‘Dầm mưa đón sao Hàn không phải là khùng điên’

“Các bạn chen lấn để gặp SNSD và nhiều người xô đẩy nhau để mua bánh trung thu ở Hà Nội có gì khác biệt?”, độc giả Quỳnh Hoa đặt câu hỏi khi người hâm mộ nhạc Hàn bị chỉ trích.

Tuổi trẻ có thể làm điều mình thích Khi hàng nghìn người hâm mộ chen chúc, chờ đợi các cô gái nhóm nhạc nổi tiếng xứ Hàn xuất hiện tại Việt Nam hôm 2/9, nhiều người không yêu thích các nhóm nhạc xứ kim chi hoặc nền công nghiệp giải trí nước bạn đã tiếng chỉ trích. Việc dành tình yêu cho thần tượng của các fan chân chính từ đó cũng bị đánh đồng là mù quáng, ngông cuồng khiến Quỳnh Hoa – người không mê nhạc Hàn – phải lên tiếng. Cô chia sẻ, cô không thích nhạc Hàn Quốc nhưng cô thấy bức xúc hộ các fan thật sự. Nhiều người lớn tuổi dùng từ nặng nề để lên án các bạn trẻ nhưng cô nghĩ: “Các bạn mê Kpop thì sao? Có ăn cắp ăn trộm của ai cái gì không? Các bạn cuồng sao Hàn thì sao? Có ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo của ai không? Họ chen lấn để gặp SNSD và nhiều người xô đẩy nhau để mua bánh trung thu ở Hà Nội có gì khác biệt? Hay một số bạn bỏ học đi xem đại nhạc hội của Suju và nghỉ làm việc ở nhà để canh World Cup không giống nhau sao?”. Những bạn trẻ hâm mộ các nhóm nhạc thường tham gia trong nhóm và có nhiều hoạt động rất thú vị. Đây là môi trường giúp họ có cơ hội trao đổi, tự tin thể hiện mình, suy nghĩ của bản thân cũng như biết cách nhìn nhận, quan sát về những vấn đề xung quanh cuộc sống khởi nguồn từ việc dõi theo các hoạt động, bước đi của thần tượng. Đồng quan điểm, Long nói, đây là sở thích, niềm vui của mỗi người. Giống như các bạn dầm mưa xem đá banh, hay chạy nhiều km để được lên xe buýt của Asenal, vậy tại sao họ lại được khen ngợi còn những bạn mê thần tượng Hàn bị gọi là điên, khùng, không lí trí, nổi loạn hay gây rối làm mất trật tự?

SNSD tại Hà Nội.
SNSD tại Hà Nội.

“Bóng đá, Kpop, nhạc Anh – Mỹ hay manga… đều là sở thích riêng, không thể nói cái nào có giá trị hơn. Vì vậy, mọi người đừng đánh đồng giữa sở thích cá nhân và người thân gia đình vì 2 cái quá chênh lệch”, Long góp ý. Nhận thấy đa phần người hâm mộ thần tượng Kpop toàn các bạn trẻ, vì vậy, Tùng Nguyễn khuyên mọi người không nên “ném đá” hay “ném gạch” vào họ. “Tuổi trẻ là như thế, có thể làm nhiều điều mình thích. Lớn thêm tý nữa, các bạn lại thấy hồi bé mình buồn cười, rồi tự thấy bản thân có trách nhiệm với bố mẹ gia đình mình hơn”, anh bộc bạch. Yêu thích tích cực Bình ý kiến: “Nhiều người nói fan vì sao không dành thời gian cho học tập, gia đình, cha mẹ, công tác từ thiện nhưng chúng tôi thật sự có thời gian rảnh mới mới sắp xếp để đi đón thần tượng mà”. SNSD sang Việt Nam là vào ngày 2/9, đây là ngày nghỉ lễ lớn nên người dân cả nước đều được nghỉ làm, nghỉ học. Mỗi người đều có kế hoạch riêng như du lịch, nghe nhạc, xem phim, tụ tập bạn bè và họ lựa chọn cách hưởng thụ cuộc sống riêng là đi đón thần tượng. Những người đem ba mẹ, gia đình ra so sánh Bình nghĩ quá vô lý và thiển cận. “Fan đích thực nhận thức được vị trí của họ đang ở đâu. Ba mẹ, học tập, bạn bè ai chẳng gặp hàng ngày, nhưng thần tượng hiếm lắm mới được gặp trực tiếp. SNSD hay nhiều sao Hàn khác là những người thật sự rất giỏi. Nếu những người có đủ thông minh để phân tích vì sao ghét fan Kpop chắc cũng đủ thông minh để tìm hiểu vì sao người hâm mộ vô cùng yêu thích họ”, Bình nhấn mạnh.

Nhiều người hâm mộ chờ đợi SNSD nhiều giờ liền tại sân bay.
Nhiều người hâm mộ chờ đợi SNSD nhiều giờ liền tại sân bay.

Là một học sinh lớp 12, bận rộn với việc học hành, thi cử khiến Tâm có thời gian bị bệnh trầm cảm. Cô tâm sự: “Tôi là người rất khép kín và không có sở thích gì đặc biệt, đôi lúc tôi cảm thấy mình là một người vô cùng nhàm chán. Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ dám nói lớn tiếng hay mạnh dạn thể hiện trước đám đông. Thế nhưng, từ khi tôi biết dõi từng hoạt động của các nhóm nhạc, nghe những bài hát, MV họ mới phát hành lại thấy giải tỏa được nhiều áp lực trong chuyện học tập. Việc cùng nhau chia sẻ với các bạn cùng thần tượng giúp tôi thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn, quan điểm sống cũng dần trở nên tích cực hơn”.

“Tôi vẫn tham gia hoạt động xã hội, vẫn thường xuyên quyên góp từ thiện, có một công việc ổn định chứ không ăn không ngồi rồi. Tôi vẫn chấp nhận dầm mưa 3 giờ để được thấy thần tượng dù năm nay tôi đã 31 tuổi”, độc giả Nguyễn Hưng.

Tâm cho biết, cụm từ fan cuồng là dành chung cho những người có hành động quá khích, không kiểm soát được mình, có thể là trong thể thao, âm nhạc, ăn mặc… không thể đánh đồng với những người hâm mộ chân chính. Đây là một khái niệm rất ác ý và gieo rắc trong đầu phụ huynh ý nghĩa mọi thứ liên quan đến sao Hàn là xấu xa, a dua. Từ đó bố mẹ, ông bà, anh chị luôn can thiệp vào chuyện yêu thích của con trẻ, rất bất công.

Nhật My

Theo Zing.vn