Nghệ sĩ hài nổi tiếng cho biết, anh không phân biệt sân khấu “sang”, “hèn”. Tỏa sáng trên sân khấu hải ngoại lẫn trong nước nhưng ngoài đời, những ai từng tiếp xúc danh hài Chí Tài đều chung một nhận định “anh rất dễ gần và giản dị”. Hơn 10 năm gắn bó với sân khấu Việt Nam, lần đầu tiên Chí Tài chia sẻ với báo giới về những kỷ niệm của anh khi đi diễn, đặc biệt là quan điểm không phân biệt sân khấu “sang” hay “hèn” mà ở đâu có khán giả, thì ở đó nghệ sĩ sẽ “cháy” hết mình. Cơ duyên nào anh lại chọn những sân khấu mà nhiều người vẫn cho là “bình dân” làm một trong những nơi biểu diễn đầu tiên khi về nước? Có thể lớp trẻ bây giờ còn hơi lạ lẫm chứ những người thời chúng tôi thì không ai xa lạ với những sân khấu như Trống Đồng. Đây là nơi khởi đầu cho rất nhiều các ca sĩ, nghệ sĩ trở thành những ngôi sao trong làng giải trí của cả nước như Ngọc Sơn, Ngọc Ánh, Quang Linh, Phương Thanh, Đan Trường, Hiền Thục, Thanh Thảo, Bảo Chung, Nhật Cường, Tấn Beo… Thời gian đầu khi về nước, tôi thường đi xem các chương trình tại những sân khấu như vậy. Ấn tượng rất tốt, khán giả dễ thương, nhiệt tình, đủ thành phần và dễ gần gũi. Rồi ban chủ nhiệm mời, tôi đồng ý luôn.
Chí Tài thích diễn ở những sân khấu “bình dân” vì khán giả đa dạng
Cảm nghĩ của anh khi diễn ở sân khấu nhỏ như vậy? Có khác gì so với những sân khấu hoành tráng anh từng diễn? Tôi lớn lên ở Việt Nam, ra nước ngoài từ năm 1981. Ở đâu cũng vậy, tôi chỉ quan tâm nhiệt tình của khán giả. Điểm đặc biệt của sân khấu “bình dân” là khán giả “máu lửa” dữ lắm. Một số người túi tiền eo hẹp nhưng được gặp, được xem các ngôi sao ca nhạc, tấu hài diễn trực tiếp nên sự hâm mộ của họ cũng tăng theo cấp số nhân. Mặc dù diễn ở đây rất nóng nhưng mình mệt lúc đó thôi, về nhà ngủ ngon lành cành đào. Vì vui, vì được khán giả ủng hộ quá mà. Thường thì khán giả không như báo chí, hễ chê thì như tát nước vào mặt. Khán giả ở đây lại càng “thẳng ruột ngựa”. Tôi hay diễn suất cuối, vậy là họ đợi tới tan diễn, vòng ra hậu trường góp ý thẳng thừng kiểu như “sao cái tuồng này anh diễn hỏng vui?”. Chỉ vậy thôi mà tôi mất ngủ. Có thể nói, khán giả là nơi “thử tay nghề” nghệ sĩ. Khán giả ở đây không chấp nhận thì khó lòng thành công ngắn ở sân khấu nào khác. Tôi là tay ngang đến với nghề này, nên cái gì cũng lắng nghe, từ đồng nghiệp tới khán giả, học hỏi và lấy sự cần cù bù cho tài năng được rèm luyện. Anh có kỷ niệm nào đáng nhớ khi đi diễn? Hồi mới về diễn ở đây, tôi rất lo. Không biết khán giả có chào đón mình không? Nhưng suất nào tôi diễn, bà con cũng cười rần rần, vỗ tay rất lâu. Tôi vui dữ lắm. Có đêm trời mưa mà sân khấu vẫn đông nghịt, bà con đội mưa ở lại coi tới phút cuối. Khán giả tràn lên sân khấu, tôi đứng ở giữa diễn. Cảm giác như đang ở một buổi cắm trại, tôi cảm động suýt khóc. Thêm một kỷ niệm nữa là trong một lần diễn, tôi chú ý thấy một bác khán giả ngồi ngay hàng đầu, vẻ mặt rất trầm tư, nghiêm khắc. Suốt cả đêm diễn hoàn toàn không cười, đoạn nào mọi người cười vang thì bác ấy mới nhếch mép một chút. Sau đó tôi tìm gặp bác, hỏi ra mới biết thì ra đó là biểu cảm khi đi xem hài kịch. Tôi mới thấy lần đầu, coi hài mà như đang nghiên cứu khoa học (cười). Lúc bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm. Bao nhiêu năm đứng trên sân khấu, lần đầu tiên tôi mới thấy có vị khán giả bộc lộ cảm xúc một cách đặc biệt như vậy. Rất ấn tượng!
