“Ngoài 90% tiền tác quyền bị ca sỹ, đơn vị biểu diễn “ăn quỵt”, nhạc sỹ chúng tôi chỉ được trả vài chục nghìn đồng, vài nghìn đồng, thậm chí 500 đồng cho mỗi ca khúc được biểu diễn”. – NS Đoàn Bổng cho hay. Tính đến nay, những tranh cãi xung quanh vụ lùm xùm về tiền tác quyền trong liveshow Khánh Ly vẫn chưa đến hồi ngã ngũ. Ngược lại, với những lý lẽ ngày càng sắc sảo của đôi bên, cuộc tranh luận càng lúc càng trở nên căng thẳng, quyết liệt. Nhiều nhạc sỹ bức xúc khi thường xuyên bị quỵt tiền tác quyền trong khi các công ty biểu diễn vẫn nghiễm nhiên được cấp phép một cách khó hiểu. Ca sỹ được tiền, nhạc sỹ được… vỗ tay Nói về tiền tác quyền, nhà thơ, nhạc sỹ Nghiêm Bằng cho hay: “Mỗi năm, bà Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sỹ Trịnh Công Sơn) có thể thu từ 300 – 600 triệu đồng và hơn thế nữa tiền bản quyền từ các nhạc phẩm Trịnh Công Sơn. Và các nhạc sỹ khác cũng có thể nhận được một khoản thu không kém từ tiền tác quyền nếu như không bị thất thoát”.
Trong khi đó, với tư cách là giám đốc của trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, nhạc sỹ Phó Đức Phương phải đi “nhặt nhạnh” từng đồng lẻ cho các nhạc sỹ. Thế mới biết, bấy lâu nay, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật đã kiếm được một món lợi khổng lồ từ việc “quỵt” tiền bản quyền của các nhạc sỹ sáng tác”. Theo các nhạc sỹ cho biết, chỉ sau khi chính thức được các nhạc sỹ, hoặc gia đình các nhạc sỹ ký ủy quyền cho trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đơn vị này mới thay mặt người ủy quyền đi thu tiền bản quyền cho tác giả. Trong đó, từ 25 – 30% số tiền thu được sẽ được trích lại cho trung tâm như một phần kinh phí để duy trì hoạt động của bộ máy. Đây là quyền lợi chính đáng của trung tâm, được các nhạc sỹ chấp thuận. Tuy nhiên, mặc dù đã cố gắng hết sức, hiện nay, trung tâm cũng chỉ thu được không quá 10% số tiền bản quyền mà lẽ ra các công ty biểu diễn nghệ thuật phải trả cho các nhạc sỹ. So sánh mức thu nhập giữa nhạc sỹ với ca sỹ hiện nay, nhạc sỹ Đoàn Bổng chua xót nói: “So với mức thu nhập “khủng” của các ca sỹ hiện nay, nhạc sỹ gần như không thu được một chút lợi ích nào từ việc họ hát ca khúc của mình. Điều đó quá bất công với những người sáng tác khi chất xám của họ trở nên quá rẻ mạt so với những lợi ích mà về lý thuyết họ chắc chắn phải nhận được. Bởi vì ca sỹ, nhạc công là những người trực tiếp tham gia biểu diễn cho nên các đơn vị tổ chức khó có thể “ăn quỵt”, còn nhạc sỹ là người vắng mặt, thậm chí không biết tác phẩm của mình được sử dụng trong buổi diễn đó cho nên họ dễ dàng bị lờ đi. Tiền tác quyền giống như một loại thuế mà ai cũng muốn trốn dù đó là luật pháp, là nghĩa vụ của mỗi người. Đã làm kinh doanh, không ai là không hám lợi cho nên các công ty tổ chức biểu diễn trốn được bao nhiêu cứ trốn, “chui” được chừng nào cứ “chui” miễn sao tiết kiệm được một khoản chi tiền tác quyền mà bản thân họ chưa “quen” trả”.
