“Thi hoa hậu để đắt sô sự kiện thì không bao giờ có khả năng truyền cảm hứng”, Giám đốc Quốc gia Dương Trương Thiên Lý nói. Bởi vậy, cô tự hào vì tân Hoa hậu H’Hen Niê.
Năm 2008, Dương Trương Thiên Lý đạt danh hiệu Á hậu 2 tại Hoa hậuHoàn vũ Việt Nam. Năm 2009, cô trở thành Giám đốc Quốc gia của cuộc thi, khi mới 20 tuổi. Vai trò đó đến nay đã 9 năm, đưa cô trở thành người phụ nữ quyền lực đứng đằng sau một trong hai cuộc thi sắc đẹp lớn nhất Việt Nam (bên cạnh Hoa hậu Việt Nam).
“Tôi muốn được là người đứng sau hào quang như Thiên Lý, làm được như cô ấy mới là giỏi”, Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy nhận xét về Thiên Lý với Zing.vn. Dù luôn xuất hiện trong các hoạt động tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam từ nhiều năm nay, Thiên Lý rất hiếm khi trả lời phỏng vấn hay trực tiếp huấn luyện thí sinh.
Á hậu trò chuyện về giá trị của các cuộc thi sắc đẹp nói chung, và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cùng Hoa hậu Hoàn vũ thế giới nói riêng.
Ngay từ đầu, H’H’en Niê đã khiến tôi và BGK cảm động
– Năm nay, cô gái người Ê đê H’hen Niê đã trở thành Hoa hậu. Chị đánh giá sao về cô ấy?
– Có một vài thí sinh truyền được cảm hứng từ những vòng đầu nhưng người nổi bật nhất chính là H’hen Niê. Ai cũng ấn tượng với câu trả lời phỏng vấn trong vòng sơ khảo của cô ấy.
Trước câu hỏi “Bạn sẽ làm gì nếu có được danh hiệu?”, H’hen đã nói: “Em sẽ về quê và chia sẻ 70% tiền thưởng để trao học bổng cho các em gái ở buôn làng”. Ngay lập tức, ban giám khảo (BGK) và tôi thấy ấn tượng và cảm động trước tấm lòng của cô gái này.
Á hậu – Giám đốc Quốc gia Dương Trương Thiên Lý trong vai trò cố vấn một thử thách của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017. |
Bên cạnh H’Hen Niê, cũng có những thí sinh chia sẻ suy nghĩ về vấn đề bình quyền trong xã hội Việt Nam. Tôi rất mừng vì các cô gái trẻ ngày nay đã biết quan tâm đến những vấn đề như vậy.
– Tân Hoa hậu H’Hen Niê năm nay 25 tuổi, hai Á hậu Hoàng Thùy và Mâu Thủy cũng vậy. Cách đây một thập kỷ, chúng ta có những hoa hậu và á hậu 18, đôi mươi. Đâu là sự khác biệt giữa hai thời?
– Chúng tôi muốn định hình lại quan niệm xã hội về hoa hậu. Một cô gái 18, 20 tuổi có lẽ chưa đủ trải nghiệm sống để trở thành người truyền cảm hứng cho xã hội. Họ phải có sự chín chắn và bản lĩnh, không phải chỉ là bản lĩnh trình diễn sân khấu đâu, mà là bản lĩnh trong suy nghĩ.
Khi đi thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, người ta sẽ không hỏi những câu đơn giản về sở thích, thói quen, người ta hỏi những câu về kinh tế, chính trị, xã hội, quan điểm của cô gái đó về các vấn đề thời sự quốc tế nhạy cảm. Bởi vậy, nếu một cô gái chưa đủ bản lĩnh, chưa có hiểu biết và chính kiến thì làm sao có thể vượt qua vòng ứng xử đó.
Chúng ta thường đặt câu hỏi vì sao người đẹp Việt chưa vào được top 5 các cuộc thi thế giới, thì hãy hiểu khoảng cách giữa một cô gái chỉ đẹp bề ngoài và một cô gái có nội lực bên trong.
Chúng tôi truyền thông rất nhiều về thông điệp truyền cảm hứng của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và có vẻ năm nay, các thí sinh đã nắm vững tinh thần của cuộc thi.
Thiên Lý trở thành Giám đốc Quốc gia của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam từ năm 19 tuổi, đến nay đã là 10 năm. |
– 10 năm tổ chức thi hoa hậu, chị từng gặp phải điều tiếng xấu, chẳng hạn bị coi là “bà trùm” tìm người đẹp cho đại gia?
