“Khi dân trí cao hơn, người trẻ được giáo dục về âm nhạc nhiều hơn, chúng ta sẽ loại bỏ được nhạc chợ, được những ca khúc không phải âm nhạc đích thực”, nhạc sĩ nêu quan điểm.
– Anh có bình luận gì về thị trường âm nhạc hiện nay khi có những ca khúc vẫn bị gắn mác “nhạc chợ” lọt vào “top” các bảng xếp hạng, khi Hoa Vinh được xem như “hiện tượng”, hay như Nam Em tuyên bố làm ca sĩ?
– Tất cả, tôi nghĩ chỉ là trào lưu nhất thời, không thể tồn tại mãi được. Nếu dân trí cao hơn, được giáo dục về âm nhạc nhiều hơn, chúng ta dần dần sẽ loại bỏ được nhạc chợ, được những ca khúc không phải âm nhạc đích thực.
Bây giờ các bạn thích cứ làm, thích cứ hát, cứ sáng tác. Nhưng đừng tôn vinh họ, và chúng tôi cũng không nhìn nhận các bạn là ca sĩ.
Sáng tác một hai ca khúc cũng không thể gọi là nhạc sĩ được, chỉ nên gọi là người sáng tác. Theo tôi, một người am hiểu phải nhìn nhận được đâu mới là cách làm nghề đích thực.
Dương Cầm là nhạc sĩ từng gây bão năm 2017 khi đánh giá Miu Lê chưa đủ trình để được gọi là ca sĩ. |
– SlimV cho rằng nhạc Việt đang bão hòa, chưa tìm được hướng đi. Và có thể, sự bão hòa đó khiến những ca khúc cũ, những ca khúc chưa thực sự chất lượng, những ca khúc ăn theo “trào lưu” mạng có thể thành hit. Anh nghĩ sao?
– Tôi thực sự không có nhu cầu nghe những tác phẩm kiểu dạng như vậy. Tôi tập trung vào cái mình cần nghe để học tập và học hỏi. Thú thật nghe nhiều thứ tạp nham sẽ bị ảnh hưởng và chi phối đến khả năng sáng tạo của mình. Nghe ít nhưng chất là cách để tôi rèn luyện bản thân.
Tôi cũng không để tâm đến số đông nghĩ gì mà chỉ quan tâm mình đang làm gì để phục vụ đối tượng khán giả riêng. Làm đúng vai trò, làm tốt nhất nghề của mình, đó là cách tôi cống hiến.
– Thị trường thời gian gần đây cũng ghi nhận nhiều bản hit trên thị trường thuộc sở hữu những tác giả mới, trẻ và đều không học bài bản về âm nhạc. Anh có chia sẻ gì?
– Quan điểm của tôi là rất ủng hộ khi đó những người có sáng tạo, năng lực và đam mê thực sự. Nhưng vấn đề học hành bài bản, trau dồi cũng rất quan trọng với công việc của người sáng tác, làm nhạc.
Còn về bài hit cũng cần phải xem thế nào là hit. Chúng ta phải đặt câu hỏi “Một hit tồn tại được bao lâu trong môi trường âm nhạc?”. Điều chúng ta nhìn thấy rõ ràng, thị trường hiện tại, hit chỉ tồn tại được 2-3 tháng đã “chết yểu”.
Làm nghệ thuật không thể lấy mốc như thế mà đánh giá được. Ví dụ làm một bản hòa âm bỏ nhiều công sức cũng là cống hiến. Bài hát thành hit, hit sẽ được nhiều bạn trẻ biết đến, nhưng còn nhiều bộ phận khán giả khác, họ không cần nghe hit, ai sẽ phục vụ họ.
Vậy nên những người không tạo ra hit, những người phục vụ những khán giả không cần hit cũng rất quan trọng. Những khán giả đó cũng rất khắt khe đấy, và chúng tôi sẽ phục vụ.
– Nhưng chính một nhạc sĩ có tiếng cũng từng bày tỏ sự không tin tưởng với việc đào tạo sáng tác âm nhạc tại các Nhạc viện ở Việt Nam?
– Cá nhân tôi vẫn thấy rất cần thiết. Người làm nghệ thuật cần đào tạo bài bản, có nhiều bạn trẻ chơi nhạc rất hay, khi tôi hỏi thì biết các bạn đó đều học nhạc. Và ngược lại, có những bản trẻ rất bản năng, sau khi học hành đã trở nên chuyên nghiệp.
– Giới trong nghề vẫn nhắc đến Dương Cầm như một người trọng tình, nghe đâu anh không đi chạy show một mình, nếu được mời sản xuất chương trình cũng luôn phải mang theo ban nhạc, và ê-kíp của mình. Tại sao vậy?
– Tôi rất trọng bằng hữu, tôi đã làm cùng ai sẽ đồng hành rất lâu, gần như không thay đổi. Nếu đi đâu đó vẫn sẽ kéo người đó đi theo. Quan niệm của tôi là không cần xuất sắc nhưng cần hiểu nhau.
Tôi không đủ kiên trì để làm quen ngay với người mới nên một chương trình bao giờ cũng muốn làm với những anh em của mình. Hiểu nhau làm việc chắc chắn sẽ ăn ý hơn.
Dương Cầm nhận cú đúp Nhạc sĩ của năm và Nhà sản xuất của năm tại giải Âm nhạc Cống hiến 2018. Ảnh: Việt Hùng. |
– Từ khi nhận cú đúp tại giải Âm nhạc Cống hiến, tâm thế làm nghề của anh có khác?
– Đó là áp lực để tôi làm nghề khắt khe hơn. Trước đó, tôi đã nghiêm túc, chỉn chu nhưng giờ cần nghiêm túc hơn nữa.
– Ngoài vai trò sáng tác, sản xuất cho các chương trình, anh còn là một công chức ở Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Công việc ở Nhà hát mang đến cho anh những trải nghiệm gì?
– Tôi phụ trách biên tập về nhạc nhẹ. Nhà hát sẽ có đoàn nhạc nhẹ và nhạc dân tộc, toàn bộ chương trình nhạc nhẹ là do tôi đảm đương. Vị trí công việc theo đúng công chức nhà nước, nhưng cũng là cơ hội để tôi làm những chương trình nghệ thuật chất lượng.
Trước đó cũng có nhiều đơn vị nghệ thuật mời nhưng tôi đã từ chối, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long là nhà hát đầu tiên tôi nhận lời vì anh Tấn Minh. Ở nhà hát, quan trọng là tôi được làm công việc mình thích nên không nhàm chán.
Quang Đức
Theo Zing