Chiến thắng vang dội của “Em chưa 18” và khó khăn bất ngờ của “Lôi Báo” khiến điện ảnh Việt khởi đầu tươi sáng và kết thúc năm 2017 hơi bi quan.
Ngẫu nhiên là cả hai đều do Chánh Phương sản xuất, hãng phim thường thành công nhờ những dự án nhỏ không ai ngờ tới và thất bại với những dự án lớn và đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng ở thị trường điện ảnh Việt Nam, Chánh Phương không phải là hãng phim duy nhất gặp tình trạng khó lý giải này.
Sau gần 10 năm thị trường điện ảnh được phục hồi và ngày càng phát triển, cuộc cách mạng để “nâng tầm” hay thay đổi thị hiếu phim Việt vẫn loanh quanh rồi chốt lại ở một công thức đã cũ kỹ. Đó là cứ phim rom-com (lãng mạn, hài), chick-flick (phim dành cho phụ nữ) hay hài nhảm là thắng giòn giã, còn các phim “bom tấn” giả tưởng, hành động hầu hết đều thất bại thê thảm.
Em chưa 18 xô đổ nhiều kỷ lục của điện ảnh Việt. |
Phải chăng, khán giả của điện ảnh Việt Nam chuộng phim “gái” hay phụ nữ mới là người quyết định mua tấm vé vào rạp xem phim, dù có thể họ không trực tiếp trả tiền?
10 phim ăn khách nhất thì hết 7 phim ‘gái’
Trong danh sách 10 phim ăn khách nhất phòng vé của điện ảnh Việt Nam trong 10 năm đổ lại đây, có đến 7 bộ phim trong đó nhân vật nữ là trọng tâm và đối tượng khán giả hướng đến cũng là phụ nữ. Tiêu biểu là 2 bộ phim lần lượt lập kỷ lục doanh thu: Em chưa 18 và Em là bà nội của anh.
Ngoài ra, đó còn là Cô gái đến từ hôm qua, Tấm Cám – Chuyện chưa kể, Mỹ nhân kế, Cô Ba Sài Gòn, Nắng cùng một số bộ phim ăn khách khác như Gái nhảy, Những cô gái chân dài, Âm mưu giày gót nhọn, Nhà có 5 nàng tiên, Bạn gái tôi là sếp, Mẹ chồng, Hương ga, Cô dâu đại chiến, Để Mai tính, Ngày nảy ngày nay...
Ta có thể rút ra một kết luận rằng hễ cứ có từ “em” trong nhan đề là thắng đậm, còn không thì cũng phải có từ “gái”, “cô”, “nàng”, “mẹ” hay những tên riêng đậm đặc nữ tính như “Hương”, “Mai”.
Hiếm hoi lắm mới có thể kể tên vài ba bộ phim có mùi “trai” chiến thằng tại phòng vé: Tèo em, Để Hội tính, Chàng trai năm ấy. Nhưng ngay cả ở những bộ phim này, chất “nam tính” của chúng cũng không thực sự mạnh.
Sự lệch pha đáng ngạc nhiên
So sánh với nhiều thị trường điện ảnh khác, chúng ta có thể thấy sự lệch pha đáng ngạc nhiên và là một hiện tượng thú vị đáng để các nhà đầu tư nghiên cứu nếu muốn làm phim thắng rạp.
Trong các bài phân tích doanh thu của bảng xếp hạng doanh thu hàng tuần tại Mỹ, tôi có thể thấy rõ một điều: tỷ lệ nam nữ đến rạp luôn chênh lệch ở mức 60/40, tức là trong 10 khán giả đến rạp thì có ít nhất 6 nam, 4 nữ.
Wonder Woman là một trong những phim có vai chính nữ giới của Hollywood đạt thành công trong năm 2017. |
Đề tài và thể loại trong phim của Hollywood cũng hướng phần lớn đến khán giả nam giới như các thể loại siêu anh hùng, hành động, khoa học giả tưởng, sử thi, chiến tranh. Và các bộ phim giành cho nam giới luôn thành công hơn về doanh thu.
Điều này phần nào phản ánh chủ nghĩa “nam trị” trong cỗ máy công nghiệp điện ảnh của Hollywood khi các vị trí có quyền quyết định hay sáng tạo đều nằm trong tay đàn ông. Không chỉ trong các thể loại và đề tài sặc mùi nam tính nói trên, ngay cả trong những bộ phim nghệ thuật, phim tâm lý xã hội, các nhân vật nam là trung tâm vẫn ở thế áp đảo so với nhân vật nữ trung tâm.
