Nhiều ngôi sao nam không hiểu gì về quấy rối tình dục?

Ngay tại Hollywood, nơi khởi nguồn của phong trào #metoo, các nam diễn viên và những ông chủ quyền lực của nền giải trí cũng có hiểu biết rất ít ỏi về quấy rối tình dục.

Sau khi #metoo trở thành phong trào rộng khắp từ cuối năm 2017, nhiều nam diễn viên ở Hollywood được hỏi ý kiến về vấn đề quấy rối tình dục. Đây là lúc một số người ghi điểm trong lòng công chúng bởi những phát ngôn ủng hộ nữ giới, nhưng cũng là lúc những lỗ hổng kiến thức của nhiều người được bộc lộ.

Hoặc sự thiếu kiến thức đến từ chính những người bị tố cáo. Nếu một số nhanh chóng xin lỗi và nhận lỗi trước dư luận, một số lại giải thích vì cho rằng hành vi của họ chưa thể coi là quấy rối tình dục.

Vấn đề là họ sai.

Không biết hành vi nào mới là quấy rối tình dục

Theo CNN, người phát ngôn của cựu Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) phản hồi như sau trước cáo buộc quấy rối của 8 phụ nữ: “Ông ấy chỉ vỗ nhẹ vào phía sau những người phụ nữ như một cách cử chị lịch thiệp”.

Ông trùm Harvey Weinstein tóm lấy nữ diễn viên Emma Watson khi đi ăn sau một sự kiện. Ảnh: The Sun.

Người dẫn chương trình truyền hình Charlie Rose – sau khi bị tố quấy rối 8 phụ nữ – cũng giải thích: “Tôi luôn nghĩ rằng đối phương cũng có cảm xúc với mình, nhưng giờ thì tôi biết là mình nhầm lẫn rồi”.

John Lasseter, đạo diễn phim hoạt hình lừng danh của Pixar, cũng xin lỗi như sau: “Tôi đặc biệt muốn xin lỗi những ai cảm thấy họ từng phải nhận một cái ôm không mong muốn hay bất cứ hành động thân mật nào mà họ thấy vượt quá giới hạn, dưới mọi dạng thức”.

“Những cái ôm không mong muốn”, đây là cách diễn đạt của Lasseter và hẳn ông chưa hoàn toàn hiểu vì sao đó cũng là cái tội.

Không phải là người bị tố cáo nhưng nam diễn viên Matt Damon cũng bị “ném đá” khi phát ngôn bất cẩn về vấn đề này.

Anh nói: “Tôi tin rằng có các mức độ khác nhau của hành vi. Có sự khác nhau giữa vỗ mông một người nào đó với cưỡng hiếp hay lạm dụng trẻ em chứ, đúng không? Rõ ràng những hành vi đó đều cần được nhận diện và xử lý, nhưng không nên bị đánh đồng với nhau”.

Phát ngôn này khiến Damon vấp phải sự phản đối dữ dội từ các nữ diễn viên Hollywood.

Minnie Driver, bạn diễn của Damon trong phim Good Will Hunting và cũng từng có tin đồn hẹn hò anh, chỉ trích: “Có rất nhiều người đàn ông tôi yêu quý không phân biệt nổi giữa tấn công tình dục và cưỡng hiếp để làm cái cớ, hoặc tệ hơn là đổ lỗi cho nữ giới. Thật vớ vẩn”.

Nhiều nhân vật nam cho rằng từ “quấy rối” hay “lạm dụng tình dục” chỉ nói về những hành vi nghiêm trọng như hãm hiếp, cưỡng hôn mức độ nặng…

Hầu hết cho rằng hành vi vỗ vào bộ phận nhạy cảm, sờ mó, gạ gẫm bằng lời nói, khỏa thân hoặc quấn khăn tắm trước mặt phụ nữ nhưng chưa làm gì mang tính cưỡng ép… chỉ đơn giản là tán tỉnh.

Nhieu ngoi sao nam khong hieu gi ve quay roi tinh duc? hinh anh 2
Matt Damon dính vạ miệng vì coi nhẹ những hành vi tấn công tình dục nhẹ hơn cưỡng hiếp. Ảnh: AP.

Nhiều người dùng lý lẽ “Thế cũng coi là quấy rối thì còn ai dám tán tỉnh nhau nữa?” để bao biện cho, phần vì họ không hiểu độ nghiêm trọng của hành vi của hành vi này.

CNN viết: “Những người đàn ông bị tố đều có học thức, thông minh, quyền lực. Đáng ra họ phải có hiểu biết hơn về vấn đề này. Trong nhiều trường hợp, họ bị tố đẩy phụ nữ vào tường, nhét lưỡi vào miệng cô ta, hay đi khỏa thân quanh nhà, hoặc mở khóa quần… Tại sao họ làm điều đó? Tại sao họ quá đông?”.

