Avicii, Kim Jong Hyun và Chester Bennington là những nghệ sĩ tài năng đã qua đời. Họ chịu nhiều áp lực công việc, bệnh trầm cảm và những cuộc chơi về đêm dẫn đến tự sát.
Vào ngày 20/4, DJ nổi tiếng người Thụy Điển, Avicii qua đời vì lý do tự sát ở tuổi 28. Tương tự Avicii, tháng 12/2017, ca sĩ trẻ Kim Jong Hyun, thành viên nhóm SHINee, cũng đột ngột qua đời ở tuổi 27. Trước đó, vào tháng 8/2017, thành viên Chester Bennington của nhóm Linkin Park cũng tìm đến cái chết bằng cách tự tử.
Trước khi quyết định ra đi bằng cách tự sát, họ đều là nghệ sĩ trẻ tuổi tài năng, đang đứng trên đỉnh cao của thành công. Vậy điều gì đã khiến họ, những người tưởng chừng như đang có tất cả, lại chọn cách ra đi vĩnh viễn?
Áp lực công việc
Nghệ sĩ càng nổi tiếng, càng phải đối mặt với lượng công việc khổng lồ, thời gian làm việc quá mức cùng những áp lực nặng nề từ phía công ty quản lý, người xem và giới truyền thông.
Là một trong những DJ hàng đầu thế giới, Acivii phải di chuyển rất nhiều trong tour diễn thế giới, nhiều đêm anh phải chơi nhạc ở hai địa điểm khác nhau. Áp lực công việc nặng nề cùng lịch làm việc kín khiến anh cảm thấy mệt mỏi.
Avicii, DJ nổi tiếng của Thuỵ Điển qua đời vào tháng 4 |
Ngoài việc đi tour diễn liên tục, anh còn là một con người cầu toàn, luôn sáng tác và làm việc quá sức trong phòng thu. Thậm chí, Avicii từng chia sẻ anh có thể làm việc liên tục trong 60 tiếng, không hề chợp mắt.
Là một người sống nội tâm và e ngại ánh đèn sân khấu, vì thế, trước khi biểu diễn, anh còn phải tập luyện và có sự chuẩn bị kỹ càng khiến cơ thể luôn trong trạng thái lo âu thường trực. Chính áp lực của công việc khiến anh càng dễ dàng đánh mất bản thân và bị rối loạn cảm xúc.
Tương tự, thành viên nhóm SHINee cũng nhiều lần nói về những áp lực trong công việc trước khi ra đi: “Có lẽ tôi không hợp làm người nổi tiếng. Tôi biết điều đó đã làm cuộc sống tôi khó khăn hơn nhiều”. Kim Jong Hyun thậm chí còn chia sẻ sự tuyệt vọng: “Tôi không hiểu vì sao mình lại chọn nó”.
Vốn dĩ, ngành giải trí Hàn Quốc luôn đòi hỏi sự hoàn mỹ từ các nghệ sĩ. Nhiều ngôi sao Kpop phải đối mặt với những khó khăn không tưởng, trải qua nhiều năm trời tập luyện để có thể nổi tiếng. Họ luôn bị công ty quản lí kèm cặp gắt gao từ phong cách biểu diễn nhạc, ngoại hình, thời trang, cách ăn uống, tập luyện và thậm chí việc sử dụng điện thoại.
Đến khi đứng lên sân khấu đầy ánh hào quang, họ tiếp tục phải đối mặt với áp lực công việc nặng nề, lời phê bình gay gắt của giới truyền thông, không còn cuộc sống riêng và thời gian riêng cho bản thân. Đôi khi họ không thể là chính mình trên sân khấu mà luôn phải tỏ ra vui vẻ, hoà đồng để che đi những nỗi buồn trong lòng.
Như giọng ca chính của Linkin Park từng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Music Choice: “Ngay cả khi cuộc sống tốt đẹp, tôi vẫn không hài lòng và luôn thấy khó chịu”.
Sau cùng, có lẽ vì thế, rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới đã chọn con đường kết thúc cuộc đời mình, dù đang trên đỉnh cao của thành công.
Bệnh trầm cảm
Bệnh trầm cảm là một loại bệnh tâm lý khá phổ biến trong giới nghệ sĩ. Theo thống kê của tờ Health, nghệ sĩ được xếp thứ 5 trong top 10 nghề với khả năng bị bệnh trầm cảm cao nhất. Rất nhiều nghệ sĩ vì mắc chứng bệnh tâm lý này mà tự sát, như ca sĩ Nick Drake năm 1974, nhạc sĩ Elliott Smith năm 2003.
Điều đáng nói. căn bệnh này thuộc về tâm lý, khó có thể nhận biết được nếu người bệnh không mở lòng tâm sự. Đó là câu chuyện của Chester Bennington. Vài tiếng trước khi bi kịch xảy ra, Bennington vẫn vui vẻ và cười đùa cùng những thành viên trong gia đình theo chia sẻ của vợ. Cô nhớ lại: “Đây là bệnh trầm cảm mà chúng tôi chỉ nhận thức được vài tiếng trước khi anh mất. Tôi muốn cho mọi người biết rằng căn bệnh này không dễ nhận biết ở mặt hay tính cách”.
