Năm 2014, showbiz Việt liên tục dấy lên những vụ việc về vấn đề tác quyền, trong đó phải kể đến 4 vụ tranh chấp tác quyền ầm ĩ nhất. Thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ từ lâu đã là mục tiêu chung trên toàn thế giới cho một xã hội loài người văn minh, tiến bộ hơn. Không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam tuy cũng có những bước tiến nhất định về mặt lập pháp, nhưng do thực trạng bất cập nên câu chuyện tác quyền vẫn còn bị bỏ ngỏ nhiều năm nay. Tuy nhiên trong năm 2014, công chúng lại được mấy phen bất ngờ với hành động “mạnh tay” của những người trong cuộc trong việc đấu tranh chống xâm phạm tác quyền. Cùng 2Sao điểm lại những vụ việc trên để độc giả có một cái nhìn tổng quan hơn: 1. Ca khúc của Sơn Tùng M-TP bị gỡ khỏi các BXH
Vào thời điểm đầu tháng 6, chàng ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP đã nhiều lần điêu đứng trước bão dư luận chĩa mũi dùi vào những nghi án đạo nhạc rõ ràng đối với những hit của anh. Hầu như tất cả ca khúc của anh: Đừng về trễ, Cơn mưa ngang qua, Nắng ấm xa dần, Em của ngày hôm qua … đều có dấu hiệu rõ rệt cho thấy hành vi sử dụng beat trái phép. Sự việc được đưa đi quá xa, làm tổn hao nhiều giấy mực của báo giới trong nước, thậm chí một số trang báo Hàn Quốc còn công khai lên án hành vi đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP.
Nhạc sĩ Huy Tuấn với tư cách là giám đốc âm nhạc của công ty quản lý Sơn Tùng M-TP đã đưa ra thông báo xử lý mạnh tay với những ca khúc này. Cụ thể là, công ty sẽ rút mọi bài hát Sơn Tùng sáng tác trước đây khỏi tất cả bảng xếp hạng (BXH) và trang nghe nhạc chính thống để thể hiện sự tôn trọng bản quyền trong âm nhạc. Sau đó, với tổng 11/13 nhạc sĩ thành viên Hội đồng tuyển chọn, Ban tổ chức chương trình Bài hát yêu thích chính thức đưa 3 ca khúc Đừng về trễ, Cơn mưa ngang qua và Em của ngày hôm qua ra khỏi BXH Bài hát yêu thích từ 0h00 ngày 14/6. 2. Trung tâm Làng Văn kiện đòi 38 tỷ đồng tiền tác quyền Gần đây, Trung tâm Làng Văn – chủ sở hữu bản quyền của kho nhạc Việt Nam lớn nhất thế giới – vừa tiến hành khởi kiện kênh truyền hình Saigon Television tại Mỹ vì vi phạm bản quyền các chương trình ca nhạc thiếu nhi, trong đó, điển hình nhất là các chương trình Con cò bé bé của ca sĩ Xuân Mai.
Trong hơn 10 năm qua, Công ty Làng Văn đã hợp tác cùng công ty quản lý của ca sĩ Xuân Mai là Công ty TNHH Con Cò Bé Bé (hiện đã sáp nhập vào Làng Văn) để sản xuất và phát hành các chương trình ca nhạc Con cò bé bé và nhiều chương trình khác.
Trước đó, cuối tháng 2/2014. Làng Văn cũng từng cáo buộc trang Zing MP3 sử dụng trái phép hơn 3.000 bài hát và hơn 600 album nhạc mà Làng Văn có bản quyền. 3. Đăng Khôi thay mặt SM, JYP, KT kiện VNG với trang web Zing Mp3 Cũng trong thời gian gần đây, ca sĩ Đăng Khôi – đại diện công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Quảng cáo Việt Giải Trí (VGT) – thay mặt phía Hàn Quốc đã đâm đơn kiện công ty VNG, với trang web Zing Mp3 vì hành vi sử dụng nhạc “chùa”.
