Thẫn thờ sau đêm diễn: Nỗ lực cho nhân vật được sống

Có được một vai diễn hay trên sân khấu đã chật vật, để vai diễn ấy sống và thăng hoa trong thời gian dài còn cần cả sự nỗ lực bền bỉ của nghệ sĩ.

Hàng trăm đêm diễn nhưng không phải đêm nào nghệ sĩ cũng thăng hoa với nhân vật. Khi rời sân khấu, họ mang theo cả những trăn trở làm sao để vai diễn hoàn thiện hơn, nhân vật được sống lâu hơn trong lòng khán giả. Tiếc nuối, trăn trở Vừa diễn xong vai bà Hai trong vở Nửa đời ngơ ngác, nghệ sĩ Ái Như thở dài tiếc nuối: “Lúc nãy, tôi thể hiện sự ác độc chưa thật sự tốt. Giá mà tôi đẩy cảm xúc tới một chút nữa chắc hiệu ứng sẽ tốt hơn. Tuy khán giả vỗ tay nhưng tôi nghĩ mình có thể diễn trường đoạn đó hay hơn nữa nếu hôm nay không quá mệt”.

Nghệ sĩ Thanh Thủy trong một cảnh của vở diễn Hãy khóc đi em. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Nghệ sĩ Thanh Thủy trong một cảnh của vở diễn Hãy khóc đi em. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