‘Tán tỉnh’ cũng không được thì biết sống sao?

Trên truyền thông Mỹ, nỗi bất an của đàn ông sau phong trào #metoo được phản ánh khá hài hước, nhưng không kém phần sâu cay.

AP đăng bài phản ánh nhiều người đàn ông đang loay hoay như thế nào khi họ không còn tự do đi quanh văn phòng và đụng chạm, ôm ấp các đồng nghiệp nữ như trước. Vox đưa ra cẩm nang ứng xử nhỏ bao gồm nguyên tắc “không uống quá 2 cốc rượu” cho bữa tiệc công sở để ngăn ngừa “mọi hành vì thiếu chuyên nghiệp”.

Ở Hollywood, chính các nam diễn viên, các đạo diễn, ông trùm… cũng đang loay hoay.

Nhà sản xuất Harvey Weinstein, nhân vật đầu tiên ở Hollywood bị tố cáo của phong trào #metoo, cũng từng bao biện: “Tôi trưởng thành vào thập niên 1960 và 1970, khi đó Hollywood không vận hành như bây giờ. Hiện tại là nền văn hóa khác”.

Weinstein bàng hoàng cũng đúng vì câu nói quen thuộc của ông, được nhiều nạn nhân trích lại, trong đó có nữ diễn viên Vũ Thu Phương của Việt Nam, là: “Đây là cách Hollywood vận hành”.

Weinstein nói câu đó khi gọi một nữ diễn viên bất kỳ vào phòng khách sạn, khỏa thân hoặc quấn khăn tắm trước mặt cô và yêu cầu mát xa hoặc quan hệ tình dục.

Weinstein không thể tưởng tượng nổi, một ngày nào đó “cách Hollywood vận hành” của ông lại là những hành vi có thể cấu thành tội.

Nhieu ngoi sao nam khong hieu gi ve quay roi tinh duc? hinh anh 3
Hàng trăm diễn viên nữ đã lên tiếng tố cáo từ hành vi gạ gẫm bằng lời nói cho đến cưỡng hiếp. Ảnh: CNN.

Và một nghiên cứu từ tập đoàn Barna Group cho thấy phần lớn đàn ông Mỹ vẫn đang giậm chân tại chỗ ở sự thiếu hiểu biết. Một phần tư số nam giới được hỏi cho rằng phô bày phần nhạy cảm ở nơi công sở không phải vấn đề to tát.

Một phần năm trong số họ cho rằng không nên đuổi việc ai đó chỉ vì quấy rối tình dục đồng nghiệp. Thông điệp chung của đàn ông sau vụ việc chính là: “Phụ nữ phức tạp quá. Chúng tôi không thể hiểu nổi nên làm gì với họ nữa”.

Trang Refinery29 có lời khuyên chung với đàn ông toàn thế giới: “Ngừng đổ lỗi cho phụ nữ phức tạp đi, cũng đừng đổ lỗi cho ai khác nếu vấn đề do anh gây nên. Thế giới vận hành như thế đấy và hãy cố gắng thích nghi với nó”.

Bị từ chối thì đơn giản là dừng lại

Đàn ông kêu khó vì không biết đâu là quấy rối, đâu là tán tỉnh bình thường để phân biệt. Nhưng có một thứ rất rõ ràng mà họ lờ đi hoặc coi nhẹ. Đó là phản ứng của chính người phụ nữ là đối tượng của hành vi đó.

Khi #metoo bùng phát trong giới giải trí và lan rộng ra toàn xã hội, người ta mới giật mình nhận ra từ lâu nay, kiến thức về quấy rối, lạm dụng tình dục của xã hội vẫn là một vùng xám.

Nhưng theo CNN, thực tế đó buộc phải thay đổi, chứ không thể lấy làm cớ để những hành động sai trái tiếp diễn. “Không một phụ nữ nào yêu cầu ‘được’ tấn công hay quấy rối tình dục, hay bị đụng chạm theo cách họ không muốn”, CNN khẳng định.

Và nếu phụ nữ không đồng tình, cách lý giải “vỗ nhẹ như một cử chỉ lịch thiệp” mà người phát ngôn của ông George H.W. Bush sử dụng cũng không còn hiệu lực.

“Bất kể bạn là đàn ông hay phụ nữ, thực hiện cử chỉ lịch thiệp đối với ai đó mà họ không chào đón, cũng không hề lịch thiệp như bạn nghĩ”, CNN viết.

Hạ Huyền

Theo Zing