Trước đó, KT Corporation – đơn vị được nhượng quyền sử dụng các sản phẩm âm nhạc từ các nhà sản xuất âm nhạc của Hàn Quốc – đã xác nhận Công ty VGT được quyền chính thức phân phối và khai thác để thu tiền phí sử dụng từ những cá nhân, tổ chức sử dụng nội dung Kpop tại Việt Nam, bao gồm gần 10.000 tác phẩm âm nhạc Hàn Quốc của hơn 750 nghệ sĩ Hàn Quốc. Qua đó, VGT có toàn quyền hợp tác với các cơ quan tổ chức Chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề vi phạm các quyền có liên quan tới nội dung Kpop này.
Zing MP3 là đơn vị đang nắm gần 70% thị phần nhạc số tại Việt Nam. Hành vi vi phạm bản quyền này được xác định ở các dịch vụ nghe nhạc online, tải bài hát miễn phí, video clip, nhạc chuông, nhạc chờ, nhạc nền Zingme. Các ca khúc Kpop mà VGT có bản quyền có đến gần 1 tỷ lượt nghe, xem trên trang web này nhưng VNG đã không trả tiền bản quyền cho chủ thể quyền theo đúng quy định. Sau nhiều lần yêu cầu trả tiền bản quyền nội dung K-Pop nhưng không được hợp tác, ca sĩ Đăng Khôi quyết định thay mặt những công ty lớn của Kpop đưa vụ việc ra pháp luật giải quyết với yêu cầu bồi thường là 4 tỉ đồng cho thời gian sử dụng từ tháng 8/2013 đến tháng 7/2014. 4. VCPMC đòi công ty Đồng Dao 170 triệu tiền tác quyền nhạc Trịnh Công Sơn Bắt nguồn từ đêm nhạc đầu tiên tại quê nhà sau bao năm xa cách của nữ danh ca Khánh Ly diễn ra vào ngày 9/5 ở Hà Nội, đại diện đơn vị tổ chức là ông Nguyễn Ngọc Sơn (công ty TNHH giải trí Đồng Dao) nhận thấy không hợp lý về phí tác quyền sau khi đã thanh toán 262.376.400 VND (bao gồm VAT) cho Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc nên vào đêm nhạc Khánh Ly lần thứ 2 tại Hà Nội (2/8), đơn vị tổ chức đã từ chối thanh toán số tiền mà trung tâm đưa ra là 170 triệu đồng.
Chính vì lẽ đó nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đến tận nơi biểu diễn để làm việc và cho biết, ông sẵn sàng lên sân khấu để tố cáo BTC trước khán giả. Câu chuyện lại càng căng thẳng hơn khi một lần nữa, nhạc sĩ Hồ trên núi tiếp tục cất công vào Đà Nẵng cho đêm diễn thứ 2 (8/8) để gặp và yêu cầu BTC thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền tác quyền cũng ngay thời điểm giờ diễn cận kề.
Sự việc lập tức thu hút đông đảo sự quan tâm từ nhiều phía của dư luận. Một bộ phận đồng tình với hành động “tới nơi tới chốn” của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Một số khác lại cho rằng hành động đến tận nơi diễn đòi tiền trước giờ G của ông là không văn minh. Tuy nhiên, không khó nhận thấy chính sự thiếu chặt chẽ đã tạo nên kẽ hở pháp luật cho vụ việc nói trên và vô vàn những câu chuyện khác. Đó là câu chuyện phí tác quyền cho các tác phẩm nghệ thuật bị xem… như rau ngoài chợ, thuận mua vừa bán và có thể “kỳ kèo bớt một thêm hai”. Và trong vụ tranh chấp giữa VCPMC và công ty Đồng Dao minh chứng cho việc thỏa thuận không đạt được khi người mua muốn trả một mức giá thấp nhất mà người bán lại đòi quá cao.
Chiều 12/8, đại diện BTC có buổi gặp gỡ báo giới tại TP.HCM để bày tỏ quan điểm về việc thanh toán tác quyền ca khúc sử dụng trong các liveshow Khánh Ly ở Hà Nội và Đà Nẵng. Trong đó, ban tổ chức tố cách hành xử của nhạc sĩ Phó Đức Phương là không văn minh và sẵn sàng ra tòa nếu xảy ra kiện tụng dân sự. Về phía nhạc sĩ, ông cũng chia sẻ sẽ theo đuổi vụ việc tới cùng.