Vì nghèo khó, Trọng Tấn thi vào Nhạc viện Hà Nội chỉ với lý do sẽ không mất học phí. Giọng hát đẹp như tơ Sau thế hệ của những ca sĩ Trung Kiên, Quý Dương, Kiều Hưng, Quang Thọ… Trọng Tấn nổi lên như một ngôi sao nhạc đỏ có giọng hát đẹp như tơ, phong cách tự nhiên, giản dị mà vẫn sang trọng, mạnh mẽ. Nghe anh hát, dù nhạc trữ tình hay nhạc đỏ, khán giả luôn tìm thấy cảm giác nhẹ nhõm, bình yên và tràn đầy khí thế. Nhạc sĩ Hồng Kiên nói rằng, với Trọng Tấn, chỉ cần anh cất giọng lên là đã hay rồi. Hàng triệu khán giả hâm mộ anh cũng chính bởi giọng hát bản năng, bẩm sinh không màu mè. Bắt đầu được khán giả biết đến sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 1997 và giải nhất Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc 1999 (Giải Sao Mai), Trọng Tấn bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp và trở thành một hiện tượng lúc bấy giờ. Được đánh giá là một ca sĩ có giọng tenor hiếm hoi, mẫu mực, đầy đủ kỹ thuật, cảm xúc tự nhiên, Trọng Tấn ngay lập tức trở thành giọng ca nhạc đỏ số một những năm 2000. Trước khi hát solo, Trọng Tấn có một thời gian tham gia “Tam ca nhạc đỏ” với Đăng Dương – Việt Hoàn và cũng được đánh giá là nhóm nhạc “chính thống” nổi tiếng và đắt sô diễn nhất khi đó. Khi anh từ giã nhóm để phát triển sự nghiệp solo, cho đến nay, vẫn chưa có nhóm nhạc đỏ nào làm được điều này.
Trọng Tấn trở thành Ông hoàng nhạc đỏ trong làng nhạc Việt.
Trở thành “ông hoàng nhạc đỏ” với những ca khúc như: “Tiếng đàn bầu” (Nguyễn Đình Phúc, thơ Lữ Giang), “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Đường chúng ta đi” (Huy Du), “Tình ca” (Hoàng Việt), “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” (Nguyễn Văn Tý), “Hát về cây lúa hôm nay” (Hoàng Vân), “Nơi đảo xa” (Thế Song)… nhưng Trọng Tấn vẫn thử sức ở các thể loại âm nhạc khác. Từ sự kết hợp thành công với Thanh Lam trong CD song ca, Trọng Tấn bắt đầu hát những ca khúc semi pop và nhạc xưa như là cách khám phá một không gian âm nhạc mới, một “mảnh đất” mới phong phú và màu mỡ. Ngay cả đối với một mảng âm nhạc khá đặc biệt là dân gian, Trọng Tấn cũng làm say lòng khán giả bằng những bài hát mang âm hưởng dân ca của các vùng miền được anh thổi hồn tạo nên sự khác biệt, mang những giá trị riêng, mới mẻ. “À í a” của Lê Minh Sơn là một ví dụ. Hỏi Trọng Tấn, anh hát những ca khúc khác với dòng nhạc mình theo đuổi có phải là bởi sợ mình sẽ cũ đi? Trọng Tấn nói đầy tự tin: “Tôi biết khán giả luôn thích sự mới mẻ nhưng có những ca khúc đã cùng tôi hát từ những ngày đầu như “Tiếng đàn bầu”, đến bây giờ mọi người vẫn yêu cầu hát. Tôi không sợ mình cũ đi, bởi với một ca khúc hit như bây giờ, tuổi đời của nó rất ngắn. Hết hit này thì lại thay thế bằng một hit khác. Bài hát cũ mà mình vẫn giữ được tên tuổi cho nó, theo tôi mới là cái khó”. Luôn biết ơn người bạn đời Có một sự nghiệp sáng láng