Dính tai tiếng quấy rối, nghệ sĩ bị trang nghe nhạc trực tuyến ‘tẩy chay’

Trong bối cảnh hiện nay, khi một nghệ sĩ gặp bê bối đời tư, việc các bên nên ứng xử thế nào đối với nghệ sĩ đó, với sản phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ đó, vẫn là điều gây bối rối, tranh luận.

Hồi tuần qua, nền công nghiệp giải trí Mỹ xôn xao với thông tin trang nghe nhạc trực tuyến Spotify chính thức có động thái đầu tiên hưởng ứng phong trào chống nạn quấy rối tình dục trong showbiz.

Spotify cho biết sẽ ngưng quảng bá các sản phẩm âm nhạc của hai nam nghệ sĩ người Mỹ là ca sĩ R.Kelly và rapper XXXTentacion. Động thái này được thực hiện sau khi hai nghệ sĩ trên bị cáo buộc có hành vi quấy rối tình dục và hành vi bạo lực đối với phụ nữ.

Động thái mà Spotify thực hiện đang rất thu hút sự quan tâm bình luận của giới làm nghề trong nền công nghiệp âm nhạc Mỹ, bởi đây là động thái mạnh mẽ nhất từng thấy. Hiện tại, có hai luồng ý kiến, một phía khen ngợi hành động kiên quyết của Spotify, và một phía không đồng tình vì cho rằng đời tư và sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ cần phải được tách riêng rạch ròi.

Các sản phẩm âm nhạc của R. Kelly và XXXTentacion thực tế sẽ không bị xóa hẳn khỏi Spotify nhưng các thuật toán ngầm sẽ được thay đổi để không tự động quảng bá các sản phẩm âm nhạc của hai nghệ sĩ này tới người nghe nữa.

Spotify khẳng định họ muốn “phản ánh những giá trị cần được tôn trọng, khi một nghệ sĩ làm điều gì đó gây hại, hành động ấy sẽ gây ảnh hưởng tới cách mà Spotify hợp tác hoặc hỗ trợ cho nghệ sĩ đó”.

Để Spotify xác định một nghệ sĩ “có vấn đề”, họ sẽ dựa trên ba kênh tương tác – tham chiếu, gồm hệ thống tự động quản lý nội dung, sự tư vấn từ nhóm chuyên gia – tổ chức xã hội, và từ các bình luận – báo cáo của người dùng dịch vụ.

Hiện tại, Spotify là kênh nghe nhạc trực tuyến đầu tiên có động thái mạnh tay và dứt khoát như vậy. Chia sẻ với tờ tin tức New York Times (Mỹ), đại diện của Spotify cho biết họ sẽ cân nhắc từng trường hợp nghệ sĩ “có vấn đề”.

Tờ tin tức New York Post lại có ý kiến thiên về hướng “hoài nghi”, cho rằng nền công nghiệp âm nhạc vốn luôn có nhiều câu chuyện “tréo ngoe”, bởi nhiều nghệ sĩ dù tài năng nhưng lại có những “mặt trái” trong đời sống riêng tư, họ đơn giản là “lắm tài nhiều tật”.

Nhiều nghệ sĩ tự nhận mình sống theo “bản năng”, rằng mình có “tính nghệ sĩ”, nên lối sống của họ rất khác người bình thường, đó là chưa kể bối cảnh sống của nghệ sĩ vốn dĩ cũng rất khác, nhiều khi những phép tắc, luật lệ áp dụng đối với cuộc sống của họ rất… khác thường.

Trước nay, quả thực, nghệ sĩ thường được “châm chước” theo như cách lý giải kiểu này, nhưng bối cảnh nền công nghiệp giải trí hiện nay không cho phép điều đó. Từ nền công nghiệp điện ảnh, sang đến thị trường âm nhạc, người ta đều đang chứng kiến phong trào đòi bình đẳng giới, chống nạn quấy rối tình dục diễn ra rộng rãi và mạnh mẽ.

Hàng loạt những “ông lớn” trong nền công nghiệp điện ảnh đã bị “ngã ngựa” sau khi bị tố cáo quấy rối. Mới đây nhất, một nhà làm phim người Đan Mạch thậm chí đã bị nhà chức trách điều tra vì… “vỗ mông” đồng nghiệp.

Theo lý giải của ông này, bản tính ông vốn vui vẻ, tếu táo, ông đã không bắt kịp với chuẩn mực văn hóa đương đại, khi có rất nhiều điều đang đổi thay. Sau khi gặp phải rắc rối, điều đầu tiên mà nhà làm phim này thấy mình cần phải thay đổi đó chính là hành vi của chính ông, rằng không thể dễ dàng tỏ ra thân mật, suồng sã với những người xung quanh thêm nữa.

Quả thực, sau loạt vụ bê bối của nhà làm phim Harvey Weinstein, bối cảnh nền công nghiệp giải trí trên toàn thế giới đang thay đổi rất nhiều, rất nhanh.

Dù vậy, khi một nghệ sĩ gặp bê bối trong đời sống riêng, việc các bên cần ứng xử như thế nào đối với nghệ sĩ đó, với sản phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ đó, vẫn còn là điều gây bối rối, gây tranh luận, ngay cả ở một nền công nghiệp âm nhạc lớn hàng đầu thế giới như Mỹ.

Bích Ngọc
Theo New York Post/Vulture/Independent/Dân Trí