Cơ quan quản lý quá dễ dãi trong việc cấp phép Ngày ngày xem nhiều chương trình nghệ thuật trên ti vi, thấy ca sỹ hát nhạc của mình, của cha mình là cố nhạc sỹ Văn Cao mà không trả tiền tác quyền, nhà thơ, nhạc sỹ Nghiêm Bằng bức xúc nói: “Lẽ ra trước khi cấp phép cho các chương trình biểu diễn, cơ quan chức năng phải yêu cầu đơn vị tổ chức thông qua trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nhưng điều này dường như không được thực hiện. Câu hỏi đặt ra là tại sao những cơ quan này lại dễ dàng cấp phép cho các chương trình biểu diễn khi bỏ qua một khâu quan trọng như vậy trong khi tác giả của các tác phẩm được mang ra biểu diễn không nhận được một xu? Phải chăng giữa họ đã có với nhau những thỏa thuận nhập nhèm, không minh bạch? Sự dễ dãi bất hợp lý của các cơ quan chức năng đã vô tình hay hữu ý tiếp tay cho các công ty biểu diễn nghệ thuật như công ty của ông Trần Bình liên tục “quỵt” tiền tác quyền, cướp không công sức của người sáng tác. Đó là một việc làm hoàn toàn sai trái, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, cần phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Hậu quả là các ca sỹ nghiễm nhiên thu vài chục thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi đêm biểu diễn trong khi nhạc sỹ không được một xu một hào nào”. Đồng tình với nhà thơ, nhạc sỹ Nghiêm Bằng, nhạc sỹ Đoàn Bổng cho rằng: “Các công ty biểu diễn nghệ thuật phàn nàn mức thu tiền tác quyền quá cao so với lợi nhuận họ kiếm được, điều này rất vô lý vì hiện nay, mức thu mà trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam áp dụng hoàn toàn dựa trên số vé họ bán được theo một tỉ lệ đã được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, công nhận. Bản thân tôi, tiền tác quyền mỗi quý, nhiều lắm cũng chỉ được khoảng từ 2 – 3 triệu đồng. Trong khi ca sỹ biểu diễn ca khúc đó có thể được trả catse vài chục triệu đồng. Nếu không có tác giả viết nên bài hát đó, thử hỏi ca sỹ lấy gì để biểu diễn? Dường như, họ không bao giờ biết ơn những bài hát đã giúp mình làm nên tên tuổi, lại càng không biết trân trọng những người đã viết nên những ca khúc đó. Nếu không có nhạc sỹ sáng tác ca khúc, người ca sỹ không có nhạc phẩm để biểu diễn nhưng chỉ có ca sỹ được trả công còn nhạc sỹ không được trả công hoặc nếu có thì cũng rẻ như bèo, điều này quá bất công”. Nhạc sỹ Đoàn Bổng cũng cho biết thêm: “Nếu ai đó nói rằng nhạc sỹ Phó Đức Phương thu của mọi người nhiều, trả cho tác giả ít thì phải đến tận nơi kiểm tra. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, cách đây vài tháng, trong một buổi họp báo ở 19 Hàng Buồm, nhạc sỹ Phó Đức Phương đã công bố sau ba tháng điều tra, cơ quan công an đã kết luận trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam làm việc nghiêm túc, không có sai phạm, thậm chí còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, tặng huân chương lao động. Bản thân chúng tôi cũng tin rằng nhạc sỹ Phó Đức Phương không làm chuyện bậy bạ như những lời đồn thổi trong thiên hạ”. Nhạc sỹ Đoàn Bổng bức xúc: “Với những đêm biểu diễn lớn, hàng nghìn vé được bán ra với giá vé trung bình mỗi cặp từ 2 – 4 triệu đồng, trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chỉ thu 1 triệu đồng/nhạc phẩm. Nhưng thực tế, ngoài 90% tiền tác quyền bị ca sỹ, đơn vị biểu diễn nghệ thuật “ăn quỵt”, nhạc sỹ chúng tôi chỉ được trả vài chục nghìn đồng, vài nghìn đồng, thậm chí 500 đồng cho mỗi ca khúc được biểu diễn”.