– Thực ra, tôi làm công việc này vì tôi luôn muốn tạo ra cơ hội tỏa sáng và vươn xa cho những người phụ nữ Việt Nam giống như mình. Tôi làm không phải để nổi tiếng hay vì những thứ không hay người ta đồn đại. Tôi chỉ nghĩ rằng, nếu mình làm tốt công việc của mình, sức ảnh hưởng sẽ rất lớn. Như bạn thấy, Phạm Hương hay H’Hen Niê đã trở thành những hình mẫu được các bạn trẻ yêu mến. Những gì họ làm và nói đều có sức ảnh hưởng đến cộng đồng.
Tôi luôn thích những công việc liên quan đến phát triển con người. Công việc này luôn ở gần những cám dỗ, rắc rối và thị phi, nhưng tôi hiểu tôi làm vì mong muốn có nhiều người đẹp tử tế hơn nữa.
Thời tôi mới nhận công việc này, tôi làm vì lòng tự tôn, để bảo vệ danh hiệu hoa hậu – á hậu mà tôi cũng là một trong số đó, vì có một thời việc hoa hậu tú bà, bán dâm rộ lên khiến chúng tôi bị mang điều tiếng xấu. Càng về sau, tôi càng thấy việc mình làm đang có sức ảnh hưởng rất tốt.
Giờ đây, khi tôi đã làm mẹ, tôi nhìn vào các thí sinh như những người mẹ tương lai, những người phụ nữ có sự nghiệp riêng. Nếu tôi giúp các em hiểu và đi theo những điều tốt đẹp, các em sẽ truyền thông điệp đó đến các cô gái trẻ sau này.
Tôi từng tự hỏi “Mình có làm sai điều gì không?”
– Ở phương Tây, các cuộc thi sắc đẹp cũng đang gây tranh luận vì “đi ngược lại quyền bình đẳng với phụ nữ, là nơi phụ nữ phô bày thân thể và ganh đua về nhan sắc”. Họ cho như vậy là thiếu tiến bộ?
– Tôi cũng tiếp xúc với một số người phương Tây có suy nghĩ như vậy. Trước đây, cũng từng có một cuộc thi Hoa hậu Thế giới tổ chức theo hình thức chấm điểm trực tiếp qua màn ảnh truyền hình, gây cảm giác đêm chung kết là một “trường đua sắc đẹp” dù thực tế không phải vậy.
Tôi cũng cân nhắc khá nhiều và tự hỏi bản thân rằng “Mình có làm sai điều gì không?”, “Những điều mình làm có vô tình khiến các cuộc thi sắc đẹp trở thành không hay?”.
Từ góc nhìn của tôi, những cuộc thi sắc đẹp giúp thay đổi một số thói quen theo chiều hướng tích cực.
Chẳng hạn, chính áp lực thi sắc đẹp đã khiến các thí sinh có động lực rèn luyện thể lực. Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng luôn khuyến khích điều này. Vì những cuộc thi hoa hậu thực ra không chấp nhận các cô gái mảnh khảnh và yếu ớt.
Họ phải có sức khỏe và sức sống thể hiện qua từng đường cơ, qua sự rắn chắc và bền sức. Đó mới là vẻ đẹp tích cực và tiến bộ. Những cuộc thi sắc đẹp từ vài chục năm trước không nhấn mạnh vào điều này, mà thiên về sự nhẹ nhàng, mềm mại.
Đặc biệt, Hoa hậu Hoàn vũ thế giới chính là cuộc thi coi trọng vẻ đẹp với hình thể khỏe mạnh, đầy sức sống từ tập luyện và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chứ không phải vẻ đẹp của sự gầy gò hay nhịn ăn. Đó là một hình mẫu rất đẹp cho các cô gái trẻ Việt Nam hiện đại.
Những năm gần đây, Á hậu gắn với hình ảnh quyền lực đằng sau một trong cuộc thi nhan sắc lớn của Việt Nam. |
– 10 năm đồng hành với cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, chị nhận thấy thay đổi gì?
– Tôi gắn bó với cuộc thi từ năm 2008, khi còn là thí sinh, rồi làm đại sứ của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới tổ chức tại Việt Nam cũng vào năm đó, rồi trở thành Giám đốc Quốc gia của cuộc thi vào năm 2009. Như vậy, tôi đã có 9 năm làm vai trò Giám đốc Quốc gia.
