹ, từng đố mọi người đặt quả trứng luộc này lên bàn sao cho nó đứng yên, không lăn. Không một ai làm được. Columbus giải đố bằng cách đập khẽ đầu quả trứng xuống mặt bàn và đặt luôn chỗ móp của quả trứng lên bàn. Ai cũng ồ lên, bảo làm thế thì ai chẳng làm được, chuyện nhỏ. Ông cười mà rằng: “Đúng, chuyện nhỏ, nhỏ như chuyện tôi tìm ra châu Mỹ vậy”. Từ câu chuyện trên, người ta nhận thấy rằng sản phẩm của sáng tạo đôi khi rất đơn giản, nhưng quan trọng ai là người tạo ra nó đầu tiên. Điều đó đòi hỏi sự tư duy, tìm tòi. Sản phẩm của sáng tạo mang tính duy nhất, không lặp lại, khẳng định một giá trị riêng. Tài bắt chước người khác không làm nên giá trị vĩnh cửu, nhất là trong địa hạt nghệ thuật. Bắt chước dù tài giỏi cỡ nào, cũng chỉ là tài giỏi về mặt kỹ nghệ để tạo nên bản sao, không thể là sự đột phá sáng tạo. Nghệ thuật chỉ tạm chấp nhận sự bắt chước hay nói chính xác hơn là sự vay mượn khi từ sự vay mượn đó, người ta làm nên những giá trị mới. Nếu biết nền K-pop (âm nhạc đại chúng Hàn Quốc) vốn được hình thành, phát triển từ việc bắt chước âm nhạc Mỹ, hẳn sẽ có ý kiến cho rằng, chuyện nhạc Việt bắt chước nhạc Hàn cũng là điều bình thường. Nằm trong chiến lược phát triển công nghệ hiện đại về giải trí, Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho những nghệ sĩ của mình đến tu nghiệp tại Mỹ và các nước có nền công nghệ giải trí phát triển. Họ được tiếp cận, học hỏi những cách thức, quy trình sản xuất nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao từ các nhà sản xuất của Mỹ, phương Tây. Những năm đầu, nền âm nhạc đại chúng Hàn Quốc có thể coi là bản sao hoàn hảo của âm nhạc Mỹ. Thế nhưng, Hàn Quốc vốn là một nước có nền âm nhạc nội địa đặc sắc. Ngoài kho tàng  âm nhạc truyền thống thì âm nhạc chuyên nghiệp của Hàn Quốc cũng rất phát triển với nhiều tên tuổi tầm cỡ thế giới. Nền giáo dục âm nhạc cơ bản rất vững chắc. Cho nên càng về sau, văn hóa nội địa với bề dày truyền thống được xây dựng trên nền tảng bền vững càng lọc bỏ dần các yếu tố ngoại lai trong âm nhạc. Những sản phẩm âm nhạc mang đặc trưng Hàn Quốc với các nhóm nhạc thần tượng đẹp trai xinh gái bắt đầu xuất hiện với quy trình sản xuất, công nghệ hiện đại Mỹ. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dòng nhạc đang thịnh hành như R&B, dance, pop… với văn hóa Hàn Quốc (cách ăn mặc, tạo hình, vũ điệu, giao tiếp… ) và công nghệ quốc tế hóa. Chưa đầy một thập niên “bắt chước”, K-pop đã “thoát xác” và không chỉ khẳng định mình ở nội địa mà còn lan rộng trên toàn thế giới, đặc biệt gây ảnh hưởng sâu đậm ở các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Học tập con đường “bắt chước” của K-pop, chúng ta bắt chước lại nhiều nền âm nhạc trên thế giới. Nếu những năm đầu thế kỉ XXI, nhạc Việt chịu ảnh hưởng của nhạc Trung Quốc, nhạc Nhật thì về sau, làn sóng K-pop chiếm lĩnh. K-pop gây ảnh hưởng mạnh đến mức, chúng ta quyết tâm đưa “gà nòi” sang Hàn Quốc để đào tạo thành những ngôi sao ca nhạc như cuộc thi “Ngôi sao Việt” đã làm. Nhưng đến bây giờ, sau một thời gian vay mượn, nhìn ca sĩ Việt Nam, người ta vẫn ngỡ đó là ca sĩ Hàn Quốc. Nhạc Việt “vay mượn” hoài mà không có “trả” và bắt chước vẫn hoàn bắt chước. Văn sĩ và thi sĩ Mỹ hàng đầu của thế kỷ XX Thomas Stearns Eliot từng viết: “Phép thử chắc chắn nhất là chuyện thi sĩ vay mượn. Thi sĩ kém làm xấu đi những gì mình lấy, còn thi sĩ giỏi biến nó thành cái gì đó hay hơn, hoặc ít nhất cũng khác đi. Thi sĩ giỏi biết gắn thứ ăn cắp thành một tổng thể cảm xúc duy nhất, hoàn toàn khác với cái nguồn mà từ đó nó bị xé ra; thi sĩ kém ném nó vào một thứ gì đó thiếu sự kết dính”. Vay mượn để cuối cùng trở thành tay “ăn cắp”, biến cái của người khác thành cái của mình, mang dấu ấn của mình, hẳn nhiên là điều không dễ. Còn tài hèn, sức kém chỉ có thể là tay thợ sao chép, bắt chước một cách máy móc cái của người khác.

Theo N.T/CAND