Chí Tài, Hoài Linh và nhiều nghệ sĩ tên tuổi sẵn sàng diễn ở mọi sân khấu
Thời gian qua, dường như mọi người rất thích vở “Ba ông già” anh diễn chung với nghệ sĩ Hoài Linh? Đây là lần đầu tiên tôi diễn vở này với anh Hoài Linh ở sân khấu Trống Đồng. Nói bạn không tin chứ tôi hồi hộp lắm (cười). Tiểu phẩm này chỉ xoay quanh chuyện tập thể dục của ba ông già, đơn giản vậy thôi nên lấy được tiếng cười của khán giả cũng là một nghệ thuật. Sắp tới anh sẽ có vở diễn nào mới? Đó là tiểu phẩm “Chuyện tình tay tư”, một vở kịch ngắn có thời lượng khoảng một tiếng. Có lúc nào anh cảm thấy cạn nguồn cảm hứng với sân khấu hài kịch? Anh khơi nguồn cảm hứng bằng cách nào? Đó là lúc mình diễn nhiều quá, một tiểu phẩm cứ diễn đi diễn lại hoài. Những lúc không có tác phẩm mới thì thấy hơi chán chán. Có tác phẩm mới rồi mà khán giả hưởng ứng thì vui tới mất ngủ luôn. Hình như anh thường xuyên tham gia những chương trình gây quỹ từ thiện? Tôi thích gọi đó là công tác xã hội, các hoạt động nhân ái hơn. Đối với các hoạt động này, tôi chưa bao giờ nói “không”. Sân khấu ca nhạc là nơi thường xuyên diễn ra các chương trình gây quỹ ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung, ủng hộ nghệ sĩ bị bệnh hiểm nghèo, tặng quà cho trẻ em vùng sâu vùng xa, đóng góp chương trình “Vì Trường Sa thân yêu”. Đó là điểm cộng không chỉ riêng tôi mà các anh em nghệ sĩ khác đều trân trọng tấm lòng của Ban chủ nhiệm, những người điều hành sân khấu.
Ngoài đi diễn, Chí Tài còn rất chăm chỉ làm từ thiện
Anh có mong muốn gì cho sân khấu mà anh yêu mến này? Tôi cho rằng chọn sân khấu nào là cái duyên, nhưng gắn bó dài lâu lại là tình yêu thực sự. Bao năm qua, tôi tin mình đã phấn đấu và cống hiến hết mình cho sân khấu, nên được… tổ nghề phù trợ. Tất nhiên, còn có sự hỗ trợ rất lớn của anh em nghệ sĩ, đặc biệt là những người điều hành sân khấu. Các anh điều hành sân khấu luôn hỗ trợ hết mình những yêu cầu của nghệ sĩ, rồi còn ứng tiền túi ra lắp máy lạnh ở một phòng riêng biệt để anh em nghệ sĩ luyện tập chuẩn bị liveshow. Chính cái tình của họ, sự đối đãi như người một nhà của ban chủ nhiệm sân khấu là sợi dây nối kết nghệ sĩ với nơi này, trong đó có tôi. Khi nghe tin sân khấu bị quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm, tôi tâm sự với nhiều nghệ sĩ thì biết là không chỉ mình tôi mà hầu như ai cũng buồn.Tôi có thời gian đạp xe bán báo kiếm ăn từng bữa. Nhiều nghệ sĩ có tuổi xuân cơ cực cũng từ sân khấu này mà phát triển, thành danh nên nơi này như cái nôi, ngôi nhà của họ vậy. Do đó, tôi rất hiểu và trân trọng nhu cầu được giải trí, gần gũi thần tượng của một bộ phận không nhỏ những khán giả vất vả với cuộc mưu sinh. Nếu những sân khấu bình dân không còn, những khán giả ít tiền sẽ đi đâu để nghe những bài nhạc họ thích, xem những tiểu phẩm hài làm họ vui, được gặp gỡ với những nghệ sĩ họ hâm mộ bằng xương bằng thịt chứ không phải là qua màn ảnh nhỏ? Đây là sân khấu duy nhất của TP.HCM, thậm chí cả nước hội đủ điều kiện “ngon-bổ-rẻ”. Vì vậy, tôi chỉ mong mỏi sân khấu không bị dỡ bỏ, tân trang chút đỉnh và làm lại mái che thì tin rằng sân khấu Trống Đồng sẽ luôn sáng đèn hàng đêm. Anh có thể cho biết dự định tới của mình? Ngày 1 và 2/9, tôi và đông đảo ca sĩ nổi tiếng cùng các diễn viên hài gạo cội của TP.HCM như: Ngọc Sơn, Ngọc Ánh, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Linh, Minh Thuận, Lam Trường, Phương Thanh, Nguyễn Phi Hùng, Lý Hải, Noo Phước Thịnh, Hiền Thục, Quang Hà, Bảo Thy, Ngô Kiến Huy, Vũ Hà, Minh Thư, Don Nguyễn, Sơn Ca… cùng dàn danh hài như Hoài Linh, Trường Giang, Bảo Chung, Tấn Beo, Nhật Cường, Hoàng Sơn, Trần Bùm…sẽ quy tụ tại sân khấu ca nhạc Trống Đồng trong hai đêm diễn đặc biệt kỷ niệm 25 năm thành lập sân khấu. Hy vọng khán giả sẽ tiếp tục ủng hộ. Xin cảm ơn Chí Tài và chúc anh thành công.
Ngoài đời, Chí Tài là người gần gũi và bình dị
Thu Thảo
Theo Eva