“Male protagonist” hay “female protagonist” là hai cụm từ thường được dùng để phân biệt nhân vật nam trung tâm hay nhân vật nữ trung tâm trong một bộ phim hay một cuốn tiểu thuyết. Tỷ lệ nhân vật nam/nữ trung tâm trong phim Hollywood cũng chênh lệch rất lớn.
Ví dụ tờ The Guardian của Anh đưa ra thống kê: năm 2016, trong 100 bộ phim ăn khách nhất, chỉ có 29 bộ phim (chiếm 29%, dù được xem là đột phá và cao hơn 7% so với năm trước) có nhân vật nữ là trung tâm. Trong đó có thể kể một số phim thành công về doanh thu như Arrival, Bad Moms, Hidden Figures hay The Girl on the Train.
Năm 2017 được xem là năm thành công lớn của nữ giới ở Hollywood khi có thêm nhiều “female protagonist” trong phim, bao gồm những hiện tượng của phòng vé như Beauty and the Beast (đang tạm dẫn đầu phòng vé toàn cầu năm 2017 trước khi bị soán ngôi bởi Star Wars: The Last Jedi đầu năm 2018), Wonder Woman (phim ăn khách nhất mọi thời do nữ đạo diễn dàn dựng).
Ở điện ảnh Hàn Quốc, phần lớn các phim vẫn tập trung vào vai nam chính. |
Cũng có thể kể đến những bộ phim kinh phí trung bình thấp hoặc phim nghệ thuật độc lập tạo được tiếng vang cuối năm như Girls Trip, Atomic Blonde, Bad Moms 2, Pitch Perfect 3, The Beguiled, Lady Bird, I, Tonya, Battle of the Sexes…
Tất nhiên, cho dù chứng kiến một năm vượt trội của nữ giới, số lượng phim có nhân vật nữ là trung tâm của Hollywood cũng chỉ mới chiếm khoảng 30%, tức là vẫn còn rất chênh lệch so với các bộ phim có nhân vật nam làm trung tâm.
Ngay cả ở những thị trường điện ảnh Á Đông phần nào giống với tâm lý và thị hiếu của khán giả Việt Nam, sự chênh lệch này cũng được thể hiện rất rõ qua bảng doanh thu phim ăn khách nhất. Hiện tượng phim ăn khách nhất mọi thời đại tại Trung Quốc năm nay là Chiến lang 2, một bộ phim đậm đặc nam tính cổ cũ cho tinh thần dân tộc hiếu chiến và tất nhiên, nhân vật nam làm trung tâm.
Ở Hàn Quốc, sự chênh lệch này thậm chí còn nặng nề hơn khi hầu hết các phim ăn khách nhất và thu hút trên 10 triệu lượt khán giả trở lên hầu hết đều là phim tập trung vào các “male protagonist” mà chúng ta có thể kể tên như The Admiral: Roaring Currents (Đại thủy chiến), Ode to My Father (Lời hứa với cha), Veteran… hay những bộ phim ăn khách nhất năm nay như A Taxi Driver, Confidential Assignment hay The King…
Phim khoa học viễn tưởng luôn èo nuột tại Việt Nam
Star Wars, một siêu hiện tượng giải trí kéo dài hơn 40 năm qua và chiến thắng ở hầu hết các thị trường trên thế giới, nhưng nó hoàn toàn thất bại tại Việt Nam. Cách đây 2 năm Star Wars: The Force Awakens phát hành và đứng đầu bảng khoảng 60 thị trường trên thế giới, chỉ có 2 thị trường nó thất bại trước phim nội địa.
Star Wars: The Last Jedi gây bão phòng vé toàn cầu, nhưng lặng lẽ ở Việt Nam. |
Một là Hàn Quốc, nhưng chuyện này không có gì lạ vì thị trường phim nội địa của Hàn rất mạnh. Ở thời điểm đó, Star Wars đối đầu với The Himalayas, một bộ phim “bom tấn” đề cao lòng tự hào dân tộc của người Hàn. Hai là thị trường Việt Nam khi bộ phim tỷ đô này thất thủ trước Em là bà nội của anh, một tác phẩm hài cảm động về đề tài gia đình làm lại từ bộ phim gốc của Hàn Quốc.