Ngày xưa, khi còn là thí sinh, tôi không hiểu nhiều về các cuộc thi sắc đẹp, dù từ nhỏ đã hay xem những cuộc thi lớn như Hoa hậu báo Tiền Phong hay Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh. Thời đó, hai cuộc thi đó là lớn nhất nước. Tôi chỉ biết đến đó và chưa bao giờ có mong muốn trở thành một thí sinh. Một trong những thứ mà tôi chưa có ý thức rõ ràng là sức ảnh hưởng của một hoa hậu, á hậu đối với giới trẻ và xã hội. Tôi chỉ biết là à, các hoa hậu đẹp quá!
Năm 19 tuổi, tôi có duyên trở thành thí sinh nhưng mục tiêu cũng không phải là danh hiệu mà đúng nghĩa là để thử sức, để rèn luyện kỹ năng biểu diễn trên sân khấu, vượt qua nỗi sợ hãi khi đứng trước đám đông. Đơn giản vậy thôi. Khi đi thi, tôi chưa hiểu về tầm quan trọng của vị trí nhà tổ chức cuộc thi.
Hồi đó, các cuộc thi sắc đẹp cũng chưa hoành tráng, chưa có nhiều hoạt động huấn luyện và những hình mẫu nhan sắc có tầm ảnh hưởng lớn như bây giờ. Nhưng ngược lại, bây giờ, vị trí của một hoa hậu, á hậu hay những thí sinh bước ra từ các cuộc thi sắc đẹp không còn được trân trọng như thời đó nữa.
– Chị có thể kể về trải nghiệm của một Á hậu Hoàn vũ Việt Nam?
– Tham gia với tâm thế như vậy nhưng thật bất ngờ, tôi đạt được danh hiệu Á hậu 2. Tôi phải mất nhiều thời gian suy nghĩ mới thích nghi được với vai trò mới này. Từ khi trở thành Giám đốc Quốc gia của cuộc thi, tôi cũng nhiều lần ra nước ngoài, trải nghiệm môi trường tổ chức thi sắc đẹp của quốc tế nên ngày càng cảm thấy thân thuộc hơn với cuộc thi.
– Chị đã làm quen như thế nào với vai trò Giám đốc Quốc gia?
– Lúc tham gia cuộc thi, tôi đang trong quá trình du học ở Mỹ. Bên cạnh danh hiệu trong cuộc thi, khả năng ngoại ngữ cũng là một lợi thế của tôi vì không có nhiều thí sinh trong cuộc thi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Năm 2008, công việc đăng cai cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới đòi hỏi phải trao đổi rất nhiều với nhà tổ chức phía Mỹ. Các công việc về sau của Giám đốc Quốc gia cũng vậy.
Lúc mới nhận lời đảm nhận vai trò này, tôi không hề được đào tạo hay truyền lại kinh nghiệm bởi đây là vị trí công việc chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Á hậu Thiên Lý và Hoa hậu Mai Phương Thúy – người hơn cô 1 tuổi, đi thi hoa hậu trước 1 năm. |
– Sau 9 năm làm Giám đốc Quốc gia, chị thấy ý nghĩa lớn nhất của công việc này là gì?
– Ý nghĩa lớn nhất là giúp tôi thay đổi cái nhìn về con người. Tôi nghĩ cuộc thi không đơn thuần là thi sắc đẹp để chọn là người mang danh hiệu hoa hậu, á hậu, mà còn tạo ra rất nhiều cơ hội để giúp cô những cô gái trẻ có ngoại hình tốt, trình độ cao có tư duy tốt hơn, tích cực hơn và hiểu được như thế nào là cái đẹp toàn diện.
Hoa hậu được khán giả ủng hộ, cuộc thi mới danh giá
– Chị nói danh hiệu hoa hậu bây giờ không được trân trọng nhiều như trước đây, chị nghĩ sao về điều đó?
– Đó là điều hiển nhiên vì những năm vừa qua có quá nhiều cuộc thi lớn nhỏ. Mọi người không phân biệt nổi nữa giữa các cuộc thi người đẹp với hoa khôi, hoa khôi với hoa hậu.
Công chúng bình thường sẽ không phân biệt được. Thực ra, mỗi cấp thi đó có những tiêu chí khác nhau. Và những năm trước, rất nhiều trường hợp hoa hậu đăng quang rồi nhưng khán giả không đồng tình. Đó là chưa kể các trường hợp người đẹp, hoa khôi ở tỉnh, vùng miền cũng lấy danh hiệu ra để làm chuyện mua bán, đổi chác…
Khán giả cũng chú ý hơn đến những “scandal”. Những chuyện như vậy khi được đăng lên mặt báo, mọi người cũng đọc nhiều hơn nên họ dễ gom các cuộc thi người đẹp, hoa khôi, hoa hậu vào một “rọ”, không phân biệt lớn nhỏ hay mức độ công tâm.
