Sàn catwalk, bộ sưu tập mốt, tuần lễ thời trang… Đó là những khái niệm đã quá đỗi phổ biến, nhưng mới chỉ hơn nửa thế kỷ trước, các nhà mốt vẫn còn “khư khư” giữ kín các thiết kế của mình trong salon, sợ cho các nhiếp ảnh gia nhìn thấy…
Đã từng có thời các nhiếp ảnh gia không được đón chào tại các show diễn thời trang, bởi các nhà thiết kế sợ rằng mẫu của họ sẽ trở nên phổ biến trên thị trường. Ngày nay, nền công nghiệp thời trang, với điểm nhấn thăng hoa là các show trình diễn, đã trở thành lĩnh vực “triệu đô”.
Những biến chuyển của nền công nghiệp thời trang có thể được nhìn thấy rất rõ từ các show trình diễn xuyên suốt hàng thập kỷ, từ khi còn được tổ chức bí mật trong các salon nhỏ, cho tới khi trở thành những sự kiện lớn rình rang, đình đám, diễn ra tại các “kinh đô thời trang”.
Phần tinh túy nhất của mỗi show diễn thời trang thường chỉ diễn ra trong vài chục phút, nhưng sức mạnh tạo ra có thể tác động tới nền công nghiệp may mặc trên khắp thế giới.
Dù vậy, khởi điểm, các show trình diễn mốt được tổ chức khá khiêm tốn. Những show này thường diễn ra kín đáo bên trong salon của nhà mốt, từ show giản đơn của Chanel tổ chức hồi thập niên 1950 cho tới show xa hoa, lộng lẫy mà nhà mốt này tổ chức tại bảo tàng Grand Palais (Paris, Pháp) hồi năm 2014 là một quãng đường dài.
Điểm khác biệt lớn nhất trong sự đổi thay của các show diễn thời trang chính là quy mô tổ chức, địa điểm, cách thức tiến hành và kinh phí đầu tư.
Khởi điểm của thời trang cao cấp “haute-couture”
Trong một show nhỏ hồi thập niên 1860, một nhà thiết kế ở Paris (Pháp) – ông Charles Frederick Worth, người được mệnh danh là “cha đẻ của thời trang cao cấp haute-couture” – đã lần đầu tiên giới thiệu ý tưởng về một show diễn thời trang, được trình diễn bởi những người mẫu sống động.
Ông tổ chức sự kiện này tại khu tổ hợp thể thao Longchamp Racecourse (Paris, Pháp), dù vậy, khi đó, người ta chưa gọi đây là show trình diễn thời trang, mà chỉ xem là một chiêu thức quảng cáo thông minh của Charles.
“Diễu hành thời trang”
Đầu thế kỷ 20 là thời điểm xuất hiện khái niệm “diễu hành thời trang”. Ở London (Anh), nhà thiết kế nổi danh khi ấy – quý bà Duff-Gordon – thường giới thiệu những bộ sưu tập của mình tại salon riêng, nằm trên con phố Hanover thuộc khu trung tâm London.
Trong khi ấy, ở Paris (Pháp), nhà thiết kế Paul Poiret bắt đầu tổ chức những “dạ hội váy áo” để các khách hàng nữ của ông có thể tới thử đồ và tham dự ngay vào những buổi tiệc trà, dạ hội vui vẻ tổ chức ngay tại salon, tranh thủ giao lưu cùng với các “chị em thượng lưu” khác cũng đang sắm đồ. Trong các cửa hàng thời trang của mình, Paul Poiret bắt đầu sử dụng ma-nơ-canh.
Tại New York (Mỹ), cửa hàng bách hóa của anh em nhà Ehrich cũng bắt đầu tổ chức các show giới thiệu thiết kế mới ngay trong cửa hiệu.
Một buổi trình diễn thời trang tổ chức ở salon riêng của nhà thiết kế tại New York (Mỹ) hồi năm 1925.
Thập niên 1920 là thời kỳ “bình minh vàng” của dòng thời trang cao cấp “haute-couture” tại Paris (Pháp), với sự thống trị của những nhà thiết kế nữ nổi danh, đầy quyền lực, như Gabrielle Coco Chanel, Madeleine Vionnet, Elsa Schiaparelli…
Lúc này, ở Paris, những khách hàng thân thiết của các nhà mốt thường sẽ tới tham dự các show trình diễn được tổ chức kín đáo bên trong salon, các sự kiện này nhằm gia tăng quan hệ thân thiết giữa nhà mốt và khách.
Nhà thiết kế Elsa Schiaparelli đang thử đồ cho một người mẫu.
Trong thời kỳ Đại Suy thoái (thập niên 1930), giới tạo mốt chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ về nhu cầu thời trang, bởi đời sống kinh tế giai đoạn này khá khó khăn. Dù vậy, thời trang cao cấp “haute-couture” vẫn tiếp tục phát triển.
