Dù là một trong những sự kiện điện ảnh danh giá nhất hành tinh, LHP Cannes lại thường được nhắc đến bởi những pha thảm đỏ ồn ào và phim gây tranh cãi.
Với lịch sử hơn 70 năm, LHP Cannes là một trong những liên hoan phim lâu đời và uy tín nhất trên thế giới. Hàng năm đến hẹn lại lên, các ngôi sao hàng đầu, những nhà làm phim danh tiếng, nhà đầu tư giàu có, những tên tuổi quyền lực của nền công nghiệp điện ảnh lại tụ hội về thành phố biển xinh đẹp của nước Pháp cho một tuần công chiếu, trao giải và quảng bá các bộ phim nghệ thuật đặc sắc.
Nổi tiếng là một sự kiện trang trọng, nhiều quy định chặt chẽ, LHP Cannes lại thường gây “náo loạn” bởi những màn trình diễn thảm đỏ hở bạo và các tác phẩm 18+ được vinh danh.
Muốn nổi, cứ “làm lố”, khoe thân trên thảm đỏ
Khác với phần lớn những lễ trao giải, liên hoan phim dành cho giới chuyên môn và tên tuổi gạo cội, LHP Cannes từ lâu được biết đến như một sân chơi cởi mở. Ở Cannes, những gương mặt mới, những bản sắc văn hoá lạ lẫm, những làn gió phương Đông luôn được mở rộng vòng tay chào đón.
Có lẽ vì vậy nên mỗi năm ở Cannes, công chúng chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều ngôi sao kém tên tuổi. Một phần trong số đó, đến với liên hoan phim để quảng bá cho tác phẩm hoặc theo diện khách mời của nhãn hàng, phần còn lại đến Cannes để thu hút sự chú ý, tạo danh tiếng.
Hoa hâụ Quý bà Trung quốc ăn mặc mát mẻ, ngã sõng xoài trên thảm đỏ LHP Cannes. |
Không ngạc nhiên khi thảm đỏ của LHP Cannes – sự kiện được quan tâm nhiều không kém lễ trao giải – luôn tràn ngập những “người đẹp vô duyên” với hàng tá chiêu trò để được lên mặt báo.
Quen thuộc nhất trong số các “chiêu” gây chú ý là chưng diện hở bạo. Chẳng khó để tìm thấy một bộ cánh “nóng mắt” trên thảm đỏ của LHP Cannes hàng năm. Phần lớn trong số này là các mỹ nhân vô danh đến từ Trung Quốc, đến dự Cannes theo diện mua vé.
Để lọt vào ống kính phóng viên nước ngoài, những người đẹp này không ngại phô bày cơ thể hoặc bày trò gây chú ý.
Ngoài trang phục hở hang, những bộ cánh quái dị cũng thường thấy trên thảm đỏ LHP Cannes |
Nếu không có cơ thể đủ đẹp để khoe, những tên tuổi kém nổi sẽ đến Cannes với bộ cánh quái dị, ăn mặc không giống ai.
Những năm gần đây, thảm đỏ LHP Cannes thường bị báo chí so sánh với show diễn “chợ” bởi sự thoải mái, vô duyên quá lố.
Phim bạo lực, tình dục ngập tràn
Không quá khi nói rằng LHP Cannes là điểm đến những những bộ phim nghệ thuật nặng yếu tố tình dục hay bạo lực. Năm 1976, bộ phim In the Realm of the Senses của đạo diễn người Nhật Nagisa Oshima đã tạo nên một cơn “chấn động” ở Cannes.
Tác phẩm tràn ngập những cảnh làm tình trần trụi xen với bạo lực không được kiểm duyệt tại quê nhà Nhật Bản. Nữ diễn viên chính trong phim thậm chí còn bị tẩy chay mạnh mẽ đến mức phải lưu vong.
Thế nhưng khi đến với Cannes, In the Realm of the Senses được chào đón nhiệt liệt, thậm chí còn tăng suất chiếu để phục vụ khán giả trong khuôn khổ liên hoan phim.
Trường hợp như In the Realm of the Senses không hề hiếm ở Cannes. Có không ít tác phẩm khi ra mắt bị chỉ trích vì lạm dụng tình dục hoặc bạo lực quá đà nhưng lại được tôn vinh tại LHP Cannes, thậm chí còn giành giải Cành cọ vàng danh giá.
Phim Nhật In the Realm of the Senses gây tranh cãi ồn ào năm 1976. |
Có thể kể đến những bộ phim ồn ào một thời như The Tin Drum, Viridiana, Pulp Fiction... Với các chi tiết như tình dục trẻ em, tôn giáo, giết chóc đẫm máu, thuốc phiện… Những tác phẩm này vẫn nhận được vô số lời khen ngợi của hội đồng LHP Cannes và chiến thắng Cành cọ vàng.
Năm nay, LHP Cannes một lần nữa chứng minh xu hướng “nặng đô” trong lựa chọn tác phẩm trình chiếu với The House That Jack Built. Bộ phim của đạo diễn Lars von Trier khiến 100 người bỏ chạy khỏi phòng chiếu vì cảnh giết người quá ghê rợn.
Sự cởi mở một cách khác thường của LHP Cannes có thể đến từ tư tưởng phóng khoáng của điện ảnh Pháp. Quốc gia châu Âu này nổi tiếng “thoáng”, giới hạn độ tuổi cho phim điện ảnh tại Pháp thường thấp hơn so với các quốc gia khác. Ví dụ như 50 Shades of Grey ra mắt ở Pháp chỉ bị gắn nhãn… 12+.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn tác phẩm tranh giải cũng như trình chiếu của LHP Cannes còn bám sát tôn chỉ đánh giá nghệ thuật dưới góc độ tự do, không bị ràng buộc bởi các giới hạn thể hiện. “Tinh thần cởi mở” của Cannes không hề bị ảnh hưởng bởi sự đánh giá của giới chuyên môn hay khán giả mà hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của hội đồng chuyên môn.
The House That Jack Built của đạo diễn Lars von Trier khiến khán giả sợ hãi bỏ chạy. |
Không ít lần trong lịch sử, những bộ phim “ngôi sao” của LHP Cannes bị đánh giá là “rẻ rúng”, sử dụng tình dục như một cách gây shock. Dù vậy, sau nhiều thập kỷ, liên hoan phim này vẫn giữ vững vị thế danh giá, sự uy tín và “đặc sản” phim 18+ không vắng mặt mùa nào.
Theo Zing