Tôi không nói các cuộc thi khác, nhưng riêng với Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, chúng tôi đặt ra sứ mệnh phải tìm người xứng đáng. Khi hoa hậu được xướng tên, thành công lớn nhất của chúng tôi là những tràng pháo tay của khán giả dành cho cô gái ấy, cũng như dành cho ban giám khảo (BGK) – những người đã thực thi đúng nhiệm vụ của mình. Khán giả phải mãn nguyện với kết quả, chúng tôi mới cảm thấy thành công.
Từ sự mãn nguyện đó, cả BGK và BTC mới có được uy tín để phát biểu về cuộc thi trên báo chí, mới đủ hãnh diện để nhận mình là người đứng đằng sau cuộc thi. Và khi đó, bản thân hoa hậu cũng có thể tự hào và dõng dạc nói về những nhiệm vụ mới của mình.
– Thế với những cuộc thi mà hoa hậu bị khán giả phản đối, người tổ chức có coi đó là thất bại cay đắng của mình?
– Trong quá trình tổ chức, người tổ chức phải xác định rõ mình muốn mang đến điều gì qua cuộc thi và cũng phải sẵn sàng đón nhận hậu quả. Sau nhiều năm làm nghề, tôi và ê-kíp của mình, đặc biệt là bộ phận truyền thông, đều hiểu mỗi việc làm sẽ kéo theo hệ quả như thế nào.
Chuyện tranh cãi về nhan sắc hoa hậu, như Hoa hậu Đại dương vừa rồi, theo tôi không lạ và cũng không mới mẻ gì. Những năm vừa qua, có rất nhiều cuộc thi rơi vào hoàn cảnh đó. Nhưng trước các câu hỏi “trách nhiệm thuộc về ai?” hay “có xứng đáng không, có đúng không?”, tôi nghĩ không nên quy trách nhiệm về một cá nhân nào. Với riêng tôi, đó là những bài học thấm thía để tôi tổ chức cuộc thi của mình nghiêm túc hơn, chỉn chu hơn.
Tôi hiểu các cô gái hoa hậu mới đăng quang đều có tuổi đời còn trẻ, họ cần sự hỗ trợ. Trách nhiệm của mỗi BTC hoa hậu là bảo vệ được hình ảnh thí sinh của mình, bảo vệ được sức thuyết phục của danh hiệu, xây dựng được sự danh giá của chiếc vương miện. Làm sao để cuộc thi đó danh giá là trách nhiệm chính của BTC.
– Vậy sẽ ra sao khi nhan sắc hoa hậu gây tranh cãi, BTC lại đổ trách nhiệm cho BGK?
– Trong toàn bộ quá trình thi, một nhan sắc nếu đã xứng đáng với danh hiệu hoa hậu thì sẽ ngày càng lộ rõ, gần như là hiển nhiên. Bởi hiển nhiên nên khi kết quả được công bố, mọi người sẽ phải công nhận. BGK đều là những chuyên gia sắc đẹp lành nghề, qua quá trình chấm, họ sẽ biết được một nhan sắc có xứng đáng hay không.
Trong khâu tổ chức, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam có rất nhiều khóa huấn luyện, thử thách và vòng phỏng vấn là để các thí sinh thể hiện chính mình. Riêng vòng phỏng vấn, BGK hỏi xoáy, hỏi xoay rất nhiều. Trong các thử thách, chúng tôi cũng yêu cầu kỷ luật cao để thí sinh nào không đáp ứng được thì đã bị loại từ sớm. Còn những thí sinh nào có tiềm năng thì sẽ được chăm chút để từ các “hạt mầm”, các bạn vươn lên thành những “cái cây” khỏe mạnh, xanh tốt, truyền đi năng lượng tích cực.
Qua các thử thách đó, chúng tôi sẽ hiểu thí sinh nào có tinh thần cống hiến, chứ không phải là các thí sinh “Em thi hoa hậu để đắt sô sự kiện”. Ở đây, chúng tôi không đào tạo ra những hoa hậu như vậy. Một người có suy nghĩ như vậy sẽ không bao giờ có khả năng truyền cảm hứng.
Mi Ly
Ảnh: Đại Ngô
Theo Zing