Phần mới nhất Star Wars: The Last Jedi bổ sung thêm 2 nữ diễn viên người Việt là Ngô Thanh Vân và Kelly Marie Tran với hi vọng sẽ chinh phục được khán giả Việt Nam. Nhưng nó cũng không đạt doanh thu thực sự ấn tượng, thậm chí thua số tiền vé của Mẹ chồng chiếu trước đó 2 tuần, bất chấp đây là một bộ phim dở.
Sự thất bại của Star Wars và một số bộ phim khoa học giả tưởng ăn khách toàn cầu tại Việt Nam cho thấy thị hiếu của khán giả Việt Nam vẫn loanh quanh với những đề tài về các mối quan hệ gia đình, đôi lứa hơn là những bộ phim có tầm nhìn vượt ra khỏi mặt đất và chu du đến những thiên hà xa xôi.
Nói tóm lại, hãy dọn cho khán giả Việt Nam những món ăn đơn giản mà họ có thể liên hệ với bản thân hơn là những món ăn bắt họ phải… tưởng tượng. Trong những món ăn bình dân, đơn giản đó; những bộ phim “rom-com”, “chick-flick” hay phim hài nhảm vẫn là những kẻ không có đối thủ trong bảng xếp hạng doanh thu.
Tại sao khán giả Việt Nam chuộng phim ‘gái’?
Theo cá nhân người viết, có thể lý giải gu của khán giả phim Việt qua 3 lý do chính.
Thứ nhất, khán giả Việt vào rạp chủ yếu để giải trí đơn thuần và điều họ tìm kiếm là cảm xúc có tính bản năng: cười, khóc, yêu, hờn, giận, ghen tuông, sợ hãi… Điều này lý giải những bộ phim lãng mạn, hài hước hoặc kinh dị luôn dễ thành công hơn tại Việt Nam.
Thứ 2, nền giải trí của Việt Nam luôn ở tình trạng “âm thịnh dương suy” và các ngôi sao nữ luôn cho thấy sức thu hút lẫn độ bền hơn hẳn các ngôi sao nam giới. Trong quá khứ, tên tuổi của Trà Giang, Như Quỳnh, Lê Vân, Minh Châu, Thanh Quý luôn có sức ảnh hưởng và nổi tiếng lâu dài hơn các đồng nghiệp nam của họ.
Khoảng 10 năm trở lại đây, những cái tên bền vững nhất trong làng giải trí đều thuộc về nữ: Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà trong âm nhạc, Ngô Thanh Vân, Thanh Hằng trong nhiều lĩnh vực hay sự nổi lên gần đây của hai “nàng thơ” trong hai bộ phim kỷ lục: Miu Lê trong Em là bà nội của anhvà Kaity Nguyễn trong Em chưa 18.
Cùng Kaity Nguyễn, Miu Lê là gương mặt nữ tỏa sáng của điện ảnh Việt thời gian qua. |
Thứ 3, khán giả đến rạp chiếu hiện nay chủ yếu là giới trẻ và ngày càng được xem là xu hướng giải trí nổi bật của họ. Có vẻ như trong các cặp đôi tình nhân đi xem phim thì các cô gái mới là người ra quyết định và các chàng trai buộc phải chiều lòng và “xem ké” phim của bạn gái hơn là vì sở thích của họ.
Sự thành công vang dội của loạt phim Star Wars nhờ vào một số lượng rất lớn những anh chàng “nerd”, “geek” (hai từ chỉ những anh chàng đam mê khoa học, công nghệ và suốt ngày cắm đầu vào sách vở, máy móc) trong khi đó ở Việt Nam, những “anh chàng nerdy” vẫn là một từ khá xa lạ.
Thị hiếu, tâm lý, thói quen và môi trường giải trí của người Việt lý giải tại sao những bộ phim “gái” dễ thành công hơn, thậm chí lập kỷ lục, trong khi đó những bộ phim “bom tấn” mang màu sắc giả tưởng, được đầu tư kinh phí lớn lại gần như thất bại nặng nề.
Nhưng nói một cách công bằng, sự thất bại của những bộ phim bom tấn Việt không chỉ vì thị hiếu của khán giả Việt mà còn bởi tự thân các bộ phim này cũng chỉ mới dừng lại ở những tác phẩm minh họa vụng về hay chất lượng trung bình, mà Lôi Báo của đạo diễn Victor Vũ mới ra mắt là minh chứng rõ nhất.
Lê Hồng Lâm
Theo Zing