nhưng ít ai biết rằng, nếu không vì cái nghèo, chắc chắn anh đã không chọn nhạc viện để học. Anh kể: “Ngày đó, gia đình tôi có thể nói là nghèo nhất khu. Nhà không có ruộng, sống bằng nghề đóng gạch nên kinh tế gia đình khi đó quá eo hẹp cho 5 miệng ăn. Khi thi vào đại học, người ta thì lo thi đỗ, còn tôi thì phải tính toán xem học trường nào mà nếu học phí quá 200.000 đồng là phải suy nghĩ, vì nếu quá con số ấy thì bố mẹ sẽ không còn sức để lo cho hai đứa em. Nếu có điều kiện, tôi sẽ thi vào trường mà tôi mơ ước là Kiến trúc vì tôi thích vẽ từ bé, lại học tốt các môn tự nhiên. Nhưng quả thực, nếu học trường đó thì gia đình sẽ không có sức. Vậy là tôi quyết định vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia -PV), hệ trung cấp. Lý do chỉ vì học ở đây sẽ không phải đóng học phí. Tôi lại còn được học bổng nữa. Đến năm thứ hai thì tôi bắt đầu đi hát ở các quán nhạc nên cũng có thể lo được cho bản thân, còn dành dụm chút ít gửi về nhà nữa. Nhớ lại mới thấy, hóa ra ca hát đã chọn mình, âu cũng là cái duyên nghiệp và là may mắn mà tôi được hưởng”.
Gia đình hạnh phúc của Trọng Tấn.
Không chỉ có một sự nghiệp đáng mơ ước, trong cuộc sống gia đình, Trọng Tấn cũng được ngưỡng mộ vì có một gia đình hạnh phúc. Cuộc sống với người vợ hiện tại của anh, chị Đặng Thị Thanh Hoa được kéo dài từ khi họ còn học trung học. Mối tình đầu thời học trò thường dễ giữa đường đứt gánh khi mỗi người có sự lựa chọn riêng cho tương lai, nhưng bao nhiêu khó khăn, ngọt bùi suốt thời sinh viên, họ đều sát cánh bên nhau và vượt qua. Bây giờ cuộc sống đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên, nhưng trong mắt vợ, Trọng Tấn vẫn là người chân chất, hiền lành và giản dị như ngày nào. Còn với Trọng Tấn, khi nói về vợ, anh luôn giữ sự biết ơn sâu sắc. Không chỉ đồng cam cùng khổ bên anh mà còn biết hi sinh cho chồng. Có thời gian, vì con nhỏ, anh lại thường xuyên bận diễn, chị phải nghỉ làm ở nhà để chăm sóc cho gia đình, dù có tới hai bằng đại học. Giờ con cái đã lớn hơn, chị mới trở lại với công việc làm giảng viên ngoại ngữ, ngoài ra còn kiêm luôn vai trò quản lý cho chồng, tháp tùng các buổi đi diễn của anh. Sự “chín” cả về sự nghiệp âm nhạc và đời sống riêng sẽ được Trọng Tấn mang lên sân khấu trong liveshow âm nhạc đầu tiên “In the Spotlight Trọng Tấn” sắp tới. Dù là giọng hát đã quen thuộc, nhưng sẽ có rất nhiều cái “lần đầu tiên” được xuất hiện trong liveshow của anh. Giữ được những cái riêng mà vẫn mới lạ, hiện đại, hấp dẫn là một việc không dễ dàng với ê kíp chương trình. Khách mời của anh không phải là bạn diễn quen thuộc Anh Thơ, mà là diva Thanh Lam, người đã có một sự kết hợp thành công trong CD “Gọi anh” với Trọng Tấn trước đó. Hai ca sĩ hàng đầu của hai dòng nhạc với những sở trường và sự ăn ý hứa hẹn sẽ tạo nên những khoảnh khắc thăng hoa trên sân khấu.
Thanh Hà
Theo Gia đình xã hội