Năm 1931, nhà tạo mốt người Ý Elsa Schiaparelli giới thiệu bộ sưu tập mới trình diễn trên sàn catwalk ở New York (Mỹ). Lúc này, các nhiếp ảnh gia vẫn chưa được mời tham dự, bởi các nhà mốt lo sợ rằng thiết kế của họ sẽ dễ dàng bị sao chép, bởi ảnh được chụp rồi được rửa ra thành nhiều tấm đã trở nên đơn giản. Thời này, các thiết kế vẫn được phác họa lại tỉ mỉ bởi họa sĩ.
New York – kinh đô thời trang của thế giới
Năm 1943 chứng kiến sự khởi đầu của Tuần lễ Thời trang New York. Nhân một sự kiện được gọi là “tuần lễ truyền thông”, một phụ nữ “quảng giao” chuyên giúp quảng cáo cho các nhà mốt – bà Eleanor Lambert – đã đứng lên tổ chức các show trình diễn mốt tại khách sạn Pierre Hotel. Trước đó, thị trường thời trang Mỹ vốn bị thống trị bởi các nhà thiết kế đến từ Châu Âu.
Với sự kiện này, tranh thủ việc các nhà tạo mốt Châu Âu hạn chế di chuyển do đang xảy ra Thế chiến II, bà Eleanor đã tạo nên một sân chơi dành riêng cho các nhà thiết kế mốt tại Mỹ. Kể từ đó, các show trình diễn thời trang vẫn tiếp tục được tổ chức thường xuyên tại New York cho tới tận hôm nay.
Khởi đầu mới sau Thế chiến II
Sau khi Thế chiến II kết thúc hồi năm 1945, nền công nghiệp thời trang Pháp bước vào giai đoạn gây dựng lại. Lúc này, con trai của nhà thiết kế người Pháp Nina Ricci đã nảy ra ý tưởng mời các nhà mốt cùng tạo nên các mẫu váy áo mini mặc cho búp bê, để có thể giới thiệu diện mạo nền công nghiệp thời trang Pháp, mà không phải chật vật vì thiếu thốn nguyên vật liệu.
Ý tưởng này về sau đã tạo nên “Le Petit Théâtre de la Mode” (Nhà mốt thu nhỏ). Ngày 28/3/1945, 200 ma-nơ-canh với kích thước bằng 1/3 người thật diện những thiết kế váy áo mini được thực hiện bởi các nhà mốt như Balenciaga, Jeanne Lanvin… bắt đầu được trưng bày tại bảo tàng Louvre trước khi đi tour vòng quanh Châu Âu.
Năm sau, loạt ma-nơ-canh này còn sang tận nước Mỹ. Trong thời kỳ hậu chiến, khi nền công nghiệp thời trang thế giới còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, đây được xem là giải pháp thực tế, hữu hiệu.
Diện mạo mới, luật lệ mới
Trước Thế chiến II, các show trình diễn mốt thường diễn ra trong salon kín đáo của nhà mốt, thiết kế sẽ bán thẳng cho khách hàng dự show, sau đó, khách sẽ quay trở lại để điều chỉnh sao cho phục trang vừa vặn. Những lượt trình diễn, mua bán, sửa chữa… thường diễn ra mỗi đợt khoảng 6 tuần.
Thời ấy, khi khái niệm “sàn catwalk” còn chưa xuất hiện, điểm nhấn của show chỉ là để bán được thiết kế cho khách dự, nhà mốt lúc này chưa đề cao việc tạo dựng hình ảnh, gây dựng thương hiệu. Nhiếp ảnh gia cũng không được mời tới dự.
Nhà thiết kế người Pháp Christian Dior
Năm 1947, nhà thiết kế người Pháp Christian Dior là nhà tạo mốt lớn đầu tiên chủ động mời nhiếp ảnh gia tới dự, để họ thoải mái chụp hình trong show nhằm giới thiệu bộ sưu tập một cách rộng rãi hơn. Từ đây, khái niệm show diễn thời trang hoàn toàn đổi khác, từ trong vòng bí mật đã bước ra trước ánh sáng… đèn flash máy ảnh.
Sự lớn mạnh của thời trang Ý
Các show diễn của thời trang Ý bắt đầu được tổ chức tại Florence hồi đầu thập niên 1950 với các nhà mốt đến từ Rome, Turin, Milan, Capri… Các tên tuổi nhà tạo mốt lớn thời bấy giờ có thể kể đến Simonetta Visconti, Schuberth, Emilio Pucci… Các bộ sưu tập được tập trung giới thiệu tại bảo tàng Sala Bianca của Florence.
Sự kiện này được sáng lập bởi doanh nhân người Ý Giovanni Battista Giorgini, nó được xem như một đối trọng cạnh tranh với các show thời trang ở Paris (Pháp), góp phần làm thay đổi diện mạo ngành dệt may, thời trang Ý sau Thế chiến II.
Đến năm 1958, Viện Thời trang Quốc gia Ý được thành lập, các show diễn chuyển từ Florence có phần đìu hiu, lặng lẽ, tới trung tâm thương mại sầm uất hơn – Milan – một trong những kinh đô thời trang của thế giới đương đại.
Còn tiếp…
Bích Ngọc
Theo Guardian/Dân Trí