NSƯT Thành Lộc cho rằng sức khỏe và tâm trạng chi phối sự thăng hoa của nghệ sĩ trên sân khấu rất nhiều. Dù anh đã diễn đến 300 suất vở Dạ cổ hoài lang nhưng không phải đêm nào nhân vật ông Tư cũng khiến khán giả hài lòng. “Có những đêm mình mệt, bước lên sân khấu với tâm trạng không vui thì sẽ không thể nào diễn đạt đến độ chín cảm xúc của nhân vật được. Ngược lại, nếu đêm đó tâm trạng ổn định, sức khỏe tốt thì sự nhập vai của nghệ sĩ sẽ dễ dàng hơn” – NSƯT Thành Lộc cho hay. Theo NSND Hồng Vân, đôi khi nghệ sĩ diễn không thăng hoa vì nhiều lý do khác nhau. “Khán giả có thể không nhận ra nhưng chính mình lại cảm thấy rất có lỗi. Vì thế, lần nào tôi cũng nuối tiếc cho vai diễn” – Hồng Vân thổ lộ. NSƯT Thành Lộc cho biết sau mỗi đêm diễn, vào trong cánh gà sân khấu, trên đường về nhà hay cả trong giấc ngủ…, anh luôn trăn trở về diễn xuất của mình. “Lúc nào cũng có cảm giác như mình diễn chưa được tốt lắm! Hình như thiếu một chút chỗ này, dư một chút chỗ kia. Sau khi nhận ra, tôi lập tức ghi nhớ trong đầu để tối mai mình sẽ hoàn thiện vai diễn hơn” – NSƯT Thành Lộc tâm sự. Có lẽ vì vậy mà đến hôm nay, NSND Hồng Vân vẫn mong được đóng lại vai Thị Bình trong vở Lôi vũ: “Tôi tiếc vì chưa hài lòng với nhân vật của mình” – Hồng Vân bộc bạch. NSND Lê Khanh từng đúc kết rằng với nghệ sĩ sân khấu, không đêm nào sáng tạo giống đêm nào. Mỗi đêm diễn là mỗi sự sáng tạo mới, cảm xúc mới, đồng cảm với lớp khán giả mới. Nói như NSƯT Thành Lộc, một vở diễn sống được tới 300 buổi nghĩa là diễn viên có 300 bản sáng tạo khác nhau của nhân vật. Cái hay của sân khấu chính là cùng một vai diễn đó, nghệ sĩ có thể được đóng lại nhiều lần, có thể sửa sai, hoàn thiện ở những đêm kế tiếp. “Thực tế, không có nghệ sĩ nào sau những suất diễn đầu tiên đã cảm thấy hài lòng với nhân vật của mình. Thậm chí, dù tới đêm thứ 100 đi nữa, họ cũng cảm giác trăn trở về vai diễn. Nếu diễn càng tệ, không tròn thì sự đau đáu, khó chịu càng nhiều, bất kể là vai lớn hay nhỏ, vì khi mình chưa viên mãn thì đương nhiên khán giả cũng chưa thể hài lòng” – NSƯT Thành Lộc đúc kết. Sáng tạo không ngừng Trên thực tế, có những khán giả đến sân khấu thường xuyên dù đã xem vở diễn đó đến hơn 10 lần. Họ đến vì yêu mến nghệ sĩ, muốn xem nghệ sĩ ấy hoàn thiện vai diễn đó như thế nào. NSƯT Thành Lộc cho biết rất nhiều lần đứng trên sàn diễn, anh nhận ra những khán giả quen thuộc ngồi đúng một số ghế từ nhiều năm. Họ đến để xem nhân vật ông Tư của anh đêm nay có khác gì so với những đêm trước hay không. Theo Thành Lộc, chính những khán giả quen đó đã giúp anh nỗ lực sáng tạo, đốt cháy cảm xúc mình nhiều hơn. Nghệ sĩ Ái Như kể có khi chị diễn đến suất thứ 10 thì khán giả nhắn tin bảo rằng đêm ấy chị mới thật sự thăng hoa. Những nghệ sĩ thật sự đam mê nghề luôn có ý thức làm mới mình, khiến mình thú vị hơn mỗi khi xuất hiện trước khán giả, dù đó là khán giả mới hay đã quen thuộc. Có được một vai diễn hay trên sân khấu đã chật vật, còn để vai diễn ấy sống và thăng hoa trong thời gian dài là cả sự nỗ lực bền bỉ của nghệ sĩ, trong đó có cả việc giữ sự thanh xuân cho nhân vật. Ước mơ chinh phục những nấc thang nghệ thuật của nghệ sĩ thật sự yêu nghề là không có giới hạn và họ luôn tâm niệm phải nỗ lực, sáng tạo không ngừng. Chính nhờ những nỗ lực tìm tòi và cháy hết mình cho vai diễn, họ đã cống hiến cho khán giả, cho nghệ thuật sân khấu những vở diễn hay, vai diễn để đời. Qua từng đêm diễn, đôi khi nghệ sĩ thấy mình chưa hoàn thiện nhưng cũng có lúc họ khám phá ra những nét diễn mới. NSƯT Hoàng Yến nhận xét: “Mỗi đêm, nhân vật thăng hoa theo một cách khác nhau. Có lúc mình còn không thể ngờ mình lại diễn được trường đoạn cảm xúc đó. Sự tuyệt vời của sân khấu là ở đấy, càng diễn càng khám phá, càng hoàn thiện!”. Sở dĩ như vậy là vì nghệ sĩ sân khấu không sáng tạo đơn độc. Họ có người đồng sáng tạo là bạn diễn và khán giả. Mỗi đêm, họ tìm thêm những ngóc ngách mới của nhân vật để thể hiện, sau đó lại háo hức trông cho đến ngày mai bước lên sân khấu để diễn lại nhân vật của mình.

Nghiêm túc với từng vai diễn

Không chỉ đốt cháy lại mình trong nhân vật cũ, qua mỗi đêm, nghệ sĩ còn sống trong những thân phận mới, cuộc đời mới. “Hôm nay, tôi đốt mình trong một cuộc đời, ngày mai lại là một cuộc đời khác, bắt đầu lại từ đầu với bao nỗ lực. Khi đã chinh phục được khán giả ở vai bi thì tôi lại tiếp tục thử thách ở vai hài, khi chinh phục được vai thiện thì ngày mai phải thử sức ở vai ác” – NSND Lê Khanh bày tỏ.

Với nghệ sĩ Thanh Thủy, dù vai lớn xuất hiện liên tục hay vai nhỏ chỉ lướt qua sân khấu, chị cũng chăm chút, đầu tư. Thanh Thủy không bao giờ có cảm giác hài lòng khi vừa vượt qua một vai diễn bởi lẽ ngày mai, ngày kia sẽ còn có biết bao vai diễn đang chờ đợi chị hóa thân. Do vậy, chị luôn tỉnh táo và nghiêm túc với từng vai diễn mà mình đảm nhận.

MINH NGA
Theo Người Lao Động