Việc anh kết thúc đời mình trong hoàn cảnh như thế, vẫn là một cú sốc lớn đối với gia đình và người thân.
Trước đó không lâu, vào tháng 5/2017, bạn thân của Bennington là Chris Cornell (thành viên nhóm Soundgarden) cũng tự tử.
Bennington tuy buồn bã vì sự ra đi của bạn thân, anh vẫn luôn tỏ ra vui vẻ và viết rất nhiều ca khúc mới. Anh còn nói với một người bạn rằng: “Chúng ta phải ở bên nhau, còn rất nhiều điều cần trải nghiệm trong cuộc sống”.
Jong Hyun cũng không dễ dàng để tâm sự về bệnh tâm lý của mình.
Nam ca sĩ cố gắng sống vui vẻ nhưng nói rằng mình không thể tiếp tục được nữa trong lá thư tuyệt mệnh. “Bệnh trầm cảm đã nuốt lấy tôi từ bên trong khiến tôi không thể chống lại nó. Tôi đã rất cô đơn”, anh viết những dòng chữ cuối đời.
Kim Jong Hyun, thành viên nhóm SHINee tự tử vì bệnh trầm cảm |
“Việc kết thúc đời mình là rất khó khăn. Tôi đã cố gắng sống tốt đến bây giờ. Hãy nói rằng tôi đã làm được một việc tốt”, anh viết tiếp.
Trong thư, anh còn luôn nhấn mạnh đến những thành tựu mình đạt được và mong muốn được mọi người công nhận nó. Nhiều người hâm mộ rất sốc khi nghe tin cũng bởi trước đó vài ngày, anh vẫn vui vẻ khi ra mắt công chúng.
Rượu bia và chất kích thích
Bennington có tuổi thơ bị xâm hại tình dục, bạn bè bắt nạt khiến anh mất đi tự tin cho bản thân. Trong hoàn cảnh đó, anh đã tìm kiếm đến các loại thuốc kích thích để quên đi nỗi đau. Sau này, Bennington luôn thẳng thắn lên tiếng về việc nghiện ngập của mình và từng phải đi cai nghiện vào năm 2006.
Tuy nhiên, như một thói quen khó bỏ, anh lại uống rượu và bất tỉnh sau khi cai nghiện vài tháng. Trước khi qua đời, anh tâm sự với bạn thân Ryan Shuck rằng mình đã cai rượu trong 6 tháng nay nhưng mọi chuyện chẳng hề dễ dàng.
Chester Bennington, giọng hát chính của Linkin Park cũng tự kết thúc đời mình vì bệnh trầm cảm và nghiện ngập |
Theo tờ Rolling Stone, bạn thân nam ca sĩ kể lại: “Anh ấy đã diễn tả lại cuộc đấu tranh với cơn nghiện khó khăn như thế nào. Anh nói, cứ một giờ trôi qua tôi lại muốn uống rượu nhưng rồi anh cố gắng vượt qua nó”. Bạn thân Shuck cho rằng anh đã không kiềm chế được bản thân và uống rượu trước khi tự tử.
DJ Avicii cũng bị cám dỗ của những bữa tiệc rượu miễn phí sau mỗi buổi biểu diễn. Nói với tờ GQ, anh cho biết mình sử dụng rượu để giảm sự lo lắng khi ở đám đông.
Còn trong cuộc phỏng vấn với Rolling Stone, anh nói: “Tôi đã uống rất nhiều, các bữa tiệc được tổ chức hằng đêm. Nhưng tôi đã nhận ra rằng cơ thể và cả tinh thần của mình không thể chịu đựng được nữa”.
“Khi bị cuốn vào những cuộc ăn chơi, bạn sẽ cảm thấy thật cô đơn và lo lắng. Bạn không thể thoát khỏi nó dù biết nó độc hại đến mức nào”, DJ nói thêm.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều các loại thức uống có cồn và cuộc ăn chơi về đêm khiến cơ thể anh suy yếu. DJ Wake Me Up phải dừng tour diễn và phẩu thuật cắt bỏ ruột thừa và sạn túi mật.
Anh cảm thấy thoải mái hơn khi được về nhà và tránh xa những cuộc chơi về đêm. Tuy nhiên, vài tiếng trước khi tự kết liễu đời mình, người xem lại thấy anh đang vui chơi trong bữa tiệc tối cùng người hâm mộ. Không theo một cách chính thức, nhưng nhiều người tin rằng, rượu là một trong những nguyên nhân khiến Avicii mất khả năng kiểm soát bản thân, dẫn đến hành vi tiêu cực và không thể cứu vãn.
Thanh Lê
Theo Zing