“The Bachelor” – show hẹn hò nổi tiếng của Mỹ đã dính quá nhiều thị phi nên nhiều khán giả cũng khá lo lắng khi sắp có phiên bản Việt.
“The Bachelor” là một chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò nổi tiếng của Mỹ được ra mắt từ ngày 25/3/2002 đã kéo dài đến mùa thứ 22. Sự thành công của “The Bachelor” đã kéo theo nhiều phiên bản nhỏ được ra đời và cũng được các nước khác mua bản quyền thực hiện lại, sắp tới sẽ là Việt Nam với tên gọi “Anh chàng độc thân”.
Chương trình là hành trình tìm kiếm tình yêu đích thực giữa một anh chàng và 25 cô gái độc thân. Nhân vật trung tâm là một anh chàng độc thân hội tụ nhiều yếu tố cuốn hút phái đẹp, và anh chàng này sẽ phải trải qua nhiều thử thách để tìm ra cô gái mình muốn gắn bó nhất.
Show “The Bachelor”
Tuy nhiên, phiên bản gốc có quá nhiều chi tiết mà khi đưa về Việt Nam, nhà sản xuất sẽ phải cân nhắc về vấn đề chỉnh sửa. Liệu “The Bachelor” có phù hợp để trình chiếu ở Việt Nam?
Format gây tranh cãi: 25 cô gái “tranh nhau” 1 chàng
Nếu như trước đó chương trình “Lựa chọn của trái tim” gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi để cho khách mời ngồi chễm chệ trên ghế để chọn lựa giữa 3 thí sinh như tuyển cung nữ thời phong kiến thì nay tại “The Bachelor”, 25 cô gái phải “chiến đấu” với nhau chỉ để lọt vào mắt xanh của… 1 chàng trai duy nhất.
Format “1 chọn 25” với quyền quyết định, chủ động nghiêng hẳn về phái nam còn các cô gái trở nên bị động, chịu sự chọn lựa của đàn ông đã làm dấy lên câu hỏi liệu rằng nó có đi ngược lại với xu hướng bình đẳng giới mà cả thế giới đang muốn theo đuổi? Chưa biết khi về Việt Nam số lượng thí sinh và cách thức có thay đổi gì hay không nhưng việc giải quyết bài toán “bình đẳng giới” cũng là 1 thử thách đau đầu cho nhà sản xuất. Cách đây không lâu, chương trình “Lựa chọn của trái tim” cũng vấp phải tranh cãi tương tự khi áp dụng format “tuyển phi tần” như thời phong kiến, không phù hợp với xã hội cũng như văn hóa Á đông đang ngày một phát triển. Liệu “The Bachelor” có dẹp bỏ được những ấn tượng tiêu cực này?
25 cô gái “tranh nhau” 1 chàng trai
Phiên bản gốc chứa nhiều phân cảnh phản cảm và lắm scandal
Dù văn hóa phương Tây có cởi mở, thoải mái hơn ở châu Á thì khán giả cũng không chấp nhận chứng kiến những phân cảnh phản cảm được chiếu trên sóng truyền hình. Tai tiếng nhất phải kể đến vụ bê bối tình dục trong bản “Bachelor in Paradise” – phiên bản nhỏ của “The Bachelor” mới phát sóng cuối năm 2017.
Một cô gái tham gia chương trình tên là Corinne Olympios tố cáo nhân vật nam DeMario Jackson lợi dụng lúc cô quá say xỉn để ép cô ân ái. Chương trình sau đó vẫn tiếp tục được sản xuất và phát sóng nhưng cả Corinne và DeMario đều không được tiếp tục xuất hiện.
Corinne và DeMario
Ở mùa thứ 12, một cô gái có tên Stacey đã say xỉn ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên với nhân vật nam chính. Sau đó, khi anh này đang trò chuyện với người khác, Stacey tiến tới dúi một chiếc quần lót của cô vào túi anh rồi ngất đi vì quá say.
Đây được đánh giá là một trong những màn “mồi chài” thô thiển nhất trong lịch sử chương trình.
Stacey dúi chiếc quần lót vào túi chàng trai
Đỉnh điểm của những hành vi yêu đương quá “thoáng” có lẽ là vụ việc trong mùa 16 khi hai người tham gia thản nhiên khỏa thân ân ái với nhau trên bãi biển khi máy quay vẫn đang chạy.
Cô gái Courtney Robertson sau đó chia sẻ với tờ Fox News rằng cô quên mất là mình đang bị ghi hình.
Hai thí sinh “vô tư” ân ái trên sóng truyền hình
Một cặp đôi khác
Ngoài ra, trong mùa thứ 14, nhân vật nữ Rozlyn bị vạch mặt là có quan hệ ngoài luồng với chính một trong các nhà sản xuất. Tuy cô này nhất mực phủ nhận nhưng có nhân chứng khẳng định Rozlyn thực sự có lén lút qua lại với nhân viên trong đội sản xuất.
Sau đó, lại đến chính một nhà sản suất của chương trình đệ đơn kiện hãng Warner Bros và 5 đồng nghiệp vì bị quấy rối. Cô cho hay trong quá trình quay chương trình “The Bachelorette” – phiên bản nữ của “The Bachelor”, cô thường xuyên bị đồng nghiệp làm phiền với những câu hỏi nhạy cảm về đời sống tình dục cá nhân.
Nhiều chi tiết phản cảm
Tuy nhiên, chương trình cũng đã từng thực hiện ở các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc… nên nhà sản xuất chắc sẽ biết cách điều chỉnh cho phù hợp với thuần phong mỹ tục của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng.
“The Bachelor” phiên bản Nhật
Khán giả đang bị bội thực với các show hẹn hò
Có thể nói, năm 2017 là năm mà các show hẹn hò tại Việt Nam mọc lên như nấm, từ “Vì yêu mà đến”, “Giai điệu chung đôi”, cho đến “Lựa chọn của trái tim”, “Khúc hát se duyên”… Điều này khiến khán giả cảm thấy bị “bội thực” và ngán ngẩm khi thấy các hot boy, hot girl đua nhau “chạy” từ show hẹn hò này qua show hẹn hò khác. Khán giả cho rằng việc những chàng trai, cô gái có ngoại hình xinh đẹp này chủ yếu tham gia để đánh bóng tên tuổi nhiều hơn là tìm kiếm người yêu.
Những gì khán giả thấy được trong mỗi số phát sóng vẫn chỉ là sự gượng ép của người chơi cùng câu tìm hiểu nông cạn và những màn tỏ tình sến sẩm. Yếu tố kịch, thiếu chân thực là cảm giác khó tránh khỏi khi xem.
Ngoài ra, những vụ việc “đấu tố”, thất vọng về nhau rồi chia tay hậu tham gia chương trình cũng khiến người xem đau đầu không kém.
“Vì yêu mà đến”
“Lựa chọn của trái tim”
Kết: “The Bachelor” phiên bản Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn casting và có rất ít thông tin về chương trình được hé lộ nhưng nếu muốn chương trình được đón nhận một cách nồng nhiệt thì nhà sản xuất cần phải biết điều chỉnh, gia giảm các tình tiết một cách vừa phải để phù hợp với thị hiếu và mang lại 1 món ăn tinh thần đầy mới lạ cho người xem.
ARIANA
THEO HELINO