Ông Bùi Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đã cho biết: Quy định Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ và Điều 23 Nghị định 100 nói rõ, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả là người duy nhất độc quyền thực hiện hoặc cho người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm âm nhạc tại nơi công cộng có bán vé thu tiền. “Theo Điều 28 Khoản 8 của Luật Sở hữu trí tuệ, những trường hợp sử dụng biểu diễn tác phẩm nhạc tại nơi công cộng có bán vé thu tiền không được phép đồng ý của chủ sở hữu tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Do đó, đòi hỏi các bên sử dụng tác phẩm phải tuân theo pháp luật và khi xảy ra sự việc sai phạm theo Luật dân sự, yêu cầu bên vi phạm phải dừng hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật”, ông Hùng nói. Trong khi đó, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết, tác phẩm âm nhạc là tài sản cá nhân nên ủy quyền cho ai là quyền của nhạc sĩ đó. Đây là quan hệ dân sự giữa hai bên, nếu không giải quyết được thì đưa ra tòa, cơ quan quản lý nhà nước không được tham gia vào việc đó. “Nếu bắt thu tiền tác quyền mới được cấp phép thì cơ quan quản lý lại phạm luật. Vì thế, Bộ thường xuyên ra công văn nhắc nhở, các đơn vị thực hiện, tuân thủ pháp luật”.
Ông Nguyễn Đăng Chương bác ý định thành lập trung tâm tác quyền của NSND Trần Bình
Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD cho biết việc thành lập các Trung tâm bảo vệ quyền tác giả quy trình rất đơn giản. Các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp có nhu cầu thành lập trung tâm thì làm đề án, hồ sơ hiệp y với các cơ quan chức năng như Bộ nội vụ, Bộ Văn hóa, sau khi được phép có thể thành lập trung tâm hoạt động theo tổ chức của hiệp hội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Chương lại bác ý định thành lập một trung tâm tác quyền của NSND Trần Bình. Ông Chương nói: “NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam muốn thành lập trung tâm tác quyền âm nhạc là không đúng. Vì chức năng của nhà hát không có việc này đi ngược lại hoàn toàn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn mà đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL phê duyệt”.